Tổng thống Cộng hòa Phần Lan Ta-ri-a Ha-lô-nen
Hôm nay, nữ Tổng thống Cộng hòa Phần Lan Ta-ri-a Ha-lô-nen và phu quân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước ta từ 21 đến 23-2 theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân. Tổng thống Ta-ri-a Ha-lô-nen trở thành nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên tới thăm Việt Nam ngay sau Tết Mậu Tý trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Phần Lan trong 35 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Là một trong những nước Tây Âu đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (25-1-1973), CH Phần Lan luôn duy trì một chính sách hợp tác, hữu nghị, liên tục giúp Việt Nam ngay cả trong những năm Việt Nam gặp khó khăn nhất do bị các nước phương Tây bao vây, cấm vận. Phần Lan không áp đặt các điều kiện về chính trị trong chính sách viện trợ đối với Việt Nam. Từ 1974 đến 1993, Phần Lan đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 180 triệu USD phục vụ các dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng tại Hải Phòng, xây dựng và cải tạo hệ thống cấp nước Hà Nội, cải tạo và mở rộng hệ thống cấp nước ở Hải Phòng. Đó là những dự án có hiệu quả lớn, người dân Hà Nội và Hải Phòng từng có câu cửa miệng “nước Phần Lan”. Từ 1993 đến 2006, Phần Lan đã viện trợ cho Việt Nam 199,9 triệu USD để mở rộng sự giúp đỡ sang nhiều lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, văn hóa, năng lượng. Số tiền viện trợ không hoàn lại hiện nay tập trung vào làm 6 dự án mà 2 bên đã thỏa thuận. Tiếp tục chính sách giúp đỡ Việt Nam, Phần Lan khẳng định sẽ hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2010. Với Việt Nam, Phần Lan luôn là một trong những đối tác viện trợ phát triển (ODA) truyền thống và hiệu quả. Năm 2008 này, Phần Lan sẽ dành cho Việt Nam gần 32 triệu USD phục vụ các chương trình phát triển quan trọng. Từ năm 2003, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội duy trì một quỹ địa phương 500 nghìn ơ-rô/năm và Đại sứ có quyền quyết định cho từng dự án nhỏ và vừa với quy mô khoảng từ 30 nghìn đến 50 nghìn ơ-rô mỗi dự án. Về phần mình, Việt Nam luôn sử dụng các khoản viện trợ của Phần Lan một cách hiệu quả và được phía Phần Lan ghi nhận trong các lĩnh vực ưu tiên như xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, cấp nước, trồng rừng...

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Phần Lan đang phát triển tốt đẹp trên cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, hợp tác phát triển và khoa học-công nghệ. Hai bên vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao, cả ở cấp đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, hai bên cũng nhận rõ rằng quan hệ hợp tác kinh tế song phương chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Thương mại hai chiều còn khiêm tốn, đạt 190 triệu USD năm 2007. Đầu tư trực tiếp từ Phần Lan vào Việt Nam mới đạt khoảng 65 triệu USD. Trao đổi thương mại giữa hai nước mới ở mức khiêm tốn, đạt 190 triệu USD năm 2007.

Để tăng cường quan hệ mọi mặt với Việt Nam, gần đây, Chính phủ Phần Lan đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước đối tác lâu dài trong hợp tác phát triển song phương. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Phần Lan, đồng thời khẳng định cơ hội phát triển và hợp tác kinh tế cho cả hai quốc gia.

Trên cơ sở chính sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam, thiện cảm và sự giúp đỡ vô tư mà Phần Lan vẫn dành cho Việt Nam, có thể khẳng định rằng, chuyến thăm của Tổng thống Ta-ri-a Ha-lô-nen và phu quân nhất định sẽ tạo mốc son mới thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương vì lợi ích của các doanh nghiệp và nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển bền vững.