Tâm huyết với "đứa con tinh thần"
Vừa qua, bộ sách "Tiếng Việt của em" do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2019, gồm 3 tập của nhóm tác giả: TS Nguyễn Thế Dương, TS Phạm Thị Hương Quỳnh và ThS Trần Hương Thục đã giành giải Nhì-giải thưởng cao nhất trong cuộc thi "Biên soạn sách, tài liệu dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Chứng kiến quá trình nghiên cứu công phu để hoàn thiện bộ sách của nhóm tác giả khiến tôi vô cùng cảm phục tinh thần làm việc nghiêm túc, đặc biệt là tình yêu, tâm huyết của họ đối với tiếng Việt và việc gìn giữ, phát triển tiếng Việt.
Là những nhà ngôn ngữ học, đồng thời tham gia giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và trẻ em người Việt tại nước ngoài, nhóm tác giả nhận thấy, mặc dù có rất nhiều giáo trình tiếng Việt, nhưng hầu hết các tài liệu này đều được biên soạn dành cho người lớn, mà chưa có tài liệu riêng dành cho trẻ em-đối tượng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, lan tỏa tiếng Việt, thế hệ tương lai để tiếng Việt trường tồn, phát triển. Đó là lý do mà bộ sách “Tiếng Việt của em” ra đời. Đây là bộ giáo trình đầu tiên và duy nhất cho đến hiện nay xuất bản tại Việt Nam chuyên về dạy tiếng Việt cho trẻ em như một ngôn ngữ thứ hai.
Bộ sách dành riêng cho các em nhỏ là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam; là người Việt hoặc gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Bộ sách gồm 3 tập, mỗi tập có 9 bài học, 3 bài ôn tập. Ba tập sách tương ứng với trình độ A trong khung ngoại ngữ của châu Âu. Chủ đề bài học được các tác giả lựa chọn gần gũi với các em nhỏ, mỗi chủ đề gắn với một hệ thống từ vựng liên quan và các cấu trúc ngữ pháp cụ thể. Các bài tập chú trọng đến việc phát triển cả bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, giúp các em tự tin sử dụng tiếng Việt. Sách được trình bày đẹp mắt, sinh động, hiện đại với hình ảnh minh họa và màu sắc cuốn hút. Bộ sách hiện được các em nhỏ hào hứng đón nhận, đồng thời nhận được phản hồi tích cực từ giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh các em nhỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở trong nước, nhiều trung tâm dạy tiếng Việt uy tín cũng đang sử dụng bộ giáo trình này để giảng dạy.
    |
 |
Các em học sinh Trường Yêu Tiếng Việt say mê với cuốn sách "Tiếng Việt của em". Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Chị Phạm Thu Trang, Trung tâm Việt ngữ 123 VIETNAMESE, chia sẻ: “Khi tôi đang loay hoay tìm tài liệu để biên soạn giáo án, bài giảng dạy tiếng Việt cho học sinh thì biết đến bộ sách “Tiếng Việt của em”. Bộ sách hỗ trợ cho giáo viên và phụ huynh rất nhiều trong giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em. Với kinh nghiệm hơn 15 năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cho trẻ em và với hơn 3 năm dùng bộ giáo trình, tôi tự tin chia sẻ bộ sách này với các đồng nghiệp của mình”.
Hiện nay, bộ sách “Tiếng Việt của em” đã trở thành người bạn thân thiết của các em nhỏ người Việt ở nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ giáo trình đã “cháy hàng” ở nhiều quốc gia, kể cả ở Việt Nam. Tới đây, bộ sách này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu, lưu hành rộng rãi như một tài liệu học tập chính thống phục vụ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thạc sĩ Trần Hương Thục, Nghiên cứu viên Viện Ngôn ngữ học, đồng tác giả bộ sách, chia sẻ về quá trình ra đời "đứa con tinh thần" của mình: “Để đạt được chất lượng, hiệu quả, ngay từ đầu, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch khoa học, phân chia công việc cụ thể cho từng người. Sau đó, mỗi phần bản thảo được đọc và góp ý chéo nhiều lần. Việc thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh được tiến hành trong gần một năm. Từng chi tiết nhỏ, từng từ, từng dấu chấm, dấu phẩy được xem xét, chỉnh sửa thấu đáo. Đặc biệt, việc minh họa cho sách được chú trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, sao cho các em dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ. Sách không chỉ mang đến những kiến thức về ngôn ngữ mà còn là nhịp cầu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp với bạn bè quốc tế qua việc học tập của các em”.
Nhìn cách mà nhóm tác giả làm việc, tôi hiểu, họ hẳn là những người yêu tiếng Việt, thực sự tâm huyết, tận tâm với việc dạy và học tiếng Việt! Họ đã trải qua những đêm trắng miệt mài nghiên cứu, những buổi xuyên trưa để thảo luận, cân nhắc từng hình ảnh. Có nhiều cuộc tranh luận "nảy lửa", phản biện đa chiều để đưa ra phương án khả thi nhất trong thống nhất nội dung của bộ sách...
Được biết, từ thành công của bộ sách, thời gian tới, nhóm tác giả chuẩn bị viết tiếp những bộ sách tương tự ở các bậc học, các trình độ tiếp theo cho các em nhỏ.
Hành trình lan tỏa tình yêu tiếng Việt
TS Nguyễn Thế Dương, đồng tác giả bộ sách “Tiếng Việt của em”, đã có hơn 22 năm học tập, nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Anh hiện là Giám đốc Trường Yêu Tiếng Việt tại Australia. Năm 2011, anh sang Australia làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Queensland. Tại đây, anh nhận thấy tình trạng mai một tiếng mẹ đẻ của trẻ em khi sinh sống và học tập tại nước ngoài. Một số gia đình, mặc dù ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ tương lai nhưng không có đủ điều kiện về thời gian, phương tiện, phương pháp dạy tiếng Việt cho con cái. Có nhiều trường hợp, các em dần quên tiếng mẹ đẻ, ngại ngùng khi giao tiếp bằng tiếng Việt. Thậm chí, một số em trở nên "bất đồng ngôn ngữ" với bố mẹ, ông bà, nếu người trong gia đình không nói được tiếng Anh thì không thể giao tiếp với con cháu.
Nhận thấy nhu cầu giữ gìn tiếng mẹ đẻ của các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài là rất cần thiết, với kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt là tình yêu tiếng Việt, anh Dương và vợ là chị Hoàng Thị Thu Thủy đã tổ chức những lớp học dạy tiếng Việt miễn phí cho con cái của bạn bè. Đến năm 2016, anh chị quyết định thành lập Trường Yêu Tiếng Việt. Hiện tại, trường dùng chính bộ sách “Tiếng Việt của em” làm giáo trình giảng dạy chính thức. Đây là trường dạy tiếng Việt trực tuyến đầu tiên tại Australia, hiện là địa chỉ quen thuộc và yêu thích của gần 500 học sinh đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Việc học tiếng Việt ở nước ngoài, đặc biệt là đối với các em nhỏ không phải dễ dàng. Vì thế, làm thế nào để các em có hứng thú trong từng tiết học là trăn trở của TS Nguyễn Thế Dương. Với phương châm “học mà vui, vui mà học”, trong mỗi tiết học, buổi học, các em nhỏ được chơi đùa với tiếng Việt bằng nhiều trò chơi hấp dẫn, qua các hoạt động tương tác sinh động... từ đó mà tiếp thu, sử dụng để rồi yêu tiếng Việt một cách tự nhiên.
Trong chương trình học, thầy Dương và các giáo viên của trường còn lồng ghép những bài giảng về lịch sử, văn hóa, đất nước con người Việt Nam, giúp các em hiểu hơn về nguồn cội dân tộc, từ đó hướng các em phấn đấu để khi trưởng thành sẽ góp công, góp sức xây dựng quê cha, đất tổ. Các thầy, cô dạy cho các em không chỉ đơn thuần là tiếng Việt, mà cao hơn nữa là nuôi dưỡng và khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, những điều có sẵn trong dòng máu Lạc Hồng của các em. Một điều đáng mừng là hiện nay, trong khi đang có nhiều ý kiến lo lắng việc xác định môn học lịch sử là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục trung học phổ thông thì thầy Dương và đồng nghiệp lại tranh thủ từng bài học để truyền dạy cho các em đang sống ở nước ngoài hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam, điều ấy thật đáng trân quý!
Thầy Dương kể, có lần học về chủ đề Hoàng Sa và Trường Sa, anh đã rất xúc động khi thấy các em sôi nổi, say mê tìm hiểu về đảo chìm, đảo nổi, về nhà giàn và cuộc sống gian khổ của cán bộ, chiến sĩ đang vượt lên khó khăn để chắc tay súng ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay sau buổi học, anh nhận được một số bức thư các em viết gửi cho các chiến sĩ đang sinh sống, học tập, công tác trên quần đảo Trường Sa. Nét chữ dù chưa đẹp, câu từ chưa thật chuẩn xác nhưng chứa đựng những tình cảm chân thành, trong sáng, vô cùng đáng yêu, rất đáng trân trọng của các em.
    |
 |
Buổi học trực tuyến của học sinh Trường Yêu Tiếng Việt. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Đã có nhiều phản hồi tích cực của phụ huynh gửi về cho thầy Dương, như ý kiến của chị Minh Châu (sống tại Paris, Pháp) là một ví dụ: “Con trai em 9 tuổi theo học ở trường Yêu Tiếng Việt từ tháng 7-2020. Cháu rất hứng thú trong các buổi học và tiến bộ rất nhanh. Cháu đã đọc được truyện tranh bằng tiếng Việt và viết được những đoạn văn ngắn. Gia đình rất vui, cảm ơn các thầy, cô rất nhiều”.
Chia sẻ về công việc đang làm, TS Nguyễn Thế Dương không giấu được niềm xúc động xen lẫn tự hào. Theo anh, hành trình gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt nhiều năm qua đã khiến vợ chồng anh trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đến nay, anh chị rất vui mừng khi tâm huyết của mình đã giành được thành quả nhất định. Vui nhất là khi thấy tiếng Việt được nhiều trẻ em tìm đến, nghiên cứu, học tập và yêu mến.
Trò chuyện với TS Nguyễn Thế Dương, tôi cảm nhận rõ niềm say mê, lòng nhiệt huyết của anh với tiếng Việt: “Chỉ có ở nước ngoài thì mới thấy việc giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ quý giá đến nhường nào. Ở đây, chỉ cần nghe tiếng Việt là cảm thấy ấm lòng, thấy như đang ở chính quê hương mình”. Chia sẻ với tôi, anh Dương cho biết nhiều dự định: “Trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục xuất bản và hoàn thiện bộ giáo trình dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt ở nước ngoài; tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi, hướng dẫn dành cho phụ huynh, các chương trình đọc sách tiếng Việt... nhằm lan tỏa tình yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đến với các gia đình người Việt ở nước ngoài. Đồng thời, chúng tôi sẽ cùng bạn bè tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa nhằm quảng bá rộng rãi tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như nâng cao vị thế của tiếng Việt trên trường quốc tế...”.
NGỌC HÂN