Đối với họ, được làm theo sự mách bảo của con tim giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn chính là ý nghĩa cao cả của tuổi thanh xuân tươi đẹp.

Nối tiếp những dự án thiện nguyện

Đầu năm 2023, các thành viên CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên tất bật chuẩn bị cho dự án thiện nguyện mới có tên “Góp gạo nuôi bé”, dự kiến được triển khai vào cuối tháng 2 tại xã Bông Krang (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) với 130 học sinh tiểu học. 100% các em là người dân tộc thiểu số. Hình thức của dự án “Góp gạo nuôi bé” là mỗi em nhỏ sẽ được hỗ trợ từ các nhà hảo tâm 200.000 đồng/tháng. CLB sẽ tiếp nhận khoản đóng góp, gửi vào bếp ăn tập thể để tăng thêm dinh dưỡng mỗi bữa ăn cho học sinh. Các nhà hảo tâm cũng sẽ nắm được thông tin học sinh mà mình hỗ trợ từ những hình ảnh, thông tin do CLB cung cấp. Anh Hoàng Công Minh, Chủ nhiệm CLB cho hay: “Dự án “Góp gạo nuôi bé” được truyền cảm hứng từ một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội. Nhóm này đang giúp hơn 72.000 em học sinh tiểu học các tỉnh phía Bắc. Trước mắt, với nguồn quỹ hiện có, chúng tôi có thể hỗ trợ các em trong hơn một năm. CLB đang tiếp tục tìm kiếm và liên hệ với các nhà hảo tâm đồng hành với dự án để giúp thêm nhiều em và duy trì thời gian hỗ trợ”.

Được biết, trước dự án “Góp gạo nuôi bé”, CLB còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đó nổi bật là mô hình “Ngân hàng máu sống”, hỗ trợ nguồn máu cấp cứu trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Đây cũng là tên ban đầu của CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên. Thời còn học tập tại Trường Đại học Tây Nguyên, anh Minh là một trong những sinh viên có số lần hiến máu nhiều nhất trường. Sau đó, anh được bầu là thủ lĩnh câu lạc bộ hiến máu của trường. Nhận thấy việc hiến máu trực tiếp tại bệnh viện rất cần thiết cho các bệnh nhân cần máu khẩn cấp, anh Minh đã thành lập nhóm “Ngân hàng máu sống” thuộc câu lạc bộ hiến máu của trường, chuyên hiến máu khẩn cấp 24/7. Anh Minh cùng câu lạc bộ triển khai nhiều buổi hiến máu thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên. Ngoài hiến máu khẩn cấp tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, câu lạc bộ còn hỗ trợ máu cho các em nhỏ bị bệnh tan máu bẩm sinh, hằng tháng phải đến bệnh viện truyền máu duy trì sự sống.

Chủ nhiệm Hoàng Công Minh chủ trì cuộc họp của Câu lạc bộ trước khi thực hiện hoạt động thiện nguyện. 

Sau khi ra trường, Hoàng Công Minh tiếp tục duy trì và đổi tên nhóm thành CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên, quy mô của CLB được mở rộng để ai cũng có thể tham gia. Dưới sự điều phối của CLB, phong trào hiến máu cứu người ngày càng lớn mạnh, lan rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến hết năm 2022, CLB hỗ trợ nguồn máu cấp cứu cho hơn 3.000 bệnh nhân với hơn 8.000 đơn vị máu và tiểu cầu, trở thành CLB hiến máu lớn nhất Tây Nguyên. Việc nhận máu không mất nhiều thời gian hay thủ tục, các bệnh viện, thân nhân chỉ cần gọi vào số máy tổng đài và chia sẻ tình trạng, thông tin của người bệnh, như: Họ tên, địa chỉ, nhóm máu cần... Sau khi xác nhận thông tin, ngay lập tức, dữ liệu của người bệnh được kết nối đến tình nguyện viên hiến máu hoặc tiểu cầu.

Cùng với phong trào hiến máu, CLB còn triển khai dự án “Ngân hàng sữa mẹ”-cầu nối để các mẹ có nguồn sữa dư có thể tặng trẻ sinh non, thiếu sữa. Mô hình được triển khai vào đầu năm 2020-thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành. Khi đó, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nhờ CLB kết nối, tìm nguồn sữa mẹ để hỗ trợ các bé sinh non tại Khoa Nhi của bệnh viện. Các thành viên CLB đã tìm kiếm, kết nối với các gia đình có trẻ nhỏ mà người mẹ có sữa dư. CLB sử dụng một tủ cấp đông và túi đựng sữa để bảo quản sữa sau khi nhận. Trên mỗi túi sữa ghi rõ ràng ngày giờ nhận để xác định thời gian sử dụng. Nhờ dự án “Ngân hàng sữa mẹ”, nhiều trẻ em ở tỉnh Đắk Lắk được lớn lên khỏe mạnh. Như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Kim Điền trú tại phường Tân Lập (TP Buôn Ma Thuột). Vợ anh Điền sinh ba, lại sinh non nên đường ruột của các con yếu. Bác sĩ cho biết, để bảo đảm sức khỏe cho các cháu, cần có đủ sữa mẹ để các cháu hấp thụ chất dinh dưỡng tự nhiên. Tuy nhiên, vợ anh Điền không đủ sữa khiến gia đình lo lắng. CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên đã liên hệ và cung cấp sữa cho các con của anh Điền. Các cháu nhỏ có được nguồn sữa từ các tấm lòng hảo tâm đã phát triển khỏe mạnh.

Sau gần 3 năm hoạt động, dự án “Ngân hàng sữa mẹ” của CLB đã vận động được hơn 5.000 túi sữa, tặng khoảng 70 bé sinh non ở Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) và hàng chục trẻ thiếu sữa mẹ. Từ một điểm cho-nhận sữa ban đầu, đến nay CLB đã phát triển thêm hai điểm khác tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và tại huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk).

Hoạt động bằng cả trái tim

Chị Lê Thị Thu Nga, Phó chủ nhiệm CLB cho biết, các hoạt động cộng đồng của CLB ngày càng quy củ, phát huy hiệu quả cao nhờ tận dụng sức trẻ và sức mạnh tập thể. CLB hiện có 193 thành viên, hầu hết thành viên CLB đều trong độ tuổi thanh niên, có khát khao cống hiến sức trẻ vì cộng đồng. Dù mỗi người đều có công việc riêng nhưng khi CLB có hoạt động thì tất cả cùng góp sức. Trong mỗi dự án thiện nguyện, CLB sẽ giao cho một hoặc hai người phụ trách chính để triển khai công việc bài bản. Trước khi triển khai hoạt động, CLB tổ chức họp bàn kỹ lưỡng, các thành viên lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau. Đó là bí quyết giúp CLB duy trì hoạt động suốt 11 năm qua và ngày càng lớn mạnh.

Bên cạnh công tác kết nối nguồn máu cứu người và sữa mẹ, CLB cũng tổ chức các hoạt động giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn như: Những người đau ốm, có bệnh cần kinh phí chữa trị; kinh phí lo mai táng cho những gia đình đặc biệt khó khăn có người thân mất. Theo chị Nga, đây là hoạt động nhân đạo ý nghĩa song cũng nhạy cảm bởi liên quan đến tiền bạc. Do đó, trước khi đứng ra kêu gọi giúp đỡ cho trường hợp nào, CLB sẽ phân công thành viên xác minh thông tin đầy đủ từ chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, ủy ban MTTQ Việt Nam cấp gần nhất hoặc các bệnh viện nơi có trường hợp cần hỗ trợ... Ngoài ra, đối với các khoản tiền từ mạnh thường quân chuyển về nhờ hỗ trợ, CLB cũng thực hiện công khai và sao kê đầy đủ.

Không chỉ có tấm lòng thiện nguyện, các thành viên CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên cũng xem đây là môi trường để học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống. Sau gần 5 tháng tham gia CLB, em Lê Thị Kim Ngọc, trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột chia sẻ bản thân cảm thấy trưởng thành và cuộc sống có ý nghĩa hơn với “ngôi nhà thứ hai”. Ngọc tình cờ biết đến CLB trên mạng xã hội và đăng ký làm thành viên. Em đã kể cho người thân về việc tham gia CLB và được gia đình ủng hộ. Chứng kiến và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đã giúp cô gái trẻ trân quý những gì mình có, đồng thời học cách sẻ chia, lan tỏa tình yêu thương đến với cộng đồng.

Còn anh Lê Văn Bình trú tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột đã gắn bó với CLB từ những ngày đầu cho hay, anh luôn coi hiến máu, vận động hiến máu cứu người là ý nghĩa cuộc sống của mình. Mồng 5 Tết Quý Mão vừa qua, anh tham gia hiến tiểu cầu cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông rất nặng. Với số lượng 8 đơn vị tiểu cầu mà bệnh nhân cần để duy trì sinh mạng, anh Bình đã huy động thêm 4 tình nguyện viên tham gia. Anh cho biết, việc hiến tiểu cầu cần người có sức khỏe và phải nằm 1-2 giờ đồng hồ để máy tách lọc tiểu cầu từ trong máu. Nhiều lần hiến xong, anh mệt đến suýt ngất xỉu. Nhưng khi nhìn người bệnh “thoát cửa tử” nhờ những giọt máu của mình, bao mệt mỏi trong chàng trai đã hơn 10 lần hiến máu và 50 lần hiến tiểu cầu bỗng chốc tan biến. Mấy năm trước, để chủ động công việc và có thời gian điều phối hoạt động hiến máu, anh Bình từ bỏ công việc tại tiệm làm tóc, về nhà ở xã Ea Kao phụ giúp gia đình làm nông.

Thấu hiểu nhiều mảnh đời ở giữa lằn ranh sinh tử nên các thành viên CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên luôn cố gắng giúp đỡ bằng cả trái tim. Dù còn phải mưu sinh nhưng khi có người cần giúp đỡ, họ sẵn sàng có mặt bất kể giờ giấc. Mỗi thành viên luôn tâm niệm thông điệp “Một giọt máu cho đi-Một cuộc đời ở lại”. Hiện nay, nguồn quỹ duy trì CLB phần lớn đều do các thành viên đóng góp. Thời gian tới, CLB sẽ thành lập đội xe cấp cứu đưa đón bệnh nhân, đồng thời tiếp tục kết nối, tranh thủ sự ủng hộ của các mạnh thường quân để mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều tỉnh, thành phố khác.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH