Hà Nội, những ngày cuối cùng của năm 2022, trong cái rét đầu mùa khiến cho con người trở nên vội vã, từng con phố nhỏ như muốn co mình lại. Chúng tôi tìm đến ngôi nhà tại địa chỉ số 5 phố Chả Cá (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm), sắc xuân vẫn ngập tràn bốn mùa với khoảng không gian chỉ vỏn vẹn 10m2

Từng bông hoa đua nở bung cánh, đẹp mê hồn nhưng điều làm tôi không khỏi ngỡ ngàng chính là nhan sắc khiến “hoa ghen thua thắm” của "nữ hoàng hoa lụa" đất Hà Thành, người làm ra các tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác ấy. 

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Mai Hạnh (73 tuổi, Hà Nội) được phong Nghệ nhân Ưu tú khi mới 31 tuổi và là truyền nhân của 2 nghề truyền thống, là con gái thứ 9 của Nghệ nhân Đoàn Thị Thái.

Mối nhân duyên bị “ép” làm hoa

Mười ngón tay nghệ nhân Mai Hạnh vừa thoăn thoắt uốn những cánh sen hồng nghệ nhân say sưa kể cho chúng tôi về mối nhân duyên bị “ép” làm hoa lụa, dù đây là nghề “cha truyền con nối”.

Ngày đi sơ tán, hoa lụa trở thành người bạn thân thiết đối với nghệ nhân Mai Hạnh, bà nhớ lại: “Tôi còn nhớ như in thời kỳ đất nước chiến tranh mưa bom, bão đạn của thập niên 60, người dân Hà Nội phải đi sơ tán về các tỉnh lân cận. Cả gia đình tôi sơ tán về Trâu Quỳ (nay là thị trấn thuộc huyện Gia Lâm), ngày đó các hầm chông có mấu tre để lộ thiên, chỉ vì sơ ý bất cẩn mà tôi vấp chảy máu. Sau đó bị nhiễm trùng và phải nghỉ học mất một năm.

 Nghệ nhân Đông Dương Đoàn Thị Thái và Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Mai Hạnh thời trẻ.

Mẹ tôi vốn là Nghệ nhân Đông Dương Đoàn Thị Thái, sau đó bà được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng mở một trường dạy ở Hưng Yên dành cho những nghệ nhân giỏi có tên tuổi, về ẩm thực, nghệ thuật hoa lụa và tỉa hoa đu đủ... 6 tháng sau, vết thương dần đã lành tôi cùng mẹ rong ruổi khắp các lớp học, mối nhân duyên “ép” làm hoa cũng từ đó mà ra”.

 Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Mai Hạnh thời trẻ còn được ví như “Hoa khôi phố cổ”.

Trái ngang thay, từ nhỏ nghệ nhân Mai Hạnh lại rất thích học vẽ và mong muốn mai sau sẽ làm họa sĩ. Thầy giáo Phạm Viết Song dạy vẽ bà ngày đó đã nói với bà rằng: “Làm họa sĩ thì dễ còn làm nghệ nhân mới khó. Mẹ em là nghệ nhân hoa lụa “có một không hai”, nếu không theo nghề thì biết truyền cho ai?”. 

 Nghệ nhân Mai Hạnh (hàng trước, thứ 2 từ phải qua) chụp ảnh cùng đồng chí Gherman Stepanovich Tito, Chủ tịch hội Xô - Việt tại Đại hội 3 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ ngày 2-11 đến 4-11-1988.

Chính câu nói của thầy đã thôi thúc tinh thần của bà không ngừng phấn đấu, tìm tòi sáng tạo ra những mẫu hoa mới, để ngày hôm nay bà thành công với hoa lụa – cái nghiệp mà bà đã nguyện gắn bó suốt cuộc đời và được người đời gọi với danh “Nữ hoàng hoa lụa".

Giả mà thật - Thật mà giả

Không chỉ được mệnh danh là “nữ hoàng hoa lụa”, nghệ nhân Mai Hạnh còn là một “hoa khôi phố cổ”. Năm 28 tuổi, nghệ nhân Mai Hạnh giành được Huy chương Vàng trong cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc với bông hoa dâm bụt bằng lụa. 

“Để bông hoa dâm bụt bằng lụa không chỉ có sắc mà còn "tỏa ngát hương”, tôi nghĩ ra ý tưởng dùng bột thạch cao chấm lên nhụy hoa, tỉ mỉ từng chi tiết sao cho giống những hạt phấn li ti. Sau khi dùng chất liệu này, tôi thấy cực kỳ hiệu quả vì nó vừa giúp kết dính tả thực y hệt hoa thật”, nghệ nhân Mai Hạnh nói.

 Cánh sen được nhuộm màu hồng, càng lên trên gần đài sen càng nhạt dần, trông chẳng khác nào hoa thật.

60 năm trong nghề, dường như chưa bao giờ nghệ nhân Mai Hạnh làm hoa theo kỹ xảo của một người thợ quen tay, lành nghề mà từng tác phẩm đều là sự tâm huyết, bà thổi “hồn”, tỏa “hương” trong từng loài hoa. Bà bảo “Hoa lụa là hoa giả nhưng nếu thổi hồn của người thợ vào đó thì nó cũng thành thật. Nều hồn chưa tới, đóa hoa chỉ như nhúm vải vô hồn, lạnh lẽo”.

Theo nghệ nhân Mai Hạnh, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội thời đó có từng nói với bà rằng: “Làm nghề này phải bị trừng trị và lên án bởi vì nó thật mà giả, giả mà thật. Những nghề làm giả thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hàng giả nhưng được hoàn thành bằng thủ công, tác phẩm đẹp và có hồn. Đó là một niềm hạnh phúc vô bờ trong nghề của tôi”.

 Hoa sen lụa dưới bàn tay tài hoa của Mai Hạnh, mang vẻ đẹp thuần khiết, có cả đài, nhụy và phấn hoa, cánh sen.

Mới ngày nào, cô con gái út của Nghệ nhân Đoàn Thị Thái còn quấn quýt thủ thỉ với mẹ “con mơ thấy mình làm được những bông hoa giả mềm mại như hoa thật”. Cho đến khi được tôn vinh thành nghệ nhân hoa lụa khi mới tròn 35 tuổi và đến bây giờ, những ai từng chơi và sành về hoa lụa, đều biết hoa lụa của nghệ nhân Mai Hạnh không đâu sánh bằng.

Nghệ nhân Mai Hạnh tặng hoa lụa của chính mình làm cho Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng. 

“Với tôi, hoa là cả một thế giới bao la rộng lớn, chính hoa lụa là nơi tôi có thể sáng tạo không ngừng. Càng làm hoa, tôi càng tìm tòi để có được những bông hoa đẹp nhất, sinh động nhất. Mỗi bông hoa qua sáng tạo đều mang một vẻ riêng, một câu chuyện riêng, thậm chí là một số phận riêng đầy màu sắc”, nghệ nhân Mai Hạnh nhấn mạnh.

Trong cửa hàng của nghệ nhân Mai Hạnh có cơ man là hoa, nào là bông hồng đỏ rực, những cành đào chúm chím nụ hồng hay những đóa tulip từ đất nước Hà Lan xa xôi… nhưng nổi bật nhất vẫn là “quốc hoa” (hoa sen).

Qua đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, chúng đều toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. Bông hoa sen mang vẻ đẹp thuần khiết, có cả đài, nhụy và phấn hoa, cánh sen được nhuộm màu hồng, càng lên trên gần đài sen càng nhạt dần, trông chẳng khác nào hoa thật.

 Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ, vinh danh nghệ nhân Mai Hạnh.

Điều thú vị của từng bông hoa lụa chính là bí quyết gia truyền sáng tạo ra sắc hoa của nghệ nhân Mai Hạnh. Bà chia sẻ: “Hoa được uốn như rồng múa phượng bay đã đành, để hoa lụa có màu sắc sống động và bền như hoa thật, đòi hỏi kỹ thuật pha màu, vẽ công phu, chuẩn xác”.

Đưa hoa lụa Việt vươn ra 5 châu

Chính bởi tài năng sáng tạo hoa lụa rất độc đáo mà nghệ nhân Mai Hạnh luôn được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch “chọn mặt gửi vàng” mời đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Pháp… để biểu diễn và giảng dạy, giúp đưa hoa lụa Việt tới khắp năm châu - bốn biển. 

Mỗi chuyến đi đến từng quốc gia, nghệ nhân Mai Hạnh khiến bạn bè thế giới phải ngỡ ngàng, nể phục. “Đôi tay lụa” của nghệ nhân còn góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá nghề hoa truyền thống của dân tộc đến rất nhiều nước khác nhau.

Lục tìm lại ký ức, nghệ nhân cho hay: “Năm 2014, tôi tham gia biểu diễn ở Philippines 2 ngày, tôi sung sướng vô cùng vì họ tặng tôi bằng “báu vật nhân văn sống”. Ôi hạnh phúc quá! Bởi lẽ, họ coi nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như là thiên thần, là báu vật sống của nhân loại. Chỉ khi đặt chân đến các nước mới thấy họ tôn trọng và quý nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. 

Năm 1994, tôi được tặng “Bằng cảm tạ” của Nhật Hoàng nước Nhật Bản. Nhật Hoàng có bảo tôi làm một tác phẩm, tôi cầm luôn chiếc kéo trên tay và cắt một tác phẩm. Đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn đầy biến hóa đã tạo nên một chiếc lá hoa cúc tạo nét riêng đặc biệt của hoa lụa Việt Nam. 

Khi sản phẩm đã cắt xong, Nhật Hoàng yêu cầu cho tôi ký lên chiếc lá đó, sau đó ông đã cất gọn vào chiếc ví với một bên là ảnh vợ, bên còn lại là tác phẩm của tôi. Không dừng lại ở đó, ông còn xin phép “cầm bàn tay mềm mại của người con gái Thủ đô Hà Nội” để hôn lên bàn tay thật kỳ diệu”.

Năm 1999, nghệ nhân Mai Hạnh vỡ òa khi nhận giải thưởng “Bàn tay vàng Đông Dương”. Trước đó, nghệ nhân Đoàn Thị Thái (mẹ bà) cũng nhận được giải thưởng này, việc nhận được giải thưởng đó như lời cảm ơn, tri ân sâu sắc đến người mẹ đã truyền cảm hứng cho bà gìn giữ phát triển nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. 

Dù đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời, nhưng nghệ nhân Mai Hạnh ấy vẫn còn nhiều nỗi niềm đau đáu trong lòng. Khi chúng tôi đến cũng là thời điểm bà vừa trải qua một trận ốm nặng, sức khỏe bà cũng yếu dần, chỉ cần gió mạnh cũng khó để bà ngồi chăm chút từng bông hoa. “Thời gian chẳng chờ đợi ai nên còn ngày nào được sống với hoa, tôi sẽ làm tất cả để “giữ lấy lề”, giữ lấy cái nghề đã gắn bó bao đời của tổ tông”, giọng nghệ nhân trầm xuống.

Năm 1979, nghệ nhân Mai Hạnh được mời sang Mông Cổ dạy làm hoa lụa trong 3 tháng cho hơn 100 học sinh. Khi về đến Việt Nam, bà cho rằng mình đã đến các nước dạy cho học sinh của họ, vậy làm sao mà không thể dạy cho học sinh ở nước mình. Do đó, bà đã mở nhiều lớp dạy cho học sinh quê hương mình. Thậm chí bà còn dạy cho cả những du khách nước ngoài có niềm đam mê với nghệ thuật hoa lụa. 

“Hơn 20 năm qua, tôi vẫn miệt mài đến không ít ngôi trường, làng hữu nghị truyền nghề cho biết bao học sinh, tạo công ăn việc làm cho các em mồ côi, tàn tật và không bao giờ nhận một đồng tiền công. Đây là tình cảm của tôi đối với các con, là tấm lòng đáp lại tình cảm của tôi đối với cha mẹ, giúp tôi làm được việc có ích trong xã hội”, nghệ nhân Mai Hạnh tâm sự.

Hơn 20 năm qua, nghệ nhân Mai Hạnh vẫn miệt mài đến không ít ngôi trường, làng hữu nghị truyền nghề cho biết bao học sinh, tạo công ăn việc làm cho các em mồ côi, tàn tật. 

Cuộc trò chuyện cũng dần ngắt quãng bởi người mua ngày càng đến nhiều. Nhưng với chúng tôi, người nghệ nhân ấy, năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng gương mặt vẫn tươi tắn, giọng cười vẫn giòn tan. 

Có lẽ, cả cuộc đời yêu hoa, yêu cái đẹp nên tâm hồn của bà cũng trẻ trung, sống động hơn. Bàn tay vẫn tròn đầy, trắng trẻo, mềm mại vuốt ve những cánh hoa. Cũng từ bàn tay ấy, mấy chục năm qua, hồn cốt của biết bao loài hoa đã được gìn giữ và phát triển như một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc giữa lòng Thủ đô Hà Nội…

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Mai Hạnh chia sẻ với tác giả về nghề hoa lụa “giả mà thật - thật mà giả”. 

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC