Đau đáu giữ “rừng văn hóa"

Ở tuổi gần 70, đôi khi phải thỏa hiệp với cái đầu gối “biểu tình”, nhưng tình yêu với những chuyến điền dã, về với đồng bào của TS Trần Hữu Sơn dường như chưa hề thay đổi. Ông vẫn đi, vẫn lắng nghe, vẫn dõi theo từng thay đổi nhỏ nhất trong đời sống văn hóa các tộc người. Ông không nói nhiều về các giải thưởng, dù mới đây vừa được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm như một sự ghi nhận cao quý cho những đóng góp bền bỉ của ông trong việc thúc đẩy hợp tác văn hóa và gìn giữ di sản. Với ông, phần thưởng lớn nhất chính là khi thấy những giá trị tưởng như đã mai một lại được cộng đồng nâng niu, hồi sinh trong đời sống.

Sau lần phẫu thuật lớn khiến dây thanh quản bị ảnh hưởng, giọng ông đã yếu hơn, nhưng điều đó không ngăn được sự say mê mỗi khi ông nói về văn hóa. Mỗi lần gặp gỡ, ông vẫn hào hứng kể về những dự án đang triển khai như: Chương trình số hóa di sản văn hóa dân gian vùng cao; xây dựng ngân hàng dữ liệu về tri thức bản địa các dân tộc thiểu số; hay mạng lưới “báu vật nhân văn sống” nhằm kết nối nghệ nhân dân gian với thế hệ trẻ... Không ồn ào, không khoa trương, ông điềm tĩnh như chính cách ông đã sống và làm nghề suốt mấy chục năm qua.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đại diện Chính phủ Pháp trao tặng TS Trần Hữu Sơn Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm vì những đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Từ khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, TS Trần Hữu Sơn đã không chọn lối quản lý bàn giấy. Ông len lỏi khắp các bản làng, ngồi bên bếp lửa cùng già làng, nghệ nhân, nghe kể về từng nghi lễ, từng điệu hát cổ... Cũng chính từ những chuyến đi đó, ông thấy rõ sự thay đổi âm thầm mà dữ dội đang diễn ra: Những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống dần vắng bóng, các nghi lễ gốc bị rút gọn, những hoa văn đầy ý nghĩa trên váy áo của người Mông, người Dao không còn được thế hệ trẻ hiểu và gìn giữ. “Có những nét văn hóa đang sống lay lắt như ánh lửa cuối cùng chờ được tiếp thêm củi”, ông nói. Sự trăn trở đó không dừng lại ở cảm xúc, mà trở thành động lực để hành động. Ông đề xuất phục dựng các lễ hội truyền thống, khôi phục làng nghề, biên soạn tư liệu dân ca, dân vũ, giúp văn hóa sống lại từ chính cộng đồng.

Trong hành trình của mình, TS Trần Hữu Sơn đã chứng kiến ở các bản người Hà Nhì thuộc Y Tý (Lào Cai), nơi từng nổi tiếng với kỹ thuật dệt lanh thủ công tinh xảo và những bộ trang phục sặc sỡ in đậm bản sắc, ngày nay, hình ảnh ấy đã dần vắng bóng. Người dân đã quen với việc mặc trang phục sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc. Tại Mường Tè (Lai Châu), tình trạng tương tự diễn ra khi vải công nghiệp giá rẻ và mẫu mã bắt mắt đã “lấn át” những tấm vải thổ cẩm tự dệt chứa đựng cả một kho tàng văn hóa. Ngay cả người Mông, vốn nổi tiếng với những đường kim mũi chỉ khéo léo, cũng không còn nhiều gia đình giữ nếp dạy con gái thêu thùa từ nhỏ. “Nhiều em bé Mông ở vùng cao nay chỉ biết đến váy xòe sặc sỡ sản xuất hàng loạt chứ không còn hiểu hoa văn trên áo mẹ có ý nghĩa gì”, TS Trần Hữu Sơn thở dài, giọng đầy xót xa, bởi mỗi hoa văn, mỗi đường thêu ấy đều là một câu chuyện, một ký ức, một phần hồn cốt của dân tộc.

Sự thay đổi không chỉ diễn ra với trang phục. Nó len lỏi, lan rộng tới không gian sống, phong tục, tập quán, thậm chí là hệ thống tín ngưỡng-những điều làm nên linh hồn văn hóa của mỗi tộc người. Tại nhiều địa bàn vùng cao, hiện tượng “phai nhạt" bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng trở nên phổ biến. Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer như Kháng, Mảng, Khơ Mú đang đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi khỏi gốc gác văn hóa truyền thống của mình. Đáng báo động hơn, một số lễ hội truyền thống bị biến tướng, bị thương mại hóa; những nghi lễ gốc bị “rút gọn”, “sân khấu hóa” đến mức đánh mất ý nghĩa thiêng liêng ban đầu.

Tiếp lửa cho di sản

Dù nhìn thấy những thách thức lớn, TS Trần Hữu Sơn không hề bi quan. Ông cho rằng, song song với xu hướng “phẳng hóa”, nơi văn hóa bị xóa nhòa, là một xu hướng phục hưng đầy hy vọng, nơi bản sắc được khẳng định trở lại như một giá trị nhận diện độc đáo và không thể thay thế.

“Bản sắc văn hóa không làm chúng ta lạc hậu. Ngược lại, đó là “tấm hộ chiếu” đưa chúng ta hội nhập. Thế giới không cần thêm một người giống hệt người khác. Thế giới cần những bản thể đặc sắc”, ông chia sẻ đầy tâm huyết tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Từ những góc nhìn sâu sắc ấy, TS Trần Hữu Sơn không chỉ dừng lại ở công việc nghiên cứu hàn lâm mà còn tích cực xây dựng những mô hình thực tiễn. Ông thúc đẩy các địa phương xây dựng không gian văn hóa cộng đồng, giúp bảo tồn lễ hội truyền thống, khôi phục các làng nghề đang mai một và tôn vinh những nghệ nhân-những “báu vật nhân văn sống” của dân tộc.

Ở Lào Cai, ông từng là người đề xuất phục dựng Lễ hội Gầu tào của người Mông, một lễ hội gắn liền với tín ngưỡng và đời sống tâm linh của họ; khôi phục Chợ tình Sa Pa, một nét văn hóa độc đáo thu hút du khách; phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với không gian văn hóa đặc trưng của người Tày, người Dao... Ông cũng trực tiếp chỉ đạo biên soạn các bộ sách về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, điều mà ông gọi là “tư liệu sống”. “Phải để văn hóa sống trong lòng cộng đồng, chứ không chỉ tồn tại trên giấy”, ông nói, ánh mắt đầy kiên định.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi dòng ký ức ùa về, chạm tới những câu chuyện về di sản và thủy điện nhỏ, TS Trần Hữu Sơn vẫn thấy lòng mình trào dâng bao xúc cảm. Ông kể, những năm 2000-2010, áp lực cứ thế đổ ập xuống, ông bị “bủa vây tứ phía”, cảm giác như Don Quijote giữa trận chiến với những gã khổng lồ, khi Lào Cai bừng bừng với các dự án thủy điện nhỏ, những đề xuất xây dựng nhà máy gần hoặc thậm chí ngay trong lòng di tích bãi đá cổ Sa Pa đã rục rịch. Trước sức ép của phát triển kinh tế, ông kiên trì đấu tranh bằng lý lẽ, bằng khoa học và bằng cả sự thuyết phục từ tâm huyết của một người gắn bó máu thịt với di sản. Nhờ đó, bãi đá cổ được giữ nguyên vẹn, và ông được đồng nghiệp gọi bằng cái tên đầy trìu mến: “Người giữ rừng văn hóa”.

Từ các mô hình không gian văn hóa cộng đồng, đến những hoạt động kết nối nghệ nhân với thế hệ trẻ, TS Trần Hữu Sơn đều hướng tới một điều: Làm cho văn hóa trở lại với đúng vị trí của nó trong đời sống. Nhiều người nói rằng, nếu không có những người như ông, có lẽ nhiều nét đẹp văn hóa vùng cao đã bị lãng quên giữa những làn sóng hiện đại hóa. Nhưng ông chưa bao giờ nhận mình là người làm được gì to tát. Ông chỉ nói: “Tôi cố gắng giữ lại những gì chưa kịp mất và truyền đi cho những ai còn muốn giữ”. Hiệp sĩ hay không, ông vẫn là người của những bản làng. Một người gắn bó đời mình với từng khúc dân ca, từng bức tranh thờ, từng chiếc váy lanh thêu tay. Một người lặng lẽ gìn giữ ngọn lửa, để rừng văn hóa không lụi tàn.

Hành trang điền dã là mì ăn liền và lá dong 

Giữa sự ồn ào của các diễn đàn văn hóa, TS Trần Hữu Sơn vẫn giữ phong thái của một người làm nghề chân chính: Lặng lẽ đọc, miệt mài nghiên cứu và giản dị cùng ăn, cùng ở với đồng bào. Câu nói ông hay nhắc nhất mỗi khi gặp các thế hệ trẻ là: “Đừng chỉ thấy cái đẹp trong văn hóa người khác mà quên đi cái đẹp của chính mình”. Ông tin rằng, nếu mỗi người dân, mỗi cộng đồng biết tự hào, biết sống và gìn giữ văn hóa của mình thì sẽ không bao giờ đánh mất bản sắc, dẫu ở bất cứ nơi đâu, dẫu có hội nhập sâu rộng đến mức nào.

Khi kể về những chuyến điền dã của mình, ông Sơn bắt đầu bằng một lời thú nhận đầy hóm hỉnh rằng đã phải “nhập môn” một khóa học đặc biệt: Tập uống rượu. Nhưng bài học đầu tiên, cũng là bài học xương máu, chính là: Trước khi đặt chân đến “thăm hỏi”, nhất định phải ghé thăm các cô giáo cắm bản trước! Mục đích ư? Đơn giản là để “làm công tác giáo vận”, kiếm một bát cơm nguội sớm hay gói mì ăn liền để ấm bụng đã, rồi mới an tâm mà nhâm nhi trà cả tối. Kỳ diệu thay, chủ nhà có chút hơi men là y như rằng, mọi tục hèm, mọi bí mật, mọi chuyện đời đều tuôn trào như suối. Ông Sơn kể, dù hỏi chuyện đến tận khuya, sáng hôm sau, khi đầu còn quay như chong chóng, ông vẫn theo chân chủ nhà lên nương. Tối về, lại “đóng đô” ở nhà cô giáo cắm bản, gặm tạm củ sắn, củ khoai cho qua bữa. Thậm chí, có cô giáo còn thương tình, bày cho ông "tuyệt chiêu" giải rượu: Vắt đọt lá dong tươi rói, uống một bát nước xanh lè “thần thánh”. Còn nếu không có lá dong thì “chữa cháy” bằng viên vitamin C. Chỉ có như vậy ông mới đủ sức để tiếp tục câu chuyện hết ngày nọ đến tuần kia...

Ông chia sẻ một “chiêu” đặc biệt khi làm việc với các nghệ nhân mà “mỗi ông một phách, kể một kiểu, cứ loạn cả lên!”. Khi đó, ông phải dùng đến “bữa rượu hòa giải”. Ông đưa tiền cho chủ nhà, mổ con gà, lấy 1 lít rượu ngon, mời 4-5 nghệ nhân khác đến. Khi rượu đã ngấm, tinh thần phấn chấn, ông mới bắt đầu kể lại các sự kiện mà họ vừa cung cấp, chỉ ra những điểm khác biệt. Thế là một “cuộc chiến” tranh luận sôi nổi nổ ra. Các nghệ nhân thi nhau phân bua, giải thích, rồi cuối cùng cũng đi đến thống nhất.

Không chỉ làm công việc của một nhà nghiên cứu, TS Trần Hữu Sơn còn là người gìn giữ “ký ức cộng đồng” giữa dòng xoáy hiện đại. Với ông, văn hóa không phải là điều trang trí lộng lẫy bên ngoài mà là căn cốt, là sự sống còn của một dân tộc. Bởi vậy, hành trình của ông dẫu âm thầm nhưng vẫn rực sáng như ánh đuốc giữa rừng sâu, soi đường cho những ai đang băn khoăn giữa bản sắc và hiện đại, giữa giữ gìn và hòa nhập. Và hơn hết, nếu mất bản sắc, chúng ta không còn là chính mình.

TS Trần Hữu Sơn sinh năm 1956, bắt đầu con đường học thuật tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1974 (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bên cạnh công việc quản lý, ông theo đuổi con đường nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học vào năm 1996. TS Trần Hữu Sơn khởi xướng và điều phối nhiều chương trình có giá trị cao về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, gắn kết với các yếu tố văn hóa trong tiến trình phát triển, bảo vệ môi trường và về nghiên cứu các dân tộc thiểu số. Trong suốt hơn 40 năm công tác, ông không chỉ xuất bản nhiều sách và bài báo chuyên môn mà còn giữ vai trò cầu nối quan trọng trong hợp tác học thuật Việt-Pháp về lĩnh vực dân tộc học.

SONG HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.