Tôi gắn bó với nhà văn Chu Lai từ năm 1996. Tuy nhiên, tôi đã có cơ hội tiếp cận và đọc tác nhiều tác phẩm ông từ trước đó. Những ấn tượng trong tôi về các tác phẩm như: Tiếng cồng định mệnh, Phố, Ăn mày dĩ vãng… là nhân vật có cá tính rất mãnh liệt, giống vẻ ngoài dữ dội của nhà văn Chu Lai.
Khi làm việc với nhà văn Chu Lai, tôi có nhiều cơ hội để hiểu được sự trăn trở của ông với những số phận, con người thiệt thòi trong chiến tranh. Có một lần, nhà văn Chu Lai trao đổi với tôi về số phận của những cựu nữ chiến sĩ lái xe tải quân sự Trường Sơn chưa được nhận chế độ đúng mức. Ông đã tìm mọi cách để giúp họ và đã thành công.
Chính từ những hành động nhỏ ấy, tôi cảm thấy ngưỡng mộ tư cách và hành động của nhà văn Chu Lai. Bản thân tôi là thế hệ đi sau cảm thấy phải có trách nhiệm đưa ra cảm nhận đúng đắn, chân thực về thế hệ đi trước, nhất là với nhân vật đặc biệt như nhà văn Chu Lai. Ông đại diện cho lớp nhà văn chống Mỹ, người trực tiếp cầm súng ra chiến trường.
 |
Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Khi viết về nhà văn Chu Lai, tôi lựa chọn tiếp cận trung thực với nhân vật để dựng chân dung nhà văn bằng xương bằng thịt, có đời sống sáng tác, cũng như đời tư từng cống hiến cho cách mạng. Với tôi, nhà văn Chu Lai được thể hiện qua cảm hứng “không gì đẹp bằng sự thật”, dám nghĩ thật, hành động thật.
Cùng với đó, là nhà văn, tôi có không gian tự do để lựa chọn nhân vật, đắm chìm trong nhân vật. Nhìn nhân vật qua lăng kính của bản thân, đưa cái tôi vào trong nhân vật; bồi đắp ngôn từ để đưa nhân vật tới gần và làm rung động người đọc.
Với Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, tôi đã theo dõi từ lâu. Ý nghĩa của nó không chỉ đơn giản là một cuộc thi viết, mà là nơi để khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thông qua những nhân vật cụ thể, từ nhiều góc cạnh và đóng góp của họ trong cuộc sống.
Tôi cho rằng ý nghĩa lớn nhất của cuộc thi viết là Ban tổ chức đã tạo ra nền tảng không quá bó buộc. Nhân vật có thể là nhiều con người khác nhau nhưng vai trò xã hội là bình đẳng.
 |
Nhà văn Chu Lai. Ảnh: TUẤN SƠN |
Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính vì thế, không chỉ Ban tổ chức, mà chính các tác giả gửi tác phẩm dự thi đều chịu áp lực về lựa chọn đề tài có chiều sâu, nhân vật điển hình để góp phần nhỏ bé của mình tới những ngày kỷ niệm lớn.
Tôi mong rằng, công tác truyền thông của cuộc thi cần được làm tốt hơn nữa. Cụ thể, sau các cuộc thi, các tác phẩm đã được tập hợp và in thành sách để phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, số lượng cần in nhiều hơn nữa để biến các tác phẩm của cuộc thi thành “sản phẩm văn hóa quốc phòng”, phổ biến sâu rộng tới các cấp đơn vị, lan tỏa rộng rãi và truyền cảm hứng cho những tác giả muốn tham gia cuộc thi và nêu gương các nhân vật điển hình.
Đại tá, nhà văn Chu Lai thì cho rằng, hơn 40 năm cầm bút, biết bao người là nhân vật trong tác phẩm của ông, đến bây giờ ông lại trở thành nhân vật trong tác phẩm của một nhà văn Quân đội. Thật là thú vị!
Đại tá, nhà văn Chu Lai cũng khẳng định, hình tượng người lính không chỉ tỏa sáng trong thời chiến, mà càng tỏa sáng trong thời bình. Nhân vật người lính là một “siêu đề tài”, muôn thuở, bất tận, càng “đào” càng sâu, càng khai thác càng tỏa sáng. Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai, mà của mọi thế hệ, tỏa sáng, kết thành “hạt kim cương” về lòng tự hào dân tộc, dựng nên “bức tường thành nhân văn”, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, để mọi thế hệ của dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng đứng lên cầm súng, trở thành người lính bảo vệ Tổ quốc, quê hương, bờ cõi.
|
SƠN THẢO (ghi)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.