Ông Hòa đã góp phần mang lại sự bình yên, an toàn và hạnh phúc cho nhân dân khu vực Cống Rút và nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ”...
Mang bình yên cho Cống Rút
Lời nhận xét trên về CCB Nguyễn Đình Hòe-người có hơn 24 năm không quản ngại khó khăn “vác tù và hàng tổng”-là của đồng chí Lê Văn Học, Giám đốc Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Hưng Hà (Thái Bình).
Đường đến xã Hùng Dũng như gần hơn qua các câu chuyện của đồng chí Lê Văn Học. Trước kia, thôn Nhân Phú còn có tên gọi là Cống Rút, cái tên mà mỗi khi nhắc đến, người dân trong xã đều nghĩ đến điểm đen về ANTT với nhiều loại tội phạm hình sự, ma túy và thêm nữa là tình trạng ùn tắc, va quệt, tai nạn giao thông thường xuyên. Nhưng nay, tâm sức và đóng góp của CCB Nguyễn Đình Hòe đã góp phần đưa Cống Rút "thay da đổi thịt", trở thành một điểm sáng về văn hóa của xã, huyện, với đường sá khang trang, dân cư đoàn kết.
Hơn 24 năm “vác tù và hàng tổng”, thứ tài sản đắt giá nhất ông Hòe mang về trưng bày trong căn nhà đơn sơ của mình là 84 tấm bằng khen, giấy khen của các cấp dành tặng. Lúc chúng tôi đến, ông đang trò chuyện với Thảo-một học sinh cá biệt trước kia được ông cảm hóa và giờ đây đã trở thành người thân thiết trong gia đình. “Em vẫn nói với chồng, nếu không có bác Hòe thì đời em không biết đi về đâu”-Thảo trò chuyện.
Gần khu vực Cống Rút là ngôi trường THPT Đông Hưng Hà. Ngày vừa vào học, Thảo là nỗi sợ hãi của bạn bè cùng trang lứa; là “chị đại” trong trường và được đặt biệt danh là Thảo “gấu”. Nhiều lần tham gia gây gổ, đánh nhau, “danh tiếng” của Thảo được ông Hòe biết đến. Năm học lớp 11, có lần vì mâu thuẫn với một bạn trai, Thảo kéo theo đàn em chặn đường với ý định dạy cho một bài học. Đúng lúc đó, ông Hòe cũng vừa thực hiện nhiệm vụ điều phối giao thông ở khu vực đó. Thấy vậy, ông liền đến can ngăn Thảo và đám bạn. Thảo dừng tay, gườm gườm nhìn ông rồi quay sang cậu học sinh kia đe dọa: “Hôm nay nể mặt “ông già” không thì tao đâm chết mày rồi!”.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hòe (bên phải) bên tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2021. |
Sau đó ít lâu, ông Hòe trên đường về tình cờ gặp Thảo đứng thơ thẩn ở cổng trường một mình. Ông liền bước tới bắt chuyện và đề nghị đưa Thảo về. Dọc đường, qua tâm sự ông thấy, sâu thẳm trong vẻ bề ngoài hung dữ và bất cần thì Thảo thông minh, ngay thẳng, tấm lòng biết yêu thương, che chở kẻ yếu và khát vọng vươn lên...
Chính vì thế, ông quyết tâm tiếp cận để cảm hóa Thảo đến với những điều tốt đẹp. Và chính bằng tấm lòng nhân hậu, chân thành của người CCB, Thảo đã hiểu, mình đang lầm đường lạc lối, rồi từng bước điều chỉnh, chú tâm vào học tập để thay đổi. Từ một học sinh cá biệt trong học kỳ 1 lớp 11, ở học kỳ 2, Thảo vươn lên học lực khá, rồi sau khi tốt nghiệp lớp 12, Thảo thi đỗ đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thảo đi làm rồi lấy chồng, sinh sống ở Hà Nội. Nhiều năm qua, Thảo luôn coi bác Hòe như người cha thứ hai của mình. Mỗi lần về quê, đến thăm và tâm sự với bác, Thảo cảm thấy như là một liệu pháp tiếp thêm nghị lực sống đẹp, sống có ích.
- Tham gia ngăn cản các vụ việc đánh nhau và hòa giải những đụng độ do tai nạn giao thông, ngoài việc mất thời gian thì bác có gặp nguy hiểm gì không?”-chúng tôi hỏi ông.
- Nguy hiểm lắm, bởi họ đang hùng hổ mà mình lại lao vào can ngăn có khi còn bị vạ lây. Bản thân tôi nhiều khi còn bị các đối tượng xách dao đến nhà dọa dẫm-ông chân chất trả lời.
Ông bảo, nói không sợ thì cũng không phải, nhưng nhìn thấy cảnh quê hương phức tạp về tệ nạn xã hội, mất ATGT, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của người dân, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được rèn luyện qua chiến tranh giúp ông biết cách xử trí hợp lý để làm người “hòa giải”, giữ gìn trật tự xã hội và ATGT. Tiếng lành đồn xa, ông được công an huyện tin tưởng và động viên thành lập tổ tự quản ATGT và ANTT để quy tụ mọi người cùng góp công sức xây dựng quê hương.
Năm 2000, Tổ tự quản ATGT và ANTT thôn Nhân Phú chính thức có quyết định thành lập với thành viên nòng cốt là các CCB đang sinh sống trên địa bàn. Ông Hòe được bầu là tổ trưởng. “Nghe tên vậy thôi, nhưng để tổ tự quản hoạt động, mọi người đều phải trích lương hưu, trợ cấp để mua sắm trang bị, như: Còi, băng ANTT...”-ông Hòe chia sẻ.
Từ đó trở đi, đều đặn mỗi ngày, chẳng quản nắng mưa, các thành viên trong tổ lần lượt thay nhau duy trì, giải tỏa ách tắc giao thông ở khu vực Cống Rút. Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các cháu học sinh, ông Hòe còn đề xuất Ban ATGT tỉnh dựng bản tin giao thông, đưa hình ảnh về những vụ tai nạn giao thông, có cảnh báo và phân tích nguyên nhân, đồng thời phổ biến Luật Giao thông đường bộ vào các trường THPT trong tỉnh. Đồng thời, ông đề xuất và giúp nhiều trường tổ chức giờ học ngoại khóa chuyên đề về ATGT... Ngoài ra, hễ nhận được tin báo nơi đâu có tai nạn giao thông, nơi đâu có những vụ gây rối trật tự công cộng, các thành viên trong tổ lại tức tốc lên đường hòa giải hoặc sơ cứu nạn nhân trước khi đưa đến bệnh viện.
Còn thời gian rảnh, mọi người lại không quản vất vả, khó khăn đến từng hộ dân tuyên truyền, giải thích, phân tích để người dân hiểu và chấp hành các chính sách, pháp luật. Lúc đầu, nhiều người bảo ông Hòe rảnh chuyện, thế nhưng khi thấy tình hình ANTT và ATGT nơi Cống Rút ngày càng chuyển biến, người dân mới nhận ra những cống hiến thầm lặng, cao đẹp của ông Hòe và cùng chung tay, góp sức để xây dựng Cống Rút thành điểm sáng văn hóa. Tình trạng gây gổ đánh nhau gây mất trật tự công cộng, tai nạn giao thông giảm, nhiều năm liền không có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra, chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi bán hàng, đặt biển quảng cáo...
Dệt hạnh phúc đoàn viên
Được ông Hòe cho xem những cuốn sổ ghi chép công việc của tổ tự quản, chúng tôi bắt gặp một cuốn sổ có ghi tên và nơi chôn cất của các liệt sĩ trong tỉnh Thái Bình. Thấy lạ, chúng tôi đặt vấn đề và được ông chia sẻ:
- Năm 2016, nhân chuyến về nguồn của Ban liên lạc truyền thống CCB Đoàn 770, Cục Hậu cần Miền (B2), chúng tôi đã hình thành ý tưởng thu thập thông tin nơi chôn cất các liệt sĩ quê ở Thái Bình về thân nhân gia đình. Từ đó, việc làm này trở thành thường xuyên của riêng tôi và ban liên lạc.
Nhắc đến đồng đội, giọng ông chùng xuống: “Các đồng đội hy sinh để chúng tôi được sống. Ân tình sâu nặng này được những người còn sống luôn mang trong lòng”.
Ông Hòe sinh năm 1949, ở xã An Châu (Đông Hưng, Thái Bình). Năm 1970, ông nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe Đoàn 770, Cục Hậu cần Miền (B2). Năm 1973, trên đường đi thực hiện nhiệm vụ thì xe của ông bị trúng mìn. Ông Hòe nhớ lại: “Về sau tôi được nghe kể, khi mọi người thấy tôi nằm bất tỉnh, máu chảy thấm hết áo quần, ai cũng tưởng tôi đã chết nên đi cấp cứu người bị thương trước. Sau đó, mọi người quay lại để lấy xác tôi đưa về thì mới biết tôi còn sống, liền đưa về Trạm xá K20 cứu chữa”.
Tính mạng ông Hòe lúc đó như “ngàn cân treo sợi tóc” vì mất máu nhiều. Rất may, y sĩ Huỳnh Thị Tuyết Lan có chung nhóm máu đã tiếp máu cho ông, nhờ đó ông được cứu sống.
Những ngày trong chiến đấu, ông Hòe chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, vùi chôn cùng ước mơ trở về quê nhà và một mái ấm gia đình rộn tiếng cười trẻ thơ. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương, ông lại phải chứng kiến nỗi khắc khoải chờ chồng, chờ con mỏi mòn, vô vọng của những người vợ, người mẹ. Điều đó khiến ông trăn trở suy nghĩ. Năm 2016, khi thăm lại chiến trường xưa, lúc thắp nén tâm nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong lòng ông nảy ra ý tưởng thu thập thông tin liệt sĩ của tỉnh Thái Bình ở các nghĩa trang để thông tin về gia đình thân nhân liệt sĩ.
Từ đó đến nay, các đồng đội đã cùng ông ghi chép, tổng hợp được thông tin của 285 liệt sĩ quê ở Thái Bình đang an nghỉ tại 25 nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ miền Đông Nam Bộ. Ông phân chia theo địa chỉ các xã, các huyện rồi gửi cho Hội CCB tỉnh Thái Bình nhờ thông qua các CCB để gửi thông tin về mộ liệt sĩ. Ông chia sẻ: “Rất nhiều gia đình liệt sĩ đã liên lạc với chúng tôi và được cung cấp thông tin về nơi an nghỉ của liệt sĩ. Đến giờ đã có 9 liệt sĩ được gia đình đưa về an táng tại quê nhà, như liệt sĩ: Phạm Bá Quang, quê ở Hòa Tiến, huyện Hưng Hà hay Hoàng Văn Quý, quê ở Đoan Hùng, huyện Hưng Hà...
Bằng cả tấm lòng nhiệt huyết, CCB, thương binh Nguyễn Đình Hòe đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Niềm tin yêu của cấp ủy, chính quyền và người dân dành cho ông và các CCB tổ tự quản ATGT và ANTT đích thực là phần thưởng lớn nhất, cao quý nhất dành cho một CCB, thương binh luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ