Anh được mọi người kính trọng, thầm biết ơn và cảm phục, gọi anh bằng cái tên thân thương – anh Năm Lượng. Anh là Trung tướng Lưu Phước Lượng, 75 tuổi đời, 48 năm quân ngũ, 56 năm tuổi Đảng, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị (nay là Chính ủy) Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Ký ức chiến trường

Chiến tranh – vinh quang và nước mắt. Nhìn dòng sông Vàm Thuật với những cánh lục bình lặng lẽ trôi theo con nước ròng về miền xa thẳm, mắt anh ngấm lệ. Ở tuổi 20, anh có mặt trong đội hình Trung đoàn Quyết thắng vượt tuyến lửa qua An Phú Đông, tiến công vào Sài Gòn. Giao tranh ác liệt, hỏa lực, máy bay địch liên tục đánh vào đội hình đơn vị, nhiều đồng chí hy sinh. Cuộc chiến đấu không cân sức; các đơn vị thuộc Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” 25 Mỹ, Sư đoàn dù Thuỷ quân lục chiến Quân đội Sài Gòn liên tục bao vây, phản kích, sử dụng pháo binh, súng cối đánh phá ác liệt. Đồng chí Trung đoàn trưởng Ba Vinh hy sinh. Sau 5 ngày kiên cường chiến đấu giữa vòng vây địch, ngày 16-5-1968, đồng chí Chính uỷ Hai Phái bị thương nặng và trút hơi thở cuối cùng trên lưng anh.

Nuốt giọt nước mắt đau thương, mặn chát vào lòng; một mình anh chôn cất những người chỉ huy yêu quý của mình dưới làn hoả lực địch khi trời tối dần. Trận chiến, cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Địch truy kích, lùng sục, vây ráp, ngăn chặn mọi phía; các phân đội của ta vừa phải phân tán chiến đấu, vừa tổ chức rút lui khỏi vòng vây của địch. Anh và đồng đội phải tạm ẩn náu trên trần nhà một hộ dân. Nhờ sự cưu mang của những người dân tốt bụng, anh đã qua mắt kẻ thù đang truy lùng và trở về đơn vị an toàn. Để rồi bước vào những trận đánh mới không kém phần ác liệt trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, anh và đồng đội đã đi đến ngày toàn thắng mùa xuân năm 1975.

leftcenterrightdel
Trung tướng Lưu Phước Lượng (ngoài cùng bên phải) vận động các nhà hảo tâm tặng nhà, chăm sóc thương binh nặng. Ảnh KIM SÁNG 

Nối dài cuộc đời binh nghiệp là những năm tháng chiến đấu trên chiến trường K. Mùa khô năm 1983 – 1984, khi tháp tùng Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng từ chiến trường Pursát (Campuchia) về Phnôm Pênh báo cáo tình hình; chuẩn bị lên máy bay trực thăng, nhìn xung quanh anh thấy quá nhiều thương binh đã cắt cụt chi nhưng chưa kịp chuyển về tuyến sau điều trị. Nếu chậm, vết thương sẽ bị hoại tử. Chậm một giờ sẽ vô cùng nguy hiểm, cứu chữa sẽ rất khó khăn.

Tư lệnh trao đổi cùng anh và quyết định nhường chuyến bay để vận chuyển thương binh về nước. Thế đấy, tình đồng chí trong chiến tranh đã hun đúc trong Năm Lượng một ý chí, nghị lực, bản lĩnh; một tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Ký ức đó mãi in đậm trong cuộc đời quân ngũ của anh.

Nghĩa tình đồng đội

Về với cuộc sống đời thường, từ chối lời mời gọi tham gia các tổ chức chính trị xã hội, anh chọn việc tri ân đồng đội và gia đình liệt sĩ. Anh tự nguyện dấn thân, là một trong những người đầu tiên thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội) với vai trò tư vấn. Nghĩa cử tri ân, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với đất nước luôn khiến anh thổn thức.

Vận dụng các mối quan hệ thân thiết và bằng uy tín của mình, anh đã giúp Hội có được nguồn tài chính ổn định và lâu dài phục vụ cho công tác đền ơn đáp nghĩa cũng như các hoạt động khác của Hội. Anh đã tư vấn cho Hội phương thức tìm kiếm thông tin liệt sĩ thông qua các Ban liên lạc truyền thống trung, sư đoàn vì ở đó phần lớn cựu chiến binh đã từng trải qua chiến đấu.

Trở về chiến trường xưa Long Khốt (Vĩnh Hưng, Long An)- nơi hàng nghìn chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, bộ đội địa phương hy sinh, máu nhuộm đỏ dòng Long Khốt, anh thắp nén nhang trầm trong ngôi đền nhỏ mà bà con cô bác dựng lên để thờ liệt sĩ. Trầm ngâm trong khói nhang, anh băn khoăn, suy nghĩ cần phải xây ngôi đền khang trang hơn để xứng đáng với sự hy sinh, mất mát cao cả của đồng đội.

Từ đó, anh Năm Lượng quyết tâm vận động, tìm kiếm sự tài trợ. Thấu hiểu tấm lòng anh, một doanh nhân là con của một Anh hùng LLVT lẫy lừng thời đánh Mỹ đã đầu tư, xây dựng công trình đền thờ Long Khốt, bề thế, khang trang, đẹp đẽ. Và sau đó, cũng từ sự chắp nối của anh, vị doanh nhân này đã đồng tình với ý kiến đề xuất của Đại tướng Lê Hồng Anh, xây tiếp đền thờ liệt sĩ Phú Quốc vào năm 2022 với sự giúp đỡ của Bộ tư lệnh Quân khu 9, tỉnh Kiên Giang với giá trị hàng chục tỷ đồng. Hai ngôi đền trên đã trở thành điểm đến tâm linh, nơi tưởng niệm hương hồn của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ qua các thời kỳ; như một nghĩa cử văn hoá tri ân.

Đến thăm các đồng chí thương binh, anh chú ý đặc biệt đến thương binh nặng mất chi, hỏng mắt. Dù đã có chính sách và sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình nhưng họ vẫn còn quá nhiều khó khăn. Với tư cách là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 (Quân khu 7), anh bàn với các đồng chí trong ban liên lạc, Hội, được Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành tổ chức hai đợt giao lưu, thăm hỏi, tặng quà với gần 100 thương binh nặng và rất nặng.

Buổi hội ngộ, sẻ chia đã diễn ra với bao kỷ niệm vui buồn chiến trường. Nhiều đồng chí thương binh đặc biệt khó khăn được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ, tặng đất, nhà, căn hộ, kinh phí và vật chất giúp giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống, giá trị tinh thần không thể tính hết được.

Một thời gắn bó trên cương vị chỉ huy Sư đoàn 5, Quân khu 7, khi giao lưu với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn, anh đã truyền cảm hứng về truyền thống hào hùng của sư đoàn. Anh truyền niềm tin, khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ với ước vọng dân tộc Việt Nam trường tồn, mãi mãi sống trong hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Hiến kế, xông pha giữa đại dịch Covid – 19

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi nhiều sinh mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Trong những thời khắc hiểm nghèo “chống dịch như chống giặc”, anh Năm Lượng chủ động nắm tình hình diễn biến dịch ở cơ sở; kịp thời tham mưu, trao đổi, đề xuất với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh những chủ trương, giải pháp cụ thể sát tình hình thực tiễn; vừa cứu chữa người bệnh, giải quyết hậu quả, bảo đảm an sinh và chăm lo đời sống tối thiểu cho người dân; với đạo lý cứu dân là trên hết. Tâm huyết, đồng hành và chia sẻ cùng anh, ông Chủ tịch tập đoàn Phương Trang quyết định: “Sẵn sàng hy sinh dự án hàng nghìn tỷ để cứu dân”. Tổ chức điều động, sử dụng hàng chục nghìn chuyến xe đưa bà con về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên…; vừa chăm lo, bảo đảm đời sống cho bà con về đến quê hương an toàn, hỗ trợ kịp thời xe cấp cứu, thiết bị y tế, thuốc men, vắc xin cho nhiều bệnh viện, địa phương trên toàn vùng; với giá trị kinh phí huy động hàng nghìn tỷ đồng. Anh bày tỏ sự ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên, lái xe tập đoàn Phương Trang, không quản ngại hiểm nguy, cùng anh xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.

Anh động viên gia đình, cùng bạn bè thân thiết đảm bảo một số nhu cầu về hậu cần, đời sống thiết yếu cho các lực lượng tuyến đầu, người cơ nhỡ, yếu thế, không nơi nương tựa, làm ấm lòng tình người giữa cơn “bão” đại dịch.

Cội nguồn nhân nghĩa

Trung tướng Lưu Phước Lượng là một con người chân chất mộc mạc, nói ít, làm nhiều, đậm chất Nam Bộ. Sinh ra tại Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ba mẹ và 7 anh chị em đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 13 tuổi, anh mới gặp lại ba mình và cảm nhận được hạnh phúc vì có ba như bao nhiêu người khác, bởi ba đi tập kết rồi bí mật trở vào chiến khu Đ hoạt động, gia đình mới liên lạc được tin tức.

Vợ anh – chị Mạc Phương Minh, Đại tá Quân đội, người con gái đã cùng anh vượt Trường Sơn, ra miền Bắc học tại trường văn hoá và các trường Quân đội. Nhớ ngày từ đất mũi Cà Mau, theo giao liên qua bưng biền Đồng Tháp về thăm mẹ ở chiến khu Lộc Ninh; chị bàng hoàng, ngây dại khi vừa đến nơi thì nhận được tin dữ – mẹ đã hy sinh cách đó 19 ngày, bởi trận bom của địch tàn sát. Cuộc đời chiến đấu oanh liệt và nghĩa tình sâu nặng với đồng đội trong anh Năm Lượng không chỉ từ truyền thống gia đình, mà được nhân lên từ tình yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia của người vợ thuỷ chung, son sắt.

Cuộc đời anh, tựa hồ như vùng đất: “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Mười bảy tuổi, anh đạp xe băng qua đồn bốt địch, lên chiến khu Đ vào quân giải phóng; bị B52 địch ném bom, rải thảm “dằn mặt”. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, trên mình anh mang đầy thương tích. Gia đình anh từng nhận giấy báo tử hồi Mậu Thân năm 1968, khi anh cùng đơn vị tiến công vào Sài Gòn.

Trải qua năm tháng công tác trên nhiều lĩnh vực, nghĩa tình đồng đội, tấm lòng nhân ái, cao thượng, trái tim của vị tướng nhân hậu trong anh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Nam Bộ và các thế hệ đồng đội của anh. Đặc biệt, trong sâu thẳm trái tim, anh dành tình thương cho các thương binh nặng, gia đình liệt sĩ, sự gắn bó yêu thương, trân quý; anh xứng danh Bộ đội cụ Hồ vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ.

Trung tướng, PGS, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI (*)

(*) Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.