QĐND - Đó là ý kiến của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đối với người chiến sĩ cũ của mình tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tập đoàn Thái Bình Dương. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhấn mạnh: “Anh hùng Phan Văn Quý thật quý. Từ một Anh hùng trong chiến tranh, trở thành doanh nhân thành đạt trong thời bình, luôn luôn nghĩa tình với quê hương, đồng chí, đồng đội và đồng bào”.
Từ Anh hùng trẻ nhất trên tuyến lửa Trường Sơn…
Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào ác liệt nhất, Phan Văn Quý cũng như nhiều thanh niên khác đã làm đơn xung phong vào bộ đội khi vừa sang tuổi 18. Ước mơ của Phan Văn Quý lúc bấy giờ là được vào bộ đội đặc công. Thế nhưng, cấp trên lại cho anh đi học lái xe. “Ban đầu thì mình buồn, nhưng “quân lệnh như sơn”, mình đã chấp hành. Học xong, mình xin đi chiến trường ngay” - Anh hùng Phan Văn Quý bộc bạch với tôi như vậy.
Phan Văn Quý được biên chế vào Tiểu đoàn ô tô 52, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571 của Bộ đội Trường Sơn. Cùng chiếc xe Zin157, chiến sĩ Phan Văn Quý đã vượt qua bao cung đường dọc, ngang trên tuyến lửa Trường Sơn giữa mưa bom, bão đạn. Anh nhớ nhất một lần khi chở thương binh ra hậu phương, khi qua trọng điểm Phu La Nhích thì bị máy bay địch phát hiện và phóng rốc két chặn đầu khóa đuôi. Đối mặt với hiểm nguy, Phan Văn Quý bình tĩnh lái xe rẽ ngoặt vào một đoạn đường tránh xương cá rồi dừng lại và nhanh chóng cùng đồng chí phụ lái dìu thương binh xuống tìm nơi ẩn nấp. Nhờ vậy, số thương binh đưa ra gồm 25 người đều an toàn.
 |
Anh hùng Phan Văn Quý (ngoài cùng bên trái) tham dự buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với các đối tác Vương quốc Anh. |
Giữa rừng Trường Sơn, phụ tùng thay thế khó khăn, chiến sĩ lái xe Phan Văn Quý đã có nhiều sáng kiến độc đáo, được cả đơn vị học tập và làm theo như dùng ke sắt thùng đạn, mảnh pháo sáng ốp vào đầu dầm của xe để khi va chạm xe đỡ bị xây xát, dùng thanh gỗ làm cần số để tránh nhảy số trong quá trình cơ động, thường xuyên bảo dưỡng... Vì vậy, chiếc Zin157 của anh qua nhiều năm hoạt động ở chiến trường, lốp đã thay nhiều lần nhưng thân xe vẫn chuẩn, máy vẫn hoạt động tốt. Chiếc xe một thời gắn bó sinh tử với anh như người bạn thủy chung ấy hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (Hà Nội).
Trong 4 năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự ở tuyến lửa Trường Sơn, Phan Văn Quý đã lái xe chạy được hơn 65 nghìn ki-lô-mét an toàn, tiết kiệm gần 7 nghìn lít xăng, là người dẫn đầu trong phong trào giữ tốt, dùng bền của Sư đoàn 571. Với thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, ngày 10-6-1976, Phan Văn Quý đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Khi đó anh mới 23 tuổi và là anh hùng thuộc Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có tuổi đời trẻ nhất khi được phong.
Đến doanh nhân thành đạt trong thời bình
Năm 1999, sau gần ba chục năm trong quân ngũ, Anh hùng Phan Văn Quý được nghỉ hưu và bắt đầu bước vào trận chiến đấu mới trên thương trường. Bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện trong chiến tranh đã giúp anh vượt qua muôn vàn gian khó khi phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, các quy luật kinh tế và việc bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đến năm 2001, anh và một số bạn bè sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, chuyên về xây dựng và kinh doanh bất động sản. Anh hùng Phan Văn Quý đảm đương cương vị làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này. Ba năm sau, doanh nhân Phan Văn Quý quyết định tham gia vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thành lập công ty chứng khoán. Ra đời đúng lúc thị trường bùng nổ, chỉ một thời gian ngắn, hoạt động chứng khoán, ngân hàng của Tập đoàn Thái Bình Dương đã mang lại lợi nhuận khá cao. Thế nhưng, vào đúng thời điểm thị trường chứng khoán sôi động nhất, cổ phiếu cao ngất ngưởng, doanh nhân Phan Văn Quý đã quyết định gây sửng sốt với nhiều người: Bán ngân hàng, rút vốn khỏi chứng khoán. Ngay sau đó cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới nổ ra, thị trường chứng khoán Việt Nam tụt dốc, Tập đoàn Thái Bình Dương đã “né bão” thành công.
Sau này, nhiều người đã hỏi anh vì sao lại có quyết định đúng đắn như vậy, anh đã trả lời: Làm kinh tế cũng giống như trong quân sự, việc chọn thời cơ là vô cùng quan trọng. “Theo dõi thị trường châu Âu, đặc biệt là nước Anh vào thời điểm đó, tôi thấy có những điều bất bình thường. Trong nước cũng bắt đầu có một số dấu hiệu bất ổn. Tôi bàn trong lãnh đạo và quyết định: “Bán”.
 |
Anh hùng Phan Văn Quý (thứ hai từ phải sang) và các đối tác nước ngoài tại Vương quốc Anh. |
Có tiền, Thái Bình Dương mở rộng quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Năm 2008, Thái Bình Dương cùng với EVN và One Energy làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận) với công suất khoảng 2000MW. Gần đây, Thái Bình Dương cùng với một số đối tác nước ngoài đã đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ (Bình Thuận).
Bên cạnh việc đầu tư kinh doanh, Tập đoàn Thái Bình Dương do Anh hùng Phan Văn Quý làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đặc biệt coi trọng đến việc đầu tư cho xã hội nhằm đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của cộng đồng. Tập đoàn là một trong những sáng lập viên của Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung - một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, nhằm mục đích tài trợ cho đồng bào các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phòng tránh, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai và tài trợ cho các chương trình, các đề án xã hội, nhân đạo, từ thiện khác. Anh hùng Phan Văn Quý được bầu làm Phó chủ tịch của Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung kể từ khi thành lập quỹ đến nay. Thái Bình Dương cũng là một trong những thành viên sáng lập và là nhà tài trợ của Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam; sáng lập viên của chuyên mục “Trang vàng liệt sĩ” thuộc website trianlietsi.vn; thành viên và là nhà tài trợ của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Tập đoàn Thái Bình Dương và bản thân Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn còn dành nhiều tỷ đồng để tài trợ cho Quỹ khuyến học, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo và các chương trình từ thiện khác của các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... nhằm đóng góp và chia sẻ một phần lợi nhuận của mình đối với cộng đồng và xã hội.
Đại biểu Quốc hội đầy nhiệt huyết
Năm 2011, Anh hùng Phan Văn Quý trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội đầu tiên của khóa, anh Quý đã nói với tôi rằng, anh tham gia Quốc hội không phải vì muốn nổi danh mà muốn mang ý kiến tâm huyết của cử tri, đặc biệt là cử tri đã từng công tác trong quân đội tới cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Những lần tiếp xúc cử tri; việc giám sát các cơ quan chức năng giải quyết đơn, thư, kiến nghị của cử tri và việc phát biểu của đại biểu Phan Văn Quý khi thảo luận tại Quốc hội đã khẳng định điều đó. Đặc biệt là các vấn đề bức xúc của cử tri về giá cả tăng, tiền lương không bù nổi mức độ lạm phát, hiệu quả thấp của doanh nghiệp Nhà nước… đã được đại biểu Phan Văn Quý phản ánh trước Quốc hội.
Cử tri cả nước nhớ bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý phát biểu tại kỳ họp thứ ba về kinh tế biển bởi nó rất giản dị, nhưng lại có sức thuyết phục cao. Đại biểu phân tích: Tuy là một quốc gia biển, song đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh. Theo đánh giá của một số chuyên gia, năng lực khai thác biển của Việt Nam chỉ bằng 1/7 Hàn Quốc, 1/94 của Nhật Bản, trong khi Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển. Những năm qua, phát triển kinh tế biển đã bộc lộ một số mặt yếu kém; thiếu chiến lược phát triển tổng thể và liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các ngành kinh tế, an ninh-quốc phòng. Đặc biệt, một vài doanh nghiệp được giao làm nhiệm vụ khai thác kinh tế biển đã bộc lộ nhiều yếu kém trong việc quản lý, để xảy ra những thất thoát tài sản của nhà nước, giảm năng lực cạnh tranh.
Từ mô hình thành công của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), đại biểu đề nghị nên để các doanh nghiệp quân đội tham gia vào lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực đóng tàu và vận tải biển. “Theo tôi, nên tập trung nguồn lực cho các đơn vị đóng tàu quân đội để họ xây dựng và phát triển thành những đơn vị đóng tàu từng bước hiện đại để phục vụ cho việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên biển, đảo. Đồng thời, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển bền vững, theo tôi cần có cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển”- đại biểu đề nghị.
Trước ngày khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Anh hùng Phan Văn Quý nói với tôi rằng, anh vẫn trăn trở về ngành công nghiệp đóng tàu biển và dự kiến sẽ phát biểu trước Quốc hội về vấn đề này. Theo anh, một trong những nhiệm vụ trước mắt của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 là phát triển công nghiệp đóng tàu; tạo các điều kiện cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai… Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lần này, cần xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước làm đầu tàu phát triển kinh tế biển. Đồng thời, có thể cân nhắc san sẻ nhiệm vụ của các đơn vị đã bộc lộ những yếu kém, bất cập trong thời gian qua cho các đơn vị khác có năng lực tốt hơn.
Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ