QĐND - Trong nhiều năm qua, không ít công trình nghiên cứu, cũng như tài liệu quan trọng về Tôn Trung Sơn đã lần lượt được giải mật. Đặc biệt, về mối tình của ông với Tống Khánh Linh, Báo điện tử Tân Hoa xã có bài “Có bốn điều di chúc lúc lâm chung của Tôn Trung Sơn mà ít người biết đến”. Trong 7 trang báo có đến 5 trang viết về tình yêu của Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh, với nhiều thông tin thú vị mới được tiết lộ từ những bức thư của Tống Khánh Linh gửi cho mọi người trong gia đình, bày tỏ tình cảm của mình với Tôn Trung Sơn, bức thư do Tôn Trung Sơn gửi Tống Diệu Như (cha của Tống Khánh Linh) hay nội dung lời khẩn cầu của vợ chồng Tống Diệu Như gửi tới Chính phủ Nhật Bản, nhờ họ ngăn cản cuộc hôn nhân giữa Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh... Chúng tôi xin trích dịch ra đây để bạn đọc tham khảo tìm hiểu thêm.
Khi Tôn Trung Sơn gặp Tống Khánh Linh lần đầu tại Tống gia, Khánh Linh mới chỉ có 1 tuổi. 20 năm sau, cô bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, khiến cho Tôn Trung Sơn ngay từ cái nhìn đầu tiên đã cảm thấy xao xuyến trong lòng.
 |
Một trong những bức ảnh được cho là đẹp nhất của Tống Khánh Linh, bức ảnh này luôn được treo trong phòng của Tôn Trung Sơn tại Thượng Hải. Ảnh tư liệu |
Về phần Tống Khánh Linh, do ảnh hưởng của người cha nên đã sớm ngưỡng mộ Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn lúc này đã là một nhân vật nổi tiếng.
Mọi việc diễn ra khéo như đã được sắp đặt. Sau khi Tống Khánh Linh đến Y-ô-kô-ha-ma, Nhật Bản, không lâu, tháng 9 năm 1914, chị gái cô - Tống Ái Linh quay về Thượng Hải kết hôn với Khổng Tường Hy. Từ đây, Tống Khánh Linh thay chị làm thư ký cho Tôn Trung Sơn.
Tống Khánh Linh nhớ lại: “Khi đó tôi chưa yêu nhưng đã rất ngưỡng mộ ông ấy. Trong quá trình trợ giúp cho công việc của ông ấy, tôi đã nảy sinh tình cảm lãng mạn của một thiếu nữ. Đây là một tình cảm tốt đẹp vì tôi muốn ra sức cứu giúp Trung Quốc, mà Tôn Trung Sơn lại là một người có thể cứu Trung Quốc, cho nên tôi muốn trợ giúp ông ấy”.
Trong thư gửi em gái Tống Mỹ Linh đang du học tại Mỹ, Tống Khánh Linh đã thẳng thắn bày tỏ niềm vui trong công việc và tình cảm của mình đối với Tôn Trung Sơn: “Từ trước đến nay, chưa bao giờ chị cảm thấy hạnh phúc như bây giờ. Chị nghĩ đây là công việc mà ngay từ khi còn là một cô bé chị đã mơ ước. Chị thực sự đã tiếp cận được trung tâm của cuộc vận động cách mạng... Chị có thể giúp Trung Quốc, cũng có thể giúp đỡ bác sĩ Tôn. Ông ấy cần chị”.
Tình yêu khiến Tôn Trung Sơn dường như trẻ ra. Ông đã bằng một phương thức khác để đến với người con gái trong lòng mình. Ông thường xuyên tặng cô những cuốn sách văn học Trung Quốc hay đem những cuốn sách tiếng Anh liên quan đến chính trị đương đại đặt trên bàn của cô, động viên trong công việc cũng như quan tâm đến học tập và cuộc sống của cô.
Rồi một ngày, Tôn Trung Sơn đọc được tình yêu của một người con gái trong mắt Tống Khánh Linh, thôi thúc ông tìm kiếm cơ hội để cầu hôn cô.
Kết quả, sự nhút nhát không ngăn nổi niềm hạnh phúc, Tống Khánh Linh quả nhiên đồng ý. Nhưng lúc này, mẹ cô lại ngã bệnh, Tống Khánh Linh phải đưa mẹ về nước khám bệnh.
Tôn Trung Sơn sau khi tiễn hai mẹ con về nước, quay trở về, lần đầu tiên ông cảm thấy có hiện tượng rất lạ, ăn ngủ không yên. Ông đem cuốn sách mở ra trước mắt, nhưng trước mắt lại trở nên nhạt nhòa rồi chỉ hiện ra dáng vẻ, hình ảnh Tống Khánh Linh.
“Có phải ông bị bệnh tương tư không?”. Với kinh nghiệm dày dặn của một người phụ nữ từng trải, bà chủ nhà nhận ra và lo lắng hỏi Tôn Trung Sơn.
“Đúng vậy, tôi không thể quên được Tống Khánh Linh. Sau khi gặp cô ấy, tôi cảm thấy như lần đầu tiên gặp được tình yêu trong cuộc đời. Tôi đã cảm nhận được các cung bậc cảm xúc của tình yêu”.
“Nhưng ông chỉ kém cha của cô ấy 3 tuổi, khoảng cách chênh lệch giữa hai người quá lớn. Nếu kết hôn sẽ làm tổn thọ đấy”.
“Vậy sao? Nếu đúng là như vậy thì dù có được kết hôn cùng cô ấy mà ngày mai phải chết đi thì tôi cũng cam lòng”.
Bà chủ nhà nghe xong thấy mắt mình cay cay. Bà nghĩ bụng: “Với một người con gái, trong cuộc đời mà gặp được một người đàn ông yêu mình như vậy thì thật là hạnh phúc!”.
Trong lòng Tôn Trung Sơn lúc này, đồng thời với nỗi nhớ về Tống Khánh Linh là một nỗi lo khác: “Cha của cô ấy có chấp nhận mình không?”.
Thế là Tôn Trung Sơn viết thư cho Tống Diệu Như, một bức thư với những lời lẽ vô cùng uyển chuyển, dè dặt. Ông muốn kín đáo thăm dò quan điểm của Tống Diệu Như về tình yêu của ông và Tống Khánh Linh.
“Anh nghĩ thế nào nếu như cô con gái rất mực yêu thương của anh đem lòng yêu một người tầm tuổi với cha mình, lại đã từng có vợ có con?...”.
“Trước hết, tôi tin tưởng con gái mình không thể làm như vậy. Nó thấy xấu hổ khi chuyện với những người làm thê thiếp thì làm sao có thể biến mình thành một người như vậy. Anh biết đấy, khi còn ở Nhiệt Hải, nó thậm chí còn không nói chuyện một lần nào với vợ hai của Trương Tĩnh Giang. Ngoài ra, cho dù là ai, chúng tôi cũng không đồng ý cho con gái mình kết hôn với một người đã có gia đình. Về phần chúng tôi, danh tiếng cũng không quan trọng bằng danh dự và thể diện”.
 |
Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh trong ngày cưới. |
Sau khi xem xong hồi âm của Tống Diệu Như, Tôn Trung Sơn thấy thất vọng tràn trề.
Cả mẹ của Tống Khánh Linh cũng phản đối mối tình giữa hai người. Người phụ nữ Ki-tô giáo lương thiện này nói với con gái với giọng đầy nước mắt: “Con không thể kết hôn cùng ông ấy. Ông ấy cùng lứa với cha con, chỉ có thể là bậc cha chú của con mà thôi”.
“Không, con cần anh ấy, nhất định con sẽ kết hôn cùng anh ấy”. Thấy con gái mình kiên quyết như vậy, người mẹ chỉ còn cách giam lỏng Tống Khánh Linh tại nhà.
Người khiến Tôn Trung Sơn đau khổ, không chỉ có cha mẹ của Tống Khánh Linh mà đến cả các chiến hữu cũng có rất nhiều người phản đối tình yêu của hai người, như Hồ Hán Dân, Chu Chấp Tín, Uông Tinh Vệ, Liêu Trọng Khải... Họ tới tấp khuyên ông: “Tiên sinh à, xin anh đừng như vậy nữa!”.
“Triển Đường (tức Hồ Hán Dân), đừng nói nữa! Tôi và các anh bàn bạc về chuyện quốc gia đại sự, không cần các anh bàn bạc về chuyện riêng tư của gia đình tôi. Xin báo cáo với các anh, tôi là người, không phải là thần. Tôi có quyền được theo đuổi tình yêu của mình, trừ khi Khánh Linh không yêu tôi. Chỉ có như vậy tôi mới có thể từ bỏ”.
Khi yêu Tống Khánh Linh, Tôn Trung Sơn có những biểu hiện tình cảm sâu đậm. Điều an ủi và khiến Tôn Trung Sơn cảm thấy vui là Tống Khánh Linh cũng có tình cảm mãnh liệt giống như ông. Khi Tôn Trung Sơn trả lời những chiến hữu của ông một cách kiên định thì tại nhà Tống Khánh Linh, dưới sự giúp đỡ của người hầu gái, Tống Khánh Linh mang đôi giày cao gót, trèo qua cửa sổ nhảy xuống rồi vượt biển sang Nhật Bản.
Trong thư để lại cho em trai Tống Tử Văn và em gái Tống Mỹ Linh, Tống Khánh Linh đã thẳng thắn bày tỏ: “Nhờ em nói với cha, chị chỉ có thể có được hạnh phúc khi được kết hôn cùng với bác sĩ Tôn. Xin cha đừng thương xót chị!”.
“Niềm hạnh phúc lớn nhất cả đời chị là được cùng với Tôn tiên sinh chiến đấu vì Trung Quốc. Chị nguyện làm tất cả những gì mà anh ấy muốn chị làm, hy sinh và trả giá cho tất cả”.
Tống Diệu Như và vợ khi nhìn thấy khuê phòng trống không, cửa sổ phía sau đã bị phá vỡ và bức thư từ biệt của con gái để lại thì đau khổ vô cùng. Người mẹ khóc lóc thảm thiết, người cha đang đau khổ vì bệnh gan đành kìm nén cảm xúc để an ủi vợ. Con gái yêu của ông bà lúc này đang trên tàu thủy sang Nhật Bản. Họ còn muốn đuổi theo con gái, khuyên con quay về. Rồi họ cũng đến Nhật Bản, thậm chí đến Chính phủ Nhật Bản.
“Chúng tôi cầu cứu quý Chính phủ, hãy ngăn chặn con gái tôi và Tôn Trung Sơn. Bởi vì nó còn ở tuổi vị thành niên, nhưng bị cưỡng bức thành thân”.
Chính phủ Nhật Bản sau khi phái người đi tìm hiểu sự việc, đã trả lời: “Con gái ông bà đã 21 tuổi rồi, tự cô ấy khẳng định muốn kết hôn cùng bác sĩ Tôn. Vì vậy, Chính phủ chúng tôi không thể can thiệp”.
Tống Diệu Như thấy vô cùng bế tắc, ông ngửa mặt lên nhìn trời rất lâu, trút một hơi thở dài rồi một mình đi tìm kiếm Tôn Trung Sơn. “Tôi cần phải nhìn thấy ông thủ tướng - người đã cướp đi con gái của tôi”, Tống Diệu Như đứng trước căn hộ cao cấp của Tôn Trung Sơn, hét lên đầy phẫn nộ.
Lúc này, mọi người đều khuyên giải Tôn Trung Sơn hãy tránh đi, nhưng Tôn Trung Sơn tuyệt nhiên không nghe, ông nói: “Tôi nhất quyết phải đi gặp ông ấy, nói với ông ấy rằng Tống Khánh Linh ở chỗ tôi chưa từng phải chịu một chút buồn lo nào”.
Khi Tôn Trung Sơn xuất hiện trước cửa lớn, Tống Diệu Như nhìn ông rất lâu. Tôn Trung Sơn chủ động mở lời, mời Tống Diệu Như vào trong nhà. Ông đang cơn giận dữ bốc lên ngùn ngụt bỗng dưng lại quỳ hai gối xuống. Tôn Trung Sơn hoảng quá, muốn chạy đến dìu ông ta, nhưng Tống Diệu Như nói: “Đứa con gái không biết quy tắc của tôi từ nay xin phó thác cho ông. Van xin ông hãy hết sức quan tâm đến nó!”.
Nói xong, Tống Diệu Như liên tiếp dập đầu vái ba lạy rồi đứng lên đi tập tễnh. Tôn Trung Sơn nhìn chiến hữu của mình mà lòng nghẹn ngào.
Sau này, khi Tống Khánh Linh gần 80 tuổi, trong thư gửi cho bạn cũ là Israel Epstein có kể lại câu chuyện trên như sau: “Khi bố mẹ nhìn thấy thư từ biệt mà tôi để lại thì tôi đang trên tàu thủy sang Nhật Bản rồi. Bố mẹ khuyên tôi hãy rời bỏ chồng, quay về với họ... Mẹ khóc, bố đang đau khổ vì bệnh gan nhưng vẫn an ủi bà rồi tự mình đi cầu cứu Chính phủ Nhật Bản. Ông nói rằng tôi còn ở tuổi vị thành niên nhưng bị cưỡng bức thành thân! Đương nhiên, Chính phủ Nhật Bản không thể can thiệp... Cho dù vô cùng thương xót bố mẹ mình và cũng đã khóc lóc một cách đau khổ, nhưng tôi tuyệt đối không thể bỏ chồng... Tôi thương bố tôi và cũng yêu Tôn Văn. Đến nay nhớ lại tôi vẫn còn thấy vô cùng đau buồn”.
Hai vợ chồng Tống Diệu Như ngăn cản hôn nhân không thành, không lâu sau thì phái người mang một bộ đồ dùng trong gia đình cùng tơ lụa đến làm của hồi môn cho Tống Khánh Linh. Nhưng điều quan trọng hơn là sau đó Tống Diệu Như đã hòa giải với con gái và con rể, tiếp tục ủng hộ sự nghiệp cách mạng của Tôn Trung Sơn.
Nguyễn Hồng Nhung (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)