QĐND - Năm 1961, Thiếu tướng Lê Chưởng được cấp trên điều về làm Chính ủy Học viện Chính trị và làm việc ở đó 5 năm. Năm 1966, anh vào nhận nhiệm vụ ở chiến trường Trị-Thiên với cương vị Chính ủy Quân khu.
Thời kỳ anh Chưởng làm Chính ủy học viện, anh Lê Nghĩa Sĩ làm Chủ nhiệm chính trị, tôi là Trợ lý Tuyên huấn cùng với Thiều Trí, Nguyễn Huy Thiều...
Anh Lê Chưởng được toàn quân biết tiếng như một “cây thời sự” có hạng, nên ở đâu cũng cố mời cho được anh đến nói chuyện, thông báo tình hình. Là Trợ lý Tuyên huấn, tôi được tháp tùng anh đi khắp đây đó. Nhớ lại hồi ở Liên khu 4 những năm đầu kháng chiến chống Pháp, hễ có thông báo “Đồng chí Trường Sinh nói chuyện” (Trường Sinh là bí danh anh Lê Chưởng) là hội trường quân khu, liên khu ủy, các tỉnh ủy chật ních người ngồi nghe cho đến tận 10 giờ, 11 giờ đêm, không điện, không mi-crô vẫn im phăng phắc.
 |
Đồng chí Lê Chưởng trên đường hành quân tại chiến trường Trị Thiên-Huế, 1968.Ảnh tư liệu. |
Anh còn là “cây lý luận”. Hồi làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, anh viết hai tác phẩm: “Học tập, xây dựng nhân sinh quan cộng sản” và “Con người và vũ khí trong chiến tranh hiện đại”. Hiện nhiều học viên, nhà trường vẫn còn lưu giữ hai tác phẩm này phục vụ cho công tác nghiên cứu. Anh Lê Chưởng lại có tài văn chương, viết tiểu thuyết, làm thơ, viết báo. Năm 1945, anh là chủ bút tờ báo “Quyết thắng” của Kỳ bộ Việt Minh Trung Bộ. Cuốn hồi ký “Đất nước vào xuân” của anh được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, nhất là đồng bào, đồng chí, đồng đội ở chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa đón nhận rất trân trọng.
Năm 1971, anh được Trung ương điều ra công tác ở Bộ Giáo dục làm Thứ trưởng và Bí thư Đảng đoàn. Chiều chiều, đi làm về, anh đều ghé qua Câu lạc bộ quân nhân, đánh vài séc quần vợt, gặp gỡ mọi người. Lúc này, tôi đã về công tác ở Báo Quân đội nhân dân, buổi chiều vẫn đi bách bộ quanh sân vận động Cột Cờ. Vì vậy, cũng được gặp anh luôn. Có bài thơ nào mới, anh đều gửi cho tôi. Tôi nhớ vào khoảng đầu tháng 10-1973, khi ngồi uống bia ở CLB quân nhân, anh mở cặp, đưa cho tôi hai bài thơ. Anh nói: Cậu là dân Nghệ -Tĩnh, tớ vừa đi trong ấy ra, tặng cậu hai bài thơ quê hương. Đến nay, tôi vẫn nhớ những câu thơ:
… Hà Tĩnh gạo lứt nước trong
Đường qua Hà Tĩnh thong dong chạy dài
Ngã ba Đồng Lộc nhớ đời
Mười cô gái ấy dựng đài vinh quang
Cẩm Bình chăm học, chăm làm...
Bài ca vang vọng sông Lam núi Hồng...
Anh còn có hai bài thơ viết tặng Quảng Bình, Vĩnh Linh. Đó là bài “Quảng Bình không ngái, không xa” và “Vĩnh Linh lắm sắn, giàu tiêu”. Nhưng cũng trong tháng 10-1973, linh tính báo cho tôi biết có điều gì đó không bình thường. Mấy ngày liền, tôi không thấy anh Lê Chưởng đến sân Cột Cờ.
Thì ra, anh bị tai nạn trên đường đi công tác và đã sang thế giới bên kia ngày 25-10-1973 ở tuổi 60. Tôi lặng người, lau nước mắt...
Ngày 25-10 hằng năm là ngày truyền thống của Học viện Chính trị. Cứ đến ngày ấy, tôi lại nhớ đến anh Lê Chưởng, một nhà cách mạng kiên cường, ba lần bị bắt, giam cầm, tù đày vẫn giữ vững khí tiết, một vị nhân tướng của thời đại Hồ Chí Minh; một chính ủy mẫu mực, tài năng, văn võ song toàn.
Tôi nhớ đến khu Quần Ngựa, một thời là nơi đóng quân của Học viện Chính trị, chúng tôi thường đến thăm nhà anh cách đó không xa.
Tôi nhớ đến những chuyến đi, không kể Chủ nhật hay lễ Tết, mưa rét hay nắng nóng, hai thầy trò vi vu khắp các nẻo đường đến với bộ đội. Hễ thấy chiếc Pô-bê-đa cũ kỹ xuất hiện là cán bộ, chiến sĩ lại reo lên “Tướng Chưởng đến”. Họ vây quanh anh, náo nức, chen lấn để được nghe anh nói chuyện, chuyện thế giới, trong nước, quân đội, tình hình và nhiệm vụ mới...
Kết thúc một buổi chuyện trò, dù với đối tượng nào, anh Chưởng cũng đề nghị: Nghe rồi thì phải làm, chỉ có làm mới có ngày mai. Tương lai ở khối óc và bàn tay chúng ta.
Thiếu tướng Lê Chưởng quê xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1931 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 3-1946, ông là Chủ nhiệm Việt Minh Thuận Hóa, Bí thư Thị ủy. Năm 1947-1948, ông nhập ngũ, là Chính ủy Mặt trận Đường 9, Trung đoàn 95; tham gia Khu ủy Khu 4, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Năm 1949, ông là Chính ủy, Thường vụ Liên khu ủy Liên khu 4. Năm 1951, ông là Chính ủy Đại đoàn 304. Năm 1955, ông là Cục trưởng Cục Tuyên huấn trực thuộc Tổng cục Chính trị. Năm 1959-1961, ông là Chính ủy Đoàn 959, Học viện Chính trị. Năm 1966-1971, ông là Chính ủy, Phó bí thư Quân khu ủy Quân khu Trị - Thiên. Năm 1971, ông chuyển ngành làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
|
Trần Tiệu