QĐND - Đọc và học thơ ông từ những ngày thơ bé qua những bài được in trong sách giáo khoa như “Đàn kiến nó đi”, “Bài ca trái đất”, “Chồng nụ chồng hoa”… nhưng hôm nay tôi mới được diện kiến ông. Giọng nói nhẹ nhàng, gương mặt hồn hậu, câu chuyện dí dỏm, hấp dẫn của một nhà thơ nổi tiếng viết về đề tài thiếu nhi lôi cuốn tôi trở về một thời thiếu thốn, gian khổ và niềm đam mê sáng tác cho con trẻ của ông…

Thời cháo cám và “Bữa cơm chiều 30 Tết”

Nhà thơ Định Hải, tên thật là Nguyễn Biểu, sinh năm 1937 ở Yên Định, Thanh Hóa. Riêng xuất xứ của bút danh “Định Hải” đã làm nên tên tuổi của ông cũng là một câu chuyện thú vị. Chẳng là, ngay từ đầu những năm 1950, khi còn rất trẻ, ông đã làm thơ và nhiều bài đã được đăng báo. Trong tất cả các tác phẩm đó, ông đều ký là Nguyễn Biểu. Cho đến năm 1959, nhân có sự kiện Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng, Nguyễn Biểu làm một bài thơ gửi cho Báo Văn nghệ tên là Thăm trăng. Nhưng sợ không được đăng, ông gửi tiếp bài thơ này cho Báo Độc lập, chỉ đổi tên bài thơ thành “Ta gắn quốc huy lên vầng trăng sáng”. Chẳng ngờ, bài thơ với hai cái tít ấy được cả hai báo chọn in.

Một thời gian sau, Báo Văn nghệ số tiếp, đăng một câu: Nhắn bạn Nguyễn Biểu: Từ nay bài vở đã gửi cho chúng tôi thì không gửi cho báo khác nữa. “Nhận dòng tin nhắc nhở trên báo, tôi xấu hổ quá. Có bạn bè còn xui tôi phải đến Báo Văn nghệ để “cãi”, sao để người ta phê bình thế, ông Tố Hữu một bài còn đăng 4 báo nhưng có ai nói gì đâu(?). Tôi suy nghĩ và quyết định phải đổi tên cho đỡ… phiền. Thế là lấy luôn tên xã Định Hải quê tôi làm bút danh. Lý do chỉ có vậy, ấy mà sau này, trong một lần, tôi về nói chuyện với thầy trò trường cấp 2 xã Định Hải, ông Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng đứng lên nói với toàn trường: “Các thầy cô và các em học sinh có biết vì sao nhà thơ Định Hải lấy bút danh là Định Hải không? Này nhé, đó là do ông yêu quê hương quá nên mới lấy tên xã làm bút danh đấy…”. Một lần nữa, tôi lại ngượng… đỏ cả mặt”-nhà thơ Định Hải nhớ lại.

Nhà thơ Định Hải. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Theo dòng hồi ức của nhà thơ Định Hải, thì cuộc sống của cái thuở ban đầu đến với thơ của ông cơ cực lắm. Khi học lớp 9, trường Lam Sơn, Thanh Hóa, để nuôi sống mình, ông phải lang thang khắp chợ Vườn Hoa của thành phố hành nghề cắt tóc dạo. Dù vậy vẫn đói, nhiều lúc phải ăn cả cháo cám để sống. Thường thì ông lấy thóc của mậu dịch về để xay, giã, sau đó đem trả gạo cho nhà nước, còn lại ít tấm thì ăn. Hết tấm thì ăn đến cám… Trong những ngày đói kém này, kỷ niệm về “một bữa no” làm ông nhớ mãi: “Vì những hoàn cảnh riêng, nên Tết năm 1955 tôi không thể về nhà. Tôi ở lại trường và được thầy hiệu trưởng Lê Văn Nguôn gọi đến cho ăn bữa cơm Tất niên. Một bữa ăn nhớ đời, không chỉ vì ngon và no nê mà còn vì tình cảm mà thầy dành cho tôi. Sau đó, tôi có làm một bài thơ “Bữa cơm chiều 30 Tết” nói về câu chuyện này. Trong đó có đoạn: Chưa bao giờ/ Thầy trầm giọng gọi “con”/ Như bữa cơm chiều 30 Tết/ Đứa trò nhỏ xa nhà/ Thầy cô từ miền Nam tập kết/ Bữa cơm duy nhất trong đời/ Chỉ thầy cô và con biết mà thôi…”.

Cái khó còn đeo đẳng cả trong những năm tháng nhà thơ học ở Khoa Văn, Đại học Tổng hợp. Để có tiền ăn học, ông phải đi làm thuê. Một trong những “nguồn” thu nhập chính lúc này là thơ. Ông cặm cụi, say sưa viết để kiếm tiền. Không chỉ làm thơ, ông còn làm ca dao, viết hoạt cảnh thơ… Dù có nhiều bài được đăng nhưng nhuận bút rất thấp. Chàng sinh viên trẻ đến trường vẫn mặc quần áo vá chằng, vá đụp và những bữa ăn nay đói, mai no. Càng nghèo khó, càng thôi thúc ông học, bởi ông biết chỉ có học giỏi và thành danh thì mới có thể thay đổi được cuộc sống của mình.

Nhà thơ của thiếu nhi

Có thể nói cuộc đời sáng tác của nhà thơ Định Hải chia làm hai đoạn. 5 năm đầu hầu hết làm thơ cho người lớn. Đoạn thứ hai, cũng là phần lớn tâm huyết cuộc đời ông, từ năm 1961 về sau này, ông dành viết cho thiếu nhi. Khi về công tác ở nhà xuất bản Kim Đồng, biết được khuynh hướng sáng tác của nhà thơ Định Hải, Võ Quảng đã “cảnh báo”: “Em làm thơ theo con đường này là giống anh. Nhưng nên nhớ, thơ cho thiếu nhi như một lối nhỏ trong rừng, ít người biết đến ta và ta chỉ biết cắm cúi mà đi”. Nhà thơ Huy Cận có lần cũng nói, làm thơ cho thiếu nhi rất khó, khó gấp đôi so với làm thơ cho người lớn.

Nhà thơ Định Hải tâm sự rằng, sở dĩ ông quyết tâm theo con đường sáng tác cho thiếu nhi, mặc dù biết là rất khó khăn là bởi ông có duyên với trẻ và luôn phát hiện ở thế giới trẻ thơ những thú vị, những tứ thơ. “Khi quan sát trẻ, tôi thấy chúng gần gũi vô cùng, cả khi chúng chơi với nhau, đùa với động vật, cả khi chơi đùa với người lớn và những người xung quanh… Đó là một thế giới thần tiên, trong sạch, chỉ có cái đẹp và vươn tới cái đẹp…”- tác giả “Đàn kiến nó đi” tâm sự.

Mỗi bài thơ của Định Hải đều gắn với những kỷ niệm không thể nào quên. “Bài ca trái đất” là một trong số đó. Ông kể: “Năm 1978, tôi cùng đoàn thiếu nhi Việt Nam dự trại hè thiếu nhi quốc tế ở Cộng hòa dân chủ Đức (cũ). Trẻ em khắp năm châu với đủ màu da tụ họp. Đoàn thiếu nhi Việt Nam có 10 em, 5 nam, 5 nữ. Có một điều lạ là trước ngày khai mạc, trong khi ở đoàn khác, thiếu nhi các nước, nam nữ khoác tay nhau đi chơi, tham gia các hoạt động một cách rất tự nhiên, thoải mái thì đoàn chúng ta, các em nam đi một nơi, nữ túm tụm một chỗ. Tôi có nói chuyện này với nhà thơ Xuân Diệu. Ông cũng băn khoăn: “Tại sao trẻ em ta không hòa đồng như các nước nhỉ? Người lớn phải hướng dẫn, giáo dục chúng. Nếu không dạy chúng cầm đũa thì chúng sẽ ăn bốc đấy”. Đến hôm khai mạc, các em da trắng, vàng, đen, đỏ nắm tay nhau hát múa quanh quả địa cầu khổng lồ màu xanh da trời. Nhìn cảnh ấy, tôi xúc động quá. Những vần thơ tự nhiên cứ “buột” ra: “Trái đất này là của chúng mình/ vàng trắng đen tuy khác màu da…”. “Bài ca trái đất” được hoàn thành ngay trên khán đài trong buổi tối hôm ấy. Năm 1979, quốc tế tổ chức cuộc thi về thiếu nhi. Bài thơ của ông được hàng chục nhạc sĩ trong nước phổ nhạc, cuối cùng bản phổ nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục với tiêu đề “Trái đất này là của chúng mình” được chọn để gửi đi thi và đã đạt giải cao. Hơn 30 năm qua, bài hát vẫn được trẻ em rất yêu thích. Sáng tác này cũng được chọn là một trong 50 tác phẩm cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX…”.

Một bài thơ khác cũng rất quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam là bài “Đàn kiến nó đi”. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nhà thơ Định Hải hay để ý quan sát mỗi lần qua các trường học. Ông thấy, mỗi lần xếp hàng vào lớp, do nghịch ngợm, hiếu động, các em học sinh thường chạy nhảy, đi lại khiến hàng lối nhốn nháo, lộn xộn. Nhà thơ chợt nghĩ, phải làm một cái gì đó, phải có một hình ảnh nào đó để so sánh với việc xếp hàng của các em, qua đó nhắc nhở, uốn nắn các em. Ông nghĩ ngay đến kiến vì hồi nhỏ ông thích kiến, chơi với kiến, hơn nữa, sinh hoạt của loài kiến rất gần với trẻ con. “Một đàn kiến nhỏ/ Chạy ngược chạy xuôi/ Không ra hàng một/ Chẳng thành hàng đôi/ Đang chạy bên này/Lại sang bên nọ/ Cắm cổ cắm đầu/ Kìa trông xấu quá/ Chúng em vào lớp/ Sóng bước hai hàng/ Chúng em ra đường/ Đều đi bên phải/ Đẹp hàng đẹp lối/ Cô giáo khen ngoan/ Chẳng như đàn kiến/ Rối tinh cả đàn”.

Do yêu trẻ và dành nhiều công sức, tâm huyết cho các sáng tác về trẻ em nên nhà thơ Định Hải rất quan tâm chú ý tới các tài năng trẻ. Trong đó phải kể đến những kỷ niệm của ông với nhà thơ Trần Đăng Khoa, từ những ngày “thần đồng” thơ chưa đầy 10 tuổi. Đó là năm 1968, trong một ngày làm việc tại nhà xuất bản Kim Đồng, ông nhận được một tập thơ viết tay 30 bài của cậu bé Trần Đăng Khoa. Đọc một mạch, ông vừa thích thú vừa bất ngờ trước những hình ảnh và ý tưởng khác thường của “nhà thơ nhí”. Lãnh đạo nhà xuất bản cử ông xuống Nam Sách (Hải Dương) để gặp Trần Đăng Khoa. Ngay từ lần gặp đầu tiên, tác giả “Góc sân khoảng trời” đã gây cho ông nhiều ấn tượng. Trần Đăng Khoa hồi đó nhỏ con nhưng đôi mắt rất sáng, làm thơ hay và nhanh. Để thử Khoa, ông chỉ lên bức tranh 3 thiếu nữ hái hoa treo lên tường và bảo cậu làm bài thơ lục bát. Chỉ vài phút sau, Trần Đăng Khoa đã hoàn thành, trong đó có câu rất hay: “Dù hoa có đẹp đến đâu/ Cũng không bằng cái áo màu ba cô”. Ông hỏi vì sao Khoa biết phép so sánh đó. “Thần đồng” trả lời: “Em học cụ Nguyễn Du”. Khi nhà thơ Định Hải đưa Trần Đăng Khoa lên Hà Nội, việc đầu tiên Khoa yêu cầu là được đi ăn kem Tràng Tiền. Ông đèo Trần Đăng Khoa trên một chiếc xe đạp đi ăn kem, ăn phở và chơi phố. Mối quan hệ thân tình của hai thế hệ nhà thơ còn gắn bó đến tận hôm nay. “Hồi nhỏ, Trần Đăng Khoa làm thơ thường rất nhanh nhưng có lúc cũng… bí. Dịp 8-3-1968, nhà trường giao cho Khoa làm một bài thơ chúc mừng các cô giáo. Nghĩ mãi không ra, cậu gãi đầu gãi tai nói với tôi: “Khó quá, anh làm giúp em nhé!”. Thương tình tôi cũng làm giúp một bài thơ nho nhỏ. Sau này, trên một bài báo, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng kể lại câu chuyện này và bảo: “Hôm nay tôi chính thức trả lại bài thơ này cho nhà thơ Định Hải”- thi sĩ họ Nguyễn cười vui kể lại. 

Trần Hoàng-Bích Trang