QĐND - Nhắc đến Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn thì người dân ở Từ Sơn (Bắc Ninh) rất nhiều người biết. Tên tuổi của ông gắn liền với Khu di tích Đền Đô, bởi ông là người có đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu, trùng tu ngôi đền khang trang, lộng lẫy, xứng tầm một di tích thiêng liêng tôn thờ triều đại khởi nguồn Thăng Long-Đại Việt. Ông từng được gọi với nhiều biệt danh khác: “Sứ giả nghìn việc tốt”, “Đối nhân của Hàn Mặc Tử”...

Tuổi thơ làm du kích

Tiếp tôi trong căn phòng đơn sơ của Ban quản lý khu di tích Đền Đô, ông Nguyễn Đức Thìn nở nụ cười gần gũi: “Cháu muốn tìm hiểu điều gì về Đền Đô, cứ hỏi. Bác sẽ cung cấp số liệu cho”. Nghe vậy tôi vội đính chính mục đích của cuộc gặp gỡ này. Sau tiếng “à”, ánh mắt ông dõi xa. Và câu chuyện về cuộc đời của ông cứ thế hiện ra…

Thầy Thìn đang nói chuyện lịch sử với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội

Ngày 1-9-1940, Nguyễn Đức Thìn chào đời trong một gia đình có bố là lý trưởng. Lên 7 tuổi, cậu bé Thìn đã tận mắt chứng kiến tụi lính lê dương hất tung mâm cơm cúng của gia đình mình trong ngày giỗ vua Lý Thánh Tông. Sự việc ấy ăn sâu trong óc như một dấu ấn đầu đời hun đúc lòng căm thù giặc trong lòng cậu bé. Sau mấy năm tản cư trở về làng, biết Đình Bảng đã thành lập Đội quân báo thiếu nhi (7-1949), Thìn rất quan tâm theo dõi hoạt động của Đội và nằng nặc xin gia nhập để được góp sức bảo vệ xóm làng. Nhưng gần 2 năm sau (1-1951), khi Đội quân báo thiếu nhi đã đổi tên thành Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Thìn mới được kết nạp làm thành viên chính thức. Buông tiếng thở dài, ông Thìn ngừng giọng. Dường như một kỷ niệm không vui nào đó đang tái hiện trong ông. Tôi hỏi bằng giọng cảm thông: “Phải chăng do bố làm lý trưởng nên anh em dè dặt trước khi kết nạp ông vào Đội?”. Khẽ gật đầu, ông Thìn kể tiếp: “Gia đình tôi cũng bị thực dân Pháp đè nén, áp bức như bao gia đình khác trong làng. Các anh tôi đều tham gia cách mạng, em con chú ruột tôi là Nguyễn Đức Nguyện (cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo) cũng từng là Bí thư chi bộ đầu tiên ở Đình Bảng. Vậy mà… Khi ấy tôi chỉ biết làm tất cả những gì mà các đội viên khác thường làm. Thế rồi chỉ huy Đội cũng nhận ra và quyết định kết nạp tôi vào đội. Hôm đó tôi vui lắm, dù buổi kết nạp đơn sơ, không hát Quốc ca, không có Quốc kỳ nhưng trong lòng tôi vẫn thầm vang lên giai điệu thiêng liêng Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”. Ông bỗng bật hát lên khe khẽ. Trên gương mặt từng trải, nhăn nheo tôi nhận ra niềm vui đang hiện về trong ánh mắt của ông.

AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn chụp ảnh lưu niệm với Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên UVBCT, nguyên Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam khi về thăm Đền Đô

Sau ngày trở thành đội viên du kích Đình Bảng, Nguyễn Đức Thìn được giao nhiệm vụ tiếp cận bọn lính Pháp để nắm bắt thông tin, lấy trộm vũ khí, đếm số xe ra vào đồn địch… rồi báo cho quân ta qua hòm thư mật. Thế là với tài thổi kèn ắc-mô-ni-ca, Thìn đã dễ dàng làm quen với tụi lính đóng đồn đầu xóm. Cậu lân la tìm hiểu số lính trong đồn và từng loại vũ khí chúng đang sử dụng rồi ghi vào mảnh giấy chuyển tới hộp thư. Đêm đến, Thìn lại được giao nhiệm vụ canh gác từ xa cho các anh du kích xã tranh thủ chợp mắt sau mỗi chuyến vận chuyển hàng ra vùng kháng chiến. Cứ như thế, Nguyễn Đức Thìn cùng đội du kích thiếu niên Đình Bảng đã mưu trí, dũng cảm lập nên nhiều chiến công, cung cấp thông tin quan trọng cho bộ đội địa phương tiêu diệt các bốt, đồn địch đóng tại quê hương khiến quân Pháp hoang mang, lo sợ. Sau này, toàn Đội đã được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc tặng lá cờ “Thiếu niên anh dũng”.

“Sứ giả nghìn việc tốt”

Hòa bình lập lại, Nguyễn Đức Thìn tiếp tục theo học cấp 2 ở Trường Hàn Thuyên và tích cực hưởng ứng các hoạt động thi đua ái quốc. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai 18 tuổi ấy chính thức được xã giao nhiệm vụ phụ trách đội thiếu niên, tổ trưởng tổ giáo viên vỡ lòng của Đình Bảng. Từ đó, anh trở thành thầy giáo làng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời đầy sáng tạo của một giáo viên tâm huyết. Năm 1963, với cương vị Phó bí thư đoàn Trường cấp 2 Tam Sơn (Tiên Sơn, Hà Bắc) thầy Thìn đã đề xuất phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”, rồi phong trào “nghìn việc tốt” trong thiếu niên học sinh lan rộng khắp cả nước. Phong trào “nghìn việc tốt” đã trở thành một nội dung trong khẩu hiệu hành động “Thiếu niên Việt Nam chăm ngoan, học giỏi, làm nghìn việc tốt, tiến bước lên Đoàn”. Điểm sáng Tam Sơn được các địa phương thi đua, học tập và thầy Thìn trở thành tâm điểm của sự ngợi khen với biệt danh “Sứ giả nghìn việc tốt”, được mời đi phổ biến kinh nghiệm ở nhiều nơi.

Nhân ái “Nhiệt cảm sinh”

Cuộc đời vốn không bằng phẳng, có những lúc số phận nghiệt ngã, trái ngang. Đang “nổi như cồn” thì ông bỗng nhiên bị mắc bệnh phong phải vào điều trị tại trại phong Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu (Nghệ Tĩnh) đầu năm 1979. Ngày ấy bệnh phong còn gọi là bệnh hủi, chịu sự ghê tởm, miệt thị của người đời, bệnh nhân vào đây đều mang tâm trạng tuyệt vọng. Vậy mà ông, con người đầy nghị lực, lạc quan đã nhanh chóng vượt qua. “Phải chăng bút danh “Nhiệt cảm sinh” ký dưới những vần thơ ông viết ở trại phong Quỳnh Lập cũng là để biểu lộ sức sống của mình?”- Tôi hỏi khi ông ngừng lại, lật tìm trang sách. Vẫn nụ cười đôn hậu, ông giải thích: “Tôi sinh ra đúng vào năm Hàn Mặc Tử qua đời sau 52 ngày điều trị bệnh phong ở trại Quy Hòa. Một chút ngẫu nhiên sinh tử ấy cùng với bệnh tật giống nhau đã khiến tôi nảy ra ý nghĩ: không thể chết trong đau đớn như thi sĩ họ Hàn. Nếu như Nguyễn Trọng Trí lạnh băng, vô cảm với cái chết, thì tôi, Nguyễn Đức Thìn, phải nhiệt tình, khát khao sự sống. Bởi vậy, tôi đã vượt lên, làm việc ngay trong trại phong, động viên mọi người cùng lạc quan hướng tới tương lai. Có lẽ vì thế mà họ gọi tôi là đối nhân của Hàn Mặc Tử”. Ngọn lửa trong ông đã làm nhen lên hy vọng của hết thảy bệnh nhân ở đó. Những bài thơ, những bức ảnh và tư liệu phim đơn sơ do ông mầy mò sáng tạo khiến trại phong Quỳnh Lập như được thổi một luồng sinh khí mới, không còn vẻ u ám xưa kia. Đặc biệt, khi nhìn những đứa trẻ phải theo cha, mẹ đến ở trại phong, không được học hành, dạy dỗ trái tim người thầy đau đớn, xót xa. Trong một lần trò chuyện với lãnh đạo trại, Bí thư chi bộ bệnh nhân Nguyễn Đức Thìn đã đề xuất nguyện vọng mở trường dạy học cho gần 150 em nhỏ đang sống tại đây. Đề xuất của ông được toàn trại hưởng ứng. Thế là thầy Thìn cùng một số bệnh nhân có trình độ, khả năng sư phạm được lựa chọn “gieo chữ” cho những mầm xanh bất hạnh. Trường Lê Văn Tám (Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu) đã ra đời như thế!

Sau 4 năm điều trị ở trại phong Quỳnh Lập, ngày 8-1-1983 ông bình phục nhưng di chứng bệnh phong đã làm 2 bàn tay ông yếu rụn, co quắp. Trở lại trường cấp 2 Tam Sơn, rồi chuyển về trường cấp 2 Đình Bảng (1984), ông vẫn tiếp tục cống hiến, sáng tạo, tận tâm vì sự nghiệp trồng người. Ông đã đưa ra ý tưởng xây dựng “phòng giáo dục truyền thống” và thành lập “tổ sử học trẻ” trong nhà trường phổ thông với mong mỏi phổ biến rộng rãi kiến thức lịch sử cho các thế hệ học sinh. Những sáng kiến này lại một lần nữa được nhân rộng trong ngành giáo dục. Và ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (1985), Nhà giáo nhân dân (1988) cùng 3 Bằng lao động sáng tạo do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng.

Hết lòng “Lý hiếu nghĩa”

Cuối năm 1991, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn về nghỉ hưu. Sẵn có vốn kiến thức lịch sử và sự say mê tìm tòi ông đã dốc sức hưng chấn nơi thờ tự Lý triều bát Đế. Được tham gia vào Ban quản lý di tích Đền Đô, ông Thìn đã dầy công đến các bảo tàng, viện lịch sử để thu thập tìm kiếm tư liệu, chụp ảnh, viết thành sách làm luận cứ cho Hội thảo khoa học về Đền Đô. Đồng thời ông còn tích cực đi vận động các địa phương quyên góp trùng tu ngôi đền khang trang, lộng lẫy xứng tầm một di tích thiêng liêng tôn thờ triều đại khởi nguồn Thăng Long-Đại Việt. Tấm lòng nhiệt thành, bao năm “Cơm nhà, việc đền say sưa gánh/ Lương mình, ích xã tận tình lo” ấy chính là lý do để Câu lạc bộ thơ Đình Bảng và bà con làng xã gọi ông với cái tên thân thương, quý trọng “Lý hiếu nghĩa”.

 Nhiều năm nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng NGND Nguyễn Đức Thìn vẫn đau đáu với sự nghiệp trồng người. Ông đến gặp lãnh đạo ngành giáo dục đề nghị, hằng năm nên tổ chức cho học sinh, sinh viên thăm viếng Đền Đô, đích thân ông nói chuyện lịch sử giúp các em có thêm tri thức, tình cảm hướng về nguồn cội. Công việc ấy với ông bây giờ như một nguồn vui bất tận…

Bài và ảnh: Hoàng Thành