QĐND - Tôi tìm đến nhà bà trên con đường nhỏ thuộc ngoại ô TP Hồ Chí Minh vào một ngày nắng gắt. Mấy khóm trúc xanh rì rào trước ngõ xen lẫn bóng me dịu mát tạo nên một mảng hồn quê thanh bình, yên ả xua đi cái nóng nực nơi phố thị ồn ã, đua chen. Khác với tưởng tượng của tôi về một võ sư cứng cỏi, mạnh mẽ bà lại rất nhẹ nhàng, tình cảm. Suốt câu chuyện với tôi nhiều lần bà bật khóc, những giọt nước mắt xót thương đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi “chuồng cọp” năm xưa. Bên chiếc bàn nhỏ trong căn nhà đơn sơ, những lát cắt cuộc đời của bà – võ sư Vovinam Thiều Thị Tân, cựu tù chính trị Côn Đảo vang tiếng một thời, cứ thế hiện ra…
Nữ sinh, nữ chiến sĩ cách mạng
Sinh năm 1953, trong một gia đình khá giả ở quận 5, Sài Gòn, từ nhỏ Thiều Thị Tân cùng chị gái là Thiều Thị Tạo đã được cha mẹ chăm lo, nuôi dạy chu đáo. Đến tuổi đi học, hai chị em được vào học tại Trường "đầm" Marie Curie, trường chuyên dạy tiếng Pháp dành riêng cho con nhà quý tộc. Sống trong môi trường ấy, chị em Tân mới hiểu hết sự bất công của chế độ bóc lột, cường quyền và những thiệt thòi của con nhà lao động. Vốn ham mê võ thuật từ nhỏ, ngoài lúc học văn hóa ở trường, Tân còn theo học Vovinam (Việt võ đạo) tại võ đường Vĩnh Viễn, quận 10 và được các võ sư danh tiếng Lê Sáng, Trần Huy Phong trực tiếp truyền dạy. Vậy nên mới chỉ 15 tuổi, Tân đã có “vốn” võ thuật kha khá. Nhớ lại thời đó, bà Tân kể:
- Năm 1963, được tận mắt chứng kiến cảnh tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức, rồi đến cái chết của anh Nguyễn Văn Trỗi năm 1964, trong tôi đã nhen lên ngọn lửa yêu nước và tinh thần phản kháng chế độ Mỹ-ngụy. Chính vì thế vừa học tập tôi và chị gái vừa tìm cách móc nối với cơ sở cách mạng. Năm 1966, tôi trở thành đội viên Đội võ trang tuyên truyền F100 thuộc Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam hoạt động bí mật trong nội thành. 2 năm sau, tôi được cấp trên tin tưởng phân công làm Đội phó của đội…
 |
Bà Tân đang giới thiệu tiết mục giao lưu võ thuật quận 12. |
Bà Tân bất chợt ngừng lời. Trong ánh mắt thăm thẳm phảng phất một chút buồn man mác. Tôi hỏi: “Hình như cương vị mới gắn liền với một kỷ niệm nào đó của cô?”. Bà Tân gật đầu, chia sẻ:
- Đây cũng là điều mà tôi buồn lòng nhất bởi có một nhiệm vụ trên cương vị đội phó tôi chưa kịp hoàn thành thì đã bị địch bắt. Số là, trong một lần chỉ huy vận chuyển thuốc nổ bí mật đánh Tổng nha cảnh sát quốc gia, sau nhiều ngày tìm cách liên hệ với cơ sở của ta trong Tổng nha, tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị đưa thuốc nổ vào. Nhưng khi thực hiện, có một kẻ đã phản bội nên kế hoạch bại lộ, tôi và chị gái đều bị bắt. Bọn địch khám nhà phát hiện được một số thuốc nổ, cờ Mặt trận giải phóng và truyền đơn nên đã đưa chị em tôi ra xét xử. Mặc dù tuyên phạt một năm tù cho hưởng án treo do tuổi vị thành niên nhưng bọn địch vẫn lưu đày chị em tôi ra Côn Đảo cuối năm 1969.
Vậy là từ đây cô “nữ sinh trường đầm” đã khép lại tuổi học trò để vào “địa ngục trần gian”. Khi đó cô chưa tròn 16 tuổi, là nữ tù chính trị trẻ nhất ở Côn Đảo.
Dấu ấn nơi “chuồng cọp”
“Mấy chục năm rồi nhưng mỗi lần ra Côn Đảo, đi trên con đường độc đạo trải nhựa phẳng lỳ tôi không sao cầm được nước mắt, bởi chính nơi đây bao đồng đội tôi đã phải lao động khổ sai, hy sinh xương máu để phát cỏ ống, đội đá đắp đường. Mỗi bước chân tôi vẫn như đang giẫm lên thân xác đồng đội khiến tim tôi đau nhói”. - Bà Tân nghẹn lời, nước mắt nhạt nhòa nhớ về những kỷ niệm của một thời đau thương mà kiêu dũng. Giọng bà trở nên se thắt:
- Hai chị em tôi bị giam trong trại số 4. Lúc đó tôi nhỏ con lắm nhưng với máu võ sĩ nên hễ tụi cai ngục đàn áp nữ tù là tôi lăn xả vào chịu đòn cho các chị em khác. Nhiều lần như vậy tụi chúng để ý, liên tục tìm cớ đánh đập, dụ dỗ hai chị em tôi, rồi đưa sang nhốt ở hầm biệt giam. Chính trong căn hầm tối đen ấy, những vũng máu của đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi cứng cỏi vượt qua thử thách.
 |
Võ sư Thiều Thị Tân (ngoài cùng, bên phải) và 2 học trò đoạt huy chương vàng Vovinam cấp thành phố năm 2008. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Kể tới đây bà Tân ngừng lại, với tay lấy cuốn sổ vàng ố màu thời gian. Những nét chữ nắn nót đã phai mờ cùng năm tháng, ghi lại mấy câu thơ mà bà tự sáng tác để động viên mình trong lao ngục: Chúng đưa em đến trại 3/ Đây hầm đá lạnh anh qua đâu rồi/ Trời, sao như dấu máu tươi?/ Nơi đây bao cảnh tơi bời xác thân/ Em nằm trên vũng máu anh/ Mà nghe hơi ấm tỏa quanh căn hầm/ Máu người thường phải hôi tanh/ Máu anh tiếp sức đấu tranh kiên cường. Đọc xong, thấy tôi tư lự, bà Tân giải thích:
- Lúc bị đẩy ngã chúi vào hầm đá tối đen, lạnh toát, tôi thấy mặt và tay dính ướt. Cảm nhận được mình đang nằm trên vũng máu của một người tù vừa bị địch tra tấn dã man tại đây, tự nhiên tôi không còn biết sợ nữa. Lửa căm hận ngùn ngụt bốc lên, tôi bỗng thấy ấm lòng như thể đồng đội đang ở quanh mình, trong chính căn hầm này để tiếp thêm sức mạnh cho tôi ngoan cường đấu tranh từng giờ, từng phút. Và, mấy câu thơ ấy đã lóe lên ngay thời khắc đó.
Ý chí và nghị lực của người nữ tù trẻ tuổi thật đáng khâm phục! Phải chăng đó là sức mạnh của lòng yêu nước, của chính nghĩa vụt sáng lên giữa tăm tối, bạo tàn, làm ấm lại căn hầm chết chóc? Và, chính nơi “địa ngục trần gian” người con gái ấy đã làm nên một điều kỳ diệu. Năm 1970, một đoàn thanh tra quốc tế đến Côn Đảo để tìm hiểu thực chất cái gọi là “chuồng cọp” trong hệ thống nhà tù miền Nam Việt Nam. Với vốn tiếng Anh lưu loát, từ bên dưới song sắt, nữ tù Thiều Thị Tân cùng chị gái đã đanh thép tố cáo tội ác man rợ của “chuồng cọp” Côn Đảo và được báo chí Mỹ đăng tải, dư luận thế giới bất bình, căm phẫn. Trước tình thế ấy chính quyền Mỹ-ngụy buộc phải phá bỏ “chuồng cọp” để phi tang. Nhờ đó, tù chính trị ở Côn Đảo “dễ thở” hơn đôi chút. Nhớ lại hành động của mình, ánh mắt bà sáng lên:
- Không hiểu sao lúc đấy tôi lại bình tĩnh và gan lỳ đến thế! Bất chấp sự ngăn cản của tụi cai ngục, tôi đu người lên, nói thật lớn bằng tiếng Anh khiến phái đoàn thanh tra chú ý. Họ đã ghi âm, chụp ảnh thực tế cảnh tù nhân bị khổ sai, trong đó có bức ảnh hai chị em tôi cùng mấy nữ tù.
Sau sự kiện ấy, bề ngoài bọn địch tỏ ra nhượng bộ nhưng bên trong lại ngấm ngầm tìm cách cô lập Thiều Thị Tân. Chúng đưa bà về nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) tiếp tục đánh đập, tra tấn khiến bà bị thần kinh kéo dài, thân thể tiều tụy phải chuyển sang Bệnh viện tâm trí Biên Hòa đầu năm 1972. Hai tháng sau, vừa bình phục bà lại bị đày ra Côn Đảo. Hiệp định Pa-ri được ký kết, tháng 3 năm 1974 bà là một trong hơn 5 nghìn tù chính trị được trao trả cho chính quyền cách mạng.
Bà Năm Vovinam
Kết thúc chiến tranh, cô thiếu nữ 22 tuổi, gầy gò, ốm yếu, cân nặng chưa đầy 30kg, phải mất nhiều năm để điều trị bệnh tật. Thế rồi, với niềm đam mê võ thuật, cựu nữ tù chỉ còn 49% sức khỏe lại dành thời gian cho Việt võ đạo, tìm tòi, nghiên cứu, luyện tập những mong phát huy thanh thế của môn võ mang bản sắc dân tộc. Năm 2001, bà mở Câu lạc bộ Vovinam dạy cho các em nhỏ con nhà nghèo vùng ven. Tôn chỉ của bà là dạy võ, rèn người, tu nhân, tích chí. Bởi vậy, bọn trẻ đến với bà không chỉ được học võ mà còn được bà truyền cho lòng yêu quê hương, đất nước, dạy cho cách sống vì mọi người; được bà yêu thương, chăm sóc như thể người thân. Tình cảm ấy của bà đã thu hút hàng trăm võ sinh nhí theo học, miệt mài luyện tập Vovinam. Trong hơn 10 năm, đã có gần 300 em từng theo học tại Câu lạc bộ của bà. Hầu hết các em đều trưởng thành, ngoan ngoãn, lễ phép, cống hiến công sức xây dựng quê hương. Nhiều em đã đoạt huy chương vàng trong các giải thi đấu cấp thành phố. Không chỉ dạy cho các em nhỏ mà ngay cả lực lượng dân quân phường vào mùa hội thi, hội thao bà cũng được mời tham gia huấn luyện võ thuật. Nhờ đó, nhiều năm liên tục phường đội An Phú Đông đều đạt giải nhất, nhì hội thao cấp quận. Đặc biệt, mấy năm gần đây bà Tân còn thành lập Đội lân mang tên Trần Quốc Toản, là một trong hai Đội lân đậm chất Vovinam ở TP Hồ Chí Minh, chuyên múa miễn phí phục vụ bà con trong khu vực vào dịp lễ, Tết, việc họ, việc làng. Ngay cả tên Đội lân, theo bà, đó cũng là để nhắc nhở các em luôn nhớ tới lịch sử dân tộc, noi gương yêu nước của người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản năm xưa. Bởi thế, sự ra đời và hoạt động của Đội lân không phải vì mục đích kiếm tiền. Đúng như ý kiến của ông Trần Đức Cường, Phó chủ tịch UBND phường An Phú Đông, thì những việc làm từ tâm của bà Tân mang ý nghĩa xã hội tích cực, vì cộng đồng, vì tình cảm láng giềng gần gũi.
Thăm khu luyện võ và quan sát các trang bị của Đội lân, tôi hỏi: “Mua sắm được những thứ này chắc cô phải nhờ bà con giúp đỡ?”. Bà Tân lắc đầu:
- Tiền túi của tôi cả đấy! Tôi có lương thương binh, lại được chồng chu cấp, mình già rồi chi tiêu hết mấy. Với lại, cũng chẳng tốn là bao, mỗi năm để dành mua thêm một ít. “Kiến tha lâu đầy tổ” thôi mà. Bà con ở đây nghèo lắm! Tụi nhỏ có mấy đứa khổ quá tôi còn phải hỗ trợ thêm. Cháu Nguyễn Trung Hiếu, mẹ bị tai nạn mất sức lao động, bố chạy xe ôm, gia đình phải ở trọ tại quận Bình Tân. Thương hoàn cảnh éo le, tôi cho cả chiếc xe gắn máy để cháu đi làm thuê phụ nuôi mẹ. Giờ cháu đã lấy vợ, sống tận Long An.
Trên cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vovinam quận 12, bà Tân còn tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu võ thuật, tạo sân chơi lành mạnh để các em cọ sát, học hỏi lẫn nhau nâng cao võ nghệ. Có lẽ nhờ những tình cảm chân thành và việc làm hữu ích ấy mà cái tên “Bà Năm Vovinam” từ lâu đã trở nên thân thuộc với lũ trẻ vùng ven. “Tôi sinh ra trong chiến tranh, chịu bao khổ đau, tù đày, đánh đập đến mức không lớn nổi nên tôi hiểu lũ trẻ cần được yêu thương biết nhường nào. Tình yêu quê hương, đất nước trong tôi cụ thể, giản dị lắm! Bởi vậy, tôi dành tất cả tình cảm cho chúng, tập cho bọn trẻ có ý chí thép, có sức khỏe dẻo dai và tình thương đồng loại thông qua môn võ mang “hồn” dân tộc để mai sau chúng có ích cho đời” - Bà Tân bộc bạch với chúng tôi như thế!
Hoàng Thành