Sẵn sàng trao đi yêu thương

Có thể nói là người giữ kỷ lục số lần hiến máu của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội), thế nhưng khi nhắc đến việc này, chị Giang lại khiêm tốn cho rằng, đó là việc làm hết sức bình thường.

“Mỗi chúng ta có thể nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo, trẻ mồ côi và những người gặp hoạn nạn được thì đừng ngần ngại khi hiến một phần máu trong cơ thể mình cho những người bệnh đang cần truyền máu”, chị Giang bắt đầu câu chuyện như thế với tôi.

Cũng theo chị Giang thì lâu nay mọi người có tâm lý e ngại vì nghĩ rằng hiến máu sẽ có hại cho sức khỏe nhưng thực tế thì không phải như vậy. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu theo chỉ dẫn của bác sĩ là có lợi cho sức khỏe. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc, đồng thời hiến máu cũng là cách tự kiểm tra và giám sát sức khỏe của mình.

Mang trong mình nhóm máu O - nhóm máu khan hiếm, cứ mỗi lần đi hiến máu chị lại cảm thấy hạnh phúc vì đã đóng góp một phần nhỏ bé đem lại niềm vui và hy vọng cho những người bệnh.

 Chị Nguyễn Thị Giang (áo đen) trong lần hiến máu tình nguyện. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chị bắt đầu hiến máu tình nguyện từ tháng 3 năm 2017 với số lượng 250ml máu, những lần sau chị đều hiến đến 350ml. Không chỉ tự nguyện hiến máu, chị luôn tích cực đồng hành cùng các chương trình: “Hành trình đỏ”, “Những giọt máu hồng”, “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”…; tích cực tuyên truyền cho hội viên, người dân hiểu rõ ý nghĩa lớn lao của hiến máu tình nguyện. Với quan niệm, “một cánh én không làm nên mùa xuân”, chị còn rủ các bạn khác để lập nhóm đi hiến cùng nhau, mỗi lần cũng được 8-10 người, tạo hiệu ứng hết sức lan tỏa.

Hiến máu thì có thể nhiều người đã và đang làm nhưng cam kết hiến mô, tạng khi qua đời là việc làm còn chưa phổ biến ở nước ta. Vậy mà người phụ nữ “chân yếu tay mềm” như chị Giang cũng sẵn sàng trao đi.

“Với suy nghĩ khi mất đi, hiến tặng mô, tạng cho đời thì mình sẽ được sống mãi trong niềm yêu thương của mọi người, hơn nữa việc cứu được dù chỉ một mạng người thật sự quý giá biết bao nhiêu và điều này khiến cho cuộc đời của người đã mất trở nên ý nghĩa, trọn vẹn hơn, tháng 2-2019, tôi đã đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Vui hơn nữa là chồng của tôi hiểu điều đó và anh ấy cũng ngỏ ý tham gia cùng tôi việc này”, chị chia sẻ.

Nhiều hoạt động trong mùa dịch

Trên cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vạn Phúc - nơi tập hợp được đông đảo hội viên phụ nữ, chị Giang đã triển khai được một số hoạt động có ý nghĩa khi trong thời gian thành phố thực hiện các chỉ thị phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Giang đã cùng với các chị em hội viên tổ chức nhiều buổi phát nhu yếu phẩm cho những người dân gặp khó khăn với 1.700 suất quà trị giá 35 triệu đồng; phát động hội viên mua tăm, chổi ủng hộ hội người mù quận Hà Đông với số tiền là 5,5 triệu đồng; vận động tặng hơn 1.000 khẩu trang y tế, hơn 500 màng chắn giọt, trong đó cá nhân chị đã ủng hộ 100 suất quà, khẩu trang, màng chắn giọt bắn trị giá 5 triệu đồng.

Thấu hiểu nỗi khó khăn của người nông dân, chị còn khởi xướng việc phụ nữ phường Vạn Phúc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nhân dân các phường Đồng Mai, phường Phú Lãm (quận Hà Đông), các huyện Quốc Oai, Hoài Đức.

Chị cũng đã cùng hội phụ nữ phường hỗ trợ lương thực cho sinh viên, công nhân công trình trên địa bàn phường bị ở lại do giãn cách xã hội. Trong quá trình đi trao quà, chị còn nhớ mãi một thanh niên người dân tộc Mông ở Lai Châu làm nghề phụ hồ trên địa bàn phường.

“Sau khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, người thanh niên này ở trong nhà đến hơn 1 tháng mà tổ dân phố mãi mới biết trường hợp này. Khi tổ dân phố gọi điện cho tôi để xin suất hỗ trợ, thực tình là chúng tôi vừa mới phát hết sạch 50 suất. Nhưng cứ nghĩ để người dân không có gì ăn nên tôi đã không chần chừ mua gạo, rau, nước mắm, muối để gửi bạn ấy trước, sau đó có các suất quà thì lại hỗ trợ tiếp cho bạn ấy những lần tiếp theo”, chị Giang kể.

 Chị Nguyễn Thị Giang (giữa) bên những phần quà chuẩn bị trao cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh nhân vật cung cấp.

Nhưng cũng có trường hợp đi trao quà khiến chị rất xúc động, như trường hợp của bà Nguyễn Thị Síu - hội viên phụ nữ tổ dân phố Chiến Thắng (phường Vạn Phúc).

Bà Síu là người khuyết tật nhưng khi đến hỗ trợ lương thực, bà nhất quyết không nhận mà đáp: “Mặc dù còn khó khăn trong việc đi lại, nhưng bản thân tôi vẫn còn hạnh phúc hơn những hoàn cảnh khác. Xin nhường những suất quà này cho các hoàn cảnh khó khăn hơn”. Không những vậy, bà còn ủng hộ 10 thùng mỳ tôm cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Khi kể lại câu chuyện này, chị Giang bảo: “Gặp những trường hợp như bà Síu ta sẽ thêm yêu và trân trọng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống này hơn”.

Một tấm gương sáng

Để ghi nhận những đóng góp của chị với cộng đồng, mới đây Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã trao tặng chị danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của chị trong suốt những năm qua.

Đánh giá về những hoạt động của chị, Phó chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Đặng Quang Hải cho biết: “Chị Giang là một cán bộ phụ nữ tiêu biểu. Chị có nhiều tâm huyết trong công tác phụ nữ, đặc biệt là hoạt động từ thiện nhân đạo và tham gia hiến máu nhân đạo. Riêng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, chị đã tích cực cùng chị em phụ nữ phường triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 Chị Nguyễn Thị Giang trao phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh nhân vật cung cấp.

Còn bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông thì cho rằng, chị Nguyễn Thị Giang là có tấm lòng nhân ái rất đáng ghi nhận trong số hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông.

“Không chọn cách thiện nguyện ồn ào, phô trương, chị Giang luôn làm theo cách đơn giản nhất có thể để lan tỏa giá trị yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn, những người cần được cứu sống bởi những giọt máu quý giá. Xã hội sẽ đẹp biết bao khi có những người “thương người như thể thương thân” như chị. Những việc làm của chị góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Thủ đô thân thiện, văn minh, thanh lịch, xứng đáng với truyền thống “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

HOÀNG TRƯỜNG