QĐND - Người ta nói, cả nước Việt Nam hiện nay chỉ có làng Nhật Tân (Hà Nội) trồng được đào Thất Thốn. Cả làng Nhật Tân cũng mới có mỗi nghệ nhân Lê Hàm trồng thành công giống đào “đệ nhất thế gian”, vua của các loại đào này. Hành trình gian nan để tìm được bí quyết trồng giống đào quý ấy kéo dài tới 20 năm.

Thế gian đệ nhất đào

“Anh vớt củi trên sông” là một cách ví von mà một người bạn dành cho Lê Hàm. Quả thật nom anh xù xì, lấm lem, bùn đất, như một người vớt củi trên sông Hồng mùa lũ, hay cũng giống một người xúc than nào đó mà tôi đã gặp ở vùng mỏ... Ở anh cũng toát lên vẻ hồn hậu của một nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Ấy thế mà Lê Hàm lại xuất thân từ một gia đình quân nhân, có học thức. Bố anh là đại tá, nguyên Trưởng ban Cán bộ của Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng). Bản thân anh cũng có 9 năm trong quân ngũ. Năm 1989, sau khi xuất ngũ, trở lại với nghề trồng đào gia truyền của làng Nhật Tân, nơi quê hương “chôn rau, cắt rốn”, anh quyết định phải làm một điều gì đó thật khác biệt, tạo dấu ấn riêng ở một vùng đất đã có quá nhiều nghệ nhân trồng đào nổi tiếng.

Một cây đào Thất Thốn ra hoa vào dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua.

Từ nhỏ, anh vẫn nghe các nghệ nhân trong làng ca tụng, đồn thổi với nhau về giống đào vua - Thất Thốn. Đó là giống đào năm xưa chuyên dùng để tiến vua mỗi dịp Tết. Nó có thân đen, xù xì, khi chưa nở hoa, trổ mã thì trông cứ như một cành củi mục được ai đó cắm vào chậu cây cảnh, buồn thiu, xúi quẩy, chẳng có chút sinh khí, sức sống nào. Đến độ, nếu không được giới thiệu trước, dịp giáp Tết, bước vào nhà ai mà có cây đào Thất Thốn này, khách chắc hẳn phải lấy làm ái ngại cho vượng khí của chủ nhân trong năm mới. 

Ấy thế mà khi đã nở hoa thì đào Thất Thốn rực rỡ và đẹp đến thần bí mà chẳng có loài đào nào sánh được. Lúc sắp ra hoa, thân cây hoa cứ sáng dần lên. Rồi từ trong cái màu đen chết chóc của thân cây nhú lên những chồi xanh mướt và những nụ hoa đỏ thắm. Màu đỏ của hoa đào Thất Thốn thật đặc biệt. Nó chẳng khác nào màu đỏ trên dải giấy viết các câu đối Tết, mà bay bổng trên đó là những nét bút tài hoa của các ông đồ già. Cánh hoa Thất Thốn dày dặn, ở giữa là nhụy vàng. Cả cây hoa là những sự tương phản, đối lập đến ngỡ ngàng: Đối lập về màu sắc (màu đỏ của hoa và màu đen của thân cây), đối lập về sức sống (sự đen mục già nua của thân cây và sự xanh non, măng mớn của chồi). Những cành Thất Thốn dáng khẳng khiu, hoa đỏ thắm, lại được đặt trong chậu xanh mướt với thảm thực vật li ti ở phía dưới, dễ làm liên tưởng tới khung cảnh hùng vĩ của một cây gạo lâu năm ngạo nghễ giữa thảo nguyên xanh.

Chẳng ai đưa ra được một giải thích rõ ràng, minh triết về cái tên: Đào Thất Thốn. Tất cả chỉ là phỏng đoán từ một số đặc điểm của cây. Có người nói là do mỗi thốn đào (nhánh nhỏ) dài 7 tấc, nở ra 7 bông đào. Có người lại nói tên Thất Thốn là sự cộng lại của hai chữ: “Thất bát” và “thiếu thốn”, do trồng đào Thất Thốn thì nghèo, không chóng thu lợi như trồng những loài đào khác. Nguyên nhân là do đào này rất khó ra hoa, mà có ra hoa thì thường vào Rằm Tháng Giêng, đã qua Tết mất rồi, vì thế, nếu trồng chơi thì không sao, chứ trồng để kinh doanh thì thua to.

Cũng chẳng ai biết gốc gác chính xác của giống đào này. Chỉ biết các cụ truyền lại rằng, đây là vua của các loại đào và thường được dùng để tiến vua. Có người nói Thất Thốn là giống đào có gốc gác từ Trung Quốc, nhưng Lê Hàm bảo đã từng sang Trung Quốc xem các loại đào, mà chẳng thấy loại nào giống đào Thất Thốn của Việt Nam. Trong các tranh cổ, người ta thấy bóng dáng của cành đào Thất Thốn. Người ta kể với nhau rằng, các gia đình Hà Nội xưa, nhà nào có cây đào Thất Thốn trong nhà là quý lắm, cả nhà mong ngóng từng ngày, đếm từng bông đào nở. Thế nhưng, cũng rất hiếm khi đào nở. Với Lê Hàm, trồng đào Thất Thốn trong 20 năm, anh chứng kiến chỉ có 3 lần đào ra hoa.

Lang thang và cơ duyên      

Chính vì nguyên nhân ấy mà khi Lê Hàm quyết định trồng đào Thất Thốn để kinh doanh, cả nhà đã coi đó là điềm gở, tìm mọi cách can ngăn. Nhưng chí đã quyết, Lê Hàm quyết tâm thành công từ giống hoa mà nghệ nhân nào cũng ngại.

Vụ hoa Tết đầu tiên - năm 1989, Lê Hàm thất bại thảm hại. Mấy gốc đào Thất Thốn mà anh mua góp nhặt từ các nhà trong làng về cứ xù xì, đen đúa đến “nẫu ruột” ở giữa vườn, chẳng ra nổi một bông hoa, trong khi những vườn nhà bên thì rực rỡ nào đào bích, đào phai. Trong làng, lắm kẻ dè bỉu, cười chê. Cả nhà lại một phen can ngăn. Nhưng Hàm vẫn quyết tâm. Thế rồi, lại mấy vụ hoa nữa thất bại, vốn liếng cạn dần, anh nhận ra rằng, chế ngự được giống đào Thất Thốn không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, không phải cứ muốn là được. Những phương pháp chăm sóc thông thường như tuốt lá, chiết, ghép, tỉa cành, khoanh gốc…đều bất lực với đào Thất Thốn. Anh quyết định trồng xen kẽ cả những loại đào khác, để có “sức” tiếp tục nung nấu “giấc mơ Thất Thốn”.

Lê Hàm bên cây đào Thất Thốn đẹp nhất vườn với giá thuê là 100 triệu đồng.

Đã nhiều lúc, Lê Hàm bị ngờ là mất trí, là khùng, vì cứ “ôm” mãi đống “củi mục Thất Thốn”. Loay hoay trong vườn nhà mãi mà chẳng thấy tiến triển, anh khăn gói lên đường, lang thang khắp nẻo rừng núi để tìm cho được bí quyết trồng đào. Anh nghĩ, cây đào này xù xì như đào rừng, chắc hẳn phải có nguồn gốc từ rừng núi. Thế là nghe ai nói ở đâu có giống đào hao hao đào Thất Thốn là anh lại ngược xuôi theo những chuyến xe, quyết tìm bằng được. Thấy anh cần mẫn lội suối, băng rừng để tìm một thứ gì đó, có người nghĩ: “Chắc là anh đi đào vàng”, hay là “dân buôn lậu”… Khi biết anh đi tìm bí quyết trồng hoa đào, có người buông thõng một câu: “Đúng là thằng hâm”. Biết vậy, anh chỉ cười. Mà đúng là hâm thật. Bởi bao vốn liếng đã đi tong để trồng “mấy cành củi” trong suốt 20 năm ròng. 

Đến một ngày, khi lang thang đến vùng núi đá giáp biên thuộc tỉnh Lạng Sơn, anh giật mình khi phát hiện trước một cửa hang có mấy cây đào mọc trên đá trông hao hao đào Thất Thốn. Những đọt ánh sáng xuyên qua cây rừng, chiếu thẳng xuống làm bừng lên sắc thắm hoa đào. Ngỡ mình đang mơ, Lê Hàm phải dụi mắt vài lần để định thần. Không hẳn là đào Thất Thốn, nhưng có những điểm giống. Nhắm mắt lại, hít hà để cảm nhận không khí ở nơi đó, Lê Hàm còn cẩn thận gói mấy nắm đất mang về. Mẫu đất ấy được Lê Hàm gửi cho chuyên gia nông nghiệp phân tích. Cùng với kinh nghiệm từ thất bại bấy lâu nay, Lê Hàm đã tổng hợp để cho ra được công thức, trở thành bí quyết trồng giống đào vua này.

Đận Tết năm 2009, tức là đúng 20 năm kể từ lúc trồng, đào Thất Thốn vườn nhà anh ra hoa đồng loạt. Những bông hoa đỏ thắm kiêu sa trong nắng xuân, những mầm lá non mơn mởn làm cho mỗi cây đào trở thành một kiệt tác của tạo hóa. Nức tiếng gần xa, người sành chơi đào từ khắp nơi ùn ùn đổ về để tận mắt chiêm ngưỡng vua đào. Vua đào Thất Thốn đã bừng tỉnh sau thời gian dài chìm trong giấc ngủ đông. Năm ấy, Lê Hàm sung sướng, đến nghẹn ngào, ôm chầm lấy vợ nói: “Tìm thấy bí quyết trồng đào Thất Thốn rồi”!

Khu vườn thi nhân, mặc khách

Hiện nay, trong vườn của nghệ nhân Lê Hàm ở làng Nhật Tân đã quy tụ được hơn năm chục gốc đào Thất Thốn. Điều đặc biệt ở chỗ, nhờ những bí quyết riêng, Lê Hàm “bắt” tất cả những cây đào này đều ra hoa, trổ mã vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Với vẻ đẹp và độ quý hiếm của mình, mỗi cây đào được định giá khá cao, tùy theo hình dáng, kích thước và tuổi của cây. Một cây đào Thất Thốn cao khoảng 50cm được định giá thuê rẻ nhất là từ 5 đến 10 triệu đồng, để chơi trong khoảng 15 ngày dịp Tết. Cá biệt, có cây giá cả trăm triệu đồng.

Lê Hàm yêu đào Thất Thốn, coi hoa như con mình. Vì thế, anh chỉ cho thuê, chứ nhất quyết không bán đứt. Có lần, một đại gia muốn thuê cây đào đẹp nhất vườn của anh với giá 100 triệu đồng để đưa vào Nam, nhưng anh không đồng ý vì không thể theo vào tận trong đó để lấy cây về.

Thế nhưng, cơ duyên nếu run rủi để được gặp những người yêu Thất Thốn, anh sẵn sàng biếu tặng để người kia được thưởng thức vẻ đẹp của cây. Với anh, tiền bạc thật đáng quý, bởi công sức của anh đã đổ ra trong 20 năm để có những cây đào Thất Thốn hôm nay thật chẳng biết bao nhiêu mà kể. Nhưng cái đáng quý hơn là những người yêu hoa đích thực lại được thưởng thức vẻ đẹp của Thất Thốn, lại được bàn tán, chiêm ngưỡng nó mỗi dịp Tết đến, xuân về, gia đình tụ họp. Cái thú của Lê Hàm là tập hợp nhóm bạn thân, rồi các thi nhân, văn sĩ, tài tử đến quây quần trong khu vườn rực sắc xuân để uống rượu, vịnh thơ, ngắm đào Thất Thốn nở.

Lê Hàm còn nhớ rõ năm trước khi nhà văn Băng Sơn qua đời, nghe tin đào Thất Thốn nở hoa, ông đã lên tận vườn để ngắm. Ông ngỡ ngàng nói với Lê Hàm rằng: “Không ngờ có lúc lại được nhìn thấy đào Thất Thốn ra hoa”. Chuyện kể rằng, có một nhà sư trụ trì tại một ngôi chùa ngoại thành Hà Nội có thú chơi cây cảnh. Nhà sư ấy thường đến các vườn đào để thưởng hoa xuân. Say mê vẻ đẹp của Thất Thốn, nhà sư ấy làm hai câu thơ dân dã thế này:

Nhà ai có phúc mấy đời

Tết Xuân có được cây đào tiến vua

Với hơn 50 gốc đào Thất Thốn, trong đó có gốc giá thuê tới cả trăm triệu đồng, nhiều người nhẩm tính mỗi vụ Tết, nghệ nhân Lê Hàm kiếm được một khoản tiền mơ ước. Thế nhưng, chị Huệ - vợ anh vẫn khuyên chồng nên từ bỏ cây đào Thất Thốn, để chuyển sang những loại đào thường. “Nghe nói giá thuê cây tới cả trăm triệu thì ai cũng muốn trồng. Nhưng người ta có biết đâu là anh Hàm hơn 20 năm nay chẳng được một bữa cơm ngon, một giấc ngủ yên, ngày nào cũng ở ngoài vườn từ sáng sớm đến tối mịt, để chăm sửa từng nhánh hoa. Chi phí chăm sóc cũng tốn hơn đào thường hàng chục lần, gồm tiền công thợ và bao thứ tiền khác… Tôi chỉ mong anh ấy chuyển hẳn sang những cây đào thường cho bớt vất vả”. Chị xót xa cho chồng. Lê Hàm làm hẳn một gian nhà với đủ điều hòa nóng, lạnh hai chiều để điều chỉnh nhiệt độ cho hợp với “tính khí” của Thất Thốn vào từng thời điểm trong năm. Rồi cứ hai ba ngày lại phải huỳnh huỵch khiêng hơn 50 cây đào từ trong nhà ra ngoài đón nắng, đón sương…

Thực tế, ngoài đào Thất Thốn, Lê Hàm còn trồng đủ cả đào rừng, đào bích, đào phai, hoa mai, lộc vừng… Nhưng với anh, Thất Thốn vẫn là “niềm đam mê máu thịt”. Mà còn hơn cả niềm đam mê, anh coi đó là trách nhiệm - bảo tồn và phát triển một loài hoa đào “đệ nhất thế gian”.

Bài và ảnh: Hồ Quang Phương