Trong bản lý lịch tự thuật, nhà ngoại giao Ngô Điền đã viết về thời gian làm báo Vệ Quốc quân như sau: “Tháng 7-1947, tôi được đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi sang phụ trách tờ Vệ Quốc quân (Quân đội nhân dân hiện nay). Sang đến bản Búc, Thái Nguyên, tổ chức lại tờ báo, ra được 6-7 số thì Tây rục rịch đánh Việt Bắc, chúng tôi chôn máy, chôn chữ chuẩn bị đối phó. Đồng chí Trưởng phòng Tuyên truyền đi về đồng bằng, tôi làm quyền Trưởng phòng trong lúc Tây lên đánh Việt Bắc, tổ chức tập dượt cho cơ quan sơ tán và bảo vệ tài liệu. Tôi tiếp tục làm tờ Vệ Quốc quân đến tháng 2-1948”.

Sinh viên khoa học thành chuyên gia vũ khí

Trước khi làm báo Vệ Quốc quân, ông Ngô Điền đã làm Tổng thư ký Ủy ban Quân sự tỉnh Thừa Thiên, Chủ nhiệm báo Chiến sĩ của Liên khu 4 đóng tại Huế. Vốn là sinh viên Đại học Khoa học, "danh thủ" có kiến thức về toán, lý, hóa, ông được điều động ra Hà Nội làm việc ở Nha Nghiên cứu kỹ thuật - Cục Quân giới (nay là Tổng cục Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng).

 Nhà báo Ngô Điền (1921 – 2005). Ảnh: Tư liệu gia đình.

Ông Ngô Điền nhớ lạị: “Đầu năm 1947, tôi từ Vinh ra Vân Đình, nhập vào nhóm “Nghiên cứu kỹ thuật” thuộc Cục Quân giới do anh Trần Đại Nghĩa phụ trách. Tôi được phân công làm hóa chất. Lúc đó, mặt trận Hà Nội sắp vỡ, Pháp được tăng cường nhiều xe tăng mà phía ta không có vũ khí để chống trả. Mặt trận yêu cầu cung cấp súng ba-zô-ka mà anh Nghĩa đang chỉ đạo việc chế tạo”.

Theo hồi ức của Đại tá Hoàng Đình Phu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, hai người về đầu tiên ở Nha Nghiên cứu kỹ thuật là Hoàng Đình Phu và Tôn Thất Hoàng (tức PGS Nguyễn Phước Hoàng). Lần lượt sau đó, trong tháng 1-1947, các ông Phạm Đồng Điện, Ngô Điền, Hoàng Xuân Tùy, Lê Khắc, Nguyễn Văn Thu,… về Nha. Cuối tháng 2-1947, người về Nha cuối cùng ở Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) là ông Hồ Thanh Kha, do ông Ngô Điền giới thiệu.

Sau đó, nhân sự của Nha Nghiên cứu kỹ thuật có biến động: Ông Hoàng Xuân Tùy đi làm Chính trị viên Trung đoàn Bắc Bắc, ông Lê Khắc sang làm Cục trưởng Cục Công binh. Chỉ còn lại 5 người ở Nha nên các ông tạm thời phân công như sau: Ông Hoàng Đình Phu giúp Cục trưởng Trần Đại Nghĩa làm công việc tính toán; ông Phạm Đồng Điện và ông Ngô Điền phụ trách bộ phận hóa học; ông Tôn Thất Hoàng và ông Nguyễn Văn Thu phụ trách bộ phận tác chiến công dụng. Còn bộ phận cơ khí chưa có ai có chuyên môn phù hợp nên còn để trống.

Thời gian ở Nha Nghiên cứu kỹ thuật, ông Ngô Điền đã trực tiếp nghiên cứu và trực tiếp tham gia chế tạo thành công mồi nổ điện lắp vào đầu đạn 320 ly để làm thủy lôi và địa lôi. Khi thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, ngày 22 -10 -1947, bộ đội Trung đoàn Hà Tuyên (nay là Trung đoàn 209 – Sư đoàn 312) do Trung đoàn trưởng Bế Sơn Cương chỉ huy, đã sử dụng địa lôi 320 tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên dịch ở Ỷ La, cây số 7 trên đường đi Hà Giang.

Cùng với chiến thắng Bông Lau, chiến thắng Ỷ La đã đi vào bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “… Rồi Bông Lau, Ỷ La/ Ba trăm thằng tan xác/ Cành cây móc thịt da/ Thối inh rừng Việt Bắc...".

Đại tá Hoàng Đình Phu đánh giá: “Sau ba-zô-ka thì địa lôi 320 ly đáng được ghi nhận là một cống hiến quan trọng của Nha Nghiên cứu kỹ thuật vào chiến công oanh liệt của quân và dân ta”.

Hồi ức của Đại tá Hoàng Đình Phu nêu rõ: “Sau khi thử nghiệm thành công trên sông Lô, chúng tôi đã chế tạo 10 đầu nổ điện giao cho trung đoàn Hà Tuyên, khi cần thì lắp vào đầu đạn 320 ly có sức công phá rất lớn để bố trí đánh địch. Các anh Tôn Thất Hoàng, Nguyễn Văn Thu, Đỗ Đức Dục, Ngô Điền, Thái, Kha, Sâm là những người trực tiếp nghiên cứu, thí nghiệm và sản xuất các ngòi nổ điện cho đầu đạn 320 ly”.

Trước đó, ông Ngô Điền với kiến thức khoa học của mình đã cùng Nha Nghiên cứu kỹ thuật mày mò chế tạo đạn súng ba-zô-ka để làm vũ khí chặn đánh xe tăng Pháp khi chúng mở rộng vùng chiếm đóng từ Hà Nội ra các tỉnh. Cuối tháng 2-1947, việc chế tạo thành công bước đầu, Đại tá Hoàng Đình Phu đánh giá: Đạn đạt đúng tầm, đến đích nổ hết và có tác dụng xuyên rõ rệt.

Tối ngày 2-3-1947 Cục Quân giới nhận được điện gấp của Bộ Quốc phòng ngay tối hôm đó phải chuẩn bị khoảng 10 quả đạn ba-zô-ka để sáng hôm sau ông Phan Mỹ - Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, sẽ đưa xe đến nhận chuyển cho đơn vị của ông Vương Thừa Vũ ở khu vực Chèm để ngăn chặn xe tăng địch tiến công từ nội thành Hà Nội ra.

Ông Hoàng Đình Phu nhớ lại: “Ngay trong đêm, dưới ánh sáng của hai ngọn đèn dầu, anh Trần Đại Nghĩa, anh Nguyễn Ngọc Xuân trực tiếp chỉ đạo nhóm chúng tôi (gồm các anh Tôn Thất Hoàng, Phạm Đồng Điện, Ngô Điền, Nguyễn Văn Thu và tôi Hoàng Đình Phu) cùng nhóm anh Phạm Văn Gián tiến hành kiểm tra lại kích thước cơ khí, loại thuốc con bài và trọng lượng thuốc con bài được sử dụng, lắp ráp lại các quả đạn cho hoàn chỉnh. Năm giờ sáng hôm sau, anh Phan Mỹ đi một chiếc xe con cũ kỹ đến lấy đạn. Chúng tôi xếp 10 quả đạn vào 2 hòm gỗ có quai xách”.

Sáng hôm sau, toàn thể Nha Nghiên cứu kỹ thuật vô cùng phấn khởi nhận được tin ba-zô-ka đã được đơn vị bộ đội chiến đấu ở khu vực Chèm sử dụng bắn hỏng một xe tăng của địch, bắn bị thương một chiếc khác buộc chúng phải rút lui.

Sau này, Nha Nghiên cứu kỹ thuật chuyển lên Tuyên Quang rồi Phia Khao, một thị trấn trên núi cao, ông Ngô Điền tham gia vào các cuộc thử vũ khí, có lần ở Tuyên Quang ông đã bị thương nhẹ.

Nhà báo Ngô Điền đứng giữa. Ảnh: Tư liệu Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. 

Làm báo Vệ Quốc quân

Đang miệt mài với mấy quyển sách hóa học của Pháp vừa thu thập được thì ông Ngô Điền nhận được thư của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi sang Bộ Tổng tư lệnh ở Thái Nguyên nhận nhiệm vụ mới: Sang nhận công tác phụ trách báo Vệ Quốc quân - cơ quan của quân đội toàn quốc. Nhớ lại thời gian làm báo Vệ Quốc quân, ông Ngô Điền viết:

“Tôi nhận công tác ở báo Vệ Quốc quân vào mùa mưa. Anh em tòa soạn đóng trong nhà đồng bào ở Bản Búc sau chuyển đến Bản Vẹ, nhà in cách đó một ngọn đồi. Mỗi tuần, trước khi cho in, tôi phải xem lần cuối bản in nháp; phải từ Bản Vẹ theo đường mòn qua một quãng rừng, vượt đồi sang bên kia sườn đồi, nơi có mấy cái lán dùng làm nhà in”.

Nơi đóng trụ sở tòa soạn báo Vệ Quốc quân ngày ấy trong rừng có lần hổ đến tận sàn nhà. Nhưng người dân địa phương có lẽ đã quen nên họ không hề sợ sệt. Một lần, Chủ nhiệm Ngô Điền phải đến nhà in sửa bản in nháp lần cuối. Ông mượn khẩu súng ngắn dắt vào người, rồi theo con đường quen thuộc trong rừng, rảo bước về phía nhà in. Bỗng sau lưng ình một tiếng, ông quay lại, hít mạnh khí vào lồng ngực, rồi trấn tĩnh ngay. Ông đảo mắt nhìn xem hổ ở đâu. Thoắt hiện trong đầu ông lời dặn của cụ ké chủ nhà: Nếu thấy hổ, đừng có chạy, cứ đứng im, nhìn thẳng vào mắt nó, nó sẽ bỏ đi. Nhưng rồi chỉ thấy một cành cây to, khô đổ xuống chắn lối đi. Đứng im chừng một phút, xong ông quay người rảo bước rất nhanh về phía nhà in…

Một chiều thứ bảy, tháng 10-1947, Chủ nhiệm Ngô Điền cùng một số anh em đi xe đạp đến Bắc Kạn. Sáng hôm sau, ông cùng đoàn quay về. Chưa đến ngã ba Quảng Nạp thì có tin địch đánh lên Việt Bắc. Họ cùng nhau nhìn về phía Bắc Kạn thấy địch đang nhảy dù xuống. Những chiếc dù của không quân Pháp lơ lửng trên bầu trời.

“Chúng tôi về ngay cơ quan, triệu tập tất cả để phổ biến kế hoạch, cắt người canh gác, xong rủ nhau chơi một ván bóng chuyền, ông Ngô Điền kể: Cơm tối xong, thu xếp đồ đạc, tăng cường canh gác rồi cho anh chị em ngủ một giấc, rạng sáng kéo nhau vào rừng. Địch có bộ phận đi qua Quảng Nạp, xuôi về Phủ Thông, Đại Từ. Từ trên đồi cao có thể thấy những đám cháy do địch đốt nhà cướp của. Địch rút rồi, chúng tôi lại quay về chỗ cũ, từ các ao hồ moi lên những ống bương chữ in, dựng lại nhà máy in, tiếp tục ra báo lại”.

Báo Vệ Quốc quân thời điểm đó có nhà văn Thâm Tâm làm Thư ký toà soạn. Ông có biệt tài “bao sân". Báo thiếu mục nào là lập tức Thâm Tâm có bài ngay để lấp chỗ trống. Họa sĩ trình bày báo có Mai Văn Hiến và Dương Bích Liên.

Hoạ sĩ Mai Văn Hiến người to lớn như Tây. Ông rất mê vẽ cảnh. Nhiều lần hoạ sĩ Mai Văn Hiến lạc đơn vị. Do cái mũi của ông giống như Tây say nên hay bị du kích bắt giữ lại, lãnh đạo báo phải đến nhận người.

Nhà báo Ngô Điền (13-9-1921/12-11-2005) sinh tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống hiếu học yêu nước. Trong cuộc đời mình, ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Mali (châu Phi, 1962 - 1965), Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao, 1965 - 1978), Đại sứ Việt Nam tại Campuchia (1979 - 1991)…

(Còn nữa)

KIỀU MAI SƠN