QĐND-Hơi ấm một ngày cuối thu như còn đọng lại ở sắc tím thủy chung phong lan mà nhà văn Sơn Tùng đang nâng niu trên tay, thành kính dâng lên cụ Vũ Đình Hòe. Cụ bà Nguyễn Thị Trường cảm động nhận từ tay cụ ông Vũ Đình Hòe lẵng hoa lan tím. Cả cuộc đời vất vả tận tụy vì chồng con, cụ bà yêu nhất màu hoa tím, nhẹ nhàng thầm kín.

Căn nhà số 10, phố Phù Đổng Thiên Vương, Hà Nội ngày 15-11-2005 ấy vẫn giữ nguyên dáng vẻ cổ xưa, thâm nghiêm, với chữ nho, câu đối, tủ sách cao lớp lớp. Lần theo lối cầu thang hẹp, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, con trai trưởng của cụ Vũ Đình Hòe đưa nhà văn Sơn Tùng và chúng tôi lên lầu, thăm song thân phụ mẫu. Cụ Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên (8-1945 đến 3-1946) và là Bộ trưởng Tư pháp liên tục 15 năm của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1960), nay 94 tuổi, mái tóc trắng như mây, vẻ tiên phong đạo cốt, vui vẻ đàm đạo với nhà văn Sơn Tùng về nhân tình thế thái rất là tâm đắc:

- Sáng nay, tại lễ khai giảng Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi nói chuyện với sinh viên là phải biết “cãi lại” thầy cô giáo, nhưng “cãi” một cách lễ độ và có lý lẽ bằng những câu hỏi của mình, phải biết tích cực tham gia vào bài giảng trên lớp bằng các câu hỏi. Tiếng Việt ta nói “học hỏi”. Các em là sinh viên đại học, không phải học sinh phổ thông “cấp bốn”. Vậy, khi học phải hỏi, chưa hỏi là chưa học, đặc biệt ở đại học. Không đơn thuần chỉ thụ động ngồi nghe những điều thầy cô dạy bảo và chăm chăm trả lời cho phù hợp, để lấy điểm cao. Tôi mong cho nền giáo dục của ta thực sự là giáo dục vị nhân sinh. Trẻ con được phát triển hài hòa tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn theo đúng độ tuổi của chúng...

Không khí thân mật ấm cúng. Bóng nắng xế ngoài hiên. Cụ bà nhỏ nhắn hiền từ ngồi bên cạnh cụ ông, ân cần rót thêm trà vào các chén. Nhà văn Sơn Tùng mái tóc muối tiêu bồng bềnh, ánh mắt ngời sáng sau cặp kính cận trắng nói với chúng tôi:

- Cụ Vũ Đình Hòe là cháu trực hệ đời thứ 4 của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, người làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tiến sĩ Vũ Tông Phan là Hội trưởng Hội Hướng Thiện đầu tiên của đền Ngọc Sơn, thành lập năm 1841. Cụ là một trong những người khởi xướng công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long nửa đầu thế kỷ 19, về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và sự nghiệp trồng người. Trước Cách mạng, giảng đàn Ngọc Sơn là nơi ngầm nuôi dưỡng, “gây men văn hóa” cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội. Tết năm 1946, Bác Hồ đến thăm đền Ngọc Sơn. Lúc ấy, cụ Vũ Bội Hoàn, thân sinh cụ Vũ Đình Hòe là chủ bản điện đền Ngọc Sơn, đón tiếp Cụ Hồ cùng dự tất niên với các cố lão của 36 phố phường...

Từ trái qua phải: Nhà văn Sơn Tùng, cụ Vũ Đình Hòe và bà Nguyễn Thị Trường. Ảnh do gia đình cung cấp.

Cụ Vũ Đình Hòe bị bệnh giãn phế nang kinh niên, nhưng âm thanh tiếng nói vẫn sang sảng:

- Cụ Hồ khen ngợi, các cụ đã cao niên mà còn ra sức khuyến thiện trừ tà, giảng thiện cho con cháu là quý lắm! Tôi xin được góp thêm một ý kiến: Trước đây, các cụ làm việc vận động một cách kín đáo, phải che đậy khéo léo. Từ nay, ta sẽ nói thẳng vào mặt lũ giặc: Trên đời tội ác lớn nhất là xâm lược, áp bức bóc lột. Điều Thiện cao cả nhất là yêu nước, yêu dân chủ, độc lập, tự do.

Khi còn là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cụ Vũ Đình Hòe phụ trách một trong năm Đặc ủy đoàn Chính phủ, đi công tác 12 tỉnh, thực hiện nhiệm vụ động viên toàn dân đoàn kết chiến đấu và tăng gia sản xuất theo phương châm “Kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhất định thắng lợi”, đồng thời kiểm tra từ gốc công tác của các Ủy ban Kháng chiến, công tác tư pháp. Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã ra thông tư, chỉ thị cho các cấp tư pháp và công an dưới quyền phải thi hành luật lệ theo đúng đường lối của Chính phủ. Bác Hồ nhận được bản báo cáo kinh lý của Bộ trưởng Vũ Đình Hòe. Người bút phê ngoài lề “Tốt”, rồi cho phép vị Bộ tưởng Bộ Tư pháp nghỉ 10 hôm về ăn Tết với gia đình ở Bờ Đậu (Thái Nguyên). Hồ Chủ tịch còn gửi tặng 10 vuông lụa Vạn Phúc và một bánh thuốc lào Vĩnh Bảo để mừng thọ cụ ông Vũ Bội Hoàn, 70 tuổi, thân sinh của Bộ trưởng.

Cụ Vũ Đình Hòe xúc động:

- Tôi còn nhiều việc chưa làm được với ngành tư pháp, chưa đền đáp được lượng bao dung và công ơn rèn giũa của Bác Hồ đối với cán bộ pháp lý, công ơn của Bác xây dựng nền pháp lý Việt Nam.

 Đạo đức và Pháp luật là nhất thể. Cái nhất thể ấy không phải luôn luôn cứ giữ nguyên trạng. Nhưng, dù có biến đổi thế nào, cùng với sự biến chuyển của vạn vật thì cái căn nguyên của nó vẫn thế. Đó là tính nhân bản của đạo đức và pháp luật. Nắm vững cái bất biến ấy, Bác Hồ ứng với vạn biến của xã hội, trong nước cũng như trên thế giới.

Cái bất biến ấy là Nhân Nghĩa. 

Chúng tôi cùng nhà văn Sơn Tùng bái biệt vị tiên ông quốc lão Vũ Đình Hòe và cụ bà, trong hơi nắng còn đọng một chút ấm cuối ngày.

Một thời gian sau, cụ Vũ Đình Hòe chuyển vào sống ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho hợp sức khỏe của cụ. Từ phương Nam, cụ Vũ Đình Hòe gửi thư cho nhà văn Sơn Tùng:

“TP Hồ Chí Minh, ngày 20-1-2008

Anh Sơn Tùng mến thương!

Nhớ anh quá chừng. Anh vẫn khỏe luôn chứ? Năm qua ngoài Bắc rét lắm, mà mảnh đạn nó cứ nằm lỳ trong đầu anh, tội nghiệp. Tôi vào đây đã hai năm tròn, muốn ra thăm mấy bạn già ốm yếu, nhất là anh và anh Hoàng Nguyên, mà cột sống của tôi coi như cứng liệt đi lại phải chống gậy đã đành, lại còn phải có người đi cạnh, đề phòng “cây đổ” còn kịp dựng lên!

May mà cái đầu còn ngọ nguậy được, nên đang cố gắng viết tập III cuốn sách mà anh giúp đỡ nhiều nên đã ra được tập II “Sự cấu tạo của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh”. Mong rằng sau Tết sẽ lò mò ra Hà Nội được. Sẽ đến cầu cạnh anh về ý kiến và tư liệu sống. Năm qua, chắc anh có tác phẩm mới viết về đề tài anh hằng ôm ấp: “Tư tưởng nhân nghĩa Bác Hồ”, cầu xin anh cho tôi đọc sẽ gợi ý thêm cho tôi.

Thôi, xin tạm dừng lời. Năm mới, xin chúc anh chị mọi sự tốt lành.

Thân mến

Vũ Đình Hòe”

Nhà văn Sơn Tùng cho tôi được phép đọc bức thư của cụ Vũ Đình Hòe. Tôi cảm động, trân trọng nâng lá thư mỏng, tình dày, nghĩa nặng của cụ cựu Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe, sống gần trọn trăm tuổi, mà vẫn mong được đi “ăn mày” (cụ Vũ Đình Hòe điện đàm với nhà văn Sơn Tùng - TG) chữ nghĩa của người bạn vong niên. Quả nhiên ít lâu sau, cụ Vũ Đình Hòe vừa ra Hà Nội đã lọc cọc chống gậy, cùng con trai, đến thăm ẩn sĩ Sơn Tùng tại tư gia. Cụ vừa leo cầu thang vừa gọi: - Anh Sơn Tùng ơi!…

Cuộc gặp gỡ của những con người khát khao tri thức vỡ òa trong niềm xúc động khôn cùng...

Chẳng phải ngẫu nhiên, sau khi sáng lập Hội Hướng Thiện, cụ Vũ Tông Phan cho khắc lên tấm bia nêu tôn chỉ của Hội:

“Gươm báu mới mài ngời ánh sáng

Hành hay tàng vẫn rạng muôn phương”

“Tàng” không có nghĩa là không hành động, mà hành động thế nào để cái chí khí Nho gia mà thời thế buộc phải tàng đó vẫn tỏa sáng, vẫn ảnh hưởng khắp nơi nơi…

Giảng kinh được phép tiến hành ở các đền, chùa; nhưng Hội Hướng Thiện lồng vào đó nội dung mới được cập nhật phù hợp yêu cầu từng thời kỳ, cứ đều đặn một tháng hai lần vào các ngày mồng 2 và 16, đền Ngọc Sơn giảng những kinh sách có sẵn, mà phải giảng sao cho khéo để kẻ cầm quyền không bắt tội được mình, đến khi tình thế cho phép chuyển sang hành động thì nội dung các bài kinh lập tức được cập nhật những phương châm tư tưởng của từng thời kỳ. Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn là một tổ chức văn hóa xã hội của sĩ phu Hà Nội, là một cơ sở biên soạn, khắc in sách và tàng trữ ván khắc lớn nhất, để truyền bá tư tưởng canh tân của Đông Kinh Nghĩa Thục ở đầu thế kỷ 20, như gửi gắm trong bốn câu thơ của Hội trưởng, thân phụ của cụ Hòe:

“Đấm tan niềm tục, chuông triêu, mộ

Gọi tỉnh hồn mê, mõ nhặt, thưa

Tiếng kệ, câu kinh mong tế độ

Mồi danh, bả lợi chẳng hồ mơ”

Cụ Vũ Đình Hòe đi xa về cõi người hiền ngày 29-1-2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi.

Trần Minh Thu