QĐND - Cuối tháng 8-2012, Học viện Ngoại giao tổ chức Lễ trao giải Chương trình hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông. Buổi lễ không “hoành tráng” nhưng vô cùng trang trọng và thiêng liêng từ trong trái tim mỗi người. 60 bài nghiên cứu của hơn 100 tác giả trong và ngoài nước về các góc độ khác nhau đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về Biển Đông và biển, đảo Việt Nam. Trên bục nhận giải thưởng cao nhất - giải đặc biệt - hôm ấy do nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trao có hai chàng trai thư sinh tuấn tú, đó là Cao Huy Hiệp và Nguyễn Bá Phúc, là sinh viên Lớp K54, Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Họ đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với đề tài "Vấn đề giáo dục chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ hiện nay".
Biết việc làm tốt của hai sinh viên đã lâu, chúng tôi trao đổi qua thư điện tử nhiều lần, nhưng nhiều việc thời sự cuốn đi, sau mấy tuần tôi mới tìm đọc hết hơn 100 trang đề tài khoa học của hai bạn trẻ. Tôi cảm thấy như tình yêu biển, đảo quê hương và nhiệt huyết tuổi trẻ của họ lấp lánh trên từng câu, từng dòng chữ. Cao Huy Hiệp hiền khô, kể chuyện: “Không hiểu duyên nợ thế nào mà cháu và Phúc lại ở cùng lớp, cùng phòng trọ. Một đêm mất ngủ (đầu năm 2011), cháu và Phúc nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa rất tâm đầu ý hợp. Hai đứa cùng nặng lòng với biển, đảo quê hương, cảm động khi nói đến cha ông mình bao đời thuyền con đè sóng cả chinh phục đại dương, xác lập chủ quyền thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió. Hai chúng cháu lại cùng trăn trở chuyện các bạn trẻ bây giờ và mai sau không biết có hiểu rõ về biển, đảo quê hương mình hay không? Yêu quê hương, yêu biển, đảo thì phải khẳng định là ai cũng yêu nồng cháy, nhưng nếu tình yêu đó không dựa trên cơ sở hiểu biết lịch sử và pháp lý, thì đôi khi lại trở thành một dạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ảnh hưởng xấu đến đường lối đối ngoại và phương châm bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Thế là hai chúng cháu cùng vạch ra một chương trình hành động…”.
 |
Hiệp (bên trái) và Phúc trong những ngày điều tra xã hội học ở Đà Nẵng. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
“Chương trình hành động” của hai bạn trẻ là tiến hành nghiên cứu tài liệu tìm căn cứ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; điều tra xã hội học trong học sinh, sinh viên, lao động trẻ khắp ba miền với khoảng 1.500 phiếu, xem thực trạng nhận thức của các bạn trẻ về Hoàng Sa, Trường Sa ra sao, rồi trên cơ sở đó có những kiến giải các biện pháp giáo dục. Lộ trình vạch ra có vẻ êm xuôi, nhưng còn vấn đề “đầu tiên” là lấy tiền đâu để đi điều tra thì cả hai vò đầu bứt tai mãi. Rồi, ngay trong đêm ấy, họ đã ngoắc tay nhau cam kết: Mỗi tháng, mỗi đứa phải tiết kiệm ít nhất 150.000 đồng, cho vào lợn nhựa và đến lúc lên đường, tối thiểu mỗi đứa phải có 5 triệu đồng.
“Chú hỏi sao chúng cháu không xin gia đình ư? Nói thật với chú, gia đình chúng cháu đều làm nông nghiệp. Cháu quê Tiên Hội, Đại Từ, Thái Nguyên, còn Phúc quê Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh. Gia đình chỉ lo cho mỗi đứa hằng tháng khoảng 2 triệu đồng vừa thuê nhà trọ, vừa ăn học là cố gắng lắm rồi” - Hiệp trả lời. Thế và, mặc dù kế hoạch đã vạch ra, nhưng… tích cóp mãi, chi li đến từng hạt lạc, cọng rau… thế mà khi “mổ lợn” chỉ được cả thảy 4 triệu đồng! Thôi đành vậy, phải điều chỉnh mục tiêu. Hai chàng trai quyết định chỉ thực hiện điều tra xã hội học ở Đà Nẵng và Hà Nội, số phiếu phát ra cũng điều chỉnh lại là 300 phiếu. Đêm hôm ấy, hai chàng trai đất Bắc lên tàu Thống Nhất với hai vé ngồi cứng - loại vé có giá “mềm” nhất trên tàu. May mà sức trẻ, ngồi lâu cũng không thấy đau lưng, đến Đà Nẵng lao vào việc được ngay.
“Chuyện ở Đà Nẵng ấy ạ, để cháu kể cho” - Phúc tủm tỉm. Đến Đà Nẵng hai chàng mới vỡ lẽ đây là thành phố du lịch, nhìn thấy khách sạn đẹp lộng lẫy không dám bén mảng tới, phòng trọ bình dân thì quá khó tìm. May sao bác xe ôm tốt bụng, biết hai chàng đi làm việc tốt thì nhiệt tình tư vấn cho đường đi nước bước, lại yêu cầu: “Đoạn nào không có xe buýt mới được gọi tui. Đoạn nào có xe buýt thì đi cho đỡ tiền nghe không!”. Hai chàng vâng dạ, miệng cười tươi mà mắt trào lệ. Chưa hết, hai bạn còn kể cho tôi nhiều chuyện về chị y tá Trường Cao đẳng Thương mại và Tài chính Đà Nẵng cho mượn phòng trực để ngủ trưa; Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng sẵn lòng tạo điều kiện cho hai bạn gặp gỡ sinh viên… Người Việt Nam mình như thế đó. Bất kể là ai, nói đến Tổ quốc thương yêu thì ai ai cũng nghèn nghẹn trong lòng, sẵn sàng hiến dâng cả thân mình cho Tổ quốc.
Sau 4 ngày vất vả ở Đà Nẵng, về Hà Nội lục khắp trên người còn vừa đủ tiền đi xe buýt về phòng trọ. Công việc điều tra ở Hà Nội và nghiên cứu tài liệu tương đối thuận lợi với các bạn. Dựa trên sở trường năng lực của từng người, hai bạn đã phân công Hiệp phụ trách phần tìm hiểu lịch sử, căn cứ pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa; Phúc phản ánh phần thực trạng, rồi cùng nhau đưa ra kiến nghị những biện pháp giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền quốc gia. Trong toàn bộ đề tài của Hiệp và Phúc, tôi đặc biệt ấn tượng về phương pháp và kết quả điều tra xã hội học của các bạn. Nhìn mẫu bảng hỏi điều tra xã hội học gần kín 3 trang A4 của các bạn thật là một kỳ công. Tuy chỉ là một báo cáo khoa học của sinh viên nhưng nó đã rất nghiêm túc và có dáng vẻ của một công trình khoa học. Các vấn đề Hiệp và Phúc hỏi các bạn trẻ tương đối toàn diện và sâu sắc, chẳng hạn: “Theo bạn, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa từ khi nào?”; “Bạn hãy kể tên những quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?”; “Ý nghĩ chợt xuất hiện trong đầu khi bạn nghe tới các cụm từ Hoàng Sa, Trường Sa?”; “Bạn có biết đến đường biên giới hình “lưỡi bò” trên Biển Đông của Trung Quốc không?”; “Bạn biết gì về Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982?”; “Bạn có biết Tuyên bố về cách ứng xử (Declaration of Conduct – DOC) của các bên ở Biển Đông được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002?”; “Bạn biết thông tin về Hoàng Sa & Trường Sa thông qua kênh thông tin nào là chủ yếu?”; “Bạn đánh giá thế nào về những phản ứng của Nhà nước ta trước những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa?”; “Bạn nghĩ thế nào về việc đưa nội dung về Hoàng Sa và Trường Sa vào giảng dạy ở các bậc học?”; “Theo bạn, vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông?”...
 |
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trao giải đặc biệt cho hai bạn Hiệp và Phúc. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Trong mỗi câu hỏi, hai bạn thường đưa ra 3 đến 5 phương án trả lời và đã nhận được kết quả tin cậy. Theo số liệu của các bạn đưa ra: Về những thông tin liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, 36,7% số người được hỏi cho biết, họ biết được những thông tin đó qua internet. Qua ti-vi là 51%, sách báo là 8,6%, radio là 6%, còn 10% là từ các nguồn thông tin khác. Trong đó, sinh viên tiếp cận với internet nhiều hơn là 40%, lao động là 30%, sinh viên biết qua sách báo là 12%, còn lao động chỉ là 2%. Tiếp đó, theo số liệu điều tra của các bạn thì 82,7% số người được hỏi cho rằng, chương trình giáo dục hiện nay về biển, đảo nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là thiếu cả về chất và lượng, 92% số người được hỏi cho biết việc đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào giảng dạy ở các bậc học là việc làm hết sức cần thiết…
Trên cơ sở đó, các bạn đã đề ra một số giải pháp nâng cao nhận thức trong học sinh - sinh viên và cả trong công nhân, lao động trẻ. Với học sinh - sinh viên, có các giải pháp vĩ mô và vi mô. Giải pháp vĩ mô đầu tiên các bạn quan tâm là: “Cần sớm xây dựng và đưa chương trình giáo dục nhận thức về chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình đào tạo ở các bậc học, từ tiểu học cho đến đại học. Muốn nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được chủ quyền biển, đảo của nước ta, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, không có cách nào tốt hơn là phải đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp học một cách bài bản. Ở mỗi cấp học sẽ giáo dục với một mức độ khác nhau, nâng dần nhận thức lên theo mỗi lứa tuổi”.
Phúc và Hiệp có lần gửi email cho tôi, viết: “Có thể đây là bước đi đầu tiên của chúng cháu trên con đường nghiên cứu khoa học về Biển Đông và biển, đảo Việt Nam. Có được thành công ở bước đi đầu, chúng cháu vô cùng biết ơn các thầy cô giáo, những người bạn ở Hà Nội và Đà Nẵng, đặc biệt là Thạc sĩ Trần Bách Hiếu, Giảng viên Khoa Khoa học Chính trị Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, là giáo viên hướng dẫn đề tài cho chúng cháu”. Hỏi chuyện thầy Hiếu, thầy bộc bạch: “Tôi rất vui vì tinh thần hăng say nghiên cứu khoa học của các em. Tuổi trẻ như các em đã biết vượt qua khó khăn, tìm ra một cách yêu quê hương đất nước trên cơ sở khoa học và hướng tới tinh thần khoa học như vậy là rất đáng quý, mặc dù đây mới là một thành công nhỏ bé bước đầu”.
Tôi cũng có chung suy nghĩ như thầy Hiếu. Tuổi trẻ bình dị như Hiệp, như Phúc, như rất nhiều bạn khác nữa đang tiếp bước cha anh xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc của chúng ta bằng những việc làm thiết thực, những cách làm lặng lẽ mà hiệu quả. Nhân lên tinh thần ấy, chúng ta sẽ có “Non sông ngàn thuở vững âu vàng”.
-----------------
XUÂN BẰNG