Trung tướng Nguyễn Đường.

Gương mặt hiền từ, phúc hậu, mái tóc bạc trắng, bà Phạm Thị Minh Hải - phu nhân của cố Trung tướng Nguyễn Đường, vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn, dù đã vào tuổi bát thập. Bà đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình xúc động với Trung tướng Nguyễn Đường.

Ngày mới quen nhau, anh bộ đội Nguyễn Đường ở Liên khu 5, còn cô gái Phạm Thị Minh Hải (quê xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang làm việc tại Bình Định. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh rồi bén duyên nhau. Hôm anh Đường và đại diện đơn vị đến gặp gia đình và cơ quan cô để đặt vấn đề, đồng chí bí thư chi bộ hỏi ý kiến Minh Hải. Cô thật thà trả lời rằng “Sợ lắm, tôi không đồng ý đâu!”. Thấy vậy đồng chí bí thư nói: “Đồng chí không tin vào chi bộ sáng suốt nhận định à?”. Cô trả lời chắc nịch: “Tin chi bộ thì tôi tin, nhưng con trai miền Bắc đã 30 tuổi thì chắc chắn có vợ ngoài đó rồi!”. Nghe vậy, mọi người cùng cười.

Rồi một ngày vào trung tuần tháng 12-1950, anh Đường và một đồng chí bảo vệ vào đưa thư của Ban Chỉ huy xin gia đình bàn ngày cưới. Hai anh em đạp xe một ngày từ Quảng Ngãi vào đến nơi đã hơn 20 giờ. Khi lội qua sông Trà Khúc, nước sông hôm ấy lên cao, chảy xiết, anh Đường làm rơi cặp đựng tài liệu. Anh và đồng chí bảo vệ đi cùng vội vàng lao theo dòng nước lấy lại chiếc cặp. Người ướt sũng, một chân đi dép, một chân đi… đất vì rớt mất chiếc dép cao su giữa dòng sông. Vào đến nhà cô gái, hai anh em mệt nhoài, đói lả. Mẹ cô gái nấu cho mỗi người 2 tô phở (loại tô của miền Trung, tương đương cái bát ăn cơm) đồng chí bảo vệ chỉ ăn hết hai tô, còn anh Đường ăn thêm đến... 5 tô!

Bà Minh Hải mỉm cười kể tiếp: Ăn xong, anh Đường xin phép mẹ tôi đi đón tôi. Xin phép cơ quan bố trí người trực thay, tôi cùng anh về. Trên đường đi chúng tôi rất nghiêm chỉnh, giữ cự ly xa nhau gần một mét. Suốt đường về anh Đường chẳng dám cầm tay tôi. Về nhà nghe kể lại, tôi nghĩ bụng đi hỏi vợ mà cứ tự nhiên ăn liền 7 tô phở thì thất bại là cái chắc. Ấy vậy mà anh bộ đội Nguyễn Đường vẫn tự tin “đặt vấn đề” và đã chiếm được cảm tình của cả gia đình tôi. Cơ quan tôi tản cư lên ở xã Hoài Sơn, cách thị xã Tam Quan, Bình Định gần 100km, phải đi qua 4-5 con suối trên những cây cầu bằng tre rất nguy hiểm. Có lần anh Đường vác xe đi một đoạn thì bị ngã xuống suối, thâm tím cả ngực. Vậy mà anh còn tếu táo bảo là may mà bộ đội không chết, chứ không thì phụ nữ phải đền mạng cho quân đội rồi. Đơn vị cho chúng tôi 20 đồng làm đám cưới, ba mẹ tôi cho thêm một ít nữa nên cũng tổ chức được một bữa tiệc mặn. Anh em bạn bè lội suối lên dự cưới ai cũng ướt sũng. Đến nơi, các anh phải uống mỗi người một viên a-spi-rin và một viên ni-va-quin (thuốc chữa sốt rét) rồi mới vào bàn. Vì hồi đó ở Bình Định toàn dùng dầu dừa nên anh em bộ đội lo vấn đề ánh sáng, thắp đèn bằng một cái vung đất to, tim đèn bằng vải xé nhỏ ra, xung quanh buộc 5 sợi dây dừa rồi đốt lên. Theo dự kiến, đám cưới của chúng tôi do anh Trần Nam Trung và anh Nguyễn Chánh làm chủ hôn. Đúng hôm đám cưới thì anh Chánh bận họp không vào được. Anh Trần Nam Trung vừa vào đến nơi là hỏi xin một chậu lửa, tôi hỏi để làm gì, anh ấy bảo, để sưởi cho khô quần áo rồi mới vào phát biểu được chứ. Sau lời phát biểu của anh Trung, mọi người nâng cốc chúc mừng. Anh em bộ đội hát hò rất vui, nhưng vì vui quá có một anh cứ cầm que tre khơi tim đèn lên cao mãi. Tim đèn cháy to và cháy luôn dây thừng, đèn rơi xuống làm quần áo của anh dính toàn dầu dừa. Tôi sợ quá vội lấy khăn lau quần áo cho anh. Mẹ tôi chạy ra run run nói: “Trời ơi, đang vui mà giữa đường đứt gánh thế này thì vợ chồng nó có được ăn đời ở kiếp với nhau không đây”. Xong đám cưới lại tiếp tục mưa to, một số anh em cứ liều lội về, còn một số ở lại trải chiếu ngủ. Sáng dậy mọi người hỏi nhau có ngủ được không. Ai cũng bảo, bên này ông Đường thở dài, bên kia bà Hải cũng thở dài thì ai mà ngủ được! Đấy, đám cưới chúng tôi gian truân, khổ sở chứ làm gì có đêm tân hôn, tuần trăng mật như bây giờ. Cưới được một tuần thì anh Đường phải quay lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Cưới được 3 năm chúng tôi vẫn chưa có con. Nhiều người nói: anh Đường thì bị sốt rét ác tính da vàng khè, còn chị Minh Hải thì gầy gò ốm yếu chắc là bị ho lao không có con đâu (sau này chúng tôi sinh tới sáu người con!). Lần mang thai con gái đầu lòng, sắp đến ngày sinh thì giặc Pháp thả bom hai bên cầu sát nhà. Mẹ tôi phải thuê người gánh đồ đạc di tản. Tôi phải đi bộ 9km lên xã Đồng Dài ở nhờ nhà chị bạn thân là nữ hộ sinh. Sáng mồng một Tết tới nhà bạn thì sáng mồng bốn Tết (6-2-1954) tôi trở dạ. Lần vượt cạn đầu tiên bên cạnh tôi chỉ có mỗi chị bạn. Hồi đó, đang vào cao trào chiến dịch Đông Xuân, anh Đường không về được. Bộ đội hành quân qua, tôi gửi thư lên báo tin sinh con gái 3,2kg, mẹ tròn con vuông. Mọi người vui mừng nói, cách mạng đang liên tiếp giành thắng lợi, nên đặt tên cho cháu là Xuân Thắng. Tôi nghĩ, con gái đặt tên Xuân Thắng không hợp, nên tôi đặt tên con là Minh Lợi, nghĩa là “thắng lợi sáng sủa, tốt đẹp” (Chị Minh Lợi sau này là Thượng tá, công tác tại Công ty 28 (Tổng cục Hậu cần), hiện nay đã nghỉ hưu).

*

* *

Gương mặt bà ánh lên niềm vui chan chứa khi kể về những lá thư của ông gửi về lúc hai người còn đang trong “vòng bí mật”. Chiến tranh liên miên, họ ít có thời gian được ở bên nhau. Ngày mới yêu nhau, mỗi lần nhận được thư của người yêu, Minh Hải chỉ thấy anh “chỉ thị”: điều một, điều hai, điều ba… em phải làm gì, nên như thế này, nên như thế kia… khiến bạn bè cô gái có người nhận xét “Anh Đường khô khan quá”. Thế nhưng, Minh Hải nhận ra, bên trong sự khô khan của những con chữ ấy là tình cảm bao la, thương yêu trìu mến anh dành cho cô. Khi đã thành vợ chồng, có nhiều lần ông ốm nặng, sốt rét ác tính mà vẫn không báo cho vợ biết, vì sợ vợ sẽ lo lắng ảnh hưởng tới công việc. Thấy ông yếu quá, một đồng đội bí mật báo tin cho bà. Đi bộ vượt qua gần 100km, bà đến thăm ông, mang theo dừa và nước mắm làm quà quê.

Bà Minh Hải (đeo kính), cùng con cháu bên cột mốc đường phố mang tên Trung tướng Nguyễn Đường. Ảnh gia đình cung cấp

Rồi đến một ngày ông được đi sang Liên Xô học. Sự xa cách, nhớ thương người vợ thủy chung, tần tảo và những đứa con thơ dại của ông trào dâng qua những cánh thư. Lá thư đầu tiên ông gửi về từ đất nước xa xôi khi bà mang thai người con áp út, đã 45 năm rồi vẫn được bà trân trọng, nâng niu giữ gìn cùng với những kỷ vật của ông. Lâu lâu bà lại mở tủ lấy ra đọc rồi vuốt gấp lại lá thư ấy như tâm tình cùng ông về những nỗi niềm một thời đáng nhớ của hai người. Bà bảo: “Đây là lá thư anh Đường viết với lời lẽ… lãng mạn nhất kể từ khi yêu nhau”. Đôi tay run run, bà mở bức thư đọc cho tôi nghe: “Hải à! Mỗi khi đến bữa, anh lại nhớ cơm canh dưa chua do chính tay em làm. Bên này họ cũng có dưa chua bắp cải nhưng không ngon bằng dưa cải bẹ quê ta. Giá mà gửi được một hũ dưa chua sang thì ăn ngon biết mấy và cũng tiết kiệm được nhiều đấy(…). Anh rất lo Hải công tác thì nặng, con chúng mình thì còn nhỏ. Săn sóc được con nên thân thì mẹ cũng hết sức, có thể lại ảnh hưởng năng suất công tác, học tập rồi sẽ bị mang tiếng(…). Gánh đã nặng lắm rồi và phải vui vẻ mà gánh, thế mà Hải không có đủ sức khỏe thì còn gì đáng lo bằng? Chắc chắn và đã rõ ràng là Hải muốn anh khỏe mạnh, thế thì anh đối với Hải lại càng rõ ràng hơn vì anh nhận thức rất rõ là Hải phải gánh vác việc gia đình nhiều hơn anh nhiều lắm. Mỗi lần thấy Hải khỏe là mỗi lần mừng như được của và hơn nữa…”.

Ánh mắt hướng về di ảnh của ông. Giọng bà chậm rãi: “Cuối năm 1989, gia đình tôi từ Hà Nội chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Gia đình tôi có năm con gái, một con trai, sáu dâu, rể, chục cháu nội, ngoại... Nhờ giời, con cái chúng tôi đều trưởng thành (trong đó có 2 người mang cấp hàm Thượng tá và Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam). Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi tên của nhà tôi - Nguyễn Đường, được đặt cho một con đường tại thành phố Plây-cu vào năm 2000”.

BĂNG PHƯƠNG