QĐND - Bốn người dân tìm vàng đã mãi mãi nằm lại trong hang núi sâu thăm thẳm, một chiến sĩ dân quân cũng hy sinh khi vào cứu họ. Những người khai thác vàng trái phép đã không thể bước qua lời nguyền truyền kiếp “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nằm lại nơi rừng thiêng nước độc. Để tìm kiếm họ, hàng chục cán bộ, chiến sĩ bộ đội hóa học không quản ngại ngày đêm, đánh cược tính mạng của mình để tìm ra nơi họ tử nạn. Và quan trọng nhất, họ đã giải được những lời nguyền độc ác mà ai đó đã tung tin khiến bà con vùng cao nhiều lúc rơi vào mê muội.

Mệnh lệnh lúc nửa đêm

24 giờ, Hà Nội mịt mù trong màn sương rét buốt xuống tới 10 độ. Đội công tác 7 người của Binh chủng Hóa học do Đại tá Nguyễn Văn Miền, Trưởng phòng Tác chiến binh chủng làm trưởng đoàn cùng nhiều trang, thiết bị hóa học đặc chủng lên đường, tiến thẳng hướng Cao Bằng. Họ đã nhận được mệnh lệnh từ cấp trên để lên đó cứu những người dân tìm vàng bị tử nạn trong hang sâu đầy khí độc. Nơi ấy là hang Lũng Kẻng (người dân trong vùng quen gọi là hang Ngạt) thuộc thôn Lách, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 27-12-2011, trong số 6 người dân chui vào hang Lũng Kẻng khai thác vàng trái phép thì 4 người đã tử nạn do trúng khí độc là: Triệu Chống Hin cùng con trai là Triệu Văn Chiêu (sinh năm 1991), em trai là Triệu Tài Phàm (sinh năm 1984), người còn lại Đặng Văn Tình (sinh năm 1982). Xã đã đưa lực lượng vào cứu nhưng cũng không thể làm gì khác. Đau xót hơn, khi vào cứu họ, chiến sĩ dân quân Triệu Văn Dùng cũng đã phải nằm lại hang sâu do khí độc. Sự việc được cấp báo tới các cấp chính quyền. Rất nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh như bộ đội, công an, các ban, ngành đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, việc cứu hộ là vô cùng khó khăn do hang đá quá hiểm trở. Nguy hiểm nhất là hang rất sâu và nhiều khí độc nên lực lượng không thể tiếp cận hang. Ngay sau đó, một mũi trinh sát của bộ đội hóa học Quân khu 1 trực tiếp do đồng chí Chủ nhiệm Hóa học Quân khu chỉ huy từ Thái Nguyên đã cơ động lên tiếp cận hiện trường. Mũi thứ hai là lực lượng của Binh chủng Hóa học mà nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ của Viện Hóa học Môi trường quân sự.

Lực lượng cứu hộ phải vượt qua 2km đường núi mới tiếp cận được hang Lũng Kẻng. Ảnh: Võ Thành Vinh.

Nhọc nhằn đường vào hang

Chiếc xe chở đoàn công tác của Binh chủng Hóa học vượt ra khỏi Hà Nội. Thượng tá Võ Thành Vinh, Trạm trưởng Trạm cơ động trinh sát phát hiện nhanh thuộc Viện Hóa học Môi trường quân sự, thành viên đoàn công tác bấm đồng hồ khi đó là 0 giờ 30 phút. Đường lên Cao Bằng đêm vắng đến rợn người. Khúc khuỷu đèo dốc, bên thì vách núi treo leo, bên thì vực hun hút, thỉnh thoảng mới gặp một chiếc xe bật đèn vàng chạy ngược lại. Thưa thớt những nhà dân bên đường vẫn đóng cửa im lìm. Sương mù càng đêm khuya càng dày đặc hơn. Chiếc xe biển màu đỏ cứ lặng lẽ lao đi. Anh em vừa ngồi vừa trò chuyện để lái xe tỉnh táo bởi họ đều là những người không quen đường vùng cao. Sau gần 10 tiếng hành quân liên tục, 9 giờ 40 phút ngày hôm sau, đoàn công tác đã hợp quân được với lực lượng cứu hộ của Quân khu 1 và tỉnh Cao Bằng. Trọng trách vào hang được giao cho bộ đội hóa học bởi tất cả đều hiểu rõ một điều, trong hang sâu thăm thẳm ấy là khí độc. Những người tìm vàng từng nổi tiếng liều lĩnh cũng chẳng dám manh động cứu nhau. Tất cả hàng trăm người ngồi chờ đợi các chiến sĩ. Gương mặt họ đã mòn mỏi bởi sự mong ngóng trong tuyệt vọng.

"Vạch mặt" hang tử thần

Ngay khi tiếp cận cửa hang, họ đã hiểu phần nào sự nguy hiểm. Vào trong cửa hang chừng 10m, hang bé đến mức chỉ vừa một người chui, sâu hun hút, vô cùng hiểm trở với những đoạn rất nhỏ vặn vỏ đỗ, trơn trượt, rồi đá tai mèo. Và điều nguy hiểm nhất là trong chiếc hang sâu hun hút, tối mịt mù ấy có những gì ở trong? Liệu có rắn, rết, hay một loại côn trùng độc nào khác? Khí độc án ngữ các ngóc ngách ấy là khí gì? Và một điều mà những người tìm được vàng luôn truyền tai theo kiểu huyền bí “ai gặp kho vàng thường phải chết” bởi một loại bùa phép nào đó. Và cũng đã có kẻ xấu tung tin lừa bà con, những người chết ở trong hang là do họ tìm được kho vàng. “Dao động tâm lý là điều không được phép với bộ đội hóa học khi thực hiện nhiệm vụ” - Thượng tá Võ Thành Vinh nhắc lại khi trò chuyện với chúng tôi. Đây cũng là điều mà anh và đồng chí trưởng đoàn hóa học Quân khu 1 động viên cấp dưới của mình.

Chuẩn bị tụt xuống hang. Ảnh: Võ Thành Vinh

Các thành viên của đoàn cứu hộ mang mặt nạ phòng độc và một số khí tài tiến vào hang. Nhưng chỉ đi được một đoạn, họ phải quay ra vì vào trong rất nhỏ, không đi được nữa. Thượng tá Võ Thành Vinh là người đầu tiên gặp nạn. Sự trơn trượt khiến anh đập đầu vào vách đá và buộc phải quay ra khâu 5 mũi ở trán. Ngực anh sưng vù.

Một cuộc hội ý nhanh, Thượng úy Nguyễn Văn Tài, cán bộ của Viện Hóa học Môi trường quân sự và 2 tiểu đội trưởng trinh sát hóa học của Quân khu 1 là Thực và Nghị là những người được chọn để tiếp tục xuống hang. Sở dĩ chỉ có 3 đồng chí này được phân công xuống hang bởi thân hình của họ nhỏ hơn, vừa đủ để chui qua những chỗ hẹp nhất xoắn hình vỏ đỗ. Nguyễn Văn Tài cười rất tươi khi nói với tôi:

- Em không ngờ thân hình của mình lúc ấy lại phát huy tác dụng đến thế. Lúc ấy em chẳng nghĩ gì, chỉ biết khi được phân công nhiệm vụ là chuẩn bị và thực hiện ngay.

Quả thật, lúc ấy ranh giới giữa sự sống và cái chết rất khó nói. Chẳng ai dám khẳng định an toàn 100% dù các chiến sĩ đã mang theo khí tài. Các chiến sĩ vào hang được chỉ huy động viên, làm công tác tư tưởng. Tài, Thực và Nghị được trang bị mặt nạ, dây dẫn khí, thiết bị đo các khí độc như CO, SO­2, NO2, CH4, HCN… 12 giờ trưa, ba anh em bắt đầu chui xuống hang.

- Người em đau nhói, chân tay đầy vết xây xát mỗi khi phải vặn người chui qua những đoạn nhỏ hẹp. Có đoạn, em phải bó sát hai tay trước ngực đu người thẳng đứng xuống. Có đoạn, phải mất hàng chục phút mới nhích được một mét” - Tài nhớ lại.

10m, 20m… và đến cự ly 150m, các chiến sĩ phải dừng lại. Họ không thể đi nữa bởi đã phát hiện nồng độ khí độc CO rất cao. Đây cũng là khí độc gây ra cái chết của những người tìm vàng. 5 giờ chiều (tức là sau 5 giờ đồng hồ), 3 chiến sĩ đã phải ngược lên vì quá nguy hiểm. Thượng tá Võ Thành Vinh kể, đón anh em lên, họ lả đi vì mệt. Ở hang sâu thiếu ô-xy, chênh lệch áp suất, anh em lại không phải trong trạng thái thể lực tốt nhất sau một chuyến hành quân dài.

Quay về nơi nghỉ ngay sau khi ăn cơm tối xong, cả đoàn công tác hội ý, bàn phương pháp tiếp cận hang vào ngày hôm sau. Tất cả các phương án tối ưu đã được tính đến và quyết định cuối cùng được đưa ra là anh em vẫn tiếp tục xuống hang. Tài kể lại: “Cả đêm, anh Vinh động viên em rất nhiều. Những kinh nghiệm quý báu nhất cũng được anh truyền cho. Có lúc em chợt nhớ tới vợ và con nhỏ. Cháu mới được 6 tháng tuổi, chẳng may có chuyện gì… Nhưng những ý nghĩ ấy, em phải nhanh chóng gạt ra khỏi đầu”.

9 giờ sáng hôm sau (ngày 30-12), Tài, Thực, Nghị và Thuyền mới được tăng cường (Thuyền cũng là chiến sĩ của Quân khu 1) bắt đầu xuống hang. Ở trên hang, hàng chục cán bộ, chiến sĩ dõi theo nhất cử nhất động. Hệ thống thông tin liên lạc được nối với từng chiến sĩ, cứ khoảng chục giây, họ phải thông tin ngay đề phòng bất trắc và cũng nhận sự chỉ đạo từ trên. Thượng tá Võ Thành Vinh kể: “Gương mặt chúng tôi ai cũng căng như dây đàn”. 150m đầu tiên mà ngày hôm trước tiếp cận đã được 4 chiến sĩ vượt qua nhanh. Nhưng khi trinh sát tiếp cận đến cự ly 260m, cách nạn nhân đầu tiên 20m thì lượng khí độc lên đến 85ppm (độc tố rất cao) và đây chính là nơi những người tìm vàng tử nạn. Sau 7 giờ tiếp cận đến chỗ các nạn nhân tử nạn, tổ công tác quyết định rút lên sau khi lực lượng ở trên đã hội ý thống nhất phương án xử lý.

Bốn cán bộ, chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân. Ảnh: Võ Thành Vinh

Sau khi được sự bàn bạc thống nhất của Ban chỉ đạo, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, lực lượng tìm kiếm đã thống nhất với đề xuất của Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn của địa phương cũng như ý kiến của gia đình, để nạn nhân tại chỗ và tổ chức mai táng theo phong tục tập quán của địa phương.

Giải lời nguyền độc ác

Sở dĩ không thể đưa xác các nạn nhân lên khỏi hang được bởi hang quá nhỏ, dốc, nguy hiểm, lượng khí độc rất cao. Cũng vì hang nằm nơi hiểm trở nên không một phương tiện máy móc lớn nào có thể vào được. Tuy nhiên, việc bộ đội hóa học tiếp cận được nơi các nạn nhân tử nạn đã trả lời nhiều câu hỏi mà lâu nay vẫn ám ảnh đồng bào, đặc biệt là bà con nơi đây, khi mà dân trí còn có những hạn chế. Như vậy, chẳng hề có một lời nguyền thần thánh độc ác nào khiến những người tìm vàng bị chết khi họ đi tìm vàng mà đó là khí độc. Ở chiếc hang này, khí độc CO hình thành, tích tụ lâu trong hang đã gây ra cái chết cho họ. Câu trả lời này đã giải tỏa áp lực cho bà con, thân nhân các gia đình nạn nhân. Họ đã được giải thích một cách khoa học để từ nay không phải cúng bái thần thánh, hay lệ thuộc vào một lực lượng siêu nhiên nào đó.

Câu trả lời thứ hai để người dân hiểu là không hề có một hầm vàng mà ai đó đã nói trong chiếc hang này. Hang Lũng Kẻng có độ sâu khoảng 300m rất hiểm trở. Thực chất đây là hang thoát nước cho một thung lũng. Mùa mưa thì nước ngập. Mùa khô thì hang cạn. Nơi lượng vàng ở đáy hang nếu có thì chỉ là một lượng rất nhỏ là vàng sa khoáng; tức những cám vàng được hình thành qua quá trình bào mòn tự nhiên do mùa nước chảy, đọng lại ở đáy hang. Điều này không đáng gì và càng chẳng thấm vào đâu để người dân tìm vàng phải vào đó tìm mà bỏ mạng. Đây cũng là câu trả lời cho câu chuyện mà nhiều người dân địa phương kể, nơi đây những năm trước cũng đã có 7 người đi tìm vàng bị chết ngạt trong hang. Chúng tôi được biết, chính quyền địa phương đã có phương án để cấm việc khai thác vàng trái phép tại đây. Tuy nhiên, một khi không được giải thích đầy đủ, khoa học thì dù có cấm thế nào người dân vẫn sẽ tìm cách vào đó. Và nguy hiểm hơn là việc kẻ xấu tung tin là có điều huyền bí. Việc giải những bài toán hóc búa này là một chiến công rất đáng trân trọng của bộ đội hóa học. Xã Thái Học đã trở lại trạng thái yên bình, những lời nguyền độc ác cũng bị xua tan. Mong rằng, sẽ chẳng còn người dân nào phải chịu thiệt thòi từ sự thiếu hiểu biết ấy.

Nguyễn Anh Tuấn