QĐND - Chẳng riêng gì bà con xã Ba Cụm Bắc mà hầu hết người dân huyện Khánh Sơn đều biết già làng Mấu Xuân Dương. Ông không chỉ đánh giặc giỏi mà còn nổi danh bởi thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế. Già Dương chính là người giúp đồng bào Raglai xua cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu, mang ấm no về buôn làng...
Một thời đánh giặc
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ bày biện những kỷ vật kháng chiến và nhiều huân chương, huy chương. Ở tuổi 74 nhưng già làng Mấu Xuân Dương còn tráng kiện, mắt sáng, da nâu, giọng sang sảng...
Ông say sưa kể về một thời đánh giặc... Năm 1959, tròn 20 tuổi ông tham gia du kích. Thông minh, mưu trí, ông cùng đồng đội đánh hơn 30 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Có trận cá nhân ông tiêu diệt 2 tên Mỹ bằng tên nỏ. Vốn nhanh nhẹn, thông thuộc địa bàn, dân vận giỏi, đầu năm 1968, Mấu Xuân Dương được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ra tận Phú Yên vận chuyển vũ khí tiếp tế cho lực lượng của ta hoạt động bí mật trong lòng địch. Để có được những khẩu súng, viên đạn, ông phải vượt núi cao, suối sâu trong sự vây ráp của kẻ thù. Có lần ông bị lạc giữa rừng, chịu đói, chịu rét gần ba ngày đêm nhưng vẫn gắng sức gùi vũ khí trên vai tìm về căn cứ. Thời kỳ đó không chỉ thực hiện mỗi nhiệm vụ gùi lương, tải đạn, ông còn gần gũi với nhân dân, vận động bà con tích cực tăng gia sản xuất, trồng bắp, mì để lấy lương thực tiếp tế cho bộ đội ăn no đánh thắng quân thù.
 |
Dù tuổi cao nhưng già làng Mấu Xuân Dương vẫn tích cực sản xuất.
|
Năm 1972, cục diện trên chiến trường miền Nam ngày càng thay đổi, ta càng đánh càng hăng, địch càng đánh càng lún sâu vào thảm bại. Tình hình chiến sự tại các huyện, thị thuộc tỉnh Khánh Hòa có nhiều chuyển biến tích cực. Hưởng ứng phong trào rầm rộ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” diễn ra ở Cam Ranh, Mấu Xuân Dương mưu trí vượt qua tai mắt địch, sâu sát bám nắm cơ sở chỉ đạo nhân dân cắm cờ, rải truyền đơn và vận động bà con trong vùng địch chiếm đóng nhất tề đứng lên chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ tay sai bán nước. Ông kiên trì hoạt động cách mạng cho đến ngày quê hương được giải phóng...
Xua cái đói, cái nghèo
Ngày hòa bình, đời sống nhân dân ở vùng căn cứ cách mạng Khánh Sơn hết sức khó khăn. Bà con dân tộc Raglai đầu tắt, mặt tối mà nghèo vẫn hoàn nghèo, phần lớn thiếu cái ăn, cái mặc. Trước thực trạng đó, Mấu Xuân Dương luôn trăn trở, nhiều đêm mất ngủ, mắt thâm quầng. Phải làm gì đây từ hai bàn tay trắng? Phải đi từ đâu để xua đi cái đói, nghèo? Người dân quê ông từ xưa đến nay quen sống du canh, du cư trên dãy núi Hồng Gâm, núi Lang Theng, giờ định canh thì sẽ ra sao? Câu hỏi ấy cứ xoáy sâu vào gan ruột ông.
Với cương vị cán bộ xã Ba Cụm Bắc, việc làm đầu tiên của ông là vận động bà con từ bỏ thói quen đốt rừng, chủ động khai hoang đất đồi trồng bắp, trồng mì để giải quyết cái đói. Tập tục xưa cũ vốn ăn sâu vào tiềm thức, vào máu của người dân, nên ban đầu nhiều người chẳng tin những lời ông nói, những việc ông làm. Không nản lòng, ông chủ động “vào cuộc” để làm gương cho bà con. Hồi đó, từ sáng tinh sương, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy ông đã vác cuốc lên nương. Bàn tay quen cầm súng, cầm nỏ đánh giặc, thế mà giờ cầm cuốc vẫn bị rộp phồng, bỏng rát. Nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó, Mấu Xuân Dương đã cải tạo vùng đất hoang thành những nương bắp, nương mì xanh tốt...
Thấy công sức và những giọt mồ hôi của ông thấm vào lòng đất thu được kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó cán bộ Dương và các cộng sự kiên trì rỉ rả tuyên truyền, vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con thôn bản dần dần “sáng cái đầu, ưng cái bụng” rồi làm theo. Từ đó không riêng gì xã Ba Cụm Bắc mà tất cả các địa phương thuộc huyện miền núi Khánh Sơn từng bước giải quyết được khâu đói.
 |
Già làng Mấu Xuân Dương trao đổi với cán bộ của Bộ CHQS tỉnh về công tác dân vận.
|
Một thời củ mài, củ sắn thay cơm kiên trung đánh giặc, nên Mấu Xuân Dương hiểu sự đói nghèo thường đi liền với lạc hậu. Vì thế muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn phải học cách trồng cây lúa nước như người Kinh ở dưới xuôi. Tính ông đã nói là làm, đã làm là làm cho bằng được. Không tự ti, ngại khó, ông chủ động tham gia các lớp tập huấn nông – lâm nghiệp do huyện, tỉnh tổ chức để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nhất là phương pháp, kinh nghiệm trồng lúa nước của đồng bào miền xuôi.
Nan giải nhất là thiếu nước tưới tiêu. Giải quyết vấn đề này, ông vác rựa lên núi tìm nguồn, làm mương dẫn nước về bản phục vụ cho cây lúa. Riêng gia đình ông Mấu Xuân Dương tiên phong sản xuất hơn 1ha ruộng lúa nước. Vốn điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Khánh Sơn quanh năm mát mẻ, lại có nguồn nước tưới tiêu dồi dào, ruộng lúa của gia đình ông sinh sôi, phát triển cho mùa bội thu. Từ thành công của chính gia đình mình, ông đã tận tình truyền thụ kinh nghiệm trồng lúa nước cho bà con.
Giờ đây, nhắc tới công ơn của già làng Mấu Xuân Dương thì tất cả trẻ già, trai gái trong thôn, buôn đều biết. Bà Bo Bo Thị Thẩm (70 tuổi) ở xã Ba Cụm Bắc tâm sự: “Già làng Dương là người đầu tiên bắt con nước về cho cây lúa uống, giúp bà con có cái ăn, cái mặc, mang ấm no về bản ta! Công ơn của già Dương nhiều lắm!”.
Là địa phương sống du canh, du cư, với tập tục “cuốc, đốt, cốt, trỉa”, già làng Mấu Xuân Dương đã bày cho người dân biết cầm bát, cầm đũa, tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ nạn phá rừng, hướng dẫn họ biết làm nương, rẫy, biết trồng cây lúa nước. Và chính ông cũng là người đầu tiên đưa cây chuối về trồng ở vùng núi Khánh Sơn. Những “phát minh” của ông đã góp phần giúp đồng bào Raglai từng bước xóa đói, giảm nghèo trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa...
Xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Câu chuyện giữa tôi và già làng Mấu Xuân Dương bị gián đoạn bởi có tiếng xe máy ngoài cổng.
Vừa xuất hiện, ông Mấu Thái Cư, Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn đã oang oang: “Già ơi! Tình hình hơi căng, bà con trồng chuối thiếu quy hoạch gây sạt lở ta-luy dọc tỉnh lộ 9. Phen này già phải ra tay giúp chính quyền thôi!”.
Già làng Mấu Xuân Dương thủng thẳng: “Có chi đâu, bà con chưa hiểu thì cán bộ phải gần gũi giải thích cặn kẽ, tường tận, hợp lý hợp tình thì họ mới thuận lòng. Ngày xưa chiến tranh khó khăn gian khổ vậy mà dân vẫn một lòng, một dạ vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ, huống hồ bây giờ...”.
Trò chuyện với đồng chí Phó chủ tịch huyện, tôi biết thêm khả năng cảm hóa con người, thu phục nhân tâm của già làng Mấu Xuân Dương... Trước đây, đời sống văn hóa của đồng bào Raglai vẫn còn nhiều tập tục. Trong nhà có người đau ốm thì gọi thầy mo đến cúng bái suốt ngày đêm để đuổi bắt con bệnh. Cưới, hỏi thì gia đình phải giết bò, heo thết đãi họ hàng cả tuần lễ. Đám tang kéo dài từ 4 – 5 ngày gây mệt mỏi và tốn kém. Trước tình hình ấy già làng Mấu Xuân Dương đến tận nhà tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa. Bằng sự thẳng thắn, chân thành và uy tín của mình, ông đã thuyết phục bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu.
Cái sâu sắc, nhân nghĩa của già làng Mấu Xuân Dương là hiểu dân, lo cho dân như lo cho chính mình. Ông vận động mọi người xây dựng “hũ gạo tình thương” để cứu đói cho dân trong mùa giáp hạt. Phong trào đó hiện nay đã lan rộng khắp toàn huyện.
Cách đây chưa lâu, kẻ xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận nhân dân đã đến truyền đạo trái phép. Già làng Mấu Xuân Dương đến tận nơi tập hợp bà con lại rồi giải thích: “Thời chiến tranh bà con chịu đựng gian khổ, hy sinh lo đánh giặc giữ đất, nay hòa bình rồi phải lo lắng làm ăn, xây dựng buôn làng. Cái bụng đồng bào không nên nghe theo kẻ xấu truyền đạo!”...
Tấm gương mẫu mực
Nói về già làng Mấu Xuân Dương, ông Mấu Quốc Nấm, Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc khẳng định: “Già Dương là một đảng viên trung kiên, là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo!”.
Thật vậy, giờ đây già Dương đã cao tuổi nhưng ông vẫn vững vàng như cây lim, cây táu giữa đại ngàn. Ông vẫn hăng hái động viên con cháu ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông thường nói, là đảng viên thì phải gương mẫu, là cán bộ thì phải thương dân. Lời nói và hành động của ông luôn nhất quán. Tuy sức lực không còn dẻo dai như trước, nhưng ông vẫn tích cực cùng con cháu tham gia lao động sản xuất. Hiện gia đình ông đang chăm sóc hơn 25ha đồi rừng, trồng hơn 18ha chuối, 1,5ha lúa, mì, hằng năm thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi hơn 50 triệu đồng. Với tấm lòng thương dân, hằng năm ông đều hỗ trợ về giống, nguồn vốn và kỹ thuật nuôi trồng cho những hộ gia đình còn khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ngoài tham gia lao động sản xuất, già làng Mấu Xuân Dương còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, tham gia xây dựng thôn bản, gia đình văn hóa. Với sự mẫu mực và những cống hiến của mình, già làng Mấu Xuân Dương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, được ra thủ đô Hà Nội dự lễ báo công với Bác Hồ...
Nắng chiều xuyên qua đỉnh đèo, già làng Mấu Xuân Dương tiễn khách ra tận bên kia con suối cạn. Phút chia tay tôi ấn tượng mãi với câu nói của ông: “Còn sống được ngày nào là Ama tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương. Phải sống tốt, sống khỏe để làm gương cho con cháu noi theo”.
Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng