Cựu chiến binh Dương Anh Tuấn chọn cho mình cách cống hiến lặng lẽ, nhưng mang lại tác dụng tích cực cho nhiều người tham gia giao thông ở đô thị.

Gặp ân nhân ở ngã tư

Sau Tết Quý Mão 2023 vài ngày, tôi chở cô bạn thân từ thuở học phổ thông sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm một người bạn đang điều trị dài ngày. Khi đi đến ngã tư Lê Quang Đạo-Châu Văn Liêm-Mễ Trì (Hà Nội) thì chiếc xe máy của tôi tự nhiên kêu khục khục như bị sặc nước rồi im bặt. Tôi loay hoay khởi động đến mỏi cả chân mà nó vẫn ì ra nên quyết định tìm chỗ gửi xe để bắt taxi. Cô bạn lếch thếch đeo túi đi sau, mặt nhăn nhó vì sợ muộn giờ. Rồi một người đàn ông đeo kính, dáng người thấp, đậm đi đến. Anh hỏi tôi:

- Xe bị làm sao đấy em?

- Em không rõ, xăng vẫn còn mà máy thì không nổ.

- Đưa anh xem giúp cho.

Anh đề thử, chiếc xe vẫn kêu khẹc khẹc như bị sặc. Rồi anh đạp cần khởi động nhưng không có tiến triển gì. Anh lấy chìa khóa, lôi ra bộ phụ tùng để ở cốp xe. Anh đưa xe lên vỉa hè, dựng chân chống giữa. Loáng cái, tôi đã thấy anh mở được chiếc bugi. Sau khi vệ sinh và dùng tô vít cậy cậy, đập đập, anh lắp bugi vào. Sau vài lần khởi động, máy nổ giòn. Anh giảm ga và bảo xe của tôi bị hỏng bugi, vệ sinh và điều chỉnh là hoạt động bình thường. Anh đùa: "Xe hỏng thì cũng coi như bị tắc đường một chút", rồi anh bảo, trước đây, ngã tư này là “điểm đen” ùn tắc. Từ khi được phân luồng vào cuối tháng 11-2022, nó không còn ùn tắc nữa. Anh giới thiệu tên là Tuấn, từng là thợ sửa xe máy và là chủ của giải pháp phân luồng giao thông này. Sáng nào vào giờ này, anh cũng đi bộ quanh ngã tư, vừa để tập thể dục, vừa để ngắm thành quả. Chúng tôi cảm ơn, xin số điện thoại của anh và rời đi.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Dương Anh Tuấn nhận giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022”. Ảnh: HẢI BÌNH 

Hơn một tuần sau, tại Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ở đường Lê Duẩn, tôi bất ngờ gặp lại anh Tuấn. Anh thông tin cho tôi kỹ hơn về đời tư, những trăn trở và giải pháp hữu ích chống ùn tắc giao thông. Từ đây, tôi càng ngưỡng mộ anh hơn.

Dương Anh Tuấn sinh năm 1966, ở Hà Nội. Năm 1984, anh nhập ngũ vào một đơn vị ở Quân đoàn 2. Năm 1987, anh trở về địa phương và làm ở Đài Phát thanh Hà Sơn Bình. Hai năm sau, anh xin ra ngoài và mở công ty truyền thông sự kiện, làm dịch vụ cho các chương trình truyền hình. Anh lao vào vòng quay cuộc sống để tìm lời giải cho bài toán cơm, áo, gạo, tiền như bao người khác. Đặc thù công việc khiến anh luôn luôn phải di chuyển vào các khung giờ tan tầm. Đây cũng là thời điểm thường xuyên kẹt xe, ùn tắc giao thông. Anh kể, có lần chương trình truyền hình trực tiếp về hợp tác xã điển hình toàn quốc tổ chức ở Rạp Hồng Hà ấn định lên sóng lúc 20 giờ, 17 giờ anh đã xuất phát từ Hà Đông, nhưng do tắc đường nên buộc phải bỏ xe ô tô ở lề và bắt xe ôm đến. Từ đó anh mong tìm ra một giải pháp chống ùn tắc giao thông đô thị.

Giải pháp bỏ đèn tín hiệu giao thông ở những nơi thích hợp

Năm 2015, anh Tuấn chính thức đầu tư thời gian tìm hiểu về mạng giao thông đường phố Hà Nội cùng những tài liệu liên quan đến vấn đề này. Anh đã đúc rút ra các nguyên nhân ùn tắc giao thông đô thị. Anh bảo, theo một thống kê của tổ chức uy tín trên thế giới, mỗi năm TP Hà Nội thiệt hại xã hội khoảng 1,2 tỷ USD, TP Hồ Chí Minh mất khoảng 6 tỷ USD vì nạn ùn tắc giao thông mà chưa nói đến việc tổn hao sức khỏe, thời gian của hàng vạn người và gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường. Điều khiến anh khó lý giải hơn cả là các tuyến đường chính được xây mới, nâng cấp rộng 3 làn xe trở lên, có cầu vượt, hầm đi bộ mà vẫn ùn tắc. Thực mục sở thị một số điểm, anh xác định nguyên nhân chính của ùn tắc giao thông tại các điểm này là do đèn tín hiệu giao thông.

Anh nói, năm 1923, Garrett Morgan (người Mỹ) đã sáng chế ra hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ và nó được áp dụng trên toàn thế giới cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong điều kiện lượng phương tiện tham gia giao thông lớn thì nó trở thành vật cản, ngăn trở dòng chảy phương tiện. Thế nên, muốn giải quyết vấn đề này thì phải kéo giãn dòng phương tiện và tổ chức quay xe ở các điểm hợp lý. Từ đây, cứ giờ cao điểm là anh Tuấn lại đi đến các nút giao ùn tắc để khảo sát, lấy dữ liệu rồi về vẽ ra giấy. Anh thức trắng nhiều đêm để phân tích, tìm các giải pháp tối ưu. Có hôm đi hiện trường về gặp mưa ướt như chuột lụt. Đêm đó, anh bị sốt. Chưa dứt cơn sốt anh đã ngồi vào bàn làm việc để suy nghĩ, rồi vẽ. Vợ và các con anh lo lắng, góp ý. Trước sự lo lắng của người thân anh phải bỏ bản vẽ được hẳn mấy hôm và đi ngủ sớm. Ấy nhưng, khi sức khỏe đã hồi phục, anh lại lao vào hoàn thành ý tưởng. Vợ và các con nhìn anh đành cười trừ...

Khi nhận được sự đồng thuận của người thân, anh tập trung nhiều thời gian nghiên cứu hơn. Anh chia mạng lưới giao thông Thủ đô Hà Nội thành 3 nhóm tuyến đường khác nhau để tìm giải pháp riêng cho từng nhóm. Anh quyết định đầu tư chiếc máy tính đắt tiền có card đồ họa và phải nói hết nước hết cái mới nhờ được cậu con trai vẽ ý tưởng trên phần mềm. Anh cũng thuê flycam bay ghi hình từ trên cao ở các nút giao để dễ quan sát và xử lý thông tin. Theo tính toán của anh, nếu các dòng phương tiện được khơi thông sẽ tránh được ùn tắc, Nhà nước không phải xây cầu vượt, hầm chui đỡ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng.

Cống hiến cho cộng đồng

Năm 2017, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội mở cuộc thi chống ùn tắc giao thông. Anh gửi ý tưởng của mình đi tham dự, nhưng thất bại vì ban tổ chức quy định phải có chứng chỉ về lĩnh vực này mà anh thì không có. Không nản lòng với thất bại, anh tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn ý tưởng. Sau đó, anh gửi giải pháp của mình sang Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) rồi được chứng nhận độc quyền. Năm 2022, anh gửi giải pháp của mình đi tham dự Cuộc thi “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022” do Cục Cảnh sát giao thông, Báo Điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp tổ chức. Kết quả, giải pháp của anh đoạt giải nhất và nhận được tiền thưởng trị giá 100 triệu đồng. Điều anh vui sướng hơn là cuối năm 2022, ngành giao thông Hà Nội đã sử dụng một phần giải pháp của anh để phân luồng phương tiện ở những nút giao ùn tắc kinh niên, như: Ngã ba Vũ Trọng Khánh-Tố Hữu; Ngã Tư Sở; ngã tư Trần Duy Hưng-Nguyễn Chánh-Hoàng Minh Giám; ngã tư Lê Trọng Tấn-Quang Trung (Hà Đông); ngã tư Chu Văn An-Quang Trung (Hà Đông); ngã tư Phạm Hùng-Nguyễn Hoàng-Tôn Thất Thuyết; ngã tư Trường Chinh-Tôn Thất Tùng-Lê Trọng Tấn.

Kết quả rất khả quan, dòng phương tiện được khơi thông và không còn cảnh tắc đường như trước đây. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, Hà Nội mới chỉ áp dụng một phần chứ chưa triệt để theo đúng phương pháp anh dày công nghiên cứu. Anh chia sẻ: “Nếu giao cho tôi một nút giao ùn tắc kinh niên, tôi sẽ bỏ toàn bộ kinh phí từ giải thưởng để tổ chức lại dưới sự giám sát, hỗ trợ của cơ quan chức năng. Tôi bảo đảm sau 3-5 ngày, dòng phương tiện sẽ được khơi thông, hết cảnh ùn tắc”. Anh Tuấn thổ lộ với tôi rằng, nếu các giải pháp của anh được ứng dụng triệt để thì sẽ đem lại kết quả khả quan cho xã hội, góp phần giúp tiết kiệm ngân sách chi cho việc xây cầu vượt, hầm đường bộ hoặc mở tuyến đường mới...

Chia tay anh Tuấn, tôi khâm phục về tinh thần cống hiến của anh. Dù đã xa quân ngũ mấy chục năm, nhưng những gì thuộc về bản chất Bộ đội Cụ Hồ trong con người Dương Anh Tuấn vẫn vẹn nguyên...      

Giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để không ùn tắc của anh Dương Anh Tuấn có 3 nội dung chính:

A. Đối với những tuyến đường hai chiều có dải phân cách cứng, mỗi chiều đường rộng ít nhất 4 làn xe (khoảng 14-15m) trở lên, anh đưa ra giải pháp bỏ đèn tín hiệu giao thông tại các ngã 3, 4, 5... tạo điểm quay liên hoàn, giúp cho phương tiện di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, vì thế, không làm tăng mật độ phương tiện. Giải pháp này phù hợp với các tuyến đường: Trần Phú (Hà Đông)-Nguyễn Trãi; Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh; Phạm Hùng-Khuất Duy Tiến-Nguyễn Xiển... ở Thủ đô Hà Nội.

B. Đối với những tuyến đường hai chiều, mỗi chiều đường rộng 3 làn xe (khoảng 10,5-12m).     

+ Phương án 1: Mở rộng được lòng đường (lên 14-15m) và áp dụng bỏ đèn đỏ, tạo các điểm quay liên hoàn như giải pháp A.

+ Phương án 2: Áp dụng biện pháp liên thông đèn xanh tại các nút giao và quy định vận tốc tối thiểu, lập các điểm quay, điểm dừng chờ và phân luồng lại cho các phương tiện. Việc này giúp cho phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại do đèn đỏ hoặc bị xung đột, hoặc thời gian dừng chờ đèn đỏ ngắn hơn. Phương án này phù hợp với những tuyến đường: Tố Hữu-Lê Văn Lương-Láng Hạ-Giảng Võ; Nguyễn Hoàng-Hàm Nghi; Nguyễn Cơ Thạch... ở Thủ đô Hà Nội.

C. Đối với những tuyến đường hai chiều có mỗi chiều đường rộng 2 làn xe (khoảng 8m) trở xuống mà có các tuyến đường khác chạy song song bên cạnh và có các tuyến đường cắt ngang thì tổ chức đi một chiều. Giải pháp này phù hợp với các tuyến đường: Trần Phú-Nguyễn Thái Học cắt với các đường Lê Trực-Hùng Vương-Chu Văn An-Hoàng Diệu hoặc đường Tràng Thi-Hai Bà Trưng-Lý Thường Kiệt-Trần Hưng Đạo cắt với các đường Phan Bội Châu-Quán Sứ-Quang Trung-Bà Triệu-Phố Huế... hoặc các khu nội đô như Mỹ Đình, khu phố cổ ở Thủ đô Hà Nội. 

ĐỨC TÂM