QĐND - Đã hơn một lần tôi viết về ông và cũng nhiều đêm tôi thức trắng chỉ để đọc những bài báo, bài viết liên quan đến cuộc đời và những ý tưởng khác người của TS Hồ Bá Quỳnh. Người ta bàn nhiều về những ý tưởng của ông. Có người trầm trồ thán phục, nhưng cũng lắm người cho rằng ông bị hoang tưởng và ví ông là lão gàn của thế kỷ XXI... Còn với tôi, phía sau những ý tưởng khoa học đang tranh cãi kia là sự kính trọng thiêng liêng dành cho một nhà khoa học chân chính - người hiến cả cuộc đời để hiện thực hóa những ý tưởng khoa học vì quốc kế dân sinh.

Gặp lại ông già “hưu nông dân”

Tôi “gặp” TS Hồ Bá Quỳnh qua điện thoại vào một ngày đầu năm 2011. Khi đó dư luận đang bàn tán xôn xao về tính khả thi của đề tài hưu nông dân của ông. Tôi cũng quan tâm nhiều đến đề tài đó vì cảm nhận được mục đích của nó rất thiết thực với người nông dân. Qua câu chuyện hàn huyên, ông Quỳnh nhã ý mời tôi về Nghệ An thăm gia đình ông và quê hương Bác… Thế nhưng vì công việc bộn bề, mãi đến cuối tháng 3-2012 này, tôi mới có dịp vào thăm ông.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ (số 35, đường Hồ Hán Thương, thành phố Vinh) chỉ có một số "tài sản": Một chiếc ti vi cũ để ông xem thời sự; một chiếc bàn làm việc với ngổn ngang tài liệu; 3 cái tủ đầy ắp những công trình khoa học ông đã từng nghiên cứu...

Ông Quỳnh trắng nhưng khuôn mặt ông vẫn lồ lộ vẻ hốc hác, sầu não… Đôi mắt ông trắng đục. Ông bảo với tôi mắt ông đục là vì ông thức khuya nhiều đêm, trăn trở với những công trình dang dở. Còn theo vợ ông - bà Nguyễn Thị Bích Thân - thì tại ông hay suy nghĩ. Mà đúng hơn là vì ông “khóc” nhiều lần. Ông khóc vì những công trình của mình chưa được nhìn nhận đúng đắn giá trị, chưa được ứng dụng rộng rãi. Ông cũng khóc vì uất ức, khi trí tuệ, công sức chính đáng của mình đôi lúc bị người khác giễu cợt …

Bà Thân kể, sức khỏe của ông Quỳnh giờ yếu lắm. Ông đi lại khó khăn, đôi mắt mờ, đôi tay yếu và run lên bần bật thế nhưng đêm nào ông cũng thức rất khuya. Bên ánh đèn tù mù, ông miệt mài ghi ghi chép chép… Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa ló, ông đã có mặt ở những hàng quán đánh máy, hàng photocopy quen thuộc để đánh máy các ý tưởng, bài viết. Ông sao chúng thành nhiều bản, rồi gửi đến những cơ quan chức năng. Buổi chiều ông ở nhà, lại đọc hoặc viết, hoặc ngồi trông chờ công văn, thư từ hồi âm.... Lắm khi ông cũng nhận những cú điện thoại dài hàng giờ đồng hồ để tâm tình, sẻ chia về những tồn tại, vướng bận trong xã hội… Và rồi tối hôm đó, ông lại thao thức như thể ông mắc nợ với đời, với khoa học. Bà Thân bảo, cả đời ông Quỳnh làm việc và nghiên cứu không công. Bởi lẽ, tất thảy tiền lương trước kia hay 3,5 triệu đồng lương hưu bây giờ được ông "đầu tư" hết cho việc mua giấy bút, tem thư, nộp tiền điện thoại… phục vụ cho đam mê nghiên cứu của mình.

Ông “vua” hiến kế

Sau bữa cơm trưa đạm bạc, tôi và ông Quỳnh lại tiếp tục câu chuyện về ông và về "hưu nông dân". Ông lấy ra cả trăm tờ báo cũ trong ngăn tủ. Tôi nghiền ngẫm, đọc thật nhiều bài viết đăng tải trên các báo. Phần lớn các bài viết đều ca ngợi ông. Có báo ví ông là "ngọn nến không bao giờ tắt”, có báo so sánh ông với ký giả Nguyễn Trường Tộ ở đầu thế kỷ XX - là người có nhiều tấu trình với vua Tự Đức (thời nhà Nguyễn) nhằm canh tân đất nước… Còn với ông, khi nói về mình, ông hãnh diện:

- Niềm vui lớn nhất của tôi là được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các cơ quan chức năng chấp nhận, và chấp nhận một phần nội dung của hơn 100 tờ trình. Điều đó có nghĩa là những công trình của tôi được ghi nhận, được ứng dụng vào cuộc sống…

Ở tuổi 82, TS Hồ Bá Quỳnh vẫn cần mẫn với những ý tưởng khoa học của mình.

TS Hồ Bá Quỳnh quê gốc ở làng Phú Đa, nay là xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông là hậu duệ của thủy tổ Hồ Hưng Dật, một dòng họ “vạn đại vì dân” thời nào cũng có người đỗ đạt cao, trở thành các tiến sĩ quận công, tướng tá tài ba... Hồ Bá Quỳnh là một tiến sĩ giỏi trên nhiều lĩnh vực, ông có nhiều đề tài khoa học tầm cỡ trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, lịch sử, vật lý… Ông trải lòng:

- Tôi quan niệm, lao động sáng tạo là thước đo của lòng yêu nước, cho nên cả cuộc đời, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ để đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan chức năng những ý tưởng, đề tài vì quốc kế dân sinh.

Với quan niệm sống như vậy nên cuộc đời ông Quỳnh gắn liền với những tờ trình. Hiện tại, ông Quỳnh vẫn đang nghiên cứu, hoàn thiện tờ trình thứ 169. Đặc biệt với đời sống của người nông dân, ông đã có hàng chục tờ trình nhằm hiến kế nâng cao đời sống cho nông dân. Những tờ trình này của ông được in thành sách dày tới gần 400 trang và được tái bản nhiều lần.

Trong thời kỳ bao cấp, TS Quỳnh đã táo bạo đề xuất những vấn đề “động trời” như: “Bỏ thuế vùng thuế thấp” (năm 1975) gửi Đại hội Đảng toàn quốc (năm 1981); Vấn đề “nâng lương giáo viên”, “Cấp học bổng cho sinh viên sư phạm” (1992); Vấn đề “Bán nhà chung cư cho người đang sử dụng” (1992);… Trong những năm từ 1965 đến 1985, ông đã “cả gan” dâng “tấu” về việc thực hiện: Bù chênh lệch giá và lương, giảm lãi suất cho người nghèo, cho nông dân vay vốn, bỏ thuế sát sinh, chống thất thu hàng lậu, hàng giả, chuẩn bị cho thị trường chứng khoán, gọi vốn nước ngoài, hình thành ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp tư nhân, thức dậy tiềm năng lao động trí óc bằng con đường chiêu hiền đãi sĩ; tôn trọng bản quyền tác giả, thưởng phạt nghiêm minh để giữ kỷ cương phép nước… Một số tờ trình của ông được “tấu” chưa đúng thời điểm lịch sử nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời tư và sự nghiệp công danh của ông. Ông bị “quy chụp” và bị kỷ luật mất chức trưởng phòng vật giá và không được kết nạp vào Đảng… Thế nhưng, trong bất cứ hoàn cảnh nào ông vẫn tích cực lao động sáng tạo, chưa một ngày ông từ bỏ đam mê của mình ngay cả khi ốm đau, bệnh tật nằm liệt giường. Cho đến tận bây giờ, khi sức tàn, lực kiệt, ông tiến sĩ già vẫn đang nghiên cứu đề xuất ý tưởng: “Dùng bom để hạn chế sự nóng dần lên của trái đất”. Ý tưởng ấy thoạt nghe có vẻ thiếu thực tế, nhưng nếu đọc kỹ tờ trình ông gửi lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì có lẽ các nhà vật lý đầu ngành cũng sẽ ít nhiều gật gù khen ngợi.

Một đời vì nông dân

TS Hồ Bá Quỳnh có một tình cảm đặc biệt với người nông dân. Ông đã dành phần lớn cuộc đời (30 năm) để nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài hưu nông dân (là đề tài bảo vệ luận án phó tiến sĩ). Ông kể:

- Năm 1965, lúc ấy tôi 24 tuổi và đã tốt nghiệp đại học. Vào một buổi chiều muộn, tôi vào một cửa hàng thực phẩm mua cái khăn mặt và bánh xà phòng. Thấy tôi gầy nhom (chưa đến 38kg) lại định vào mua hàng dành cho đối tượng ưu tiên, một bà lão nông dân nắm lấy áo tôi kéo đi và bảo: “Bà cháu mình là nông dân, không có tiêu chuẩn mua bên nớ, đừng nhìn mà thèm, thôi ta về đi con”.

Ngay đêm đó, Hồ Bá Quỳnh trằn trọc và thao thức với hình ảnh người nông dân. Ông nghĩ: Người nông dân một nắng hai sương, cả đời cơ cực, vất vả nhưng khi về già lại không có quyền lợi gì. Ý tưởng một chế độ lương hưu cho nông dân bắt đầu đeo bám, ám ảnh và thôi thúc ông từ đó. Cũng từ đấy, ông miệt mài theo đuổi và hiện thực hóa ý tưởng của mình. Đến tháng 7-1994, Hồ Bá Quỳnh bảo vệ thành công luận án Phó TS Khoa học kinh tế với đề tài hưu nông dân đạt số phiếu tuyệt đối: 10/10. Theo tính toán của ông: Nếu một nông dân đóng góp mỗi tháng 10.000 đồng, sau 30 năm đến khi về hưu sẽ lĩnh tiền hưu với mức 350.000 đồng/tháng. Nếu chưa đến tuổi nghỉ hưu, người nông dân vẫn có thể rút cả vốn lẫn lãi. Đặc biệt, sổ hưu nông dân còn có thể chuyển nhượng thừa kế cho con cháu và không mất đi khi họ chết.

Năm 1996, ông đăng ký bản quyền tác giả tác phẩm khoa học này. Đến năm 1998, hưu nông dân được thực hiện ở tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 21210 ngày 30-7-1998 (do Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký). Thời điểm đó, đã có gần 9 vạn người tham gia với số vốn hơn 100 tỷ đồng, có 96 người đã được lĩnh lương hưu hằng tháng (do đóng góp đủ 20 năm). Cũng từ ý tưởng của TS Hồ Bá Quỳnh, Tập đoàn Mai Linh vận dụng xây dựng chế độ "Hưu Mai Linh" để cán bộ, công nhân viên của tập đoàn này khi nghỉ hưu được hưởng 2 suất lương hưu là lương hưu theo Bảo hiểm xã hội và "Hưu Mai Linh". Nhiều địa phương khác trong cả nước cũng vận dụng hiệu quả cách tính toán hưu nông dân của ông để “trả” lương hưu cho người nông dân.

Với quyết tâm và tinh thần lao động khoa học không biết mệt mỏi, những năm 1980-1981, khi ông Quỳnh gửi những tờ trình tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng gửi thư khen: “Đồng chí đã có đóng góp nhiều trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V của Đảng ta. Đây là những vấn đề lớn, trên đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu để từng bước giải quyết. Thư đồng chí đang lưu lại tại Văn phòng Trung ương Đảng. Chúc đồng chí khỏe mạnh”. Tiếp đó, trong các năm 1986 và 1988, ông được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cấp “Bằng lao động sáng tạo” và được nhận rất nhiều giấy khen, bằng khen do các cấp trao tặng. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cũng từng chỉ thị và giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức tốt việc đánh giá tổng kết những thành quả đã thực hiện để tổ chức loại hình bảo hiểm hưu nông dân, theo nguyên tắc tự nguyện, hình thành từ những khoản đóng góp của nông dân.

Nỗi niềm của ông tiến sĩ

Trong phần mở đầu công trình hưu nông dân, TS Hồ Bá Quỳnh viết: “Tôi ao ước trước khi nhắm mắt xuôi tay mà thấy nông dân được nhận lương hưu là tôi mãn nguyện và xem như đã đền đáp được một phần công lao trời biển của tổ tiên, ông bà, thầy mẹ tôi đã sinh ra tôi...”. Thế nhưng ước nguyện của ông Quỳnh đến nay vẫn chưa trọn vẹn. Trong khoảng 2 năm gần đây, vấn đề hưu nông dân lại được “xới” lên với những quan điểm trái chiều và chưa có kết luận chính thức.

82 tuổi, ông Quỳnh vẫn vậy. Nhan nhản những vấn đề, ý tưởng khoa học vẫn cứ đeo bám lấy ông. Cũng bởi thế, mà trong ánh mắt của những người bạn tâm giao, của những người dân láng giềng gần, ông Quỳnh là biểu tượng của sự thân thiện, nhân hậu, luôn cần mẫn, chân chất như một nông dân trên luống cày của mình. Còn với tôi, lần này được gặp ông, tôi cảm nhận đầy đủ hơn những phẩm chất cao quý của một nhà khoa học chân chính. Hình ảnh ông tiến sĩ già cặm cụi bên bàn viết từng đêm, bỏ qua tất cả những lời đồn đại, dị nghị để thực hiện niềm đam mê khoa học của riêng mình, khiến tôi phải tư hỏi: Ở nước ta, liệu có được bao nhiêu nhà khoa học thật sự đam mê và làm được như ông?.

Bài và ảnh: Nguyễn Tấn Tuân