QĐND - Cách đây hơn một năm, một mình một chiếc thuyền nhôm nhỏ, cựu Binh nhất Châu Thanh Sang, đã không quản hiểm nguy, băng mình trong dòng nước lũ cuộn chảy hung bạo để cứu gần 1000 người dân…
Cuộc sống người dân là tất cả
Một sáng chủ nhật, tiết trời Tây Nguyên khá êm dịu, nắng và gió nhè nhẹ, chúng tôi tìm về AYun Pa, nơi từng là “chiến địa” oanh tạc nổi tiếng của “Thủy tinh”, chỉ vì tức giận “con người” tàn phá cây rừng… Và nhân vật chính trong câu chuyện “cổ tích AYun Pa” là Châu Thanh Sang (ở tổ 9 phường Sông Bờ, thị xã AYun Pa (Gia Lai), cựu Binh nhất, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 50 Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương đã dũng cảm tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 3 chống lũ, cứu được hàng nghìn người dân bị giặc nước bao vây, phong tỏa.
Riêng Sang đã cứu được gần 1000 người, trong đó có một cháu bé mới sinh hai ngày và rất nhiều người già, trẻ em ở vùng đất Ia Pa, Ayun Pa. Thành tích của anh đã được bà con đồng bào các dân tộc ở đây “tạc dạ ghi lòng”.
 |
Anh Sang (thứ 3, từ trái sang) đang kể lại chuyện cứu vớt nhân dân trong lũ với phóng viên tại ngôi nhà sàn của mình. |
Châu Thanh Sang tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 mới được sửa lại sau trận lũ năm 2009, còn tuềnh toàng, gió từ cánh đồng Ia Broai và sông Ba thổi vào mát dịu. Dấu vết của trận lũ tàn khốc năm nào dường như không còn. Nhà cửa của người dân đã được sửa chữa, xây dựng lại theo quy hoạch chung trông khá đẹp, hàng hóa bày bán hai bên Quốc lộ 25 phong phú. Dẫu mọi sự đổi thay, với bà con nơi đây cũng như với Châu Thanh Sang, trận lũ lịch sử ấy sẽ chẳng thể phai mờ trong tâm trí.
... Mưa lớn kéo dài từ 9 giờ ngày 2-11 đến 10 giờ sáng 3-11-2009, gần như nhấn chìm huyện Ia Pa và thị xã AYun Pa (Gia Lai) trong biển nước. Tại buôn A Ma Dương, phường Đoàn Kết, xóm Bến Mộng và tổ dân phố 5, phường Hòa Bình (thị xã Ayun Pa), nước ngập lên tận mái nhà của hàng trăm hộ dân. Nước sông Ba hung bạo cuộn đổ, chảy tràn qua cầu Bến Mộng, cuốn theo nhiều ngôi nhà, hàng ngàn bao lúa và vật dụng của người dân.
Đêm 2-11, Châu Thanh Sang cùng vợ chạy lũ, chuyển đồ dùng, thực phẩm lên nóc nhà. Trời mưa to, tiếng gió hú, tiếng nước cuộn gầm rú... nhưng cũng không át được tiếng kêu cứu của nhiều người dân xung quanh. Châu Thanh Sang quyết định đi cứu bà con. Sợ nguy hiểm đến tính mạng, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh gàn không cho chồng lấy chiếc thuyền nhôm nhỏ, phương tiện hằng ngày anh dùng đánh bắt cá để đi cứu người. Thương vợ, biết vợ lo cho mình nhưng Châu Thanh Sang chỉ kịp cầm vội chiếc đèn pin, tụt xuống mái hiên, rồi nhảy lên con thuyền đang chao đảo, nhấp nhô theo sóng nước, bỏ lại tiếng người vợ gọi anh như gào thét trong bóng tối.
Đêm mênh mông tối mù, nước lũ tiếp tục dâng cao và cuộn chảy. Mưa làm hạn chế tầm nhìn và ánh sáng trong đêm, Sang cho thuyền chạy men theo Quốc lộ 25 và hướng tới những nơi có tiếng người kêu cứu. Tại vị trí tổ dân phố 5, phường Hòa Bình, lờ mờ trong bóng tối, anh phát hiện trên một nóc nhà có rất nhiều người lô nhô. Nước chảy quá mạnh, chiếc thuyền nhôm không quay đầu lại được, anh phải cho chạy vòng tìm điểm tiếp cận rồi đưa hết 9 người xuống thuyền, ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ ngồi ở giữa. Lũ cuốn trong đêm, chuyện tìm được nơi đậu thuyền để cứu người đã khó, nhưng sắp xếp chỗ ngồi làm sao để thuyền không bị lật hoặc chìm trong dòng nước cuộn đổ còn khó hơn nhiều lần. Chỉ sơ suất một động tác nhỏ, thuyền chao đảo thì hậu quả thật khó lường.
Những lúc thuyền chạy qua đường điện giăng như mạng nhện là những lúc tim anh như muốn vỡ ra vì lo lắng, căng thẳng… chỉ sợ không may tay chèo quấn vào dây, hoặc bị gãy, thuyền không lái được mất phương hướng, sẽ bị nước lũ nhấn chìm. Lý trí và kinh nghiệm chạy thuyền đã giúp anh chiến thắng. 9 người trong chuyến đầu tiên đã được Sang đưa vào bờ an toàn, niềm vui, hạnh phúc của mọi người như tiếp thêm sức mạnh cho anh tiếp tục cuộc hành trình cứu người trong đêm.
Vừa quay đầu thuyền, Sang nghe đâu đó trong bóng tối: "Chú gì ơi nhanh tới xóm lò gạch cứu một người mẹ mới sinh con…". Mưa gió vẫn cứ quần đảo, sóng nước tạt vào mạn thuyền ầm ầm, tung tóe. Quần áo ướt sũng, cái lạnh, cái đói như muốn quật ngã anh, nhưng nghĩ đến những người dân đang chống chọi giữa sự sống với cái chết khi nước lũ đang từng giờ, từng phút bao vây, cô lập, nhấn chìm và bị cuốn trôi bất cứ lúc nào thế là Sang cố gắng hết mình... Phá được nóc nhà để cứu chị Phương và cháu bé mới được hai ngày tuổi thì trời đã sáng hơn. Trên đường chạy về Sang tiếp tục giải cứu thêm 10 người nữa cũng đang mắc kẹt trên các nóc nhà.
 |
Anh Sang (bên phải) cùng anh Khoa trên chiếc thuyền đã cứu được gần 1000 người dân trong bão lũ. |
Ăn vội gói mì ăn liền của một người vừa được anh cứu đưa cho, Châu Thanh Sang lại cho thuyền của mình tiếp tục chạy về xóm lò gạch, để giải cứu những người trong gia đình anh Hải, gia đình chị Lý bị ngập nước chưa ra được, đặc biệt có 6 đứa trẻ đang chới với trong nước để tìm cách thoát ra ngoài nóc nhà.
Trưa 3-11, mưa nhẹ hơn nhưng nước từ thượng nguồn vẫn đổ về rất mạnh. Tỉnh lộ 662 bị nước lũ dâng cao ngập sâu hơn 2m, đoạn gần cầu Quý Đức và xã Ia ma Rơn, giao thông bị cắt đứt, cô lập huyện Ia Pa với bên ngoài. 4 xã bên kia sông Ba gồm Ia Broai, Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm bị ngập chìm trong nước. Hàng ngàn người dân còn bị mắc kẹt trên nóc nhà, trên ngọn cây, nhiều người đang bám vào các trụ điện, dây chằng… kêu cứu. Sang thực hiện thành công 21 chuyến đò, cứu được hơn 600 người dân đến nơi an toàn. Đến chuyến tiếp theo, thuyền vừa tới buôn Chư, xã Ia Broai, thì máy nổ giật giật... rồi tắt lịm, thuyền trôi tự do theo dòng nước lũ và có khả năng bị nhấn chìm. Chỉ có bình tĩnh, tự tin, dũng cảm mới cứu được bản thân mình và cả con thuyền… Nghĩ vậy nên Sang cứ để cho thuyền trôi đến một cây to, anh quăng dây rồi buộc chặt cho đầu thuyền xuôi theo dòng nước đổ để giảm nhẹ lực cản, rồi bắt đầu kiểm tra và sửa chữa máy. 10, 15, 20 rồi 30 phút trôi qua, cái máy vẫn ì ạch không chịu nổ. Hình ảnh người dân lố nhố, tiếng bà con kêu cứu vẫn dội về như thúc giục Sang nhanh hơn và cuối cùng bản lĩnh của người lính đã giúp anh một lần nữa chiến thắng. Sang tiếp tục cho thuyền lao qua dòng sông Ba và đến những nơi mà bà con đang đợi…
Sau một đêm, một ngày dầm mình trong lũ để cứu dân, đến khoảng 7 giờ tối ngày 3-11, Châu Thanh Sang đã thực hiện được hơn 30 chuyến đò và cứu được gần 1000 người dân. Trở về anh mới biết nhà của mình cũng bị chìm trong nước lũ, tất cả tài sản của gia đình đều bị nằm dưới nước. Rất may, chị Hạnh vợ anh đã kịp trèo lên mái nhà và được anh Khoa, một người bạn ở xóm bên đưa đến vị trí an toàn. Chị Hạnh ôm chồng trong tiếng nấc nghẹn ngào. Hờn giận của người vợ chưa nguôi ngoai thì Sang lại nghe tin có ca nô của bộ đội đi cứu dân bị chìm, mấy người đang bị trôi rất nguy hiểm… Anh vội vã cùng anh Khoa nhờ mấy người khênh thuyền đưa qua cầu Bến Mộng rồi lại lao đi trong dòng lũ kiếm tìm. Trời tối, thác lũ cuồn cuộn réo, lâu lâu Sang lại tắt máy nổ để nghe tiếng kêu cứu mà tới… Một giờ đồng hồ vật lộn với sóng nước bão lũ, cuối cùng Sang và Khoa đã tìm và cứu được 5 cán bộ sĩ quan của Quân đoàn 3.
Mãi là Bộ đội Cụ Hồ
Đến bây giờ anh Hảo, Phó chủ tịch UBND xã Ia Broai, huyện Ia Pa (Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại hôm đó trên đường đi cứu dân, anh đã cõng anh Tưởng - Xã đội trưởng bám vào một ngọn cây. Khi được anh Sang đến cứu, anh Tưởng đã bất tỉnh.
Còn vợ chồng anh Tuấn ở tổ 7, phường Sông Bờ, nhà bị sập, hai người đã bám lấy cần của xe cẩu và may mắn được anh Sang phát hiện, giải cứu an toàn.
Chị Trần Thị Phương (ở xóm lò gạch), vừa khóc vừa tâm sự: “Mình vừa sinh cháu được hai ngày thì mưa lũ kéo về, cố gắng hết sức mới bế cháu trèo lên gác, nhưng nước lũ đâu có tha… Khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc thì được anh Sang đến phá nóc mái tôn và giải cứu an toàn hai mẹ con. Còn được sống trên cuộc đời này mẹ con mình và hàng trăm người dân địa phương ở đây biết ơn anh Sang, người thanh niên được quân đội rèn luyện đã không quản hiểm nguy, đặt cuộc sống, hạnh phúc của người dân lên trên hết".
 |
Anh Sang với công việc chài lưới hằng ngày. |
Dòng sông Ba ngày nào hung hãn thế, nhưng giờ đây lại hiền hòa xuôi chảy, chúng tôi ngược dòng để đến với buôn Chư, xã Ia Broai. Sau sự kiện Binh nhất Châu Thanh Sang - người lính trở về đã đánh thắng “giặc nước” cứu được gần 1000 dân làng, bà con dân tộc Jơ-rai nơi đây đã tổ chức nướng gà, uống rượu mừng và làm lễ kết nạp anh làm thành viên của làng.
Không giấu được niềm vui, già làng Ksor Chiêm nói như khoe: “Dân làng buôn Chư còn sống là còn biết ơn thằng Sang. Nó không sợ chết, cứu được dân làng trong lũ dữ. Hành động của nó xứng đáng để bà con mình ghi lòng tạc dạ, khắc sâu tên nó vào tim…".
Còn Sang, chuyện cứu người với anh là nghĩa vụ, là mệnh lệnh… Bởi anh mãi mãi là một người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh: Lê Quang Hồi