Không ngại cho đi

Có chồng làm trong Ngành Tư pháp, cuộc sống không quá vất vả nhưng ngày ngày vẫn thấy cô giáo Thùy Dương tất bật bán hoa quả, đồ ăn… cho khu chung cư – công việc có thể làm mất đi khả năng sáng tạo nghệ thuật trong chị.

Tìm hiểu mới biết thực ra chị bán hàng là để… làm từ thiện. Suốt hơn 10 năm qua, chị đã thầm lặng giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn ở trong và ngoài địa bàn thành phố Hà Nội. Đôi khi là ủng hộ quà, khi thì tiền mặt cho cụ già, em nhỏ, những hoàn cảnh khó khăn mà chị biết như các trẻ em mồ côi ở chùa hay cưu mang các cụ già nghèo khó giảm sức lao động…

Cũng có khi chị cùng nhóm giáo viên, đoàn thanh niên của trường tham gia các hoạt động, như: “Mùa hè xanh tình nguyện”, “Trung thu cho em” hay nhóm bạn đi tặng quà người nghèo, xây trường cho các em nhỏ ở huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái)…

leftcenterrightdel
Cô giáo Thùy Dương (thứ 2 từ phải sang) cùng đại diện Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân trao vật phẩm thiết yếu chống dịch tại khu cách li Bệnh viện Than và khoáng sản số 1 Phan Đình Giót. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi bình thường đã vậy, khi dịch Covid-19 tràn vào nước ta, đặc biệt là khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội suốt 2 tháng ròng rã, chị đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, như: Trao hàng nghìn mũ chắn giọt bắn cùng nhiều phần quà gửi tới tuyến đầu chống dịch hay tham gia hoạt động thiện nguyện, cứu trợ những người nghèo, người lang thang cơ nhỡ với những suất cơm tình nghĩa, rồi hỗ trợ ở các điểm tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19.

Xác định “một cánh én không làm nên mùa xuân”, chị đã kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia để tạo nên sức mạnh tập thể, lan tỏa những giá trị hết sức tốt đẹp trong cộng đồng.

Mặc dù không phải là người có sức khỏe tốt nhưng suốt 5 năm qua, chị đều liên tiếp hiến máu tình nguyện. Hằng ngày xem ti vi, đọc báo thấy ở Việt Nam mỗi ngày có nhiều người bị tai nạn giao thông rồi các bệnh liên quan đến cấp cứu cần lượng máu lớn nên chị đã không ngần ngại cho đi lượng máu trong cơ thể để có thể cứu sống được người khác. Với chị, đó cũng là cách đóng góp cho cộng đồng hết sức thiết thực trong khi ai đó còn có tâm lý e ngại sợ hiến máu, sợ lượng máu sẽ không đến được địa chỉ cần đến.

leftcenterrightdel
 Cô giáo Thùy Dương chuẩn bị mũ chắn giọt bắn đi từ thiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong ký ức của mình, chị thường thoáng buồn khi kể về việc tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn đang lao đao trong cuộc chiến chống Covid-19. “Câu chuyện khiến tôi xúc động nhất thời gian qua là một hôm đi về lúc trời nhá nhem tối gần đoạn chung cư 283 Khương Trung (quận Thanh Xuân), tôi gặp một ông cụ gần 80 tuổi chở một thanh gỗ ở ngoài đường về làm củi. Cụ đi xe đạp loạng choạng và ngã ra đường. Khi tôi đến gần hỏi thăm mới biết cụ hằng ngày đi nhặt giấy vụn bán đồng nát, nhặt củi để đun. Hoàn cảnh của cụ rất khó khăn nuôi một người vợ ốm 5 năm nay, có hai người con không được minh mẫn. Tôi rút tiền cho cụ mấy đồng và cụ đã rơm rớm nước mắt khi cầm tiền nho nhỏ ấy của tôi. Đó là hình ảnh ám ảnh tôi suốt mấy tháng qua, bởi cụ cũng đáng tuổi bố mẹ mình, đáng ra ở cái tuổi ấy đáng lẽ cụ đã được nghỉ ngơi, an nhàn…”, chị Dương chia sẻ.

Ông Trần Xuân Mai, bảo vệ chung cư 283 Khương Trung, quận Thanh Xuân (quê ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) không thể quên được việc trong đợt giãn cách vừa qua chị Dương đã biếu những suất cơm nóng hổi hằng ngày. Trong sự xúc động, ông Mai kể: “Khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội các quán ăn đóng cửa, tôi không có cơm ăn mà chỉ có bánh và mỳ tôm. Một, hai bữa thì được chứ ăn cả tuần thì rất chán. Biết được điều đó nên mỗi bữa chị Dương đã nấu dư phần cơm của gia đình, hôm thì mang xuống phòng bảo vệ, hôm thì gọi tôi lên lấy. Cô giáo Dương vừa đẹp người lại đẹp nết, cô ấy có trái tim thật nhân hậu. Tôi sẽ không quên ơn huệ này”.

Không sợ thị phi

Là giáo viên tiểu học, cô giáo Thùy Dương luôn cho rằng, làm thiện thiện sẽ truyền cảm hứng sống đẹp đến mọi người chung quanh, đặc biệt là giúp các em học sinh hình thành nhân cách biết yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn và trân trọng những điều giản dị trong cuộc sống. Công việc này với chị luôn đầy ắp sự thú vị, không chỉ khiến cái tâm thanh thản mà còn cho chị cơ hội được tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội để có những trải nghiệm và cảm xúc trong sáng tác. Như trong dịp cùng một số nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc Hà Nội phát khẩu trang và tuyên truyền phòng, chống dịch tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội), chị đã viết bài hát “Niềm tin chiến thắng” để động viên tinh thần của người dân cũng như ngợi ca các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Bài hát sau đó đã được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Nhân dân tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.

leftcenterrightdel
 Cô giáo Thùy Dương và em học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bày tỏ quan điểm về việc khi mà gần đây dư luận xã hội ồn ào về việc một số nghệ sĩ làm từ thiện, chị Dương cho biết chị không ngại điều đó. “Tôi nghĩ bất kể công việc gì chúng ta làm sẽ có kẻ chê, người khen. Nếu ta cống hiến và làm những việc ta làm bằng cái tâm sáng thì sẽ không có điều gì phải sợ. Làm việc tốt mà bản thân cứ sợ bị soi mói thì đừng làm. Về phía tôi khi làm các công việc thiện nhiều năm nay luôn được người thân, gia đình, đồng nghiệp, đặc biệt là ông xã luôn đồng tình ủng hộ. Và những món quà, sự quan tâm đúng người và kịp thời nên luôn được mọi người đón nhận nhiệt thành”, chị Dương khẳng định.

Cũng theo chị mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, các cá nhân có khỏe mạnh xã hội mới khỏe mạnh. Cá nhân mỗi người luôn gắn với tập thể, có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình rất cần được sẻ chia: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của ông cha ta. “Là công dân sống trên địa bàn thành phố nên tôi luôn cố gắng nhiều nhất có thể để giúp đỡ, sẻ chia, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn để họ sống tốt hơn, thêm vững tin vào cuộc sống hơn”, chị Dương nhấn mạnh.

Tấm gương sáng về tấm lòng nhân ái

Đánh giá về những hoạt động thiện nguyện của cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương, cô giáo Lê Thị Bích Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết: “Không chỉ là cô giáo có chuyên môn vững vàng, nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của quận, cô giáo Thùy Dương còn hăng hái, nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện trên phạm vi trong và ngoài trường. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi của chúng tôi có truyền thống làm thiện nguyện của quận và cô giáo Thùy Dương là một trong những nhân tố tích cực ấy. Tôi biết mặc dù hoàn cảnh của cô ấy cũng không khá giả mấy nhưng cứ ở đâu có người khó khăn cần giúp đỡ là cô lại dang rộng vòng tay nhân ái. Ở cô giáo Dương hiện lên những đức tính cao đẹp của một nhà giáo, hết lòng yêu thương mọi người và đặc biệt con trẻ”.

leftcenterrightdel
 Cô giáo Thùy Dương hỗ trợ đo thân nhiệt cho người dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn chị Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân cho rằng, cô giáo Thùy Dương là người có tấm lòng nhân ái rất đáng ghi nhận trong số hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân. “Không chọn cách thiện nguyện ồn ào, phô trương, cô giáo Thùy Dương luôn làm theo cách đơn nhất có thể để lan tỏa giá trị yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Xã hội sẽ đẹp biết bao khi có những người “thương người như thể thương thân” như cô giáo Thùy Dương. Cô giáo Thùy Dương là tấm gương sáng để hội viên phụ nữ trong và ngoài địa bàn quận Thanh Xuân học tập, noi theo”.

“Làm thiện nguyện ngay khi không giàu” – đó chính là thông điệp mà cô giáo Thùy Dương nhắn nhủ đến mỗi người chúng ta. Hãy bắt đầu khi có thể, hãy trao yêu thương khi con tim lên tiếng và cảm thông. Hy vọng trong thời gian tới cô giáo Thùy Dương còn tiếp tục lan tỏa thật nhiều những tấm lòng của sự yêu thương.

KHÁNH NGÂN