Theo lời kể của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đăng Chế, phà Bến Thủy nằm ở đoạn cuối sông Lam, là huyết mạch nối liền tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là điểm trung chuyển chiến lược, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực tiếp viện cho chiến trường miền Nam.
Với vị trí đặc biệt quan trọng, nơi nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, Nghệ An trở thành tâm điểm đánh phá ác liệt của không lực Hoa Kỳ. Từ cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968) đến cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai (1972), địch điên cuồng tập kích khu vực Bến Thủy-Vinh với mục tiêu phong tỏa tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A, cắt đứt mọi con đường tiếp tế từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam của ta. Đặc biệt, khu vực phà Bến Thủy chỉ rộng chưa đến 1km² đã trở thành một “chảo lửa” hứng chịu những trận oanh tạc của không quân và pháo binh địch. Không có ngày nào mà tiếng còi báo động không vang lên, không có tháng nào mà phà Bến Thủy không bị địch đánh phá.
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đăng Chế kể về chuyến phà cảm tử năm 1972. |
Theo các tài liệu lịch sử, từ năm 1965 đến 1968, khu vực phà Bến Thủy hứng chịu 2.912 trận không kích và pháo kích từ biển. Tổng số bom, đạn trút mà địch trút xuống khu vực phà Bến Thủy lên tới 11.377 quả; riêng trong 9 tháng năm 1972, con số ấy còn khủng khiếp hơn với 13.253 quả. Trung bình mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân làm việc tại phà Bến Thủy phải đối mặt với 150 quả bom, đạn của kẻ thù, một con số khủng khiếp cho thấy mức độ tàn khốc của chiến tranh nơi đây. Thế nhưng, giữa biển lửa ấy, phà Bến Thủy vẫn hiên ngang trụ vững. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, những con người quả cảm đã đưa hơn 91.000 lượt xe cơ giới, hàng nghìn tấn hàng hóa vượt sông, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ông Nguyễn Đăng Chế nhớ lại, cuối tháng 11-1972, bầu trời miền Trung nặng trĩu bởi khói bom và không khí chiến tranh căng thẳng đến nghẹt thở. Bến phà Bến Thủy-tuyến huyết mạch vận chuyển giữa hai bờ sông Lam trở thành mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân Mỹ. Trong một đợt tấn công ác liệt, địch đã rải xuống lòng sông tới 48 quả bom từ trường, biến khu vực này thành một bãi mìn khổng lồ dưới nước. Vì thế, phà không thể qua sông, giao thông bị cắt đứt, hàng nghìn tấn hàng viện trợ, vũ khí, lương thực bị ứ đọng bên bờ. Các đội công binh tinh nhuệ của hải quân và cảng Bến Thủy được huy động làm nhiệm vụ phá bom. Suốt 3 ngày đêm, họ lặn lội mò tìm từng quả bom dưới lòng sông đen ngòm và lạnh giá. Nhưng đến ngày thứ tư, vẫn còn 14 quả bom chưa thể vô hiệu hóa. Mọi phương án kỹ thuật đều rơi vào bế tắc. Phà vẫn tắc. Căng thẳng dâng lên từng giờ. “Sáng hôm đó, nước sông vẫn chảy đều, trời yên, nhưng dưới lòng sông là cả một bãi bom từ trường đang nằm chờ. Phà tê liệt, hàng nghìn chuyến xe bị dồn lại phía sau. Tôi biết, nếu không có ai dám hy sinh mở đường, mọi tuyến tiếp viện sẽ bị đứt đoạn”, ông Nguyễn Đăng Chế kể.
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chi bộ bến phà họp khẩn. Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế đề xuất một phương án táo bạo: Dùng ca nô kéo phà sắt lớn, trọng tải 25 tấn, chở đầy sắt thép lướt qua vùng bom để kích nổ chúng bằng từ trường. Một nhiệm vụ gần như là tự sát. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khi ấy là đồng chí Nguyễn Sỹ Hòa, lặng người hỏi: “Nhưng ai sẽ là người chỉ huy phà?”. Không do dự, Nguyễn Đăng Chế bình tĩnh đáp: “Tôi là Trưởng phà, tôi chỉ huy”.
Câu trả lời khiến những người có mặt trong cuộc họp lặng đi. Ai cũng hiểu, người lên phà chuyến này, khả năng sống sót là rất mong manh. Họ biết, đây là con đường duy nhất để khai thông dòng sông, khai thông huyết mạch của miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
15 giờ ngày 23-11-1972, một buổi lễ đặc biệt được tổ chức tại bến phà: “Lễ xuất quân” cũng chính là “lễ truy điệu sống” cho những người cảm tử. Dưới ánh hoàng hôn đỏ rực như máu, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế cùng 4 chiến sĩ quả cảm bước lên phà. Họ không mang súng, mặc áo phao, chỉ có ca nô, sắt thép và một ý chí quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ông Nguyễn Đăng Chế rưng rưng kể: “Chúng tôi đứng thành hàng. Không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu, chúng tôi có thể không trở lại. Tôi liếc sang mấy anh em đi cùng, ai cũng im lặng, mắt kiên định, rực lửa. Người khóc, người vỗ vai... Có tiếng loa đọc từng tên người cảm tử, từng chức danh, từng lời dặn dò cuối cùng”.
Sau đó, hai chiếc ca nô 2 bên kéo con phà rẽ sóng tiến vào vùng nguy hiểm. Vòng thứ nhất, an toàn. Vòng thứ hai, vẫn chưa có phản ứng. Đến vòng thứ ba, tiếng nổ rung chuyển cả khúc sông, mặt nước bốc lên từng cột sóng trắng xóa. Một loạt bom phát nổ đồng loạt khiến con phà dập dềnh trên mặt nước. Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế bị hất tung lên, rơi mạnh xuống mặt phà đầy sắt thép, còn những người khác rơi xuống sông. Sau đó, đơn vị huy động lực lượng ra vớt Nguyễn Đăng Chế và các đồng đội vào bờ.
Thông tin Nguyễn Đăng Chế hy sinh được báo về hậu phương. Mẹ và vợ ông là bà Nguyễn Thị Huệ ngất lịm khi nghe tin dữ...
Khi người dân bến phà chuẩn bị làm lễ truy điệu thì đến 1 giờ sáng, Nguyễn Đăng Chế bất ngờ hồi tỉnh, mình mẩy đầy thương tích, toàn thân sưng phù, mặt mũi biến dạng, nhưng trái tim vẫn đập, đôi mắt vẫn sáng lên giữa cơn hấp hối. Ông được đưa đi cấp cứu với chế độ đặc biệt. Sau gần một năm nằm điều trị, ông mới hồi phục. Sau đó, ông trở lại vị trí cũ, tiếp tục chèo lái con phà Bến Thủy qua những tháng ngày lịch sử. Một thời gian sau, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế được cấp trên điều chuyển về Ty Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An công tác cho đến khi nghỉ hưu. Cuối năm 1973, tỉnh Nghệ An làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông, nhưng ông một mực từ chối. Ông bảo: “Còn bao nhiêu người đã ngã xuống mà chẳng một ai kịp nhận danh hiệu. Tôi còn sống là may mắn quá rồi”. Và ông lặng lẽ sống như vậy hàng chục năm không một lần đòi hỏi.
Sau đó, Nhà nước, nhân dân không quên chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc của ông. Năm 2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân để vinh danh người Trưởng phà quả cảm năm xưa.
50 năm sau ngày đất nước giải phóng, thống nhất non sông, bến phà Bến Thủy, một trọng điểm từng hứng chịu biết bao trận bom ác liệt trong chiến tranh giờ đã đi vào lịch sử như một biểu tượng bất khuất. Thay thế cho bến phà xưa là hai cây cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 vững chãi nối đôi bờ sông Lam. Chúng không chỉ là nhịp nối của hiện tại mà còn là nhịp cầu ký ức, gợi nhắc mỗi chúng ta về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Để rồi, giữa dòng chảy cuồn cuộn của thời gian, hình ảnh bến phà Bến Thủy anh hùng vẫn mãi in đậm trong tâm khảm, như một khúc tráng ca không bao giờ phai.
Bài và ảnh: HOA LÊ