Tôi được biết thêm trong Ban biên tập đầu tiên của tờ tạp chí văn chương này còn có những tên tuổi xuất thân từ tờ báo chiến sĩ như: Văn Phác, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Mai Văn Hiến, Vũ Tú Nam... Cả hai tờ báo và tạp chí đều nằm trong đội hình của Tổng cục Chính trị, lại là "hàng xóm láng giềng" cùng nằm trên "phố nhà binh" (phố Lý Nam Đế) thì cái sự hoán đổi vị trí dễ dàng là lẽ đương nhiên! Tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì nhà văn Vũ Tú Nam đã chuyển ngành sang Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng những kỷ niệm về ông, về những trang văn của ông vẫn còn tươi mới và sâu đậm đối với anh em báo chí-văn nghệ nơi phố lính.

Nhà văn Vũ Tú Nam. Ảnh tư liệu

Nhà văn Vũ Tú Nam tên khai sinh là Vũ Tiến Nam, còn có bút danh là Tú Nam, sinh ngày 5-10-1929, tại thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định-nơi sinh thành của những danh nhân văn nghệ sĩ: Trần Huy Liệu, Văn Cao, Văn Ký... Gia đình ông có nhiều người làm văn học nghệ thuật. Chú ruột ông là nhà thơ Côi Vị, các anh ruột của ông là nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Vũ Ngọc Bình, vợ ông là nhà văn Thanh Hương, con trai ông là họa sĩ Vũ Huy, cháu gái ông là siêu mẫu Hà Anh... Hồi nhỏ, Vũ Tú Nam theo học Trường Tiểu học Pháp-Việt tại thị xã Hòa Bình, sau đó ông lên Hà Nội học trung học. Năm 1947, ông nhập ngũ, công tác tại Báo Chiến sĩ ở Liên khu 4. Ông cùng với những phóng viên trẻ của Báo Vệ quốc quân như: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng... đã viết nhiều phóng sự, bút ký in trong cuộc thi: "Mẩu chuyện hay nhất", "Việt Bắc kháng chiến". Đó là tiền thân của Phong trào “Viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội" sau này. Những trang viết đầu tiên về bộ đội của anh phóng viên trẻ Vũ Tú Nam, sau được in vào các tập “Bên đường 12” (truyện vừa, năm 1950, giải nhất văn xuôi văn nghệ Liên khu 4), “Sau trận núi Đanh” (truyện, năm 1951), “Quê hương” (tập truyện ngắn, năm 1950), “Nhân dân tiến lên" (truyện, năm 1951)...

Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, văn xuôi viết về cuộc kháng chiến còn đậm tư tưởng chủ quan của nhà văn, ít chất liệu hiện thực, man mác buồn, nặng về hình thức. Tuy nhiên, đã xuất hiện những bút ký chiến đấu, những phóng sự chiến tranh và một vài truyện ngắn xuất sắc viết về đời sống kháng chiến, về cuộc sống nơi chiến khu của nhân dân và bộ đội ta. Trong số đó, truyện vừa “Bên đường 12” của Vũ Tú Nam được nhiều người yêu thích. Đây cũng là tác phẩm đã giúp ông giành giải nhất văn xuôi văn nghệ Liên khu 4 và sau này là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. “Bên đường 12” là tác phẩm đầu tay, là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời viết văn, làm báo của ông; đồng thời cũng như một tín hiệu cho thấy văn chương của ông bắt đầu từ cuộc đời bộ đội, gắn liền với cuộc sống học tập, chiến đấu của người lính; và hình ảnh người lính, cuộc đời người lính sẽ theo ông suốt cả cuộc đời.

Thật thế, mãi về sau, khi tuổi đã rất cao, ông viết chung với người bạn đời của mình là nhà báo Thanh Hương cuốn sách “Hồi ức tình yêu” (năm 2017) nội dung cũng chủ yếu nói về cuộc đời bộ đội. "Hồi ức tình yêu" qua những lá thư riêng là cuốn sách tổng hợp 250 bức thư được chọn trong khoảng 500 lá thư của hai vợ chồng ông gửi cho nhau từ năm 1950 đến 1968. Cuốn sách cho biết nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương quen nhau từ năm 1949 ở Thanh Hóa. Hồi ấy, nhà báo Thanh Hương công tác ở Quân khu 4; nhà văn Vũ Tú Nam là phóng viên Báo Chiến sĩ, đang là phóng viên mặt trận. Ngày 3-2-1954, họ tổ chức hôn lễ tại cơ quan Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Bà Thanh Hương nhớ lại: “Năm ấy, gần Tết, anh Vũ Cao mang một lá thư nhỏ không phong bì của chi ủy cơ quan anh Nam sang gặp tôi, hóa ra là mời về... cưới”. Bà Thanh Hương kể tiếp: “Giữa đợt phát động, cơ quan lại ở xa... tôi tức quá bật khóc. Khóc thế nhưng tôi vẫn lủi thủi đeo ba lô đi bộ về Cục Tuyên huấn cách đó 50 cây số để... cưới chồng. Lễ cưới diễn ra trong một ngày, ngày hôm sau tôi lại phải quay về đơn vị...”. Đọc “Hồi ức tình yêu”, người đọc không chỉ được nghe kể một câu chuyện tình thời chiến mà còn thấy hiện lên hình ảnh người lính, người viết văn, làm báo trong quân đội một thời.

Và ngay với cả những truyện đồng thoại và truyện ngắn đặc sắc nhất viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Tú Nam như: “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”, “Con thạch sùng”, “Cái trứng của bọ ngựa”, “Bát canh của bà”... cũng mang lối kể của một anh bộ đội, ly kỳ, sinh động và nhân hậu nhưng cũng giàu tinh thần mưu lược, dũng cảm.

Sinh thời, nhà văn Vũ Tú Nam từng viết: “Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý trọng sự trung thực và lòng nhân hậu” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, năm 2010). Bởi thế, văn và đời Vũ Tú Nam luôn là yêu thương và san sẻ. Với ông, nỗi niềm yêu thương, lòng nhân hậu luôn luôn tồn tại trong mọi thời gian, bất kể tháng năm. Tình yêu-hạnh phúc của ông rất riêng nhưng lại rất chung, chung cùng cộng đồng, nhân dân, đất nước.

Khi tôi ngồi viết những dòng này cũng là khi những người làm báo Báo Quân đội nhân dân-tờ báo mà ông gắn bó ngay từ những ngày đầu thành lập sắp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, ngày ra số báo đầu tiên. Không khí thật vui tươi trong ngày gặp mặt! Rất tiếc là không có mặt nhà văn Vũ Tú Nam-một nhà văn bắt đầu văn nghiệp của mình từ cuộc đời chiến sĩ, từ những trang viết đầu tiên về người chiến sĩ, viết cùng người chiến sĩ! Có thể xem đây như một lời chào giã biệt của những người lính gửi tới ông!

Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH