Từ trận địa đến những mùa bình yên

Sinh năm 1961, người dân tộc Xuồng, bà Tương lớn lên giữa những triền núi đá xám quanh năm mù sương của xã Sơn Vĩ. Cái tên Lũng Làn gắn với bà như máu thịt - nơi không chỉ in dấu tuổi thơ mà còn là nơi bà đã sống, chiến đấu và giữ trọn niềm tin son sắt với Đảng suốt hơn nửa thế kỷ.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bà Hoàng Thị Tương là du kích xã, không sơ tán, không rời bản, mà cùng thanh niên địa phương bám đất, tải đạn, tiếp tế, đào hầm, sát cánh cùng bộ đội giữa mưa pháo, giữ từng tấc đất quê hương.

Trong ngôi nhà đơn sơ, bà Hoàng Thị Tương chia sẻ ký ức chiến tranh với những người lính trẻ nơi biên giới.

Từ khi Sơn Vĩ vẫn còn là vùng “lõm” đói nghèo, dân ít chữ, đường sá cheo leo, hiểm trở; bà Tương với tâm niệm phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với Đảng, với dân. Được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy rồi Chủ tịch UBND xã, bà Tương cùng tập thể gánh trọng trách đưa địa phương phát triển đi lên, để cuộc sống của đồng bào bớt khó khăn.

Bà Hoàng Thị Tương, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Làn (bên phải) đang trò chuyện, vận động người dân tại chợ phiên xã Sơn Vĩ (tỉnh Tuyên Quang). 

Hơn 20 năm trên cương vị người đứng đầu cấp xã, bà đi không biết mỏi khắp các thôn bản, kiên trì vận động bà con không nghe theo kẻ xấu vượt biên trái phép, không đốt rừng làm nương, không sống du canh, biết giữ rừng, giữ đất, ổn định cuộc sống từ ruộng nương, chuồng trại, chăm lo cái ăn, cái mặc một cách bền vững.

Bà cùng bộ đội mở đường lên các mốc cao như 519, 519/1, 519/2 – nơi đá tai mèo sắc lạnh như dao cắt chân. Dù rét buốt hay sương giăng kín bản, bà vẫn băng núi, vượt dốc, tay cầm loa quen thuộc để vận động trẻ đến lớp, người già đi khám bệnh, phụ nữ học chữ. Bà bảo: “Có chữ thì mới sáng cái đầu, sáng cái đầu thì mới thoát được nghèo”.

“Cô Tương không nói nhiều, nhưng đã nói thì bà con tin. Bởi cô luôn làm trước, gánh trước, chịu trước”, ông Vàng Mí Chứ, người dân thôn Lũng Làn nói, giọng đầy trân trọng.

Một lòng trọn nghĩa với Đảng, hết lòng vì dân

Năm 2010, bà Hoàng Thị Tương nghỉ công tác tại xã; thế nhưng, nghỉ chức không đồng nghĩa với ngừng cống hiến. Bà vẫn tiếp tục gắn bó với “việc Đảng”, âm thầm và bền bỉ. Năm 2015, bà đảm nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Lũng Làn – thôn vùng biên đặc biệt khó khăn, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Với vai trò này, điều bà trăn trở nhất là khó khăn trong công tác phát triển đảng viên mới. Ở vùng biên, đời sống còn nghèo, nhận thức còn hạn chế - đó là những rào cản lớn. “Phải vừa giúp dân no cái bụng, sáng cái đầu, rồi mới gieo được cái lý tưởng vào lòng người trẻ”, bà tâm sự.

Bà Tương (áo khoác xanh) cùng lãnh đạo địa phương đi cơ sở để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho người dân. 

Trong các cuộc họp chi bộ, bà thường nhắc nhẹ mà sâu: “Cái gì chưa rõ thì xuống dân hỏi. Dân còn băn khoăn thì cán bộ phải giải thích. Làm sao cho dân tin mình, vì Đảng ở đây là mình”.

Chính bà là người đầu tiên trong thôn dám chặt bỏ cây ngô trên triền dốc để trồng cỏ nuôi trâu bò, lợn nái. Từ mô hình nhỏ ấy, người dân dần học theo, thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa, buôn bán, trao đổi nông sản. Giữa núi đá tai mèo, một hướng sinh kế bền vững đã được hình thành.

Không áp đặt, không hô khẩu hiệu, bà chọn cách truyền cảm hứng lặng lẽ, bằng lý lẽ giản dị, những câu chuyện thật, sự thấu cảm từ chính trải nghiệm của mình. Như trường hợp gia đình anh Hoàng Văn Tân.

Gia đình anh Tân từng sống nghèo túng, trồng ngô chỉ đủ ăn qua ngày. Nhờ hỗ trợ của Nhà nước và sự kết nối, hướng dẫn tận tình của Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Tương, anh được cấp lợn giống để gây dựng sinh kế, từng bước có vốn tái đầu tư. Được giới thiệu làm thêm tại xưởng sửa xe, anh có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Hoàng Thị Tương cùng cán bộ Biên phòng thăm gia đình anh Hoàng Văn Tân (ngồi thứ 2 bên phải) – đảng viên trẻ vươn lên từ gian khó nhờ sự dìu dắt của bà Tương. 

“Trước kia nghèo quá, tôi tự ti, chẳng dám đi đâu, làm gì. Cô Tương thường động viên: Có Đảng, có Nhà nước, mình không đói mãi đâu. Giờ tôi đã thoát nghèo, trở thành đảng viên; tất cả là nhờ cô, người đã cho tôi niềm tin để đổi đời”, anh Tân chia sẻ.

Lũng Làn từ một thôn đặc biệt khó khăn với 121 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu đã vươn lên trở thành điểm sáng nơi vùng biên. Không còn điểm nóng, không còn tình trạng vượt biên trái phép, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, nhà cửa khang trang, điện lưới kéo về tận thôn. Năm 2015, toàn thôn còn hơn 40 hộ nghèo, cận nghèo, thì đến cuối năm 2024 chỉ còn lại 5 hộ nghèo; Chi bộ nay đã có 18 đảng viên.

Như người thân của bộ đội, của dân bản

Với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Sơn Vĩ, bà Tương không khác gì người thân ruột thịt. Là người bản địa, bà thuộc từng đường mòn, từng nếp nhà, từng hoàn cảnh cụ thể của người dân. Trong các chuyến tuần tra biên giới, bóng dáng bà thường đi đầu, tay cầm loa gọi tên từng hộ, nhắc nhở từng người như một mạch nối vững chắc giữa bộ đội và nhân dân.

Bà Hoàng Thị Tương (khăn xanh) cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra đường biên, mốc quốc giới. 

Trung tá Nguyễn Công Sơn, Đồn trưởng ĐBP Sơn Vĩ, khẳng định: “Cô Tương như người thân của bộ đội, của dân bản. Gặp tình huống khó, cô luôn là người đứng ra vận động, tháo gỡ. Cán bộ biên phòng thì luân phiên, còn cô thì chưa từng rời núi”.

Bà Hoàng Thị Tương trò chuyện cùng cán bộ Biên phòng tại thôn Lũng Làn – điểm tựa vững chắc trong công tác vận động nhân dân, giữ gìn an ninh vùng biên.

Thượng úy Vừ Mí Và, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (ĐBP Sơn Vĩ), cũng là người con dân tộc Mông bản địa, chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi luôn biết ơn những người như cô Tương. Nhờ các cô, các chú đi trước, biên cương hôm nay mới được bình yên. Là người lính, tôi nguyện tiếp bước, giữ vững từng tấc đất quê hương”.

Bà Hoàng Thị Tương (đứng thứ 2 bên phải) nhận Bằng khen của Chính ủy Bộ đội Biên phòng trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày biên phòng toàn dân giai đoạn 2019-2024.

Ông Đoàn Minh Quyền, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ, nhận định: “Ở nơi biên cương này, không chỉ nghị quyết, mà chính sự kiên định, lời nói, việc làm gương mẫu, gần gũi của những người như cô Tương làm dân thêm vững dạ, vững tin vào Đảng”.

Với hơn nửa thế kỷ gắn bó vùng biên, bà Hoàng Thị Tương được Đảng, Nhà nước và các lực lượng ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý; từ phối hợp với Bộ đội Biên phòng, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ biên giới, đến học tập và làm theo Bác Hồ. Những phần thưởng ấy không chỉ là danh hiệu, mà là minh chứng sống động cho phẩm chất, bản lĩnh và cốt cách của người đảng viên vùng biên: Kiên trung, tận tụy, vì dân, vì Đảng.

Toàn cảnh thôn Lũng Làn (xã Sơn Vĩ, tỉnh Tuyên Quang) – điểm sáng vùng biên nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ý chí người dân và sự dẫn dắt bền bỉ của Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Tương. 

Trên dãy núi đá tai mèo sắc lạnh, giữa sương mù thôn bản, ý Đảng hòa cùng lòng dân, kết tinh thành sức mạnh vững chắc, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi phên giậu Tổ quốc có sự đóng góp bền bỉ của những những con người bình dị như bà Tương.

Bài, ảnh: KIM THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 16" xem các tin, bài liên quan.