Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực truyền nghề của các nghệ nhân, làng nghề đan lát truyền thống của đồng bào Khmer ở xã Phú Tân (Châu Thành, Sóc Trăng) ngày càng phát triển. Ðến nay, xã Phú Tân có hơn 100 hộ làm nghề đan các loại nông cụ xưa như: Cối xay lúa, gầu sòng, gầu giai, rổ, thúng, cần xé, chõng tre, bàn, ghế bằng tre...
Tiếp nối nghề truyền thống cha ông, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn ra sức truyền dạy nghề cho bà con trong phum sóc, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer.
 |
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Liếp. |
Hơn 50 năm gắn bó với nghề đan lát, đến nay, nghệ nhân Lâm Liếp chưa nghỉ ngơi, ông vẫn mê nghề và sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Các sản phẩm của ông luôn được khách hàng ưa chuộng. Ông Lâm Liếp bộc bạch: “Làm các sản phẩm đan lát tốn nhiều công sức, đòi hỏi tính cần cù, tỉ mỉ. Tôi luôn muốn duy trì nghề này, để thấy cái hồn quê chân chất, mộc mạc, thân thuộc. Rất vui là hiện nay, nhiều người quay lại dùng đồ thủ công, họ đặt tôi làm theo mẫu, nhiều mẫu khó, tôi phải mày mò mãi mới làm được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ðắt Pháp, Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết: “Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành đầu tư kinh phí xây dựng làng nghề đan lát với máy móc, nhà kho, nhà trưng bày, qua đó một hợp tác xã làng nghề được thành lập. Ðây không chỉ là niềm vui của những nghệ nhân có tâm huyết như ông Lâm Liếp mà còn là niềm tự hào rất lớn của bà con dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Mong rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách quan tâm đầu tư để duy trì, phát triển làng nghề giúp đồng bào Khmer nâng cao mức sống, đồng thời góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Bài và ảnh: GIA UYÊN
Trong 2 ngày (19 và 20-4), tại Quảng trường Đại đoàn kết (thành phố Pleiku) đã diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai, lần thứ nhất-năm 2022.
Tôi có may mắn được ngồi thưởng ngoạn nghệ nhân Lê Văn Phú thổi hồn cho những bức tranh bằng đồng. Chính xác hơn, nói bằng ngôn từ của dân trong nghề là “thúc đồng”.