Khi buổi học kết thúc, căn phòng nhỏ vẫn đong đầy hơi ấm của lòng kiên nhẫn và tình yêu thương chân thành. Sau một ngày học tập miệt mài, những món đồ chơi nhiều màu sắc được xếp ngăn nắp trên chiếc giá thấp; bàn ghế tí hon lấm tấm màu sáp của những nét vẽ vụng về. Dọc bức tường, những bảng chữ cái được treo ngay ngắn, gọn gàng. Dẫu đơn sơ nhưng đây lại là nơi chốn bình yên cho một hành trình phi thường, nơi cô giáo Hà Bích Hảo đã biến những vết sẹo của cuộc đời thành ánh sáng, thắp lên hy vọng và truyền cảm hứng cho những tâm hồn đặc biệt khác.
Vùng đất nứt nẻ, mầm vẫn vươn lên
Sinh ra và lớn lên tại xã Ý Yên, tỉnh Ninh Bình (trước đây là xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), Hà Bích Hảo xuất thân trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của Hảo không trọn vẹn như bao đứa trẻ khác, bởi ngay từ khi còn rất nhỏ, cô đã phải đối diện với căn bệnh u máu ngoài da, phải đối mặt giữa sự sống và cái chết. Mặc dù, cuộc phẫu thuật khẩn cấp đã giành lại sự sống cho cô nhưng cũng để lại những vết thương không bao giờ lành. Một bên khuôn mặt bị bỏng laser nặng, mắt và tai phải hỏng hoàn toàn, khuôn miệng bị kéo lệch, không còn nguyên vẹn như bao đứa trẻ khác.
 |
Đằng sau nụ cười ấy là sự bình thản của một người đã chọn đi cùng những điều nhỏ bé nhất.
|
Dù đã trải qua ba cuộc đại phẫu, một lần tiểu phẫu trong suốt một năm nhưng dấu vết của ngày tháng ấy vẫn để lại âm ỉ dưới làn da và trong cả ký ức. “Suốt 6 tháng ròng sau đó, tôi phải gồng mình tập đi, bởi nếu không, nguy cơ liệt vĩnh viễn là điều khó tránh”, cô kể lại.
Giai đoạn đen tối nhất trong hành trình trưởng thành của Hảo là những năm học cấp ba khi lứa tuổi bắt đầu biết khẳng định mình, thì Hảo lại bị bạn bè cùng trang lứa nhìn bằng đôi mắt khác biệt. “Chính sự khác biệt ấy khiến tôi trở thành “một điều lạ” trong mắt họ. Từ đó, có những lời nói, những nhận xét không hay đã được thốt ra vô tình hay cố ý và chúng để lại trong tôi không ít tổn thương”, Hảo chia sẻ.
May mắn thay, Hảo không đơn độc trong hành trình đầy thử thách ấy. Chính gia đình và người bạn thân duy nhất đã trở thành chỗ dựa vững chắc, là điểm tựa âm thầm nâng đỡ cô vượt qua những ngày bão giông. Nhờ có họ bên cạnh, Hảo mạnh mẽ lựa chọn bước tiếp con đường tri thức, cô đã theo học ngành Giáo dục đặc biệt tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi kiên trì học lên thạc sĩ ngành Tâm lý học. Không phải để khẳng định bản thân qua những tấm bằng, mà vì cô hiểu rõ rằng nếu thiếu nền tảng khoa học vững chắc, làm việc theo cảm tính có thể vô tình gây ra những tổn thương sâu sắc, đáng chú ý là khi làm việc với trẻ đặc biệt. “Khi làm việc với trẻ, nhất là trẻ có nhu cầu đặc biệt, nếu mình không hiểu bản chất vấn đề, mình có thể vô tình khiến các con bị tổn thương”, cô bày tỏ.
Trải lòng về hành trình học tập và bước vào đời, Hảo nghẹn ngào kể lại quãng thời gian tưởng chừng như bóng tối phủ kín mọi lối đi. Đã có lúc cô cảm thấy cả thế giới đang quay lưng lại với mình, nỗ lực bao nhiêu cũng chỉ như cát bụi trước định kiến. Người ta không nhìn thấy nghị lực, khát vọng hay tri thức nơi cô mà chỉ chăm chăm vào những khiếm khuyết trên hình hài. Đau đớn hơn, cô từng nghe chính những lời nói lạnh lùng rằng: “Thà đào tạo một người bình thường từ con số không, hơn là trao cơ hội cho một người có năng lực nhưng không có ngoại hình phù hợp để đứng lớp”.
 |
Nét đẹp của Hà Bích Hảo không nằm ở sự lành lặn, mà ở trái tim không bao giờ khuyết thiếu yêu thương.
|
Những định kiến đó như nhát dao âm thầm, từng ngày khắc sâu vào lòng cô nỗi tủi thân và tuyệt vọng. Tấm bằng cử nhân trong tay nhưng con đường tìm việc của Hảo lại gập ghềnh hơn bao giờ hết. Mỗi cánh cửa tưởng chừng hé mở rồi lại khép lại, để lại phía sau là một cô gái nhỏ đang âm thầm gồng mình chống chọi với cảm giác bị phủ nhận.
Gieo mầm sống cho người khác
Với mong muốn lan tỏa sự tử tế và sẻ chia những điều tốt đẹp đến cộng đồng, năm 2017, Hảo đã sáng lập quỹ “Mầm và những người bạn”. Tuy nhiên, để đặt những viên gạch đầu tiên cho quỹ cũng là một hành trình đầy thử thách. Nhiều người từng hoài nghi rằng, một người mà đến chính bản thân còn đang chật vật để tồn tại thì liệu có đủ niềm tin và bền bỉ để dựng nên một nơi chốn sẻ chia cho những mảnh đời bất hạnh?
Trước câu hỏi ấy, Hảo không chọn cách đáp lại bằng lời lẽ, mà bằng chính những hành động cụ thể. Những năm đầu khi quỹ vừa mới thành lập, cô đã làm đủ mọi công việc để có thể gom góp từng đồng gây quỹ, từ rửa bát thuê, phục vụ quán ăn, pha chế, bưng bê, cho đến nhặt ve chai hay bán hàng giảm giá. Cô luôn tâm niệm rằng, miễn là có thể tạo ra giá trị và duy trì ngọn lửa thiện nguyện, thì không có việc gì là quá nhỏ bé hay đáng xấu hổ. “Kể cả bây giờ, nếu không còn làm công việc chính nữa, tôi vẫn có thể làm nhiều thứ khác để nuôi quỹ”, Hảo chia sẻ như một lời cam kết âm thầm nhưng kiên định.
 |
Quỹ “Mầm và những người bạn” như nguồn động lực để các em chạm tay tới ước mơ, nâng niu từng con chữ giữa muôn trùng khó khăn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Duy trì bền bỉ suốt 8 năm qua, quỹ đã trở thành điểm tựa cho nhiều mảnh đời kém may mắn, từ các nạn nhân tai nạn giao thông, bệnh nhân ung thư cho đến các em nhỏ trên con đường đến trường.
Năm 2024, Hảo chính thức thành lập lớp học mang tên “Mầm Hạnh Phúc”, nơi gieo những hạt mầm yêu thương cho những tâm hồn nhỏ bé cần được thấu hiểu và chở che. Hiện tại, lớp học là mái nhà chung của 9 em nhỏ trong độ tuổi từ 3 đến 8, tất cả đều là trẻ đặc biệt với những khó khăn riêng, từ tự kỷ, chậm nói, tăng động, nói ngọng cho đến những rào cản trong quá trình học tập. Với người khác, có lẽ đó chỉ là một lớp học nhỏ trong hàng trăm lớp học kỹ năng nhưng với Hảo, đó là cả một chặng đường đầy thử thách, đầu tư và quyết tâm không ngừng nghỉ. “Dạy trẻ đặc biệt không giống dạy trẻ bình thường. Nếu không đủ chân thành và kiên nhẫn, bạn không thể chạm tới tâm hồn chúng”, cô tâm sự, nhẹ nhưng rất thật.
Thế nhưng, khó khăn với Hảo không chỉ đến từ chuyên môn, mà còn từ cái nhìn ban đầu của phụ huynh. “Người ta nhìn thấy tôi là hỏi, em dạy lớp à? Lớp chỉ có mình em thôi à?”, Hảo kể lại. Trong tâm trí người đời, một cô giáo cần chỉn chu, ưa nhìn, giao tiếp tốt, tuy nhiên, Hảo lại mang một gương mặt không hoàn hảo, một cơ thể từng bị tổn thương. Điều duy nhất cô có là nội lực nhưng chính sự chân thành và trách nhiệm ấy khiến các em nhỏ yêu quý cô, muốn đến lớp mỗi ngày và phụ huynh cũng dần có sự tin tưởng gửi gắm.
Chia sẻ về quá trình cho con theo học tại lớp học đặc biệt của cô Hà Bích Hảo, chị Mai Thị Quyên (phố Đặng Tiến Đông, TP Hà Nội), phụ huynh của một bé 37 tháng tuổi cho biết: “Bé nhà tôi trước gần như không biết nói nhưng sau một thời gian học thì con đã biết nhại lời, phản xạ nhanh nhạy hơn và ngoan hơn rất nhiều. Cô Hảo dạy rất thật lòng, quý trẻ thật sự. Có hôm con chưa đến lớp đúng giờ, cô đã gọi điện hỏi thăm: “Sao hôm nay chưa đến, bé có mệt không?”, tôi thấy cảm động lắm”.
 |
Chính sự chân thành của cô giáo Hà Bích Hảo đã chạm đến trái tim non nớt và hồn nhiên của các bạn trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
“Trẻ con thường cảm nhận bằng trái tim, chúng không quan tâm cô giáo có đẹp không, có hoàn hảo không. Các em chỉ cần biết người ấy có thật lòng yêu thương mình hay không. Và nếu tôi đủ chân thành, đủ kết nối, các bạn ấy sẽ đáp lại bằng cả tấm lòng”, Hảo nói như đang nói thay tiếng lòng của rất nhiều đứa trẻ từng được cô dìu dắt, lặng lẽ, nhưng đầy ấm áp.
Chạm vào tương lai bằng đôi tay đầy vết sẹo
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, ánh mắt cô sáng lên. Trong những năm tới, Hảo muốn lớp học của mình có thể đồng hành lâu dài với khoảng 20 em nhỏ, đặc biệt là trẻ mồ côi, khuyết tật có khả năng học tập. Hảo chia sẻ đầy chân thành: “Tôi không mong các con giỏi giang hay trở nên phi thường, chỉ cần các con đủ nội lực để lớn lên như một con người trọn vẹn”.
Đồng thời, cô cũng đang ấp ủ một dự án hỗ trợ những nạn nhân bị bỏng, bị bạo lực, những người không được công nhận là người khuyết tật nhưng chịu tổn thương sâu sắc về tâm lý và ngoại hình. “Nhiều bạn có sẹo toàn thân, mặt biến dạng rất khó xin việc ở vị trí tiếp xúc. Nhưng các bạn hoàn toàn có thể làm IT, thiết kế, tư vấn… Những công việc chuyên môn cao không cần phải đứng trên sân khấu. Người làm hậu phương không có nghĩa là không có giá trị”, Hảo bày tỏ.
Tuy nhiên, để những dự định ấy có thể phát triển bền vững, Hảo hiểu rằng thách thức lớn nhất không nằm ở nguồn lực hay quy mô, mà ở việc giữ được tấm lòng ban đầu của chính cô và của những người đồng hành cùng quỹ. Cô chia sẻ: “Khi câu chuyện đủ thật, đủ lay động, người ta sẵn sàng dốc hết tâm can để giúp đỡ. Nhưng để giữ được niềm tin đó, giữ được nền tảng xuất phát từ sự tử tế mới là điều khó nhất”.
 |
Cô giáo trẻ cho rằng chính khi ta học cách lắng nghe những vết thương trong lòng mình, ta mới thực sự biết cách yêu thương người khác.
|
Điều khiến Hảo tin rằng con đường mình đi là đúng đắn, không phải là những lời ngợi khen, mà là khoảnh khắc được chứng kiến một đứa trẻ tiến bộ từng chút một như một cái mầm đang vươn lên thành cây. “Khi một bạn nhỏ nói với tôi rằng “Cô ơi, con đỗ cấp ba rồi”, tôi thấy như chính mình được tưới tắm, như một tán cây đang vươn rộng ra, dang tay đón lấy những mầm xanh non khác”, cô chia sẻ, ánh mắt ánh lên niềm vui và khóe môi thoáng nụ cười.
Không chỉ trong lớp học, hành trình ấy còn tiếp nối ở bệnh viện, nơi cô góp mặt trong các dự án y tế hỗ trợ trẻ em khuyết tật. Cô kể về giọt nước mắt của người cha, người mẹ khi con được phẫu thuật để phần nào khắc phục khiếm khuyết cơ thể hay niềm hạnh phúc vỡ òa khi một đứa trẻ từng trầm cảm bắt đầu mỉm cười trở lại sau những buổi trị liệu tâm lý. “Tôi từng nghĩ tôi là một nạn nhân, là người kém may mắn. Nhưng rồi tôi nhận ra, chính vì đã từng tổn thương mà tôi hiểu người khác cần gì để được yêu thương. Tôi may mắn vì có cơ hội để cho đi và được người khác đón nhận”, Hảo chia sẻ, ánh mắt cô ánh lên sự bình thản và biết ơn.
Cô nhẹ nhàng, chân thành, không màu mè, cũng không cần những lời tung hô từ cộng đồng. Ở Hảo có một dạng ánh sáng khác âm thầm nhưng bền bỉ, thứ ánh sáng đủ để sưởi ấm người khác bằng chính đôi tay đầy vết sẹo của mình.
Cô giáo trẻ ấy tin rằng mọi điều lớn lao đều bắt đầu từ những điều nhỏ bé.
Bài, ảnh: BẢO NGỌC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 16" xem các tin, bài liên quan.