leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hữu Địch. Ảnh nhân vật cung cấp
Tinh thần thanh niên xung phong

Hình ảnh ông Địch với mái tóc bạc, khuôn mặt gầy gò, khắc khổ nhưng luôn tươi cười, lạc quan đã trở nên quen thuộc với những ai có dịp đi qua khu vực đường Trần Hưng Đạo (đoạn gần chợ Hà Đông), nơi ngày ngày ông cùng vợ tất bật với quán nước và hàng phở. Nếu không biết thì sẽ nghĩ chắc do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng ông mới phải lam lũ mưu sinh dù đã ở cái tuổi được an nhàn, vui vầy bên con cháu. Nhưng sự thật thì không phải vậy. “Tôi bán hàng cho vui thôi chứ con cái đã trưởng thành, hai vợ chồng lương hưu cũng đủ sống, hơn nữa lại có cửa hàng ở mặt phố cho thuê. Tôi ngồi ở đây là để nếu có ai cần đến bệnh viện thì tôi sẽ chở đi được ngay”, ông Địch cười hiền từ chia sẻ.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hữu Địch trên chiếc xe ôm chở khách. Ảnh nhân vật cung cấp

Thì ra từ nhiều năm nay, ông Địch đã nhận chở xe ôm miễn phí cho bệnh nhân, đa phần là người nghèo, đến khám ở một số bệnh viện trên địa bàn quận Hà Đông và khu vực lân cận, như: Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Đông, Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Quân y 103... Bộc bạch từ việc làm này, ông bảo: “Bệnh nhân người ta đã khổ lắm rồi, nhất là với những bệnh nhân ở Bệnh viện K Tân Triều. Cuộc chiến với ung thư chưa khi nào là dễ dàng. Tiền núi, tiền sông đổ cả vào đấy. Còn phần tôi, trời thương nên dù xấp xỉ 80 tuổi vẫn còn tinh mắt, khỏe chân, khỏe tay để đi xe máy được. Chừng nào còn có người tin tưởng dám ngồi sau lưng tôi thì đấy vẫn là hạnh phúc lớn với ông lão này”.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hữu Địch cặm cụi rửa sạch chiếc mũ bảo hiểm cũ. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhưng việc chạy xe ôm miễn phí của ông Địch còn chưa khiến nhiều người quen biết ông “kinh ngạc” bằng việc ông nhặt nhạnh mũ bảo hiểm mà người ta vứt đi rồi mang về giặt sạch, sửa lai quai nếu bị hỏng để làm từ thiện. Tầng 2 của căn nhà với mặt bằng rộng khoảng trăm mét vuông của ông thênh thang, rộng rãi là thế, nhưng khi được chủ nhân của nó mang về chất đống hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm cũ lại chật chội biết bao nhiêu. Đó thành quả mà mỗi ngày ông kiên trì đi từng nhà xin từng chiếc mũ bảo hiểm cũ để thực hiện ước mơ của mình là “cho các cháu học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa đi học, rồi chăn trâu, kiếm củi, đội mũ bảo hiểm vào cũng an toàn hơn”.

Chuyến từ thiện đầu tiên, ông mang hơn 200 chiếc mũ bảo hiểm về xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - là nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông (từ đầu năm 2020, xã Thạch Đỉnh sáp nhập với xã Thạch Bàn trở thành xã Đỉnh Bàn). Gần đây, ông cũng đã ủng hộ 350 chiếc mũ bảo hiểm cho các em nhỏ ở huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình). Với ông mỗi chuyến xe chở mũ bảo hiểm đi là ông cảm thấy nhẹ lòng và càng hạnh phúc hơn khi ở nơi người nhận báo là những chiếc mũ của ông làm các em rất thích thú. Rồi không chỉ tích trữ mũ cho những trẻ em vùng sâu, vùng xa, ông còn xin quần áo cũ để mang đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu (phường Hà Cầu, quận Hà Đông).

Những việc làm của ông với những người không biết, không hiểu thì sẽ thấy ông thật “gàn dở”, thậm chí có người cho rằng ông có “vấn đề”. Nhưng dù ai có nói gì đi chăng nữa thì ông vẫn “vững như kiềng ba chân”. Bởi ông tâm niệm một điều rằng: “Năm 1959, khi mới 17 tuổi, tôi đã tham gia thanh niên xung phong mở tuyến đường chiến lược 12B Hòa Bình. Hồi ấy dù công việc rất vất vả, thậm chí hiểm nguy nhưng theo lời kêu gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ, tuổi trẻ nào có ngại chi. Ngày hôm nay cũng vậy, tôi làm việc thiện không phải vì cái danh mà xuất phát từ cái tâm, bằng tinh thần, trách nhiệm cống hiến của thế hệ thanh niên xung phong khi xưa”.

Tiếp thêm ngọn lửa đam mê

Một người cao tuổi như ông Địch còn tâm huyết làm việc thiện đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho giới trẻ rất nhiều. Bí thư Đoàn Thanh niên phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, TP Hà Nội) Lê Thị Vân Anh khẳng định, ông Địch là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo. “Tôi và nhiều bạn trẻ trên địa bàn phường Nguyễn Trãi luôn cảm phục công việc thầm lặng mà ông Địch đã và đang làm vì cộng đồng. Dù cao tuổi nhưng người cựu thanh niên xung phong ấy chưa khi nào cho phép mình nghỉ ngơi. Việc làm của ông tuy nhỏ nhưng đã mang hơi ấm tình người đến những mảnh đời khốn khó. Với những người làm công tác Đoàn như chúng tôi thì luôn cần nhất là sự nhiệt huyết, đam mê và ông Địch hội tụ đầy đủ điều đó để chúng tôi học tập”, chị Lê Thị Vân Anh nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Tấm thẻ “Cựu thanh niên xung phong làm theo lời Bác, đã có thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của ông Nguyễn Hữu Địch. 

Không chỉ là tấm gương với giới trẻ, với những thanh niên xung phong một thời với ông thì họ cũng coi ông là một “hình mẫu”. Bà Đỗ Thị Chính, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, TP Hà Nội) nhận xét: “Ông Địch là một hội viên sôi nổi, tích cực và có nhiều hoạt động xây dựng phong trào Hội cũng như có nhiều việc làm có ích cho cộng đồng. Ông là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ đã sống, cống hiến cho Tổ quốc thân yêu và khi trở về đời thường vẫn giữ được tinh thần, ý chí đáng quý như vậy. Thiết nghĩ mỗi người biết sống vì cộng đồng như ông Địch thì xã hội của chúng ta sẽ ngày càng yêu thương nhau hơn, gắn bó với nhau hơn”.

Cũng nhờ sự năng nổ, nhiệt huyết cùng với tấm lòng lương thiện, hết lòng vì mọi người, ông Địch đã được Ban Chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong 12B Hòa Bình tín nhiệm cử làm Phó Ban liên lạc và được ghi danh là “Cựu thanh niên xung phong làm theo lời Bác, đã có thành tích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trở về đời thường, tinh thần của người thanh niên xung phong trong ông Địch vẫn vững vàng, vẫn nhiệt huyết, đam mê như một thời đã qua quả thật là một điều thật đáng trân trọng.

NGUYỄN CÚC