Anh từng giành giải nhất Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” năm 2019, khi ở tuổi 50, cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ, tạo được nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng và kinh tế, xã hội của anh. 

Tôi nhận được điện thoại của Đại tá, TS Trần Hữu Lý cho biết, anh đang cùng các cán bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự chuẩn bị nội dung và các sản phẩm ứng dụng công nghệ niêm cất bảo quản bằng túi bảo quản để phục vụ đoàn công tác cấp cao của Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đến tham quan. Rồi anh mời tôi trực tiếp đến hiện trường. Những năm qua, việc ứng dụng túi bảo quản do các bạn Cuba tặng Quân đội ta đã được các cán bộ của viện nghiên cứu cải tiến và vận hành hiệu quả, góp phần niêm cất, bảo quản, bảo đảm tốt chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT).

Theo TS Trần Hữu Lý, từ năm 2017, Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật giao nhiệm vụ cho viện tổ chức nghiên cứu ứng dụng túi bảo quản của các bạn Cuba tặng vào điều kiện thực tế của Quân đội ta. Qua nghiên cứu công nghệ niêm cất bảo quản VKTBKT của quân đội Cuba, các cán bộ nghiên cứu của viện nhận thấy điều kiện thời tiết, khí hậu và đặc trưng VKTBKT của bạn có nhiều nét tương đồng với nước ta. Do đó, việc niêm cất bảo quản VKTBKT bằng túi bảo quản ứng dụng trong Quân đội ta là hoàn toàn khả thi. Trên cương vị viện trưởng, Đại tá Trần Hữu Lý chỉ đạo sâu sát việc thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật này. Không chỉ nghiên cứu ứng dụng, khai thác đầy đủ tính năng kỹ thuật, chiến thuật trang thiết bị của túi bảo quản do bạn hỗ trợ, anh còn chỉ đạo cán bộ của viện nghiên cứu cải tiến, sử dụng phù hợp với điều kiện khai thác VKTBKT và tác chiến của Quân đội ta. Nội dung cải tiến là thiết kế kết cấu túi bảo quản dạng module, lắp đặt bảo quản mỗi túi một loại VKTBKT, như xe tăng, thiết giáp... Các buồng bảo quản được bao kín, có cửa riêng, nên dễ cơ động VKTBKT. Mỗi buồng bảo quản còn lắp một quạt hút công nghiệp để nhanh chóng hút hết khói, bụi trong buồng mỗi khi xe ra vào trước khi hút ẩm bảo quản.

Đại tá, TS Trần Hữu Lý (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với Trưởng đoàn công tác cấp cao của Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba về các thông số ứng dụng công nghệ niêm cất bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật bằng túi bảo quản.  

Đồng thời, các nhà khoa học của viện còn thiết kế lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát, điều khiển, thu thập số liệu tự động trong quá trình bảo quản, nên việc giám sát và triển khai đơn giản. Máy hút ẩm rời, công suất nhỏ cho từng buồng bảo quản và toàn bộ hệ thống sử dụng nguồn điện xoay chiều 1 pha 220V-50Hz, rất thuận tiện khi triển khai với điều kiện dã ngoại của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu ứng dụng của viện đạt hiệu quả tốt, không chỉ nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT phục vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và các nhiệm vụ khác của quân đội, mà còn tăng cường tình đoàn kết thủy chung, hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba.

“Ngoài việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ niêm cất bảo quản bằng túi bảo quản do Cuba tặng là một trong những nhiệm vụ mới, viện còn được trên giao nhiều nhiệm vụ đột xuất và khó khăn hơn. Song bằng sự đoàn kết hiệp đồng, chủ động khắc phục khó khăn, không quản ngại gian khổ, toàn viện đã phát huy trí tuệ, không ngừng sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Đại tá Trần Hữu Lý thổ lộ. Rồi anh kể, cũng trong năm 2017, viện nhận nhiệm vụ nghiên cứu cải hoán xe thiết giáp BTR-152 thành xe cứu thương để trang bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 phục vụ lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Liên hợp quốc, làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Nhiệm vụ kỹ thuật phức tạp, yêu cầu tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao, thời gian ngắn chỉ trong vòng 3 tháng. Là người chủ trì nhiệm vụ, TS Trần Hữu Lý đã tập hợp các cán bộ giàu kinh nghiệm, trình độ cao của viện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Tổng cục Kỹ thuật, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Bệnh viện Quân y 175 và Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam để thiết kế, lựa chọn mẫu, thiết bị, khí tài và lắp đặt xe cứu thương. Đây là chiếc xe thiết giáp cứu thương được ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, như: Camera ảnh nhiệt, thiết bị định vị vệ tinh, thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến, camera hỗ trợ lái xe và chỉ huy; hệ thống quang-điện tử, điều hòa, làm mát... Xe bảo đảm hoạt động tốt trong mọi điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết; sử dụng nhiên liệu diesel tiêu chuẩn Liên hợp quốc, tốc độ hành quân trung bình 40km/giờ, tốc độ cao nhất đạt 65km/giờ. Ngoài những trang thiết bị chuyên ngành y tế, xe còn được trang bị giáp có khả năng chống đạn súng bộ binh đến cỡ 7,62mm. Qua hoạt động thử nghiệm và cơ quan chức năng Liên hợp quốc kiểm tra, đánh giá xe thiết giáp cứu thương của Việt Nam đều đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, có nhiều tính năng vượt trội so với một số xe cùng loại. Sản phẩm đề tài nghiên cứu cải hoán xe thiết giáp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Chủ nhiệm đề tài, TS Trần Hữu Lý đã được trao giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2018. Từ khi bàn giao xe thiết giáp cứu thương cải hoán từ xe thiết giáp BTR-152 đến nay, cán bộ, nghiên cứu viên của viện thường xuyên tổ chức bảo đảm kỹ thuật và hướng dẫn, huấn luyện khai thác xe thiết giáp cứu thương cho các Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và các số sau này của lực lượng gìn giữ hoàn bình Liên hợp quốc.

Thu được nhiều thành công, nhưng TS Trần Hữu Lý không thỏa mãn, dừng lại. Anh tiếp tục đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình và dấn thân vào những lĩnh vực khoa học, nhiệm vụ kỹ thuật mới. Năm 2020, TS Trần Hữu Lý là chủ nhiệm của đề tài nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công hạ cọc xuống nền san hô, lại vinh dự đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội để nhận giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), trao cho những công trình xét thưởng năm 2019. TS Trần Hữu Lý hai lần được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam (năm 2019, 2020) về những thành tựu trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ; liên tục hai năm liền giành giải cao nhất Giải thưởng VIFOTEC; được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Hàn Quốc tặng Giải vàng sáng tạo khoa học kỹ thuật và giải đặc biệt về sáng tạo khoa học kỹ thuật (INDOPA), năm 2019... Cũng trong năm 2019, Đại tá, TS Trần Hữu Lý được vinh danh giải nhất Giải thưởng "Nhân tài đất Việt". “Những thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ của tôi, ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn có sự giúp đỡ rất lớn của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên, của các đồng nghiệp và cán bộ, nhân viên Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự”, TS Trần Hữu Lý tâm sự. Từ những năm làm giảng viên, rồi Phó chủ nhiệm Bộ môn Xe máy (Khoa Động lực, Học viện Kỹ thuật Quân sự), TS Trần Hữu Lý đã say mê nghiên cứu khoa học. Anh lăn lộn với thực tế, có khi hàng tháng trên biển, đảo để khảo sát, lấy tư liệu thực tế, theo dõi đánh giá thử nghiệm sản phẩm. Anh chủ trì các đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt tổ hợp thiết bị công tác lên phương tiện nổi thi công mở luồng và khoan hạ cọc trên các công trình ở khu vực biển, đảo và nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm thiết bị thi công hạ cọc phù hợp với điều kiện địa chất ở đảo; chủ trì đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị khoan kép tích hợp trong tổ hợp máy khoan cọc xi măng đất" và đề tài cấp cơ sở "Nghiên cứu tính toán thiết kế mô phỏng máy rải và hoàn thiện bê tông xi măng phục vụ thi công đường tuần tra biên giới”... Để nghiên cứu thành công và ứng dụng hiệu quả, anh phải đi thực tế gian khổ, vất vả, có khi chỉ ăn gói mì tôm, uống chai nước suối hay say sóng nôn thốc tháo vì sóng biển cấp 4-5. Rồi anh thường xuyên công tác xa, khi về nhà lại thức đêm chong đèn đọc tài liệu, suy nghĩ các bài toán, tính toán thiết kế để kịp thời gian, tiến độ đề tài.

Có thể nói Đại tá, TS Trần Hữu Lý là nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học “thần tốc”. Anh chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học và nhiệm vụ kỹ thuật, hoàn thành và được nghiệm thu đánh giá, đưa vào ứng dụng chỉ trong vòng một năm, thậm chí chỉ từ 2 đến 3 tháng. Như nhiệm vụ cải tiến xe thiết giáp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương chỉ trong 3 tháng; chỉ đạo cải hoán 10 nhóm trang bị cho Đội công binh Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong vòng một năm. Mới đây nhất, anh chỉ đạo viện nghiên cứu cải hoán 5 xe labo xét nghiệm Covid-19 được Bộ Quốc phòng nghiệm thu, hoàn thành chỉ trong 25 ngày của tháng 8-2021. Bên cạnh đó, anh chủ trì và trực tiếp tham gia nhiều nhiệm vụ kỹ thuật hợp tác với Bộ Tổng Tham mưu, các tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và Bộ đội Biên phòng... Với những thành công trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ, có nhiều thành tích trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Đại tá, TS Trần Hữu Lý 5 lần được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen; nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là điển hình tiên tiến của Tổng cục Kỹ thuật trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU