Chương trình nhằm tôn vinh, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thi đua đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước.
Dự lễ tổng kết, trao giải có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT), Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi; Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí đồng Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi: Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND; Tống Văn Thanh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tá Đậu Xuân Luận, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND. Đến dự còn có đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT; đại diện các nhà tài trợ, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong cả nước.
 |
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu chỉ đạo tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 13 (năm 2021-2022).
|
Sức lan tỏa từ một cuộc thi
Vui mừng, xúc động và đầy tự hào, đó là cảm xúc chung của nhiều đại biểu, tác giả và nhân vật đến dự lễ trao giải Cuộc thi. Vượt chặng đường hơn 500km, trong điều kiện thời tiết miền núi khắc nghiệt, Trung tá Kim Đình Tư, Phó bí thư Đảng ủy xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) không giấu nổi xúc động khi có mặt tại sân khấu buổi lễ và được gặp lại tác giả Kim Huệ (Báo Nhân Dân), người viết về mình trong tác phẩm “Trung tá "một vai hai việc”. Anh Tư chia sẻ: “Nhận được thư mời của Ban tổ chức, tôi mừng đến mất ngủ. Tôi thấy mình rất may mắn và tự hào. Tôi là độc giả thường xuyên của Báo QĐND và tích cực chia sẻ các bài viết trong Cuộc thi đến dân bản. Tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình lại trở thành nhân vật trong cuộc thi rất ý nghĩa này. Đây là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời binh nghiệp của tôi”.
Vẫn là phong thái mộc mạc, giản dị quen thuộc, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam Mai Đức Chung một mình đi xe máy lạch cạch đến tòa soạn Báo QĐND từ sáng sớm để tham dự buổi lễ. Gặp chúng tôi, ông cười hiền hậu, bày tỏ: “Tôi giữ đúng lời hứa với những người lính Cụ Hồ nhé! Đã hẹn là đến, đến là sẽ đúng giờ. Sáng nay, tôi cho các cầu thủ nghỉ tập một buổi để dành thời gian đến dự lễ tổng kết Cuộc thi”.
9 giờ sáng, hội trường Báo QĐND bừng sáng và ngập tràn trong giai điệu các ca khúc hát về Đảng quang vinh, đất nước tươi đẹp, Bác Hồ kính yêu và quân đội hùng mạnh. Chương trình nghệ thuật do nghệ sĩ, diễn viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội dàn dựng và biểu diễn. Mặc dù đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, nhưng Đại tá, TS, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật thực hành, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội rất xúc động khi đảm nhiệm dàn dựng chương trình này. Chị Hà tâm sự: “Tham gia chương trình, tôi thấy cuộc sống trở nên nhân văn, ý nghĩa hơn khi quanh ta có biết bao người tốt. Từ ý nghĩa Cuộc thi đến việc làm cao thượng của mỗi nhân vật đã lay động tâm hồn tôi cũng như nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhất là các bạn trẻ. Điều đó thôi thúc chúng ta hãy sống tốt hơn, đẹp hơn, có ích hơn nữa”.
 |
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi phát biểu tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 13 (năm 2021-2022).
|
Bừng lên khát vọng cống hiến
Các đại biểu, tác giả và nhân vật đến dự chương trình đều bày tỏ xúc động khi xem phóng sự “Sức lan tỏa từ một cuộc thi” và “Khát vọng dựng xây đất nước đẹp giàu” được trình chiếu tại lễ tổng kết và trao giải. Trong cuộc sống muôn màu hôm nay, ít ai biết, có những tướng lĩnh, cựu chiến binh mang trong mình nhiều trọng bệnh nhưng vẫn lăn lộn, bôn ba làm việc nghĩa, giúp đỡ đồng đội. Trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, dễ dàng bắt gặp người chỉ huy can trường giữa tâm dịch; bác nông dân nhường đất canh tác cho bộ đội lập chốt chống dịch... Đặc biệt, trong số các nhân vật tiêu biểu năm nay, có các tấm gương là cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp như: Bí thư Tỉnh ủy tiên phong “thắp sáng niềm tin nơi cửa ngõ Tây Bắc”; Giám đốc Công an tỉnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Xem phóng sự, tác giả Kim Huệ (Báo Nhân Dân) tâm đắc: “Tôi đến với cuộc thi này từ niềm khâm phục tinh thần, ý chí, nghị lực cũng như những việc làm cao cả của Bộ đội Cụ Hồ. Có đi và có gặp, chứng kiến những việc làm của các anh, chúng tôi mới nhận ra, dù trong thời chiến hay thời bình, Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng ý chí kiên cường, một lòng trung với nước, hiếu với dân, gắn bó mật thiết, hết lòng vì nhân dân phục vụ”. Cũng chính những hành động cao đẹp của các nhân vật tiêu biểu ấy đã tạo hiệu ứng sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của mỗi người. Điều đó chứng minh thuyết phục rằng: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải điều gì cao xa, khó thực hiện, mà trên thực tế đang lan rộng, thấm sâu, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cá nhân, tổ chức, gia đình và toàn xã hội.
 |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao giải nhất tặng hai tác giả có tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 13 (năm 2021-2022). Ảnh: TUẤN HUY |
 |
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị trao quà tặng nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 13 (năm 2021-2022). |
Vừa trải qua chuyến tác nghiệp dài ngày ở miền Trung bão lũ, có mặt tại lễ trao giải, mặc dù là lần thứ 5 được đứng trên bục nhận giải thưởng cuộc thi này nhưng tác giả Viết Lam (Báo Biên phòng) vẫn hồi hộp khi chờ Ban tổ chức gọi đến tên mình. Anh cho rằng: “Để có được những bài viết hay, ý nghĩa, nhiều tác giả đã trăn trở, đắm mình trong thực tiễn cuộc sống, không ngại khó khăn, vất vả tìm tòi, phát hiện, rung cảm trước nghĩa cử, việc làm nhân ái của những con người bình dị. Bản thân từng nhân vật đã là một câu chuyện hay lay động trái tim con người, có sức cảm hóa và thôi thúc mọi người sống tốt hơn, làm nhiều việc thiện hơn vì cộng đồng. Đó cũng chính là giá trị nhân văn làm nên thương hiệu và sức lan tỏa của Cuộc thi”.
Trao truyền giá trị sống cao đẹp
Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết, thay mặt lãnh đạo TCCT, Trung tướng Trịnh Văn Quyết ghi nhận, biểu dương Báo QĐND cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt và duy trì Cuộc thi liên tục trong suốt 13 năm qua. Kết quả của Cuộc thi ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, Báo QĐND nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... (toàn văn bài phát biểu của Trung tướng Trịnh Văn Quyết đăng trên số báo hôm nay).
Đồng quan điểm này, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận: "Cuộc thi thêm một lần nữa tạo dấu ấn lớn, khẳng định nét đặc sắc của mô hình tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cuộc thi cũng góp phần nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới".
Để tiếp nối thành công, để lan tỏa nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội, thay mặt Ban tổ chức, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi đã phát động Cuộc thi lần thứ 14. Trong lần thứ 14 tổ chức này, thành phần của Ban tổ chức Cuộc thi có thêm một cơ quan báo chí có uy tín trong xã hội, đó là Báo Lao Động, cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiếng nói của công nhân, viên chức, người lao động Việt Nam. Kỳ vọng, với sự tham gia của Báo Lao Động, Cuộc thi lần thứ 14 sẽ giành được kết quả cao hơn; trao truyền, tiếp nối, những vườn hoa “người tốt, việc tốt” trong đời sống xã hội (toàn văn bài phát động Cuộc thi lần thứ 14 đăng trên số báo hôm nay).
Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi năm nay đã kết thúc tốt đẹp, đồng thời để lại những khoảng lặng, cảm xúc đan xen cho những người trong cuộc và độc giả cả nước. Các tác giả, nhân vật được trao thưởng sẽ trở lại với cuộc sống thường ngày, nhưng tình cảm, dư âm từ buổi lễ, những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam chắc chắn còn tiếp tục lan tỏa trong suy nghĩ và hành động của mỗi người.
PHẠM KIÊN