QĐND - Miền tây Nghệ An, mùa lũ dòng Lam trở nên hung dữ điên cuồng, từng vồng sóng đỏ ngầu dâng cao rồi đổ quật, tạo thành những cuồng xoáy hút sâu xuống lòng sông. Và dưới chân núi Kim Nham có một ngư phủ ngày đêm đối mặt với "thủy quái" để cứu người. Mười mấy năm nay, anh đã cứu sống 62 người đuối nước. Anh là Nguyễn Văn Sáng, ở xóm 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Tiếng gọi của trái tim
Những ngày này, chuyện anh Nguyễn Văn Sáng - một ngư phủ ở xóm 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An - bất chấp hiểm nguy liều mình lao xuống dòng sông Lam giữa đêm tối, cứu 6 người thoát chết, đang được bàn tán khắp nơi. Vượt gần 200km, chúng tôi ngược về miền tây vào một chiều cuối năm giá rét. Mùa này đáng ra dòng Lam phải hiền hòa, êm đềm chảy nhưng giữa dòng lại có hàng trăm tảng đá nhô lên khiến dòng sông trở nên hung hãn, ngày đêm gào thét như chực nuốt bất kỳ cái gì đi qua nó. Từ khi bắt đầu đi cho đến khi tới nơi, trong đầu tôi vẫn có một suy nghĩ, ngư phủ Nguyễn Văn Sáng phải là một người to lớn vạm vỡ, giọng nói sang sảng. Nhưng… ngồi trước mặt tôi lại là một người đàn ông thấp nhỏ, gầy gò, nước da đen sạm, giọng nói trầm ấm, với đôi mắt hiền. Đúng như người ta vẫn nói “cứu người không phải cứ khỏe mạnh là đủ”. Anh Sáng cứu người bằng tiếng gọi từ trái tim.
Sau cái bắt tay thật chặt, anh Sáng vừa rót chén nước chè đặc sánh vừa bắt đầu câu chuyện: “Lúc đó khoảng 7 giờ tối, trời vùng cao tối nhanh lại lạnh, cũng như thường lệ, tui đang chèo thuyền về nhà, đến đoạn Đền Ông Đà, bỗng nghe tiếng kêu thất thanh. Tui chèo nhanh hơn đến gần chỗ tiếng kêu. Nỏ thấy chi nhưng linh tính mách bảo nên tui nhảy xuống tìm. Vớt được người đầu tiên tui buộc vào thuyền rồi tiếp tục tìm được hai người phụ nữ. Tui quấn tóc họ vào chân mình để tìm người khác. Đến khi tìm đủ mới đưa tất cả lên thuyền rồi chèo vào bờ cấp cứu...”.
 |
Ngư phủ Nguyễn Văn Sáng sẵn sàng cứu người trên sông Lam. |
Nói về anh Sáng, ông Trần Văn Kiên - xóm trưởng xóm 7 - tự hào kể: “Nếu không có lòng dũng cảm cứu người của giáo dân Nguyễn Văn Sáng thì cả xóm 7 vừa qua chắc đã có đại tang. Hôm đó là ngày 28-11-2011, 6 người được cứu sống, cả xóm chúng tôi mừng vô cùng. Mừng vì họ gần như đã chết, may mắn được gặp anh Sáng. Anh quả là một giáo dân dũng cảm, quên cả mạng sống của mình để cứu 6 người thoát khỏi lưỡi hái tử thần”.
Chị Hồ Thị Lý (52 tuổi), một trong 6 người được anh Sáng cứu, vừa ra viện sáng 30-11-2011, vẫn chưa hết run rẩy, nhớ lại: “Tôi cùng với 2 con Thái Văn Bình (20 tuổi), Thái Thị Hương (18 tuổi) cùng với 3 người nữa chèo thuyền sang bãi bồi xã Đức Sơn để chặt ngọn mía về cho trâu, bò ăn. Khi về, một phần thuyền chở quá nặng, một phần anh Thế chưa quen lái, lúc đó trời lại nhá nhem tối, khi thuyền ra giữa sông thì bị chìm. Mọi người hoảng hốt ôm lấy nhau, tìm những bó mía để bám... Lúc đó, tôi nghĩ mình chắc chết rồi. Khi bắt đầu sặc nước thì bỗng có một bàn tay nắm chặt lôi tôi lên mặt nước. Nếu hôm đó không có anh Sáng, chắc cả 6 chúng tôi đã mồ yên mả đẹp rồi”.
Anh Sáng với vẻ ngoài của một ngư dân chân chất, không quen nói về "chiến công" của mình, kể: “Năm 2006, cũng vào khoảng 22 giờ, trời bão, mưa to gió lớn, tui đã cứu người ở đoạn Động Đò Lù... Khi đó, đang ở trong bờ, nghe tiếng kêu ngoài sông, tui bảo đứa em chèo thuyền ra, nó sợ không dám đi nên nhảy lên bờ. Thấy tui định ra một mình, nó lo cho tui nên cũng nhảy lên thuyền ra theo. Năm đó cứu được 4 người, đi ăn rằm bên Đức Sơn về”.
“Tui chỉ tham của trời”
Ngư phủ Nguyễn Văn Sáng (sinh năm 1970), quê ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sinh ra và lớn lên trên sông nước, không được học hành đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa. Không được học những bài học đạo đức “thương người như thể thương thân" hay "cứu một mạng người bằng xây 13 tòa tháp” mà chỉ được học cách câu tôm, bắt cá, nhưng trong Nguyễn Văn Sáng luôn có một tình thương người bao la. Không vì lợi cho mình mà thấy chết không cứu: “Tui cũng nghe nhiều về cứu người đền mạng và cũng chứng kiến nhiều lần người chết đuối nhưng gặp người vạn chài họ không cứu, biết rứa mà lương tâm của tui không cho phép. Nhìn thấy người sắp chết là lương tâm tui mách bảo bắt buộc phải cứu, cho dù bản thân mình có ra răng thì ra…”!
Xưa nay, ngư dân vẫn truyền nhau một quan niệm dân gian rằng, những người làm nghề chài lưới trên sông, khi gặp người chết đuối mà cứu là sau đó phải trả mạng cho Hà bá canh sông, nên nhiều người làm nghề chài lưới khi thấy người gặp nạn họ chỉ ném một vật gì đó xuống rồi chèo thuyền đi nơi khác. Nhưng với Nguyễn Văn Sáng thì cứu người là nhiệm vụ hàng đầu khi làm nghề trên sông nước. “Nhớ nhất là lần đầu tiên cứu người vào năm 1990. Hai cha con đang đánh cá ở Thung Rú Đụn, thuộc huyện Nam Đàn thì gặp hai đò dọc đi ngược chiều đâm nhau chìm. Hai cha con cứu 45 người sống sót, mệt đứ đừ, lên bờ tưởng chết. Nếu nghĩ đến tiền của thì lúc đó đã không cứu rồi”.
Cuộc đời anh từ nhỏ cho tới lớn cứ lênh đênh trên sông nước từ hạ nguồn đến thượng nguồn sông Lam. Năm 1994, lúc đi làm nghề qua địa bàn huyện Anh Sơn, anh đã gặp một người con gái hiền hậu, nết na. Tình yêu bùng cháy rồi anh lập gia đình cùng với chị Thái Thị Hồng và làm nhà lập nghiệp tại xóm 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Cho đến nay gia đình anh vẫn khá khó khăn, nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học; cháu đầu học lớp 10, còn cháu út đang học mầm non. Gia đình anh thuộc diện nghèo của xã. Công việc hằng ngày của anh là chèo thuyền trên sông Lam mò mẫm con cá, con cua... để vợ đi bán kiếm tiền. Anh tâm sự: “Làm cái nghề sông nước này rủi nhiều hơn may. Năm nay thời tiết thất thường, mưa to nước lớn nên kiếm ăn ở sông Lam cũng chẳng dễ gì. Chuyện cứu người với tôi đó là điều hiển nhiên, là lương tâm của mình thôi”.
Anh nói vậy nhưng "chuyện bình thường" đó không phải ai cũng làm được. Nhiều người dân Thạch Sơn cho biết: Anh Sáng lặn rất giỏi bởi vốn sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lam, đã ngụp lặn dưới sông từ bé như con rái cá. Những lần anh cứu người, dân xã này đều nhớ rõ: 4 người ở xã Lạng Sơn được anh cứu ngày 10-8-2006; một người ở xã Hùng Sơn được cứu năm 2007; năm 2007-2009, anh cứu chị Hồ Thị Trúc, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Loan đều là người xóm 7 Thạch Sơn. Và mới đây nhất là ngày 28-11, cứu 6 người nói trên...
Nghĩ về những hành động quả cảm của chồng, chị Thái Thị Hồng (vợ anh Sáng) bộc bạch: “Nhiều khi nghĩ cũng lo chú ạ, mỗi khi anh đi làm về muộn là lại lo. Cứu người là tích đức cho con cháu nhưng mà nhiều khi anh liều quá. Con thì còn nhỏ, nhà lại khó khăn. Nhưng mà nói thì nói rứa chứ tính anh ấy rứa rồi mà…”.
Nói về ơn đức bao la mà anh Sáng đã cứu sống 3 mẹ con mình, chị Hồ Thị Lý, rơi nước mắt: “Dừ không biết nói chi, mọi lời nói dừ đều thừa thãi, chỉ biết sống luôn nhớ ơn, rồi khi chú Sáng chết thì dặn các con phải lập bàn thờ thờ chú…”.
Ông Nguyễn Đình Cử, cán bộ tư pháp xã Thạch Sơn, nói: “Anh Sáng lâu nay là niềm tự hào của xã nhà. Bình thường anh hiền lắm không ai nghĩ anh lại có sức mạnh phi thường như thế. Mấy năm nay, anh luôn được nhận bằng khen của tỉnh và huyện đó”.
Như vậy, năm 1990 anh cứu 45 người ở Nam Đàn, năm 1992 anh cứu 3 người ở Giăng (Chợ Chùa-Thanh Chương-Nghệ An) và 14 người ở huyện Anh Sơn trong những năm gần đây. Ngoài việc cứu người sống, khi có người chết trên sông Lam anh vẫn thường giúp gia đình nạn nhân tìm xác. Chẳng hạn năm 2000, khi xe ca rơi xuống sông Lam đoạn qua rú Nguộc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, anh cùng với anh trai đã lặn vớt được 17 tử thi. Trong nhiều năm qua, anh đã vớt hàng chục xác người chết trên sông Lam mà không hề nghĩ đến việc trả ơn, trả nghĩa.
Chia tay anh Sáng, chúng tôi trở lại thành phố khi phía thượng nguồn sông Lam, dòng nước vẫn gầm gào ghê rợn như tiếng gầm của con mãnh thú. Tất cả chúng tôi lặng im, nhưng tôi biết rằng, mọi người đang nghĩ đến một con người phi thường mà lâu nay vẫn lẩn khuất trong bụi mờ của cơm áo cuộc đời. Anh quả là tấm gương bình dị mà cao quý.
Bài và ảnh: HOÀNG TÙNG .