Tâm thư bằng máu 

Một ngày cuối năm 2023, chúng tôi đến thăm gia đình CCB, thương binh Phạm Văn Hồng, ở xóm 2, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An). Ngôi nhà cấp 4 nằm nép mình khiêm tốn bên con đường rộng, thảm nhựa phẳng lỳ dẫn tới trung tâm xã nông thôn mới nâng cao Phúc Thọ. Bên bộ bàn ghế cũ kê ở góc sân, ông và người bạn chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị đang hàn huyên về những kỷ niệm ở chiến trường; chuyện về gia đình, về việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc... CCB Phạm Văn Hồng năm nay đã 78 tuổi song còn rất khỏe mạnh và hoạt bát, vầng trán rộng, khuôn mặt phúc hậu. Ở ông luôn toát lên năng lượng tích cực khiến những người xung quanh cảm thấy tin tưởng, được tôn trọng, chia sẻ và đồng cảm. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về những năm tháng ở chiến trường cũng như những đóng góp của ông khi trở về quê hương..., ông vui vẻ, nhiệt tình nhận lời. 

Sau khi cùng CCB Nguyễn Hồng Hải, trú tại xóm 7, xã Phúc Thọ, đồng đội cùng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp tại chiến trường, những tấm huân, huy chương được tặng, CCB Phạm Văn Hồng kể lại, tháng 2-1968, khi vừa 22 tuổi, dù là con một nhưng bố mẹ ông vẫn động viên ông lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế về Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư  đoàn 304. Suốt cuộc đời quân ngũ, từ năm 1968 đến năm 1976, ông đã tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất là năm 1972. Để được trực tiếp tham gia trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông đã viết tâm thư bằng máu, thể hiện quyết tâm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Ông xúc động kể: “Tôi nhớ như in, khi chúng tôi tiềm nhập vào, đạn của quân thù bắn như mưa, nghe được cả tiếng đạn “bùm bụp” găm vào cơ thể đồng đội. Thế nhưng chúng tôi không hề chùn bước mà lòng căm thù càng dâng cao; lớp trước ngã xuống, lớp sau xông lên quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, trả thù cho đồng đội”. Trong trận chiến đó, ông đã bị thương ở đầu và phải ra tuyến sau điều trị. Khi vết thương ổn định, ông đã đăng ký trở lại chiến trường để cùng đồng đội tham gia chiến đấu. Ông cho biết: "Nhiều lần tôi bị thương, nhưng khi giám định sức khỏe tôi luôn xin giảm tỷ lệ thương tật để còn được tham gia chiến đấu. Nếu chúng tôi không có tinh thần quyết tử như vậy thì lấy đâu ra người cầm súng trên chiến hào. Đơn vị chúng tôi có nhiều đồng chí băng trắng đầu, nẹp chân, nẹp tay, trắng cả người mà vẫn tham gia chiến đấu". 

leftcenterrightdel
Thương binh Phạm Văn Hồng (bên phải) và cựu chiến binh Nguyễn Hồng Hải cùng ôn lại những kỷ niệm ở chiến trường. 

Từ chiến trường Trị Thiên cho tới Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Hồng đã nhiều lần đổ máu. Cho đến nay, trong cơ thể ông vẫn còn những mảnh bom, đạn. Mỗi khi đặt tay hoặc nhìn lên các vết thương, ông lại nhớ đến đồng đội, nhớ đến những người phải nằm lại đâu đó trên chiến trường. Ông bảo: "Những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh”.

“Đến máu xương tôi còn chả tiếc...”

Năm 1976, ông Phạm Văn Hồng xin chuyển ngành về địa phương công tác, song do sức khỏe không bảo đảm nên ông xin nghỉ việc. Dù ở đâu, trên cương vị nào thì CCB, thương binh Phạm Văn Hồng luôn tâm niệm “mình là CCB nên phải luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi việc thì mới không hổ thẹn với những đồng đội đã ngã xuống cho quê hương và không ngừng tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân”. 

Năm 2022, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Phúc Thọ có chủ trương đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa xóm 2; mở rộng sân chơi thể thao... song xóm không còn quỹ đất để xây dựng và mở rộng khuôn viên nhà văn hóa. Trước khó khăn đó, lãnh đạo địa phương đã bàn bạc và mạnh dạn đến gặp gia đình CCB Phạm Văn Hồng, xin đất để mở rộng khuôn viên nhà văn hóa. Nói về việc này, CCB Phạm Văn Hồng kể: “Giai đoạn địa phương xin đất mở rộng khuôn viên nhà văn hóa đúng thời điểm đang sốt đất; mảnh đất mà gia đình tôi hiến lại có địa thế rất đẹp, ở mặt tiền, đường rộng... nên có giá trị rất cao trên thị trường. Trong lúc điều kiện gia đình tôi cũng chưa khá giả nên trong số các con, có đứa bằng lòng, cũng có đứa không nhất trí; rồi xóm làng, anh em người nói vào, kẻ bàn ra... Các ý kiến đều cho rằng nên bán đất để lấy tiền, một phần chia cho con cái, phần còn lại dành để trang trải tuổi già; hay ít nhất cũng mua được chiếc xe ô tô để đi lại cho đỡ khổ”. Giọng ông trầm xuống: "Cả cuộc đời tôi đã cống hiến, đến máu xương của mình tôi còn chả tiếc thì đất đai, của cải có nghĩa lý gì!". Sau đó, ông kiên trì phân tích, bàn bạc với vợ và các con hiến gần 500m2 đất vườn của gia đình cho xóm xây nhà văn hóa. Ở thời điểm đó, mảnh đất ông hiến có giá 6-7 tỷ đồng.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên gia đình CCB Phạm Văn Hồng hiến tặng đất cho địa phương. Cách đây gần 10 năm, khi xóm cần một không gian, khu vui chơi cho trẻ em, gia đình ông đã hiến hơn 400m2 đất vườn cho xóm làm sân bóng và các thiết chế văn hóa. Theo CCB Nguyễn Hồng Hải: “Diện tích đất đó với giá hiện nay cũng phải lên tới 3-4 tỷ đồng”. Ngoài nhiều lần hiến đất, gia đình ông Hồng luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với bà con xóm làng, những người có hoàn cảnh khó khăn trên tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Gia đình ông cũng luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng quê hương và mẫu mực trong cuộc sống, sinh hoạt tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Bá Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thọ, tự hào nói: “Trong suốt thời gian sinh sống tại địa phương, CCB, thương binh Phạm Văn Hồng và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt là phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới. Việc nhiều lần hiến đất của gia đình CCB Phạm Văn Hồng là một nghĩa cử có sức lan tỏa, cổ vũ mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được người dân nhiệt tình tham gia, hưởng ứng và ủng hộ. Đây là nền tảng để địa phương tiếp tục phấn đấu sớm về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với nghĩa cử cao đẹp của CCB Phạm Văn Hồng, Đảng ủy xã đã báo cáo với lãnh đạo huyện và lãnh đạo các cấp đã đến nhà gặp gỡ, cảm ơn gia đình. Đây là tấm gương sáng cần được tuyên truyền, nhân rộng ra toàn xã hội”.

Bài và ảnh:  LÊ ANH TẦN

Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.