Xuất thân trong một gia đình không có ai theo nghiệp nhà binh, bố mẹ đều là nông dân nhưng chỉ một lần được xem duyệt binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Uyên đã nuôi trong mình ước mơ được khoác lên mình màu xanh áo lính.
Uyên tâm sự: “Lúc đó em xem qua ti vi mà không rời mắt, nhìn thấy các anh, chị trong bộ quân phục vừa uy nghiêm, vừa hùng dũng, em cũng muốn mình được trở thành như vậy. Niềm yêu thích bắt đầu từ đó. Sau này, để bố mẹ không phải vất vả lo tiền học phí, em quyết định thi vào Quân đội, coi như đỡ cho bố mẹ phần nào, sẵn có niềm yêu thích với kỹ thuật nên em chọn đăng ký Học viện Kỹ thuật Quân sự”.
    |
 |
Học viên Nguyễn Thị Uyên trong một giờ tự ôn bài. |
Lựa chọn chuyên ngành học Thông tin thuộc khoa Vô tuyến điện tử, Uyên cho biết, đây là ngành học nghiên cứu về hệ thống thông tin liên lạc trong Quân đội cũng như ngoài dân sự, ngoài ra còn học các kiến thức về mạch điện tử, truyền tin, mã hóa,... Ngành học này luôn được đánh giá là "nặng" với các kiến thức từ đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành. Ngoài các kiến thức cơ sở thì cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, việc cập nhật kiến thức chuyên ngành cũng cần phải thường xuyên, nhanh nhạy, tích cực và chủ động nhiều hơn. Thế nhưng, dường như mọi thứ không làm khó được với cô học viên Nguyễn Thị Uyên.
Đam mê với các mạch điện tử, Uyên đã chủ động tham gia nghiên cứu các đề tài chuyên ngành về mạch điện tử. Năm học 2021-2022, Uyên đã bắt đầu tham gia nghiên cứu chuyên ngành với đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mạch Balun dải rộng cho các bộ khuếch đại công suất đẩy kéo cân bằng băng rộng". Đề tài này được xếp loại Xuất sắc và nhận Giấy khen của Học viện.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu đề tài, Uyên cho biết: “Em lựa chọn đề tài này vì em thích nghiên cứu về mảng điện tử, các mạch điện tương tự. Khi nghiên cứu thì cũng có rất nhiều khó khăn phát sinh, vì việc nghiên cứu chuyên ngành em chưa từng có kinh nghiệm. Trong quá trình làm nghiên cứu, ngoài sự chỉ dạy của thầy, của các anh chị khóa trên thì chủ yếu phải tự tìm hiểu, mày mò. Mạch điện em làm là mạch cao tần, yêu cầu độ chính xác cao, tỉ mỉ, tuân thủ các quy trình từ thiết kế đến đo kiểm. Khi thiết kế thì thời gian mô phỏng rất lâu và tốn thời gian mới ra được kết quả.
Sau khi mô phỏng hoàn chỉnh rồi thì việc đặt mạch nếu muốn có chất lượng tốt phải đặt mạch in và các linh kiện ở nước ngoài. Việc này tốn khá nhiều thời gian cũng như tiền bạc. Khi đo kiểm cũng phải rất cẩn thận vì các máy móc phương tiện để đo rất đắt, nếu trường hợp kết quả không tốt, coi như phải làm thiết kế lại từ đầu. Giai đoạn này năm trước khi chuẩn bị báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học, em gần như thức xuyên ngày, xuyên đêm để mô phỏng mạch. Khi có mạch rồi thì cũng phải tự tay hàn mạch, đo kiểm, hiệu chỉnh”.
    |
 |
Uyên trao đổi kiến thức với bạn học. |
Những khó khăn trong việc nghiên cứu rồi cũng qua đi, để sau đó là “trái ngọt” khi kết quả thiết kế khá tốt, đề tài của Uyên không những được nhận Giấy khen của Học viện mà còn là bàn đạp để Uyên tiếp tục nghiên cứu, viết thành một bài báo khoa học, gửi tới Hội nghị khoa học quốc tế.
Nhận xét về học viên do mình trực tiếp hướng dẫn, Trung tá Lương Duy Mạnh, Phó chủ nhiệm Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật vô tuyến, Khoa Vô tuyến điện tử cho biết, Uyên đã có hai năm liên tiếp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Không chỉ là một học viên chăm chỉ, Uyên có khả năng nghiên cứu độc lập và tư duy giải quyết các vấn đề kỹ thuật tốt.
Mặc dù thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực thiết kế mạch điện siêu cao tần là lĩnh vực mới và khó, tuy nhiên Uyên rất chăm chỉ, nỗ lực và luôn làm việc một cách nghiêm túc, tự trau dồi kiến thức thông qua khả năng tìm và dịch các bài báo khoa học bằng tiếng Anh thuộc lĩnh vực nghiên cứu cũng như thường xuyên trao đổi với giáo viên hướng dẫn để tháo gỡ một cách kịp thời các vấn đề khó khăn trong quá trình làm nghiên cứu khoa học.
Theo học viên Nguyễn Thanh Huy, lớp trưởng Lớp Thông tin, Đại đội 354, Uyên là một học viên có nhiều tài năng, cả trong học tập, nghiên cứu khoa học; đồng thời là một người năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc và trong cuộc sống, luôn được mọi người yêu quý, tin tưởng.
Nói về cô bạn cùng lớp, học viên Nguyễn Thanh Huy cho biết, trong suốt thời gian học tập tại Học viện, Uyên luôn là một trong những học viên có kết quả học tập tốt nhất trong lớp và Đại đội; đạt được nhiều danh hiệu và khen thưởng. Ngoài thời gian học tập trên lớp, hoàn thành bài tập được giao, Uyên còn có niềm đam mê với hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động, cuộc thi do các cấp tổ chức, giành được nhiều kết quả nổi bật.
Trong công việc nghiên cứu khoa học, Uyên luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu và thể hiện sự tận tâm, nhiệt tình trong mọi hoạt động. Uyên luôn chú ý đến từng chi tiết, đảm bảo công việc được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.
    |
 |
Nguyễn Thị Uyên vinh dự nhận giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam.
|
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, cô học viên với bảng thành tích khủng không nói nhiều với chúng tôi về những mong muốn của bản thân mà hào hứng bàn luận về câu chuyện chuyển đổi số trong Quân đội, sự ảnh hưởng của chuyển đổi số tới việc học tập, nghiên cứu, cũng như công việc sau này của các học viên tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Theo Uyên, ngành học mà Uyên đang theo học liên quan đến thông tin liên lạc, trong khi đó, để quá trình chuyển đổi số được tốt thì yêu cầu về mạng lưới thông tin phải đi trước một bước, đảm bảo thông suốt. Ví dụ như hiện nay, việc hội họp trực tuyến, chỉ huy điều hành trực tuyến, triển khai công việc qua mạng quân sự, số hóa tài liệu quân sự để từ đó có bộ cơ sở dữ liệu chung,... đều là những công việc thường xuyên và muốn diễn ra được thì yêu cầu hệ thống thông tin liên lạc phải bảo đảm liên tục, vững chắc.
Việc chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin (điều này chỉ là chuyển từ công cụ này sang công cụ khác) mà còn phải là thay đổi từ cách sống, làm việc, công nghệ số ở đây chỉ là phương thức thực hiện. Uyên cho biết: “Hiện tại em cũng đang học các môn học để phục vụ cho chuyển đổi số của Quân đội (cuối năm nay khi bọn em tốt nghiệp, đi về các đơn vị công tác sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại đơn vị). Chuyển đổi số rõ ràng là một quá trình tất yếu, đây là xu hướng chung không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Khi thực hiện chuyển đổi số thì giá trị mà nó mang lại không chỉ dừng ở việc "tạo" ra "công cụ mới" (công cụ số), mà ở đây cái chính đó là thay đổi về tâm thức, cách làm, cách hiểu của chúng ta ra khỏi những việc làm bàn giấy truyền thống, mà thay vào đó đặt chúng ta - những người sử dụng ở vị trí trung tâm. Hiện tại, khi còn đang là học viên thì em thấy mình cần học tập, nắm chắc và làm chủ các kỹ năng cần thiết trong quá trình chuyển đổi số, cần phải thay đổi lối tư duy cũ để hướng tới cách làm mới; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số”.
Chia tay cô nữ sinh với vóc dáng nhỏ nhắn trong bộ quân phục cùng những khao khát chinh phục những đỉnh cao mới trong khoa học, tin rằng, chắc chắn Uyên sẽ còn nhiều bước tiến xa hơn nữa trong học tập cũng như công việc, như chính lời khẳng định của học viên Trần Ngọc Hương Thảo, bạn cùng lớp với Uyên: “Uyên luôn nỗ lực cố gắng hết mình, có chí hướng vươn lên và có những ý tưởng độc đáo, ý kiến hay. Em tin rằng bạn ấy sẽ còn gặt hái được những thành quả tốt hơn nữa trong học tập và công việc”.
HỒNG UYÊN