QĐND - “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...”, mỗi khi bài hát “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân cất lên lại dội cho tôi những cảm xúc khác nhau về mẹ và gợi tôi nhớ đến câu chuyện đã chứng kiến ở Bệnh viện đa khoa Đồ Sơn (Hải Phòng). Hôm ấy, nghe thấy tiếng gào khóc ngọng nghịu của những đứa trẻ khuyết tật ở ngoài hành lang bệnh viện “Mẹ dơi, mẹ dừng dết da mẹ”, chúng tôi sửng sốt và không ai cầm được nước mắt. Khi đó, chúng tôi chưa thật hiểu những đứa trẻ tật nguyền muốn nói gì, nhưng nhìn gương mặt đang méo mó, đau khổ và tuyệt vọng... chúng tôi cảm nhận được một điều, người phụ nữ đang nằm trên giường bệnh kia gắn bó và gần gũi với chúng biết bao. Sau này có điều kiện, chúng tôi may mắn được gặp và biết chị là Trần Thị Thanh Hương, người mẹ của 166 đứa trẻ khuyết tật ở mái ấm Thiện Giao (Đồ Sơn, Hải Phòng).

Lớn lên trong vòng tay yêu thương của Mẹ

Sau trận mưa bão tháng 7 năm 2010, cánh cửa bằng tre nứa ở mái ấm nuôi trẻ khuyết tật Thiện Giao (Đồ Sơn, Hải Phòng) của chị Trần Thị Thanh Hương lại càng xiêu vẹo, tả tơi. Trận cuồng phong ấy đã cướp đi mạng sống của Đạt, một trong số 166 đứa con của chị. Mất Đạt, chị đau đớn đến phát ốm và phải nhập viện. Đạt bị thiểu năng trí tuệ, trời nóng là cứ lao đầu vào tường đến chảy máu mới thôi, vớ cái gì cũng ăn, cũng nhai ngấu nghiến. Đến cả chăn, chiếu rải nằm Đạt cũng cho vào miệng để ăn. Thương con, nhiều đêm chị Hương phải lẻn vào phòng ôm con ngủ. Nhưng chỉ đến 2 giờ sáng là chị tỉnh giấc bởi Đạt lại vuốt tóc, hát “ru” mẹ ngủ. Bão mạnh tràn đến, trong lúc chị cuống cuồng giữ mái nhà cho các con khỏi ướt thì Đạt lẻn ra ngoài. Tan bão, mọi người mới phát hiện thấy em cứng đờ dưới ao. Chị đứng như hóa đá trước xác con... Nhưng nhìn lũ trẻ nhớn nhác, tả tơi sau trận bão, chị gắng gượng dậy, cố ăn uống tốt để chống chọi lại căn bệnh ung thư phổi đã di căn sang dạ dày và cổ họng, cố che chở cho các con.

Chị Hương (người đứng giữa) chăm sóc bữa ăn hằng ngày cho các con.

Sửa lại xong nhà cửa, nhưng giờ đây trước mắt tôi chỉ còn là một đống tàn tro. Chị Hương cười như khóc: “Kỹ sư” Trầm “sửa điện” đấy các em ạ. Ba lần trước “sửa điện” thì nổ đường dây điện thay hết gần 30 triệu đồng, lần này thì cháy luôn cả nhà..”. Nghe mẹ nhắc tên mình, Trầm chạy quanh tít mù nói ê a: “Ầm... ầm... Trầm nhưng không bổng...”, rồi ngửa đầu cười sằng sặc. Thấy chúng tôi có vẻ hốt hoảng chị Hương nhắc: “Trầm cưng yêu, vào nhà nấu cơm với các chị để mẹ tiếp khách nhé!”. Nghe mẹ Hương nói thế, Trầm ngẩn ngơ cười, rồi chạy xuống bếp, nhưng vẫn ngoái nhìn chúng tôi với vẻ mặt đầy nuối tiếc. Chị phân trần “Ở với các con thiểu năng trí tuệ là phải nhẹ nhàng các em ạ. Tất cả các con đều khéo tay lắm, biết cách chiều, hướng dẫn tỉ mỉ thì việc gì cũng làm được”.

Những đứa con bị “đao” do hậu quả của chất độc da cam, với người khác là "con bỏ đi", nhưng chị đã đưa chúng về, uốn nắn để chúng biết tự chăm sóc bản thân và dạy cho cái nghề. Nhiều người nói chị là “Bà Hương dở hơi, xé toạc cuộc đời mình vì người dưng”, nhưng chị lại nghĩ “Khi các con ăn đủ, ngủ ấm, được học hành” là niềm hạnh phúc lớn lao của mình. Trong vòng tay yêu thương của chị, các con đã bập bẹ đọc chữ, tập gọi và nhắn tin trên điện thoại, biết quét nhà, nuôi lợn, làm nấm, làm cây cảnh, nấu cơm, giúp đỡ lẫn nhau... Thoáng thấy tôi nhìn chăm chú vào tờ giấy dán trên tủ thuốc với dòng chữ màu xanh nghệch ngoạc "Mẹ nhớ uống thuốc ngay”, chị tự hào khoe “Tại bận nhiều việc, lắm lúc chị quên uống thuốc, nên cu Tuyền viết dặn dò đấy!”. Mỗi ngày trôi qua, nhìn ngắm các con khôn lớn hơn, biết thêm một việc tốt các con làm là mọi buồn tủi, bệnh tật trong chị dường như tan biến hết.

Gánh nỗi đau cho đời

Đầu hè năm 2012, chị Hương xinh đẹp ngày nào đã bước sang tuổi 63. Quá nửa đời người, chị đã gắn bó với mái ấm Thiện Giao, với những đứa con khùng khùng, dở dở. Trước đây, từng có người đàn ông tìm đến chị để xây dựng mái ấm riêng, nhưng thấy cảnh tượng này đã quay gót ra đi. Bên ấm trà mạn pha đặc quánh, với giọng nói ồm ồm như đàn ông do căn bệnh ung thư đã di căn vào họng, chị kể lại chuyện đời mình. Cái duyên gắn bó với những đứa con khuyết tật, đối với chị như một giấc mơ. 16 tuổi cô nữ sinh duyên dáng của Trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng) lên đường nhập ngũ. Năm 1972, trên đường từ chiến trường miền Nam ra Bắc, một đồng đội bị thương nặng, khó qua khỏi, nên đã gửi chị 2 đứa con nhờ chăm sóc. Chị không ngần ngại gánh hai đứa trẻ, một con tên Lạc, một đứa tên Hằng ra Bắc. Cứ mỗi lần di chuyển, là một lần chị gánh thêm những đứa con “không lành lặn” của đồng đội về hậu phương.

Một góc nhà trồng nấm của mái ấm Thiện Giao.
Chiến tranh kết thúc, "hành trang" mà chị Hương mang về nhà là một đàn con lít nhít. Chị định bụng gặp người yêu, bàn bạc để xem chăm sóc chúng như thế nào. Nhưng dự định chưa nói thành lời, thì người yêu đã đi lấy vợ. Quá buồn tủi và hụt hẫng, chị đưa các con ra Móng Cái (Quảng Ninh) sinh sống. Từ ngày ấy, niềm vui của chị là những đứa con tật nguyền. Đến nay, có 166 đứa trẻ là nạn nhân chất độc da cam đã được chị Hương chăm sóc, nuôi nấng. Người lớn nhất cũng đã 45 tuổi, còn đứa nhỏ nhất là 5 tuổi. Nhiều đứa con được chị nuôi dưỡng, giờ đã có chỗ đứng trong xã hội, về tặng mẹ tiền xây dựng chuồng trại và chăm lo cho các em.

Chị bảo, ai từng trải qua chiến tranh, biết được ranh giới mong manh của sự sống với cái chết, biết đồng đội sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, thì sẽ hiểu tại sao chị làm như vậy. Giờ đây, nhiều người đã hiểu công việc mà chị đang làm, nên trong nhà luôn nhộn nhịp khách đến thăm hỏi, tặng quà, đông nhất là các bạn sinh viên trên khắp mọi miền đất nước. Tuy vậy, chị vẫn luôn rèn luyện cho các con cách sống “Tự làm, tự sống, tự nuôi nhau, có người tốt giúp đỡ thì mình mang ơn chứ nhất định không bao giờ được đi xin...”. Cả cuộc đời chị chỉ biết đến chữ xin có một lần. Đó là xin những người độc mồm, độc miệng hãy để cho các con của chị được sống bình yên.

Có ai cảm nhận được giữa những đứa trẻ ngô nghê ấy lại nảy sinh ra cảm xúc mà ta quen gọi là tình yêu ngoài chị Hương. Việc phát hiện ra Hạnh và Thêm mến nhau, rồi lén lút sống như vợ chồng làm chị tá hỏa. Chị lại lặn lội tìm đến luật sư nhờ tìm hiểu, tư vấn để cho hai con kết hôn. Tình yêu đã khiến Hạnh từ một anh chàng phá phách, trở thành người chồng rất nghe lời vợ. Thêm có lúc lười nhác, không thích làm việc, thì nay đã trở thành người chăm chỉ nhất. Trong gia đình Thiện Giao, giờ đã có 4 mái ấm nhỏ tràn ngập yêu thương.

Nặng lòng nỗi lo cho mai sau…

Để có những đứa con trưởng thành, bao phen chị phải ốm nặng vì gánh nặng mưu sinh. Quãng chục năm trước, chị tất tưởi đưa các con về Đồ Sơn thành lập Công ty Cổ phần Thiện Giao chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm sinh vật cảnh để bán. Song sản phẩm làm ra không nhiều, mà cũng chẳng bán được bao nhiêu. Làm thế nào để mảnh đất cô quạnh này sinh ra tiền nuôi mấy chục miệng ăn? Trăn trở ấy giúp chị quyết định trồng nấm linh chi. Nhưng loại nấm này khó có thể sống được ở gần biển do độ mặn cao. Không nản chí, chị tìm sách về nghiên cứu, tìm người có kinh nghiệm trồng thử. Hai vụ đầu, sản lượng tuy không cao, nhưng hàm lượng dinh dưỡng thì rất tốt. Lúc mới làm nấm, Trầm “kỹ sư” đã chọc thủng bao để tìm hiểu xem nấm đẻ ra từ đâu. Những đứa khác thì đem cho lợn ăn, hoặc ném hết xuống ao để “dọn dà cho mẹ ạ”. Chỉ khi thấy mẹ ngồi khóc bên ngôi nhà nấm bị phá tan hoang, chúng mới chợt tỉnh, rồi phụ giúp chị trồng lại nấm. Tiền bán nấm mỗi năm được trên 100 triệu đồng, cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu chi tiêu cho các con. Đứa lành lặn thì ăn học, đứa ốm yếu thì tiền thuốc, tiền đi viện. Không ít đứa mỗi bữa ăn đến cả chục bát cơm vẫn chưa no. Các con đi vệ sinh một ngày mấy lần, rồi vứt luôn quần áo xuống ao, làm chị lại phải đi vớt lên đem về giặt giũ. Ngày nào cũng làm quần quật, đêm xuống lại cành cạch máy khâu để may vá quần áo cho các con... Món nợ dương thế, cứ ngày càng vắt mòn sức lực và trí tuệ của người phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng vẫn cố mang lại hạnh phúc cho con trẻ khuyết tật.

Biết thời gian sống của mình còn rất ngắn, dù mới ở tuổi 63, chị đã lên kế hoạch trước cho các con trong gia đình đặc biệt của mình. Người mà chị định giao trọng trách là Phương. Phương tuy mất cả 2 chân nhưng đầu óc minh mẫn, lại thông minh nên chị mua xe ba bánh điện cho Phương đi học chuyên ngành Kế toán, Khoa Kinh tế Trường Đại học Hải Phòng. Những đứa khác như Hoa, Dính, Hai cũng được chị lo cho đi học trường nghề, cao đẳng để sau này phụ giúp Phương. Chị luôn dặn các con “Không có mẹ, có bị ngã dập mặt cũng phải đứng lên thay mẹ chăm sóc các em”. Bây giờ chị cũng không còn đơn độc. Chị có cô Len, chú Việt là bộ đội Đoàn an dưỡng 295 (Quân khu 3) đã nghỉ hưu, con cái đều công tác xa nên ngày nào cũng ra phụ chị chăm sóc các con.

Cuộc sống của chị chắc chỉ còn kể tháng, kể ngày. Nhưng chị vẫn ước mơ có điều kiện sẽ đưa các con đi thăm chiến trường xưa chị đã từng chiến đấu, nơi mà tình yêu mẹ con bắt đầu nhen nhóm và đến cả mũi Cà Mau để thấy đất nước ta dài rộng, tươi đẹp như thế nào. Nhưng với tôi, tấm lòng nhân hậu của chị Hương, cũng rộng dài như sông, như biển. Tấm lòng ấy dù đang hiển hiện trên thế gian này, hay đi vào cõi vĩnh hằng, vẫn làm cho cuộc đời này đơm hoa thơm, kết trái ngọt, vẫn là điểm sáng lương tri để mỗi chúng ta phải ngưỡng mộ, học tập, tôn vinh và nhớ mãi…

Bài và ảnh: Huyền Trang