QĐND - Chúng tôi gặp cựu chiến binh (CCB), Trung tá Lê Trường Giang, ngụ ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh khi bác cùng đồng đội vừa an táng liệt sĩ Vũ Huy Chiêu (quê Thái Bình) tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Đây là phần mộ thứ 1.087 mà người CCB này đã miệt mài, âm thầm đi tìm các đồng đội trong suốt sáu năm qua. Dù tuổi đã cao, nhưng ông Giang vẫn mang nặng nỗi day dứt về hình ảnh của những đồng chí, đồng đội đã hy sinh mà chưa tìm được hài cốt.

Đưa anh về với mẹ

Cuối tháng chín vừa qua, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 16 đã tổ chức an táng liệt sĩ Vũ Huy Chiêu trước sự chứng kiến của gia đình và chính quyền địa phương. Đồng chí Vũ Huy Chiêu, nhập ngũ ở Trung đoàn 16, Sư đoàn 325, Khu 4, lên đường vào Nam khi 18 tuổi. Anh hy sinh sau trong một trận chiến đấu ác liệt với địch ở tuổi 25.

CCB Lê Trường Giang (ngoài cùng, bên trái) trong một lần đi tìm mộ đồng đội tại nghĩa trang Lộc Ninh, Bình Phước.

Kể lại quá trình đi tìm đồng đội, CCB Lê Trường Giang cho biết: "Khi anh Chiêu hy sinh, tự tay chúng tôi đã chôn cất. Nhưng sau hơn 40 năm, địa hình thay đổi nhiều, nên khó nhận biết địa hình, địa vật. Anh em đã đi khắp các nghĩa trang trong tỉnh Tây Ninh, phối hợp với đơn vị quy tập liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh để tìm nhưng cũng không có kết quả. Chúng tôi cũng thấy nóng ruột khi biết gia đình anh Chiêu đã nhờ một nhà ngoại cảm đi tìm và bốc một ngôi mộ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa về quê an táng. Đơn vị tôi chưa bao giờ hoạt động ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nên ngôi mộ đó chắc chắn không phải của anh Chiêu. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được mộ anh ở chân núi Bà Đen. Qua giám định ADN, đã chứng minh phần mộ là đúng của liệt sĩ Vũ Huy Chiêu, nên chúng tôi làm thủ tục đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh".

Bà Trần Thị Gấm, 85 tuổi, mẹ liệt sĩ Chiêu xúc động nói: "Mẹ chỉ có một đứa con trai là Chiêu. Mẹ tự hào vì Chiêu đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Nhưng bao nhiêu năm nay, gia đình ăn không ngon, ngủ không yên vì chưa tìm được hài cốt của nó. Nay được các đồng đội đưa Chiêu về nghĩa trang liệt sĩ thành phố, mẹ yên tâm vì con trai đã có nơi an nghỉ đàng hoàng, sớm hôm mẹ có thể viếng thăm".

Món “nợ” với đồng đội

Trung đoàn 16 là đơn vị vào Nam chiến đấu đầu tiên của quân đội ta. Giai đoạn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn bám trụ hơn 7 tháng tại vườn cau đỏ Hóc Môn và Gò Vấp, Sài Gòn – Gia Định để đánh địch. Ngày nào cũng chiến đấu, nên đều có người thương vong. Đồng đội hy sinh ở đâu, ông Giang cùng anh em đơn vị chôn cất ở đó. Hầu hết phần mộ đều chôn cất trong điều kiện vội vàng, không thực sự chu đáo. Hòa bình lập lại được vài năm, chưa kịp lo công tác thương binh - liệt sĩ, đơn vị lại lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Cam-pu-chia đánh đuổi quân Pôn-pốt. May mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại ở chiến trường, ông Giang được trở về đoàn tụ với gia đình. Dù đã rời xa quân ngũ 18 năm nhưng ông Giang luôn day dứt bởi những đồng đội vẫn đang nằm lại ở chiến trường, khi mà người thân của họ bao tháng ngày trông mong.

Vì đơn vị đi chiến đấu giúp bạn nên toàn bộ tài liệu lưu trữ của trung đoàn đã bị thất lạc, gây nhiều khó khăn cho công tác chính sách và tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Ông Giang phải liên hệ với phòng Chính sách Quân khu 7 để tìm hiểu các thông tin lưu trữ, với mong muốn tìm được tài liệu về đồng đội. Thật may mắn, ông đã tìm được cuốn sổ ghi lại danh sách liệt sĩ của trung đoàn từ trước năm 1975. Ông Giang coi đó là “bảo vật”.

Có “bảo vật” làm hành trang, từ năm 2007, ông bắt đầu hành trình đi tìm phần mộ của các đồng đội. Ông đã phát hiện ngoài những phần mộ chưa tìm thấy, còn có những đồng đội đã được quy tập về các nghĩa trang, nhưng gia đình không biết thông tin. Số mộ này, ngôi thì có tên tuổi, ngôi thì vô danh. Làm thế nào để tìm ra đồng đội và báo tin về gia đình? Câu hỏi này cứ đi vào từng bữa cơm, giấc ngủ của ông Giang. Và từ đó mỗi khi tìm được thông tin hay phần mộ của liệt sĩ, ông lại cặm cụi viết thư gửi về cho gia đình của họ và chính quyền địa phương nơi đó. Vì vậy 1.087 ngôi mộ liệt sĩ đã được tìm thấy, cũng đồng nghĩa với bấy nhiêu gia đình liệt sĩ tìm được sự an ủi sau hàng chục năm trời mong đợi mỏi mòn. Những lá thư cảm ơn nhận được từ các thân nhân liệt sĩ, chính là niềm an ủi, động viên lớn nhất của ông, tiếp thêm nghị lực để ông tiếp tục thực hiện ước nguyện của mình.

Cựu chiến binh Lê Trường Giang.

Thế nhưng, sự đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có những ngôi mộ nằm trong rừng sâu mà ông Giang không thể nhớ được vị trí. Có những liệt sĩ gọi là được quy tập, nhưng không có hài cốt, hoặc địa chỉ trên giấy báo tử đã khác so với địa chỉ ngày nay. Sau nhiều thất bại, ông Giang cố lục tìm trong ký ức tin tức về đồng đội và đi gặp những người bạn chiến đấu cũ để chắp nối thông tin về các địa điểm chôn cất ở chiến trường xưa...

Ông Giang đã đi hết các nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, từ Bình Dương, Bến Cát (Bình Dương) đến Lộc Ninh (Bình Phước) rồi ngược lên nghĩa trang Trảng Bàng, Đồi 82 (Tây Ninh… Ông xúc động chia sẻ: “Tôi tham gia nhiều trận chiến đấu cùng đồng đội, chứng kiến biết bao người đã ngã xuống khiến tôi rất đau lòng. Hơn nữa, gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay, chính là nhờ công sức và xương máu của đồng đội. Đó chính là sức mạnh, là sự thôi thúc để tôi đi tìm lại những phần mộ của họ. Ngày nào còn chưa tìm hết đồng đội đã hy sinh thì tôi vẫn còn lo lắng, day dứt”.

Trọn nghĩa vẹn tình

Khó có thể kể hết những nỗi khó khăn, vất vả trong quá trình CCB Lê Trường Giang đi tìm đồng đội. Với những phần mộ đồng đội tại nơi chiến trường xưa, ông phải lặn lội vào tận rừng sâu để tìm. Ông Giang nói: “Mùa nắng, đi bộ dài ngày trong rừng khiến cả đoàn luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Mùa mưa, việc đi lại càng khó khăn hơn khi phải băng qua các con sông, suối. Và niềm xúc động không gì tả xiết khi tôi cùng mọi người tìm thấy được những đồng đội do chính tay mình chôn cất. Chẳng hạn như mộ liệt sĩ Cao Thế Tạc (Hải Dương) và Hà Văn Pảo (Cao Bằng)". Đây chỉ là hai trong số những ngôi mộ mà ông cùng đồng đội vất vả lắm mới tìm được.

Việc tìm kiếm hài cốt đồng đội ở trong nước còn khó, việc tìm kiếm trên đất bạn Lào càng khó khăn hơn. Ngay chuyện làm hộ chiếu, rồi ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau... khiến ông Giang gặp không ít khó khăn. Tìm được hài cốt thì cả đoàn phải làm lễ cúng tại nơi cất bốc theo phong tục, tập quán của dân làng địa phương, rồi mới làm thủ tục giấy tờ chuyển hài cốt qua cửa khẩu quốc tế giữa hai nước.

Quá trình đi tìm và cung cấp thông tin mộ đồng đội, ông Giang luôn quan tâm chăm lo đến những thương, bệnh binh. Điển hình như vợ chồng thương binh nặng Phạm Thế Liễn (quê Thái Bình), bị thương tật 81% do chất độc da cam, đột quỵ liệt nửa người, nói năng, đi lại không được. Ông đã cùng gia đình đưa đón chữa bệnh, chăm sóc trong thời gian 3 tháng. Hiện tại, sức khỏe của bác Liễn dần hồi phục, đã nói được. Ông còn vận động các nhà hảo tâm xây tặng một gia đình thương binh ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước cho một căn nhà tình nghĩa.

Ông Giang cho biết, những phần mộ của đồng đội đã tìm thấy, chỉ mới được 20% so với tổng số liệt sĩ của trung đoàn. Điều đó chưa đáp ứng được lòng mong mỏi, trông chờ của thân nhân liệt sĩ. Ông nói rằng, hành trình tìm đồng đội của ông vẫn còn tiếp diễn và còn nhiều gian lao phía trước.

Xin mượn những dòng thơ của nhà thơ Phan Thế Hữu Toàn thay cho những tâm huyết của CCB Lê Trường Giang:

 

“Mộ của anh đâu rồi?

Nén hương lòng tôi khấn

Rừng chiều vẫn im lặng

Gieo lòng tôi nỗi đau.

 

 

Thơ xin viết đôi câu

 

Trải lòng mình trên cỏ

Thơm hương bông hoa nhỏ

Trên dải đất anh nằm.

 

 

Chưa tìm được mộ anh

 

Hành trình vẫn tiếp diễn

Mong làm tròn ước nguyện

Đưa anh về nghĩa trang”.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA-ÁNH TUYẾT