QĐND - Mạnh gườm tôi, dằn giọng: "Ông vứt máy ảnh đi. Định giở trò gì đấy? Thích đánh nhau không?".... Thú thực, nghe giọng nói của Mạnh, cộng thêm gương mặt gầm gồ, dáng người đậm, chắc nịch của một người có cái tên "Thực đại ca", nên dù có đi cạnh Đại tá Phạm Minh Tiến, tôi cũng thấy... rờn rợn, buộc lòng cảnh giác.

Địa chỉ đặc biệt

Tôi có dịp đến nhiều bệnh viện, lại thường xuyên làm việc với Cục Quân y nên biết được rằng, trong các bệnh viện quân đội, có vài khoa chữa bệnh khá đặc biệt. Một khoa tuyến cuối ở Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) nơi Phó giáo sư-tiến sĩ Cao Tiến Đức là Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần học. Còn lại là Khoa A6 của Bệnh viện Quân y 109, Quân khu 2. Một khoa của Bệnh viện 17 (Quân khu 5) và một khoa thuộc Bệnh viện 120 (Quân khu 9). Đây là những nơi thu dung, điều trị người bị mắc các chứng bệnh về tâm thần.

Khoa Tâm thần kinh của Bệnh viện Quân y 109 nằm ở góc trong cùng, khuôn viên thoáng, rợp tán cây, đầy ắp tiếng chim. Nếu thi thoảng không có những tiếng kêu, tiếng hét... bất thình lình của bệnh nhân thì quả thực, không gian ấy cũng có thể... gọi chữ về mà viết thành thơ!

Các thầy thuốc và người bệnh bên nhau.

Khoa A6 được thành lập từ những ngày đầu Quân y viện ra đời, khi ấy, đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, trong số các thương binh, bệnh binh trở về, không ít người bị các vết thương sọ não. Thời bình, lại khó có thể tránh khỏi những trường hợp quân nhân đang tại ngũ mắc phải các bệnh lý thần kinh và tâm thần. Đây là loại bệnh khá đa dạng và phức tạp vì nó liên quan đến suy nghĩ, hành vi, tác phong và sức khỏe con người. Để làm nhiệm vụ ấy, khoa ban đầu chỉ có 5 giường bệnh nhưng số bệnh nhân trung bình từ 12 đến 18 người do 12 cán bộ, nhân viên đảm nhiệm.

Là người "ngoại đạo" nhưng tôi có suy nghĩ, trong số các công việc chuyên môn của một bệnh viện, môi trường làm việc ở các khoa tâm thần, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn... dường như không... hấp dẫn được các y, bác sĩ. Cũng dễ hiểu và cảm thông với họ bởi, bước chân vào là phải dấn thân, đối mặt với những khó khăn, thách thức…  

"Đối tác" đặc biệt

Hơn mười năm trước, lần đầu đến Khoa A6, tôi đã gặp Phạm Văn Thực. Anh bằng tuổi nên tôi để ý đến anh nhiều hơn. Quê anh ở xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, thân thể vạm vỡ, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn. Thực nhập ngũ tháng 3-1991, cấp bậc Binh nhất, thuộc biên chế của một trung đoàn bộ binh. Hết thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, không may anh mắc căn bệnh "nói lảm nhảm suốt ngày", hay "tự tưởng tượng", "thích đánh nhau" nên được cho đi chữa trị. Các bác sĩ Bệnh viện 109 đã tích cực can thiệp nhưng cuối cùng vẫn phải ghi nhận anh đã mắc chứng bệnh khó chữa: Tâm thần phân liệt. Ngày ấy, Thực dữ dằn hơn bây giờ nhiều. Tôi nhớ, để giúp tôi có thể quan sát, tìm hiểu về những người bệnh của khoa, mấy y sĩ đã phải vào "tiếp cận" với Thực trước để "làm công tác tư tưởng" bằng cách "nịnh" anh chàng này, sau đó chúng tôi mới được tiếp xúc qua... song sắt cách ly giữa hai phòng. Vậy mà đã hơn chục năm , Thực "đại ca" già hơn nhưng vẫn rất khỏe, tiếp xúc với anh ấy đã không còn phải qua chấn song sắt nữa...

Lúc phát bệnh, có thể những cánh tay này sẽ... không đùa.

Thực là bệnh nhân điển hình trong số gần hai chục bệnh nhân tâm thần của Khoa A6. Mẹ của Thực đã mất, bố anh giờ cũng đã ngoài 70, anh em ai có phận nấy nên cả chục năm qua, bệnh viện đã mặc nhiên là nhà của anh. Thực bây giờ, không thể rời xa bệnh viện - giọng Bác sĩ Chủ nhiệm khoa Phạm Minh Tiến trầm xuống. Anh kể, Thực là bệnh nhân phải dùng nhiều thuốc nhất. Mỗi ngày, tiêu chuẩn thuốc của anh… hàng vốc. Chậm một chút, thuốc chưa đủ là có thể anh lại bị rối loạn hành vi. Lúc đó, có thể Thực hát hò toáng lên, hoặc kêu la ầm ĩ, hoặc giở hành vi trêu trọc chị em…

Nhưng, cũng có lúc Thực tĩnh lặng, tìm lại được khoảng yên bình trong tâm trí. Lần ấy, Thực trốn viện về nhà, anh chị em trong khoa hốt hoảng phân công nhau đi tìm. Y sĩ Văn Đình Liêm tìm về nhà Thực đã thấy anh…bắt vịt mổ, đánh tiết canh và… uống rượu. Giận bao nhiêu rồi cũng tan biến, anh Liêm chờ đợi cho Thực cảm nhận trọn vẹn khoảng hạnh phúc hiếm hoi nơi chôn nhau, cắt rốn rồi sau đó vừa nịnh, vừa “hộ tống” Thực trở lại bệnh viện.

Nếu gọi Thực là “đại ca” thì “nhị ca” phải là Mạnh. Nguyễn Văn Mạnh năm nay ở tuổi 39, nhập ngũ năm 1992, quê tận Lai Châu. Mạnh mắc chứng hoang tưởng bị hại, thường xuyên nghĩ và cho rằng có ai đó đang rình rập để tấn công mình. Thi thoảng, Mạnh lại co rúm người lại bởi “nhìn thấy người mặc áo trắng, tay cầm dao đòi… giết Mạnh”. Hoảng sợ, Mạnh cắn chặt môi, cắn cả lưỡi mình, rất nguy hiểm đến tính mạng. Những lúc như thế, các thầy thuốc phải can thiệp kịp thời. Việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần càng không theo quy luật nào, bệnh nhân đang ngồi cười, ngồi nói bỗng ngã vật ra, quay đơ, sùi bọt mép; bệnh nhân đang ăn thì bỏ đi tắm, đang tắm thì… chạy đi chơi...

Thôi thì, chuyện "tỉnh tỉnh, mơ mơ" của người mắc bệnh tâm thần vốn là "bản chất" nỗi khổ của họ nhưng nhiều hoàn cảnh bệnh tật càng thêm khổ khi không nhận được sự chăm sóc của chính những người thân. Nhiều gia đình người bệnh do bố mẹ mất, chỉ còn lại anh em, họ hàng, rồi mỗi người "kiến giả nhất phận" nên có lên đến bệnh viện cũng chủ yếu... lĩnh phụ cấp, lương của bệnh nhân là chính. Cũng khó có thể bảo đảm những người thân ấy đủ thời gian, điều kiện chăm sóc cho các bệnh nhân nên đương nhiên, họ phó mặc cho các thầy thuốc. Anh Nguyễn Văn Lợi, quê Ý Yên, Nam Định chẳng hạn. Anh từng có một gia đình đầm ấm, từng có nhiều năm lao động ở nước bạn Tiệp Khắc trở về nhưng căn bệnh tâm thần phân liệt khiến anh trở thành người "bệnh tưởng", không được điều trị bằng thuốc thì lại "sinh chuyện". Hoặc như bệnh nhân Nguyễn Hào Kiên (quê Ba Vì, Hà Nội), đã có vợ, một con...

Là anh, là chị và là mẹ

Nghề y là một nghề cao quý nhất trong số các nghề cao quý. Sự tôn vinh ấy của toàn xã hội là sự ghi nhận chính xác nhất bởi ý nghĩa của việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người.

Với những thầy thuốc ở Khoa Tâm thần kinh này, chúng tôi thật sự tâm phục. Gắn bó với khoa, làm việc tại khoa trong môi trường của những người bệnh nửa điên, nửa dại nhưng các anh, các chị đã vượt lên tất cả, dành cho người bệnh sự quan tâm, thương yêu vô bờ bến. Công bằng để đánh giá, câu nói "Coi người bệnh như chính người thân của mình" đã được tập thể những người lính mặc áo trắng nơi này đảm nhiệm tốt. Đại tá Phạm Minh Tiến, Chủ nhiệm khoa trải lòng:

- Điều trị người mắc bệnh thần kinh, tâm thần rất phức tạp bởi nó liên quan đến hành vi, tác phong, sức khỏe con người và kéo dài trong thời gian rất lâu. Thường thì bệnh tiến triển theo hướng nặng dần, ổn định chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, giữ cho người bệnh ổn định cũng đã là thành công...

Chúng tôi không chỉ đồng cảm với suy nghĩ của anh Tiến mà còn tỏ rõ sự khâm phục các anh, các chị trong khoa rất nhiều khi chứng kiến một phần sự phá phách của bệnh nhân. Chấn song cửa sổ của các căn phòng người bệnh nhiều chiếc bị bẻ cong, bật gãy phải hàn lại là kết quả ý định trốn chạy của không ít người. Rồi, những việc làm khác mà người bình thường khó lòng làm được nhưng những công dân ở đây lại... thường xuyên "biểu diễn" - Ấy là việc... nhảy lên nóc nhà để... gào thét và đòi nhảy xuống đất. Những lúc ấy, chị em y tá nữ phải trổ tài thuyết phục, nịnh cho thật khéo để làm giảm "độ âm" của những cái đầu... ấm. Anh em nam khỏe mạnh hơn phải tính đến các phương án đỡ khi bệnh nhân nhảy, thậm chí phải khống chế bằng sức mạnh để tiêm thuốc bình ổn.

Tuy nhiên, những hành động trên của bệnh nhân chỉ làm anh chị em vất vả, họ còn nhiều biểu hiện, hành động làm các chị em phải lo ngại hơn. Đó là những lúc phần con trong mỗi người bệnh trỗi dậy. Tôi không là phụ nữ nên không thể hiểu nổi cảm giác khi bị đối tượng (là người điên) tán tỉnh thì sẽ như thế nào, nhưng chị em làm việc ở khoa phải nhiều lần nghe những điệp khúc tỏ tình vô cảm ấy. Anh nào lúc đó thể bệnh nhẹ thì trêu ghẹo tục tĩu, khó nghe; anh nào nặng, lại "lên cơn" thì sàm sỡ, đòi "yêu" thô bạo lắm. Ngỏ lời yêu, tặng cả... thơ không được thì đòi đánh. Nữ thầy thuốc có kinh nghiệm, làm việc lâu năm còn biết cách để khắc chế, điều hòa bệnh nhân, chứ các nữ sinh viên thực tập thì khó có thể quên được những kỷ niệm ngày đầu vào nghề ở một khoa bệnh tâm thần.

Thế mà, khi chúng tôi trò chuyện với hai y sĩ: Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thắm, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Thị Hương mới phần nào hiểu được tình yêu, trách nhiệm với nghề của các anh, các chị. Vượt qua tất cả những khó khăn, cả trong công tác, cả trong cuộc sống riêng tư, các chị đã góp phần cùng khoa hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị cho người bệnh. Chị Thắm quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc, chồng chị cũng là bộ đội biên chế ở các đơn vị chủ lực nên nay đây, mai đó, chủ yếu đóng quân ở vùng Điện Biên, Tuyên Quang, họ xa nhau là chính. Cách đây hai năm, khi anh được trên điều về đi học lại không may đột quỵ rồi mất, thế là ba mẹ con chị không còn chỗ dựa. Thời gian hiếm hoi trở về với gia đình chị phải chăm lo, bù đắp cho hai con nhưng là y tá trưởng phải quán xuyến công việc nhiều, vậy nhưng chị luôn có mặt rất sớm, sớm hơn mọi người khác trong khoa. Chị Thắm bộc bạch: "Tôi mới đi muộn duy nhất một lần, bởi hôm đó xe hỏng phải dắt bộ"...

Chị Hương lại dành cho các đồng nghiệp nam lời cảm phục:

- Bọn em là con gái, dẫu sao việc nịnh nọt để bệnh nhân ăn cơm, uống thuốc thì cũng có lợi thế, chứ các nam nhân viên phải nín nhịn dỗ dành bệnh nhân mới đáng nể hơn. Dỗ, chăm lo cho họ nhưng vẫn bị bệnh nhân đánh đấy anh ạ. Y sĩ Trường, y sĩ Anh đều đã bị bệnh nhân hành hung, y sĩ Quang còn bị đấm thẳng vào mặt rồi đấy. Bệnh nhân tâm thần khỏe và hung hăng lắm nhưng đã gắn với nghề thì phải yêu nghiệp thôi...

Tưởng như những gian nan đặc thù của nghề có lúc làm nản lòng họ nhưng chị Hương lại có cái nhìn rất thông cảm với người bệnh:

- Những lúc bệnh nhân tỉnh táo, nghe họ kể chuyện, nhìn ánh mắt họ càng thấy thương. Nhiều anh khóc vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ, có em lại thổ lộ ước mong bao giờ khỏi bệnh được lấy vợ, sinh con... Đơn giản hơn, có người lúc đấy mới chợt nhớ, ao ước được ăn bát bún cua hoặc củ khoai luộc... Chúng em cố gắng để giúp anh em được ăn, được uống những thứ đó anh ạ...

Tôi chợt nhớ, lúc ngồi với bệnh nhân Nguyễn Hào Kiên, thấy cậu ta lôi trong túi cóc ra chiếc kẹo, khoe là quà của mấy chị, mấy anh đi ăn cỗ về cho. Lại thấy, khi Lực, Tiến líu ríu dặn chị Thắm mua cho lọ dầu gội, bao thuốc lá... mới hình dung, các thầy thuốc của Khoa Tâm thần kinh A6, còn vừa là anh, là chị, và cả là mẹ nữa....

Bài và ảnh: Anh Thu - Hoàng Hà