QĐND - Nếu không có tai nạn lao động ập đến bất ngờ với người con trai miền biển Thái Bình thì chưa chắc Trần Văn Thước đã trở thành nhà văn nổi tiếng. Lẽ tất nhiên, độc giả và bạn nghe đài cả nước cũng chẳng thể được thưởng thức những tác phẩm văn chương làm say đắm lòng người của ông. Thế mới biết, trong cuộc sống, dẫu có những hoàn cảnh ứa nước mắt đấy, nhưng nếu con người còn tin tưởng cuộc sống và tin tưởng vào chính mình thì có thể nhẹ nhàng bước chân vào ngày mai...
“Ngựa què!”
Cái làng quê thuần nông nơi vùng chiêm trũng Tiền Hải (Thái Bình) vốn quen thuộc với hình ảnh gốc lúa bờ tre. Những bông lúa trĩu hạt thấm đẫm mồ hôi công sức của người nông dân trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay đã nuôi lớn biết bao hoài bão tươi sáng của những người con vốn chân chất, mộc mạc thôn quê. Trần Văn Thước cũng là người như vậy, tuổi thơ anh gắn chặt với hơi thở, nhịp đập của đất. Cha mẹ anh là nông dân. Việc cày bừa, vác đất anh làm thông thạo. Trong đám trai tráng của làng, anh nổi trội với khả năng đánh giậm, đun te, gánh lúa khỏe.
Trần Văn Thước tuổi Giáp Ngọ - 1954 (cầm tinh con Ngựa). Ngựa thì bay nhảy. Có lẽ ở vùng quê lúa này thì chỉ có bay nhảy mới mong có cơ hội đổi đời. Năm 1971, chàng trai Trần Văn Thước tạm biệt lũy tre làng để nhập học vào Trường Đường sắt Bắc Thái. Ba năm miệt mài đèn sách, anh chính thức trở thành công nhân thợ nguội toa xe, Nhà máy toa xe Hữu Nghị. Cuộc đời của Trần Văn Thước tưởng chừng sẽ yên ổn với công việc của người thợ với cuộc sống gia đình yên ấm bên người vợ trẻ và những đứa con. Thế rồi, một ngày năm 1979, tai nạn đã giáng xuống cuộc đời anh. Một lần đang thi công công trình, một chiếc xà sắt từ trên cao rơi trúng vào anh, cắt vào thắt lưng làm gãy cột sống, liệt tủy, liệt nửa cơ thể. Trần Văn Thước đã phải giành giật sự sống với hy vọng mong manh trong suốt 2000 ngày đêm. Giám định thương tật, ông bị mất 82% sức khỏe, hạng thương tật 1/4. Sau 14 năm rời cánh đồng đất biển mặn mòi lập nghiệp, nay anh lại về với cha mẹ, vợ con với tấm thân tàn tạ.
 |
Phút suy tư bên trang viết của nhà văn Trần Văn Thước. |
"Ngựa" mà hỏng cả hai chân, bại liệt nửa người thì hỏi còn chạy làm sao? Con ngựa này còn khổ hơn thế! Từ thắt lưng trở xuống mỗi ngày một teo tóp. Ông phải dùng vải cuốn từ gót đến háng rồi dùng hai nẹp sắt buộc lại thành hai cái “chân vải”. Muốn đứng dậy phải đu cả người trên đôi nạng gỗ. Chưa kể một nỗi khổ quái ác trong sinh hoạt cá nhân, như ông nói vui luôn luôn trong trạng thái tự động hoàn toàn. Không thể diễn tả hết nỗi khổ của ông sau tai nạn ngáng giữa đời người này!
Nhưng cũng từ sau cái tai nạn khủng khiếp kia, trở về sống giữa làng quê thì cái khả năng tưởng tượng phong phú cùng với niềm đam mê văn chương, tình yêu quê hương nhọc nhằn gian khó mới đưa ông vào cuộc chiến đấu trên từng trang viết, dồn tâm huyết cho văn chương. Và văn chương đã trở thành thứ cứu cánh cho số phận, cuộc đời ông! Với nhà văn bình thường, việc sinh ra “đứa con” là sản phẩm tinh thần đến với công chúng vốn đã quá ư vất vả thì với nhà văn Trần Văn Thước, chuyện đó khó nhọc gấp ngàn lần. Ông không ngồi được nên việc viết phải đứng. Mỗi lần đứng cũng chẳng quá 15 phút. Đứng lâu, máu không lưu thông được nhưng khi có đề tài ông lại miệt mài bên chiếc vỏ hòm đạn B40 để “đánh vật” với đứa con tinh thần đang thai nghén. Khổ nhất vẫn là những lúc trái gió trở trời, người ông co giật đùng đùng. Những lúc ấy, ông cố gắng buộc chân vào thành giường và vật lộn, chống chọi với nó như một phần của cuộc sống. Hàng chục truyện ngắn, tiểu thuyết được xuất bản làm mê hoặc độc giả hay chuyện ông đã đạt kỷ lục về “Chuyện kể ở đại đội” được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với hơn 200 tác phẩm như phần thưởng xứng đáng ghi nhận nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã của ông. Ông được giới văn chương gọi với tên thân thương “Người có duyên với giải thưởng”, với sê-ri giải thưởng như: Giải ba truyện ngắn và giải nhì bút ký do Báo Văn nghệ tổ chức năm 1989; giải Nhì truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1990; Giải thưởng văn học thể loại truyện ngắn - Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải B truyện ngắn do Bộ Văn hóa-Thông tin tổ chức năm 2009… Chính nhờ tài năng thực thụ của ông, năm 1999, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam - trở thành hội viên chính thức của Hội. Nói về tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Trần Văn Thước, nhà văn Ngô Ngọc Bội - Trưởng ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ đặt ông ngang hàng với thế hệ nhà văn tài năng Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh…
Chưa một ngày làm lính!
Có điều khá thú vị là ông có rất nhiều bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, về người lính nhưng ông chưa một ngày sống trong môi trường quân đội. Dưới con mắt nghệ thuật của ông, bức tranh về cuộc sống của người lính và chiến tranh được khai thác, khắc họa đậm nét với nhiều gam màu sinh động, mới lạ, hấp dẫn. Đọc tác phẩm của ông, người đọc bị lôi cuốn bởi những tình huống, câu chuyện có thực của người lính mà cứ ngỡ ông là người lính trải nghiệm qua nhiều trận đánh, nhiều chiến trường. Với cách viết mộc mạc, rất riêng, câu viết ngắn, gọn, phong cách trình bày giản dị như cuộc sống vốn dĩ của người lính đã chinh phục nhiều bạn đọc khó tính. Nghe ông tâm tình mới thấy ông luôn tạo cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời. Có lẽ đó cũng là niềm tin tiếp thêm sức mạnh cho ông trải lòng trên từng trang viết. Những ai đã đọc truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký của Trần Văn Thước đều cảm thấy tác giả này có khiếu, có duyên kể chuyện, đặc biệt là trí tưởng tượng. Sự tưởng tượng trên nền của hiện thực. Hình ảnh, dữ liệu lời thoại đậm đà, dân dã, mộc mạc như củ khoai, hạt lúa nhưng lại đan dày chằng chịt các mối quan hệ hậu phương tiền tuyến, chiến tranh và hòa bình, người lính và làng quê, chính quyền và người dân, lớp trẻ với lớp người đi trước, đổi mới và bảo thủ… vì thế đã tạo ra một trường hiện thực đa tầng, đa chiều, cuốn hút người đọc. Ông tâm sự: “Viết văn là một việc đòi hỏi rất nhiều trí lực. Nhà văn đích thực dù gắng gỏi, nỗ lực đến đâu cũng không dám nghĩ là đủ, là đạt…”.
 |
Cháu ngoại của nhà văn Trần Văn Thước giúp ông băng bó chân trước khi ông đứng dậy viết văn. |
Điều ông nói thật thấm thía. Những con người lao động chân chính họ luôn nghiêm túc với công việc của mình. Dù gian lao, vất vả hay khỏe mạnh hoặc tật nguyền, họ luôn biết tìm cho mình hướng đi đúng đắn, đầy nghị lực, quyết tâm. Nhà văn Trần Văn Thước là con người điển hình cho hoàn cảnh vượt lên số phận, không đầu hàng trước bất hạnh, khổ đau. Với nhiều người việc bị liệt nửa người, cuộc đời tưởng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội nhưng ông đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Vấn đề là phải có niềm tin, quyết tâm, sống lạc quan, yêu đời thì chẳng bao giờ mình sẽ là người thừa của xã hội.
Có một điều thú vị về nhà văn Trần Văn Thước là mặc dù ông đã khẳng định được khả năng văn chương của mình nhưng chưa bao giờ ông coi đây là nghề kiếm tiền. Cuộc sống của ông và gia đình là nhờ vào thu nhập từ chiếc quầy tạp hóa với đủ thứ trên đời. Ông cho biết: “Ở vùng quê thuần nông, kiếm đồng tiền khó lắm. Mỗi thứ hàng bán ra cũng chỉ lãi một vài trăm đồng nhưng chịu khó lượm lặt cũng đủ để cuộc sống gia đình bớt khó khăn”. Suốt buổi sáng ở với ông, tôi thấy ông luôn tay chiều lòng các “thượng đế”. Quầy tạp hóa của ông rất nhiều hàng nhưng được sắp xếp gọn gàng, khoa học, dễ nhớ, dễ lấy. Chỉ cần khách hỏi mua hàng gì thì ông nhớ ngay đến vị trí của nó. Chắc vì thương hoàn cảnh của nhà văn tàn tật nên quầy tạp hóa của ông luôn đông khách. Những khách hàng đều là những người thân quen, trong làng, trong xóm. Có khi họ chẳng mua bán gì cũng tìm đến ông để tao nhã với thú vui uống chè đặc, chơi cờ tướng. Rồi những câu chuyện làng, chuyện xã được nhà văn gom nhặt tỉ mỉ "giắt lưng" làm vốn. Có sao đâu, từ ô cửa nhỏ, ông vẫn tự mở cho mình một tầm mắt để thấy trời cao. Ông không đi được bằng đôi chân nữa, thì ông đi bằng những ý nghĩ lương thiện và chất phác hướng đến những con người bất hạnh khác! Và Trần Văn Thước đã trở thành nhà văn tầm cỡ quốc gia, mà bất cứ ai khi soi vào ông sẽ thấy kiếp nhân sinh tuy bé mọn nhưng rực rỡ và lôi cuốn biết bao!
Bài và ảnh: ĐỨC DỤC