QĐND - Doanh nhân Lê Thị Bích, không phải là chủ doanh nghiệp lớn nhất của Ninh Bình, càng không phải là người giàu nhất tỉnh, nhưng nhắc đến tên chị thì rất nhiều người dân trong tỉnh đều biết bởi tấm lòng nhân ái bao dung. Những người nghèo ở thị xã Tam Điệp và người nhiễm HIV ở huyện Kim Sơn gọi chị là “Bà Tiên” bởi chị đã cưu mang và giúp họ có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống…

Từ món nợ ân tình…

Tuổi thơ của doanh nhân Lê Thị Bích gắn liền với vùng đất mới Kim Sơn (Ninh Bình), với cây lúa, cây cói và con cua, con ốc. Sống bươn trải trong một gia đình đông con, nửa ngày đi học, nửa ngày có mặt tại đồng ruộng, nên Bích hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân quê nhà và quyết tâm làm giàu cho quê hương. “Năm em đang học trường cấp ba của huyện, vì nhà nghèo không có tiền đóng học phí nên bạn bè trong lớp quyên góp tiền cho em tiếp tục học tập. Kỷ niệm ấy sau này chẳng khi nào phai nhòa trong em và đau đáu như một món nợ ân tình với bạn bè, với quê hương” - Bích tâm sự với tôi như vậy.

Tốt nghiệp đại học rồi được vào biên chế trong một cơ quan Nhà nước, nhưng Bích lại từ bỏ “vị trí ngon lành” này để thành lập doanh nghiệp.

“Lúc đó nhiều người cho em là dại dột. Nhưng em nghĩ phải thành lập doanh nghiệp thì mới tạo được việc làm cho bà con nông dân, cho những người lang thang cơ nhỡ” - Bích nhớ lại. Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi nhưng chọn cách làm “chậm mà chắc”, phát huy tiềm năng sẵn có của vùng đất Tam Điệp là đá vôi, doanh nghiệp tư nhân Việt Thắng (nay là Công ty TNHH một thành viên Việt Thắng) đã mở hướng khai thác đá. Nhờ chọn đúng hướng kinh doanh, tôn trọng chữ “tín” với các khách hàng mà Việt Thắng có những bước phát triển nhảy vọt. Bình quân sau mỗi năm, doanh thu và các khoản nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp tăng gấp rưỡi. Từ sản xuất đá, doanh nghiệp mở rộng sang lĩnh vực sản xuất xi măng, gạch ngói, cung cấp bê tông, xây dựng…

Đến nay Công ty TNHH một thành viên Việt Thắng đã trở thành một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước cao nhất của thị xã Tam Điệp, giải quyết việc làm cho gần 800 lao động. Điều đáng trân trọng của Việt Thắng là trong số những lao động của doanh nghiệp, có rất nhiều người đã từng có tiền án, tiền sự, mãn hạn tù, là nạn nhân của những tệ nạn xã hội. Không hiểu bằng sắc đẹp trời cho hay khả năng thuyết phục bằng trái tim nhiệt huyết của mình mà doanh nhân Lê Thị Bích đã cảm hóa được các đối tượng này, họ đã trở thành những người công nhân thực thụ, làm ăn chân chính trong doanh nghiệp và coi doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai của mình.

... Đến những câu chuyện như trong cổ tích

Nếu không giới thiệu thì tôi không thể tin được em H. ở huyện Kim Sơn bị nhiễm HIV vì H. còn khá trẻ, xinh gái và trông bề ngoài thì rất khỏe mạnh. H. kể với tôi, em bị lây nhiễm HIV qua đường tình dục và đã có những lúc căm thù đàn ông tới mức “Đàn ông ai thích là em cho họ ngủ cùng em để truyền bệnh cho họ ngay”. Biết được chuyện này trong một lần về quê, Bích đã tìm đến H., động viên, tài trợ tiền cho H. học nghề. Một thời gian sau, con người của H. đã hoàn toàn khác. “Bây giờ em không còn căm thù đàn ông nữa. Nghe lời chị Bích, em thấy yêu đời hơn, sống có ích hơn. Biết đâu, bệnh của em sẽ khỏi” - H. tâm sự.

Tìm hiểu thực tế ở huyện Kim Sơn, Hoa Lư và thị xã Tam Điệp, chúng tôi được biết, trong mấy năm qua, doanh nhân Lê Thị Bích đã nhiều lần hỗ trợ cho các câu lạc bộ những phụ nữ bị nhiễm HIV tại hai địa phương này, đó là các câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng”, “Khát vọng tình thương”, “Hoa ngọc lan”…Không chỉ tặng quà, hỗ trợ vốn vay, Bích còn động viên, chia sẻ những khó khăn giúp các thành viên của câu lạc bộ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều chị em trong các câu lạc bộ  đã coi Bích như “Bà Tiên” đến cứu giúp họ những lúc khó khăn.

Doanh nhân Lê Thị Bích với các cháu học sinh Trường Mầm non Việt Thắng.

 

Chúng tôi đã đến thăm một gia đình đặc biệt khó khăn ở tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã Tam Ðiệp. Chủ nhà là anh Phạm Văn Ngữ bị bệnh não. Vợ của anh Ngữ là chị Hà Thị Thơm cũng bị bệnh hiểm nghèo. “Không có Việt Thắng thì chúng em… chết rồi”- chị Thơm nói. Doanh nghiệp Việt Thắng đã trợ cấp khó khăn thường xuyên cho gia đình anh Ngữ và chị Thơm. Các cháu con của anh chị cũng đã được Lê Thị Bích trợ cấp để được đến trường.

Cháu Đỗ Thị Huyền Thanh (xã Quang Sơn, thị xã Tam Điệp) là con của một gia đình công nhân thuộc diện hộ nghèo, mắc bệnh tim, cần phải phẫu thuật thì mới có cơ hội sống sót. Song với gia cảnh một gia đình nghèo, số tiền gần 70 triệu đồng để chi phí cho ca mổ là quá sức đối với họ. Trong lúc gia đình cháu Thanh gần như tuyệt vọng, Lê Thị Bích đã tìm đến gia đình và ngỏ ý được giúp đỡ toàn bộ chi phí cho ca mổ để cứu chữa cho cháu Thanh. Với sự giúp đỡ bằng tình thương và tấm lòng của Bích, cháu Thanh đã được phẫu thuật và khỏe mạnh.

Đi với doanh nhân Lê Thị Bích ở Tam Điệp, đến đâu chúng tôi cũng thấy các cháu thiếu nhi gọi Bích bằng mẹ. Bích tự hào khoe với tôi: “Em là người có nhiều con nhất của Ninh Bình. Riêng 32 cháu học sinh nghèo mà em trợ cấp hằng tháng cho tới khi tốt nghiệp đại học đều gọi em bằng mẹ”. 

Trong chương trình “Xóa nhà tranh vách đất” của tỉnh Ninh Bình từ năm 2008 đến năm 2010, doanh nhân Lê Thị Bích đã giúp đỡ kinh phí để xây dựng 6 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 180 triệu đồng cho chị em phụ nữ nghèo trên địa bàn. Có chị nhận được nhà mới đã ôm chầm lấy Bích thổn thức và nhận Bích là thành viên danh dự trong gia đình của mình. Bích còn ủng hộ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa cho tổ 7, phường Trung Sơn, ủng hộ làm đường bê tông cho các xã, phường của thị xã Tam Điệp.

Những phụ nữ nghèo trong doanh nghiệp của Bích và ở nơi doanh nghiệp đứng chân luôn coi Bích là ân nhân bởi nếu gia đình có chuyện gì liên quan đến tài chính, lại phải nhờ đến Bích giúp đỡ.

Nỗi niềm của một nữ doanh nhân thành đạt

Trẻ trung, xinh đẹp, làm từ thiện nhiều và được mọi người quý trọng, đó là nét khái quát về doanh nhân Lê Thị Bích. Từ năm 2000 đến nay, doanh nhân Lê Thị Bích đã dành nhiều tỷ đồng để làm từ thiện và Bích cũng đã giành được nhiều phần thưởng cao quý như: Cúp vàng Nữ doanh nhân Vì sự tiến bộ cộng đồng; Cúp vàng Vì sự phát triển cộng đồng; Cúp vàng Giám đốc tài năng... Nhưng theo Bích, phần thưởng lớn nhất và vinh dự nhất là được mọi người yêu quý. Bằng chứng là khi ứng cử đại biểu HĐND thị xã Tam Điệp, Bích đã trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối. 

Thế nhưng, người nữ doanh nhân này cũng có không ít nỗi niềm…

Đến thăm Trường Mầm non Việt Thắng do doanh nghiệp Việt Thắng đầu tư tại Tam Điệp, chúng tôi thực sự ngạc nhiên bởi khung cảnh sư phạm và mô hình tổ chức tại đây. Trong trường có những “khu vườn cổ tích” rộng với các bức tượng là nhân vật trong cổ tích. Mỗi vườn là một câu chuyện sinh động cho các cháu. Trường có khu trồng rau sạch cho các cháu ăn, có xe chuyên dụng đưa đón các cháu từng nhà. Nếu gia đình có yêu cầu, nhà trường có thể giữ cháu ở lại qua đêm hoặc tổ chức nội trú. Trong trường còn có camera trực tuyến. Các phụ huynh ở nhà hay ở các công sở, nếu có máy tính nối mạng internet đều có thể theo dõi và nắm bắt các hoạt động của con, cháu mình vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Mỗi cháu đều có giường riêng được trang trí rất đẹp, được chơi những bộ đồ chơi theo tiêu chuẩn quốc tế. Các cô giáo trong trường phần lớn có trình độ đại học và cao đẳng. Trong số gần 250 cháu đang học tập tại trường, có tới 39 cháu gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc là công nhân trong doanh nghiệp Việt Thắng nhận được sự trợ cấp thường xuyên của doanh nhân Lê Thị Bích. Có điều làm tôi rất cảm phục là Bích đã nhớ đầy đủ tên, tuổi của 39 cháu có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại trường.

Bích kể với tôi, tổng số kinh phí để xây dựng trường là 75 tỷ đồng. Doanh nghiệp tự bỏ tiền ra xây dựng trường để giảm tải cho giáo dục công lập và cũng thể hiện niềm ấp ủ lâu nay của Bích là góp phần chăm sóc thế hệ trẻ. Nhưng những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng trường như: Hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng, vay với lãi suất ưu đãi… cho đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt Thắng vẫn chưa nhận được.

Bích còn có tham vọng xây dựng khu nghỉ dưỡng và chữa bệnh cho người già của tỉnh Ninh Bình đặt tại thị xã Tam Điệp bên cạnh Trường Mầm non Việt Thắng. Hiện dự án đang được xây dựng. Thế nhưng với khoản tiền khổng lồ để xây dựng dự án, nếu không có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của địa phương, không có sự chia sẻ của các doanh nghiệp trên địa bàn thì dự án khó trở thành hiện thực.

Nữ doanh nhân Lê Thị Bích chia sẻ: “Mọi người bảo em là bà tiên, nhưng em lại muốn có bà tiên đứng ra giúp đỡ những người nghèo, giúp doanh nghiệp của em tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách để chúng em có điều kiện làm từ thiện tốt hơn. Em vẫn còn món nợ với quê hương Ninh Bình của em”.

Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ