Không chỉ làm kinh tế giỏi, vực dậy làng nghề, liên kết vùng dược liệu quý, ông còn giúp đỡ nhiều đồng đội vượt khó. Người ấy là CCB Trần Quý Bình, ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Nặng lòng với những công trình tâm linh
Ngã ba xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên tháng 4 này nắng như đổ lửa trên đá núi bỏng rát, nhưng không làm nản lòng CCB Trần Quý Bình. Giữa công trường bụi mù, tiếng máy khoan, máy đào rào rào, chát chúa, ông Bình vẫn không rời mắt dõi theo từng đường khoan, lát cắt của những người thợ. Điều làm người CCB ấy lo lắng là: “Ở mảnh đất thiêng này còn hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ (HCLS) đang nằm sâu dưới lòng đất. Mỗi tấc đất, thớ đá đều thấm máu đồng đội nên mọi công việc phải tận tình, cẩn trọng”.
Năm nào ông Bình cũng về dâng hương tại nhà bia xã Thanh Thủy. Nhìn cơ sở thờ tự có phần xuống cấp, ông không yên lòng. Mặc dù UBND xã đã có nhiều dự định nâng cấp nhưng nguồn lực quá hạn hẹp. Niềm trăn trở ấy thôi thúc ông Bình và các thành viên Câu lạc bộ (CLB) CCB Vị Xuyên đề xuất chính quyền địa phương được cùng với các Ban liên lạc Mặt trận Vị Xuyên chung tay đóng góp và huy động nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo nhà bia. Đến tháng 10-2022, UBND huyện Vị Xuyên phê duyệt công trình với tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng. Ông Bình cho hay, kể từ ngày thi công, không kể ngày mưa ngày nắng, ông đều có mặt giám sát thi công, toàn bộ số tiền vật liệu, thi công đều do ông tạm ứng. Điều tâm nguyện duy nhất của ông Bình là: “Hương hồn các liệt sĩ có mái nhà chung ấm áp trên miền biên ải!”.
 |
Ông Trần Quý Bình (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội khảo sát xây dựng nhà bia xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. |
Làm việc nghĩa, việc tình chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng! Ông Bình khẳng định rồi nhớ chuyện nâng cấp nhà bia xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên. Đó là năm 2015, lúc ấy ông Bình đã là giám đốc của một doanh nghiệp ở địa phương. Nhiều lần đến xã Lao Chải nên ông hiểu sự gian khó của chính quyền và nhân dân. Ông trình bày nguyện vọng được đồng hành với chính quyền để trùng tu nhà bia và được chấp thuận. Quá trình làm thì một số hộ dân gây khó dễ, đòi tiền đền bù đất giá cao gấp 5 lần bình thường. Nhưng ông tự nhủ “đã hứa với anh linh các liệt sĩ là phải làm và làm đến cùng”. Sau bao quyết tâm, công trình nhà bia xã Lao Chải hoàn thành với đầy đủ các hạng mục: Bia tưởng niệm, lư hương, nơi dừng chân... với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Từ năm ấy, cứ đêm Giao thừa, ông Bình lại một mình lên nhà bia thắp nén nhang tưởng nhớ các liệt sĩ...
Mặt trời đứng bóng trên các đỉnh núi Vị Xuyên, nhìn đồng hồ đã chỉ sang giờ chiều nhưng ông Bình quả quyết: “Đồng chí phải đi với tôi đến một nơi này nữa. Đây có lẽ là công trình tâm huyết nhất từ trước đến nay của tôi đối với các liệt sĩ!”. Nói rồi ông lái xe bán tải, phăng phăng đưa tôi vượt đèo dốc đến thăm công trình “để đời”. Dưới chân núi hoang sơ, căn nhà xây tường gạch, rộng rãi, thoáng mát làm chỗ nghỉ ngơi cho các đoàn khách khi về Vị Xuyên. Ngay bên cạnh là khu trưng bày kỷ vật chiến tranh biên giới, hiện đã xong phần thô. Công trình được khởi công từ năm 2022, diện tích hơn 1,6ha, bằng nguồn vốn của doanh nghiệp gia đình ông Bình, tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng...
Thắp lửa tri ân
Năm 1982, vừa tròn 17 tuổi, chàng trai thành Nam (tỉnh Nam Định) Trần Quý Bình vừa nhận giấy báo đoạt giải Nhì học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 thì cũng là lúc Trần Quý Bình viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Được huấn luyện vào chiến trường K nhưng vì yêu cầu chiến sự, Trần Quý Bình được điều lên biên giới Vị Xuyên khói lửa, biên chế vào Trung đoàn 122, Sư đoàn 313, Quân khu 2. Năm 1994, ông Bình chuyển ngành ra làm cán bộ thuộc Sở Thương mại tỉnh Hà Giang. Ngày trở về đời thường, ông Bình đã gây dựng được cơ ngơi là một doanh nghiệp tư nhân mang tên Công ty TNHH Cát Thành và 3 hợp tác xã trên mảnh đất Vị Xuyên.
Ông Bình tâm sự: “Cuộc sống bình yên trở lại nhưng biết bao đồng đội đã ngã xuống vẫn chưa tìm được hài cốt. Bản thân bố vợ tôi hy sinh trên chiến trường, bao năm trời vẫn không tìm thấy phần mộ”. Kể đến đây, giọng người CCB nghẹn lại. Là người có giai đoạn làm công tác quy tập ở Vị Xuyên nên ông hiểu, thời chiến, công tác chôn cất liệt sĩ có khi còn sơ sài. Nghĩa trang, bia mộ đóng bằng gỗ, mối mọt, khi đào lên không thấy tên tuổi. Có trường hợp giấy xác nhận còn ghi sai tên, địa chỉ, chức danh liệt sĩ... Những điều trăn trở ấy thôi thúc ông Bình lên đường hỗ trợ thân nhân tìm kiếm HCLS.
“Điểm chung của các gia đình đi tìm liệt sĩ đó là thiếu thông tin và nhân chứng. Từ thực tế ấy, tôi thành lập các trang nhóm xã hội, kêu gọi nhiều người đứng ra quản trị để kết nối thông tin”, ông Bình chia sẻ. Mạng xã hội là ảo nhưng việc làm lại là thật. Bằng chứng là từ 12 trang nhóm mạng xã hội của ông Bình đã tạo hiệu ứng tích cực, kết nối được nhiều tổ chức, cá nhân từng tham gia chiến trận, nhiều thân nhân liệt sĩ. Một lần, ông Bình nhận được tin của thân nhân liệt sĩ Ngô Văn Thành, ở Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 122. Từ những thông tin ban đầu, ông Bình cùng CLB CCB Vị Xuyên tổ chức kết nối thông tin với nhiều đồng đội, nhân chứng. Đầu năm 2023, ông cùng đồng đội và Đội Tìm kiếm, quy tập HCLS, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đón thân nhân lên thực địa tìm kiếm. Quá trình tìm kiếm đã nhận diện ra hầm nơi chôn cất liệt sĩ.
Thượng tá Thào Mí Dính, Đội trưởng Đội Tìm kiếm, quy tập HCLS, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cho hay: “Nhiều năm qua, ông Bình cùng CLB CCB đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng. Cho đến nay đã có hơn 20 trường hợp các anh kết nối được thông tin và cùng ra thực địa tìm kiếm, đánh dấu vị trí để đội quy tập lên kế hoạch khai quật. Nhiều trường hợp khó khăn, anh Bình đều ủng hộ kinh phí đi lại, ăn ở. Anh còn xây dựng nhiều công trình tri ân, được nhân dân cảm phục”.
Qua tìm hiểu và lời kể các CCB, chúng tôi còn được biết, thời gian qua, ông Bình cùng CLB CCB Vị Xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể đã phát động nhiều hoạt động tri ân. Đầu năm 2022, thực hiện phát động của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về Tết trồng cây, ông Bình cùng CLB đã đăng cai hạng mục trồng cây hoa ban xung quanh Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Hiện nay vườn cây hoa ban và hoa sim phát triển xanh tốt. Ông Bình cùng CLB còn tổ chức Lễ tri ân và thả 5.000 ngọn hoa đăng ở sông Lô; tổ chức lễ cầu siêu, trao hàng trăm suất quà tặng các CCB; phối hợp với các tổ chức thay toàn bộ cờ và hoa của gần 2.000 ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ. Những hoạt động tri ân, thiết thực đã tạo dư âm tốt đẹp.
Làm giàu cho mình và giúp đồng đội
Đến bây giờ, ông Bình vẫn nhớ chuyện bị nhiều người cười chê là gàn dở vì chuẩn bị nghỉ hưu (năm 2002) nhưng vẫn làm nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học công nghệ sau thu hoạch tại Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Ông Bình quả quyết: “Tôi làm khoa học không phải để tiến thân mà để tìm kiến thức về áp dụng vào việc làm của mình”. Bằng chứng là thời điểm đất nước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhiều ý tưởng ông đưa ra đều được hiện thực hóa. Công ty TNHH Cát Thành và 3 hợp tác xã ngày càng tiến tới.
Điều trân quý là lúc hàn vi hay đã vững về kinh tế, ông Bình vẫn luôn nghĩ về những người đồng đội của mình. Hiện nay ông Bình đang là Chủ tịch CLB CCB giúp nhau làm kinh tế huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Ông Bình cho hay, các CCB tinh thần, nghị lực vươn lên rất cao, tuy nhiên cái họ thiếu là nguồn kinh phí và kinh nghiệm làm kinh tế. Từ phương châm “Giúp nhau trao cần câu hơn là cho con cá”, CLB với 150 thành viên đã trở thành nơi để các CCB chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau làm ăn, tham quan mô hình, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến, bao tiêu sản phẩm.
Bây giờ thì thương hiệu cây nghệ Bắc Mê đã lan xa và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo ở huyện. Nhớ lại thời điểm năm 2017, ông Bình nhận thấy xã Phú Nam, huyện Bắc Mê có thổ nhưỡng phù hợp, hàm lượng curcumin cao, nhưng chưa có nhiều hộ dân trồng cây nghệ. Ông Bình gặp các hộ dân, có cả các CCB chia sẻ cách trồng cây nghệ. Mới đầu họ còn hoài nghi về hiệu quả. Để khuyến khích người dân, từ tháng 10-2017, công ty của ông đã ký kết với UBND xã Phú Nam và bà con nông dân cam kết hỗ trợ đầu tư trồng hơn 60ha nghệ. Công ty có trách nhiệm hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật; có trách nhiệm vận chuyển, thu mua tại xã; cam kết bao tiêu toàn bộ củ nghệ cao hơn giá thị trường. Chỉ một năm sau, vụ thu hoạch nghệ đầu tiên ở xã Phú Nam, người dân thu hoạch được hơn 500 tấn, thu về gần 2 tỷ đồng. Từ đó nhiều hộ dân huyện Bắc Mê đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nghệ, liên kết với công ty ông Bình, mở ra hướng đi mới nâng cao thu nhập. Cùng lúc ấy, ông Bình đầu tư dây chuyền chế biến nghệ do Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) sáng chế, thiết kế lắp đặt, với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ cao chế biến cho ra các sản phẩm trên thị trường từ cây nghệ như: Tinh bột nghệ, tinh dầu nghệ, rượu nghệ, viên nang nghệ mật ong.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bắc Mê cho biết: “Ông Bình là CCB nhiệt tình, năng nổ. Hiện nay Công ty TNHH Cát Thành là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của Bắc Mê”.
Với những việc làm ấy, người CCB 30 năm tuổi Đảng Trần Quý Bình nhận được nhiều bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh Hà Giang về tinh thần dám nghĩ, dám làm trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương và đặc biệt là tấm lòng thiện nguyện luôn thắp sáng trên miền biên ải Vị Xuyên.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN