Bà miệt mài, lặng lẽ, không quản ngại vất vả, nắng mưa đã hơn 20 năm nay.

Làm việc từ cái tâm

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cho đến sẩm tối, bà Hồng lại đến khu nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ, dọn dẹp, lau bia mộ và tỉa cây, trồng hoa trong khuôn viên làm cho nơi này luôn sạch đẹp, ấm cúng và khang trang hơn. Điều ai cũng cảm phục là dù mưa hay nắng, bà đều cặm cụi bên mộ phần các liệt sĩ như thể những người đã ngã xuống đó là thân nhân ruột thịt của bà vậy. Từ ngày bà Hồng trông nom nghĩa trang, người thân của các liệt sĩ khi đến viếng thăm đều thấy ấm lòng, một số gia đình đã quyên góp tiền mua ghế đá, bình hoa...

Khi chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ phường Đồng Mai cũng là lúc đã gần trưa nhưng vẫn thấy bà Hồng cặm cụi xách nước tưới từng khóm hoa mới trồng. Công việc có phần nặng nhọc với người phụ nữ tuổi đã cao nhưng nhìn khuôn mặt và cách trò chuyện cùng chúng tôi, thấy bà còn nhanh nhẹn lắm, bà bảo công việc này mang lại niềm vui cho mình.

Mời chúng tôi ngồi dưới tán cây hoa đại thơm ngát, bà Hồng chia sẻ về hành trình hơn 20 năm đến với công việc này: “Gia đình bên nhà chồng tôi có liệt sĩ Trần Thị Nụ đang yên nghỉ tại đây. Hơn nữa, trong tâm tôi luôn biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Chính vì nỗi niềm riêng, chung đó, tôi đã nhận trông nom nghĩa trang này và làm tất cả bằng cái tâm của mình. Có thể có người cười, bàn ra tán vào nhưng tôi nghĩ ở cái tuổi như tôi còn làm được điều gì có ích cho đời, làm tấm gương cho con cháu thì phải gắng sức làm”.

Nghe bà kể, chúng tôi cảm thấy vô cùng cảm kích trước những việc làm của bà. Và chúng tôi đều lặng người khi bà chia sẻ: “Tôi vẫn nghĩ trồng các loài hoa ở đây để nghĩa trang liệt sĩ thêm khang trang. Cây cối, hoa lá sẽ điểm tô cho sự thanh mát, làm tan đi vẻ tĩnh mịch ở nơi linh thiêng này”. Tham quan nghĩa trang chúng tôi thấy, xung quanh nghĩa trang là những bụi chuối đã trổ buồng nặng trĩu, xa xa là những luống rau xanh mà theo như bà bảo thì bà trồng để “có thêm tiền mua hương hoa dâng lên các liệt sĩ vào ngày rằm, ngày lễ, tết”.

Bà Hồng thường xuyên lau, dọn những bia mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Đồng Mai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO 

Người đồng hành với bà Hồng trong công việc “vác tù và” này là ông Lý (chồng bà). Ông Lý cũng rất vui khi chia sẻ với chúng tôi: “Thông thường mỗi ngày, bà nhà tôi có mặt ở nghĩa trang khoảng 12 tiếng đồng hồ. Có lần đang quét dọn thì bà bị ngã, tôi và con cháu phải thay phiên đến quét dọn, trông nom nghĩa trang. Nằm ở nhà nhưng bà vẫn không yên tâm, chỉ mong mau khỏi để ra chăm sóc phần mộ các liệt sĩ. Ngoài công việc của Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố số 5 và thỉnh thoảng đưa cháu đi học thì tôi lại ra đây giúp bà ấy. Ở đây nhiều cây xanh, nhiều hoa lá nên cỏ cũng rất tốt, tôi thường xuyên phụ giúp bà dọn dẹp để nghĩa trang lúc nào cũng sạch, đẹp”.

Việc làm của bà Hồng không chỉ được người bạn đời ủng hộ mà các con, các cháu của bà đều hỗ trợ và kể về việc làm của bà với niềm xúc động, tự hào. “Thực ra, ban đầu thấy bà ấy vất vả, các con cũng can ngăn, nhưng sau đó thêm trân trọng công việc bà làm. Có những hôm trưa bà không về thì con cháu lại thay nhau mang cơm cho bà. Ngồi dưới tán cây, được nghe bà kể về gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các con cháu đều thấy xúc động và cho rằng việc làm của bà rất đáng tự hào”, ông Lý chia sẻ.

“Ngôi nhà” thứ hai nghĩa tình

Những ngày này, trời đất vào thu, là mùa thay lá nên mỗi ngày bà Hồng phải quét dọn đến mấy lần. Thấy bà tuổi cao sức yếu mà vẫn chăm chỉ, miệt mài nên một số phụ nữ và trẻ em sống gần khu vực nghĩa trang đã ra quét dọn cùng, tạo nên hình ảnh đẹp ở khu dân cư. Bà Phạm Thị Thanh (52 tuổi), người dân sống gần khu vực nghĩa trang cho biết: “Bà Hồng đáng tuổi cha, tuổi mẹ tôi nên mỗi lần thấy bà dọn dẹp ở nghĩa trang, tôi đã rất suy nghĩ. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại ra phụ giúp bà dọn dẹp nghĩa trang để nơi yên nghỉ của các liệt sĩ thêm sạch đẹp. Nhiều hôm thấy bà Hồng mệt mà vẫn gắng ra làm, tôi khuyên bà nên nghỉ ngơi một thời gian thì bà bảo: “Nơi đây đã trở thành “ngôi nhà” thứ hai của tôi, đã gắn bó thân thiết thành máu thịt rồi”.

Có chồng nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Đồng Mai, bà Phùng Thị Loan thường xuyên ra thăm viếng. Bà chia sẻ: “Tôi rất cảm động và khâm phục trước tấm lòng và việc làm của bà Hồng. Từ khi có bà Hồng trông nom, tôi rất yên tâm khi phần mộ của ông ấy và các liệt sĩ không bị lạnh lẽo”.

Cảm động trước việc làm của vợ chồng bà Hồng, bà Đoàn Phương Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đồng Mai cho biết: “Bà Hồng là tấm gương phụ nữ tiêu biểu để chúng tôi học tập, noi theo. Ở bà có một tinh thần, sự nhiệt huyết, tận tâm vì cộng đồng. Công việc của hội phụ nữ chúng tôi nhiều và có những việc không tên nên rất cần tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tích cực của các hội viên mà bà Hồng là một trong những nhân tố ấy. Chúng tôi cũng đang trình lên quận hồ sơ của bà Hồng để sớm vinh danh danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND phường Đồng Mai đánh giá: “Việc trông coi nghĩa trang quả thực nhiều người không muốn làm nhưng bà Hồng lại năng nổ nhận công việc ấy. Chúng tôi rất trân trọng, đánh giá cao tinh thần của bà, nhất là khi bà đã ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi. Hơn 20 năm là quãng thời gian dài để thử thách sự bền tâm vững chí của bà Hồng trước công việc không mấy dễ dàng này. Suy từ việc của bà Hồng, chúng tôi cảm thấy mình cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đưa phường nhà ngày càng phát triển”.

Được sống ở thời hòa bình hôm nay, không chỉ bà mà tất cả mọi người đều phải luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ. Sự tận tâm, trách nhiệm của bà Hồng đối với công việc thể hiện lòng tri ân công lao của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc là hình ảnh cảm động, đẹp đẽ, nhân văn. Công việc hằng ngày tuy lặng lẽ nhưng gửi gắm điệp khúc tri ân sâu sắc, thể hiện truyền thống đền ơn đáp nghĩa, “ăn quả nhớ người trồng cây” của ông cha ta, nhắc nhở những người trẻ như chúng tôi về tinh thần, trách nhiệm với xã hội, với nhân dân.

NGÔ KHIÊM