QĐND - Biết tôi có ý định gặp Trung úy Đỗ Ngọc Hanh, giáo viên triết học trẻ của Khoa Triết học Mác - Lê-nin (Trường Sĩ quan Chính trị) có người đã “rỉ tai”: “...Lưu ý nhé, cậu ấy thông minh, song cũng hơi bị “yết kiêu” đấy. Anh mà không chuẩn bị “tâm thế” trước trong giao tiếp, trò chuyện thì dễ bị “phủ đòn tâm lý” bằng những câu đầy triết lý cao siêu đó”!

Thú thật, thoạt nghe vậy, tôi cũng ít nhiều tỏ ra hoài nghi về tính tình “khác người” của Hanh. Nhưng sự cẩn thận của tôi là thừa bởi vừa bước vào phòng làm việc của Hanh, tôi nhận được một lời chào nhẹ nhàng, niềm nở: “Em chào anh ạ. Mời anh ngồi đây để em pha ấm trà nóng”. Nói rồi, Hanh nhanh tay rót nước, pha trà, mời khách một cách tự nhiên và từ tốn. Ngồi đối diện với tôi là chàng trai dáng hơi mảnh khảnh, khuôn mặt tuy không đạo mạo song đôi mắt đen láy dưới hàng lông mày rậm hình lưỡi mác đã phần nào toát lên vẻ lanh lợi, hoạt bát của một người trẻ. Tôi cố ý mở đầu cuộc trò chuyện bằng một câu hỏi “thử thách” dành cho Hanh:

- Các cụ thường nói, “trung ngôn nghịch nhĩ”. Hanh có biết một vài ý kiến bàn tán xì xào về tính khí có vẻ hơi “cao đạo” của Hanh không?

Nghe vậy, Hanh tủm tỉm cười rồi nói với tôi:

- Anh ơi, nhưng người ta cũng có câu, bàn tay không che nổi mặt trời. Hướng mình đã chọn thì phải quyết tâm đi đến tận cùng chứ. Nếu chỉ chạy và sống theo dư luận mà không phân biệt được đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu thì lúc nào mình cũng cảm tưởng đang đứng ở ngã ba đường, chẳng làm được việc gì đến nơi đến chốn. Đặc biệt, đối với người giáo viên Triết học Mác - Lê-nin, lập trường vững vàng không cho phép bản thân dao động tư tưởng trước một vài ý kiến nào đó chưa thiện cảm về mình. Quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết nếu mình có, anh ạ!

Sinh năm Giáp Tý (1984) ở xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang (Hưng Yên), tốt nghiệp trung học phổ thông, Hanh thi đỗ Trường Đại học Luật Hà Nội và từng theo đuổi ước mơ trở thành một luật sư. Nhưng mới học hết năm thứ nhất, thương cha mẹ nghèo chốn quê vì mình mà phải thêm lam lũ, vất vả nên Hanh đã quyết định dự thi và đỗ vào Học viện Chính trị quân sự. Có vốn kiến thức phổ thông khá vững vàng, lại chịu khó ham học hỏi, nhất là thường xuyên tìm tòi phương pháp học tập phù hợp, dần dần Hanh thích ứng, tiếp cận được các môn học mới ở trường. Tuy nhiên, kiến thức trong sách giáo khoa, trên giảng đường chỉ là những vấn đề cơ bản. Theo Hanh, muốn mở rộng tầm nhìn, nâng cao hiểu biết và có một phương pháp tư duy sáng tạo, người học phải tăng cường học thêm ngoài giờ, đọc thêm sách, tạp chí, cập nhật thông tin, kiến thức mới trên mạng internet. Nhớ lại những năm tháng sôi nổi của thời học viên, Hanh kể: “Ngày ấy, em lao vào học như một con thiêu thân. Vì em biết, tuổi trẻ của một đời người chỉ là hữu hạn, trong khi kiến thức nhân loại mênh mông như biển cả. Mặt khác, khi mình chưa vướng bận gì chuyện gia đình, mưu kế sinh nhai nên không tận dụng thời gian tự học sẽ vô cùng uổng phí”. 

Trung úy Đỗ Ngọc Hanh cập nhật tin tức trên mạng để bổ sung thông tin, kiến thức cho bài giảng của mình.

 

Nghĩ vậy và làm vậy. Ngoài giờ học trên lớp, Hanh đã lên thư viện mượn những cuốn sách hay, những tạp chí chuyên ngành ở thư viện để đọc, học thêm. Bên cạnh đó, Hanh còn tranh thủ lên mạng để tìm hiểu, nghiên cứu các nội dung liên quan đến các môn học của mình. Hanh ví von rằng, nếu giờ học trên lớp là “giờ vàng” thì thời gian ngoài giảng đường là “giờ kim cương”. Vì vậy, Hanh đã tận dụng hết thời giờ quý giá này để tự học, làm bài tập, viết tiểu luận, cùng đồng đội học nhóm, trao đổi, tranh luận, tích cực và cùng nhau phát hiện những vấn đề nảy sinh, tiếp đó là tìm cách giải quyết “những tình huống có vấn đề” với mục đích cuối cùng là học để có kiến thức thực chất.

Sau 5 năm miệt mài đèn sách và nhờ phương pháp học tập sáng tạo, hiệu quả đã giúp Hanh gặt hái được “quả ngọt” khá mỹ mãn: Tốt nghiệp thủ khoa Học viện Chính trị quân sự với điểm số toàn khóa đạt gần 8,6. Niềm vui như nhân lên gấp đôi khi Trung úy Đỗ Ngọc Hanh được chuyển về làm giảng viên tại Trường Sĩ quan Chính trị.

Giáo viên - hai tiếng thân thương đã để lại trong ký ức Hanh nhiều kỷ niệm đẹp từ hồi còn là học sinh phổ thông. Tuy vậy, được điều về Khoa Triết học Mác - Lê-nin, lúc đầu Hanh không khỏi băn khoăn, lo lắng. Hanh tâm sự: “Anh biết không, thời học viên chúng em có câu vè vui “Khó như đại (số), ngại như văn, lằng nhằng như triết, khiếp như tâm lý, bí như ngoại ngữ…”. Triết học là một môn học khá trừu tượng và “hóc búa” trong suy nghĩ và tâm lý của không ít học viên khi lần đầu tiếp cận với bộ môn này. Trong khi đó, phần lớn các giảng viên Triết học đều là những người ở độ tuổi trung niên trở lên, có kiến thức chuyên môn vững vàng và nhiều kinh nghiệm. Do đó, em sợ mình không đủ khả năng để đứng vững trên bục giảng và làm tròn nhiệm vụ của người giảng viên Triết học - bộ môn lý luận nền tảng của các môn khoa học xã hội và nhân văn”.

Tôi chia sẻ với Hanh:

- Nhưng tôi thấy TS. Đại tá Đào Huy Tín, Phó chủ nhiệm Khoa Triết học Mác - Lê-nin đánh giá cao về năng khiếu sư phạm, khả năng nắm bắt nhanh nhạy, phương pháp giảng bài, nghiên cứu khoa học và tiềm năng sáng tạo cũng như triển vọng của Hanh. Và trên thực tế, Hanh bước đầu đã làm chủ được bài giảng của mình, được đồng nghiệp và học viên ghi nhận.

- Em cảm ơn thầy Tín đã dành cho em những lời ưu ái như vậy - Giọng Hanh nhã nhặn - Là một giảng viên có tuổi đời, tuổi quân, tuổi nghề trẻ nhất trong khoa, thời gian đầu em còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Nhờ các thầy, các anh đi trước tận tình hướng dẫn, dìu dắt và kiên trì với phương pháp tự học, tự nghiên cứu nên em đã từng bước làm quen với môi trường sư phạm và tích lũy kinh nghiệm giảng dạy.

 

Rồi Hanh cho biết thêm, nếu học viên chủ yếu học để có hiểu biết và kiến thức toàn diện, thì đối với giảng viên, học là một nhu cầu thiết thân để tồn tại và là trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp đòi hỏi. Khi đã xác định cho mình động cơ đúng, Hanh tiếp tục lao vào học tập với tất cả niềm đam mê của một giảng viên trẻ. Vừa học thầy, học đồng nghiệp, vừa tiếp tục khơi sâu kiến thức chuyên ngành bằng cách đọc thêm nhiều cuốn sách bổ trợ về triết học mà trước đây anh chưa có điều kiện tiếp cận, Hanh còn dành thời gian thích đáng cho việc nghiên cứu khoa học, chủ động tìm tòi và phát hiện những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra để bổ sung và nâng cao kiến thức chuyên môn, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất. Năm 2009, Hanh đã nghiên cứu và hoàn thiện đề tài khoa học “Phát triển thị hiếu thẩm mỹ của đội ngũ giảng viên trẻ ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay”. Đề tài này của Hanh đã đoạt giải nhất cấp trường và giành giải ba “Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo” toàn quân lần thứ X-2010.

Bền bỉ tạo dựng cho mình một hướng đi như vậy, Hanh đã không ngừng trưởng thành. Sau hai năm là giáo viên, Trung úy Đỗ Ngọc Hanh đã giảng 364/130 tiết học, vượt định mức 234 tiết so với chỉ tiêu được giao. Điều đáng nói hơn, số tiết giảng đạt giỏi của Hanh chiếm gần 70% - một tỷ lệ là niềm mong mỏi của các giảng viên trẻ tuổi đời dưới 30 như anh. Lý do anh đạt được tỷ lệ tiết giảng giỏi cao như vậy vì theo thầy Tín: “Trong giờ học, giảng viên Đỗ Ngọc Hanh không áp đặt lối truyền thụ kiến thức xuôi chiều, mà luôn biết phối hợp đồng bộ giữa phương pháp trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản, chuyên sâu gắn với việc kích thích, khuyến khích, phát huy tính độc lập, sáng tạo của học viên trong tiếp thu bài giảng; đồng thời duy trì và tăng cường sự trao đổi, tranh luận, thảo luận sôi nổi giữa người dạy và người học, tạo môi trường dân chủ lành mạnh trong hoạt động dạy học, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung, của bộ môn Triết học Mác - Lê-nin nói riêng”.

Trở lại câu chuyện về tính cách có phần hơi “kiêu” của Hanh mà một người đã nói với tôi trước đó. Lý giải về “dư luận” này, Hanh không giấu giếm, mà rất thành thật, cầu thị: “Cũng chỉ tại tính em bộc trực, tự tin nên nói năng có lúc chưa được mềm dẻo lắm đã làm ai đó chưa hài lòng. Tuổi trẻ mà anh. Tự tin quá dễ bị hiểu lầm là hiếu thắng. Nhưng bây giờ em rất thấm thía câu châm ngôn “Bông lúa càng chín càng trĩu hạt xuống” với hàm ý khuyên người ta phải luôn biết khiêm nhường về những thành tích mình đã đạt được”!

Tôi hỏi Hanh:

- Được biết đến như là một trong những gương mặt trẻ bước đầu thành danh trên con đường tự học và nghiên cứu khoa học, vậy Hanh có thể “bật mí” về bí quyết của mình với các bạn học viên, thanh niên quân đội không?

Hanh chưa trả lời tôi ngay. Chàng thủ khoa của Học viện Chính trị quân sự năm 2008 đưa cho tôi một cuốn sổ tay bìa cứng của mình, trong đó anh đã dày công sưu tầm, ghi chép những danh ngôn nổi tiếng và những lời hay, ý đẹp từ thời học viên. Trang đầu tiên của cuốn sổ, tôi thấy Hanh nắn nót viết những câu: “Trên con đường thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng”; “Ngu dốt không đáng thẹn bằng thiếu ý chí học hỏi”; “Khẩu hiệu dẫn đến thành công là: Vận dụng, thích nghi và đổi mới”…

Tôi thầm nhủ, không phải ngẫu nhiên mà Hanh trân trọng và đề cao những câu danh ngôn như vậy. Và dù chưa nhận được câu trả lời, song tôi cũng có thể hiểu được bí quyết của Trung úy Đỗ Ngọc Hanh chính là: Luôn vượt khó, vươn lên bằng chí ý chí, nghị lực ham học hỏi của mình!

Trong 7 năm quân ngũ, Trung úy Đỗ Ngọc Hanh đã được tặng thưởng 16 Bằng khen, Giấy khen về thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và giành được các danh hiệu: Chiến sĩ đua cơ sở 4 năm liền (2004-2008), Giải thưởng “Sao tháng Giêng” của Hội sinh viên Việt Nam (2008), một trong 10 gương mặt trẻ toàn quân năm 2009, Chiến sĩ thi đua toàn quân (2009). Tháng 6-2010, anh có “vinh dự kép” khi được tham dự Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân tại Hà Nội và sang Ô-xtrây-li-a dự Lễ tuyên dương Thủ khoa các Trường đại học quân sự châu Á- Thái Bình Dương”.

 

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI