Vượt Trường Sơn đi làm ngoại giao

Sau Tết Mậu Tý (năm 1948) không lâu, ông Ngô Điền được chỉ định tham gia một đoàn cán bộ 10 người ra nước ngoài để làm công tác ngoại giao phục vụ tuyên truyền về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đoàn gồm có các ông Nguyễn Chương (về sau làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), Lê Đức Chỉnh (về sau làm Tổng cục trưởng TDTT), Song Tùng (về sau làm Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương), Hoàng Nguyên (Vụ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Minh, Nguyễn Mai… Trước khi đoàn lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư riêng dặn dò, trong đó có một ý như sau: “Các đồng chí phải luôn nhớ rằng: Mình là đại biểu cho thanh niên yêu nước, ra ngoài để giúp anh em công tác, để đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam”. 

Lễ đón nhận Huân chương Sahametrei Mahasena truy tặng Đại sứ Ngô Điền tại Hà Nội (28-8-2020) - ảnh: KMS 

Hành trình đoàn gồm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu từ Việt Bắc về đồng bằng, vượt qua khu Pháp tạm chiếm ở Liên khu III để vào Liên khu IV rồi giai đoạn hai vượt Trường Sơn, xuyên Lào sang Thái Lan. Cùng đi bảo vệ đoàn có một trung đội Vệ quốc quân. Trước khi lên đường, mỗi người được phân mang theo một ruột tượng 7kg gạo, 2 ống bương thịt bò khô và muối tiêu. Nhớ lại hành trình này, nhà ngoại giao Ngô Điền viết:

“Nặng nhất vẫn là "cô bảy", tức 7kg gạo trên người để nuôi sống mình trong những ngày vượt Trường Sơn. Tôi chỉ còn nhớ hai câu thơ trong bài thơ tôi vịnh "cô bảy" lúc bấy giờ:

Hăng hái đoàn trai vượt xứ Lào

Mối tình Cô bảy đẹp làm sao!”

Chặng đường xuyên nước Lào, đoàn chuyển sang đi tối, ban ngày nghỉ lại trong rừng. Xẩm tối, đoàn lên đường. Một người Lào hướng dẫn đoàn vượt qua đoạn đường hơn 20km dẫn đến bờ sông Mekong. Khi ra khỏi rừng thì trời tối mịt, đoàn công tác ngoại giao người sau nhìn bóng người trước mà lần bước. Biết bao khó khăn đoàn gặp phải, có lúc người dẫn đường còn mất phương hướng chưa biết phải đi tiếp ra sao.

Ông Ngô Điền viết tiếp: “Sang đất Thái, chúng tôi được đưa về một làng ven sông gọi là Bùng Càn, phân thành từng nhóm ở nhà kiều bào. Khoảng hai ba tuần sau, chúng tôi được đưa về Noong Khai, rồi sau đó đáp xe lửa đi Băng Cốc”.

Vượt Trường Sơn đi làm ngoại giao thành công, ông Ngô Điền được giao nhiệm vụ cải tiến tờ “Tin Việt Nam” thuộc Phòng Thông tin Việt Nam có trụ sở tại Băng Cốc (Thái Lan). Phòng này đặt tại thủ đô Băng Cốc do ông Nguyễn Đức Quỳ đứng đầu. Sau này về nước, ông Nguyễn Đức Quỳ làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Còn điểm dừng chân cuối cùng của ông Ngô Điền vào năm 1950 khi tới Trung Quốc, ông trở thành cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vừa được, thành lập, đồng thời là đại diện của Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh.

Vợ chồng Đại sứ Ngô Điền – nhà báo Trần Thị Tỳ tại Campuchia (1979) – Tư liệu gia đình. 

Các anh ơi, nhớ mãi

Năm 1979, ông Ngô Điền đến Campuchia. Ông chứng kiến nỗi đau của họa diệt chủng đến với nhân dân nước bạn. Cảnh đoàn người lang thang trên các nẻo đường ở chốn địa ngục trần gian còn nguyên dấu vết ở một số nơi bàn chân ông qua. Xúc động, ông ghi: “Những bóng đen lặng lẽ đi, tìm cuộc sống/ Khăn gói nồi niêu một thúng rách trên đầu/ Từ cõi chết trở về, bà con hướng về đâu”.

Trở lại với ngôi nhà mà ông từng ở 17 năm về trước (với vai trò đại diện đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia vào năm 1956 và công tác tại đây suốt 6 năm), bây giờ chỉ là cảnh vắng lặng ghê người. Những ngôi nhà xung quanh cũng vậy. “Quen lối cũ, anh thẫn thờ từng bước/ Nhà bếp cầu thang, hàng hiên phía trước/ Nơi mẹ hiền và em gái mắt long lanh/ Với tay nâng chùm trái mọng đầu cành”. Tại một ngôi nhà khác, một phóng viên phương Tây đã tìm thấy tấm bảng học trò với những câu thơ tiếng Pháp mà một em bé Campuchia chép lại, nét chữ đầy nắn nót, thơ ngây. “Trên bảng nhỏ còn chữ em nắn nót/ “Em yêu ngôi nhà em đầu cành chim hót”/ Em còn chăng hay một nhát cuốc đã chôn vùi?”. Nỗi xúc động khiến Đại sứ Ngô Điền viết thành “Bài thơ trở lại Phnompenh”, ông ký tên Hướng Nam là tên con trai út của mình và đề tặng con trai Mê Giang, kết quả của tình yêu bên sông Mê Giang từ hơn 20 năm trước, nay cũng vào bộ đội.

Ông Ngô Điền được phân công làm Phó ban B68 (bí danh của Tổng đoàn Cố vấn Việt Nam tại Campuchia) cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị Trung ương Đảng trong công tác mới giúp cách mạng Campuchia chống diệt chủng Pôn Pốt. Chuyên gia Việt Nam phải nhanh chóng giúp bạn xây dựng đội ngũ cán bộ.

Suốt 3 năm 9 tháng 20 ngày tồn tại, chế độ Pôn Pốt dồn dân vào các “công xã”, trong đó không có chợ, không có tiền, mọi thứ đều do ang-ca phân phối. Trong khoảng thời gian 1 năm 3 tháng từ tháng 1-1979 đến tháng 4-1980 trên toàn đất nước Campuchia không có đồng tiền. Không dùng tiền là nét đặc biệt của chế độ Pôn Pốt. Đại sứ Ngô Điền đánh giá: “Đó là một tình trạng độc nhất vô nhị trong xã hội loài người vào cuối thế kỷ 20”.

Khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnompenh, đánh đổ chế độ Pôn Pốt, chính quyền Cộng hòa nhân dân Campuchia xây dựng đất nước ban đầu cũng thiếu tiền, phải dùng gạo thay tiền làm vật trao đổi. Việt Nam phải giúp đỡ nước bạn phát hành tiền để mua bán trao đổi trong giao thương kinh tế. Đoàn chuyên gia kinh tế (A40) phụ trách việc in tiền, lập kho bạc và các chi nhánh tài chính, ngân hàng. Sau một thời gian gấp rút thực hiện, trong hai ngày 5 và 6-5-1980, hoạt động đổi tiền (đồng riên) bắt đầu diễn ra trên toàn đất nước Campuchia. Đồng riên ra đời đã gây được không khí phấn khởi. “Việc phát hành đồng riên Campuchia năm 1980 đáng là đề tài của một luận án “tiến sĩ” tầm cỡ thế giới, Đại sứ Ngô Điền đánh giá, không ở đâu trong thế kỷ 20 này lại có một xã hội có tiền lại trở thành một xã hội không có đồng tiền rồi sau đó quay lại thành một xã hội có đồng tiền”.

Trước đó, bộ đội tình nguyện Việt Nam, người người lớp lớp đã ngã xuống khi tiêu diệt quân diệt chủng Pôn Pốt. Theo ông Ngô Điền, điều mà nhân dân Campuchia không thể nào quên là Việt Nam đã bằng xương máu con em mình đã giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng tàn bạo. “Các anh ơi, nhớ mãi”, đó là một trong nhiều lời biết ơn được ghi thành biểu ngữ của bà con Khmer đi tiễn quân tình nguyện Việt Nam trong đợt rút quân lần chót.

Những mẩu chuyện tùy bút

Ông Ngô Điền là Đại sứ có thời gian công tác dài nhất ở Campuchia (1979 – 1991). Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng còn nhớ hình ảnh khi ông Ngô Điền làm Phó ban B68 đã mặc quân phục và đội mũ tai bèo mà vẫn nho nhã. “Tôi nghĩ có đeo cho ông khẩu súng lục K54 vào nữa thì ông vẫn cứ văn nhân”.

Kết thúc 12 năm làm Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, những năm cuối đời, ông Ngô Điền dành thời gian viết tài liệu “Campuchia - nhìn lại và suy nghĩ”. Trước đó, ông cặm cụi “ghi chép” 5 tập tài liệu về đất nước Chùa Tháp cho đến Đại hội V của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (tháng 10-1985).

Sinh thời, ông kể lại, sau đợt rút quân tình nguyện lần cuối 9-1989, một vài nhà báo thân quen như Nayan Chanda, J.c.Pomonti đến gặp ông ở Phnompenh và khuyên ông viết hồi ký, họ sẽ vui lòng góp sức công bố rộng rãi trên quốc tế. Nhưng ông đã từ chối lời mời của họ. Với những suy nghĩ thoảng đến mà không thể ghi lại trong những tài liệu nêu trên, trong lúc rảnh rỗi, ông ghi lại thành “Những mẩu chuyện tùy bút” như Phạm Đình Hổ năm xưa viết “Vũ trung tùy bút”. Những mẩu chuyện nhỏ ấy, ông suy nghĩ giản dị rằng: “Biết đâu trong tương lai những mẩu chuyện lại không giúp ích được phần nào những người tìm hiểu về các vấn đề của thế hệ tôi từ Cách mạng tháng Tám đến ngày nay?”.

Ghi nhận những đóng góp của Đại sứ Ngô Điền cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Chùa Tháp,  tháng 8-2020, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni ký Sắc lệnh truy tặng ông Huân chương Sahametrei Mahasena cao quý. Phát biểu tại Lễ trao huân chương diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh, bà Sopheak Thavy - Quốc vụ khanh Bộ Quan hệ Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia chia sẻ: “Việc truy tặng Huân chương cho ngài Ngô Điền là sự ghi nhận của Chính phủ và nhân dân Campuchia đối với những đóng góp của ngài Đại sứ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Campuchia, cũng như trong việc thúc đẩy quan hệ gắn bó gần gũi giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định: Đại sứ Ngô Điền sẽ mãi là tấm gương sáng về nhân cách của một nhà ngoại giao mẫu mực, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại của đất nước. Các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam đi sau sẽ luôn tưởng nhớ tới Đại sứ Ngô Điền, cũng như tới những đóng góp quan trọng của ông cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

 

“Những đóng góp của Đại sứ Ngô Điền cho công cuộc hồi sinh của con người và đất nước Campuchia sau họa diệt chủng Pôn Pốt, những suy tư trăn trở bằng tim bằng óc của ông cho quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam và Campuchia thì khó mà đem ra đong đếm được. Mà chắc không phải ai cũng có ý đem ra đong đếm làm gì”. (Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia).

 

KIỀU MAI SƠN