Hiện nay đang tồn tại một thực tế là những thông tin bị bóp méo, xuyên tạc hoặc suy diễn, các loại phim ảnh ngoài luồng, các ấn phẩm sách báo có nội dung không lành mạnh được tán phát tràn lan trên mạng Internet có tác động nguy hại đến nhận thức, tư tưởng của những người sử dụng mạng, nhất là lớp trẻ. Không phải ngẫu nhiên, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị đã sử dụng mạng Internet như một phương tiện lợi hại để tiến công, chống phá chúng ta về tư tưởng, văn hóa. Chúng đã và đang sử dụng triệt để vũ khí này để làm xói mòn niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kích động ý thức chống đối, lật đổ nhà nước, xóa bỏ chế độ... Đây là một chiến thuật hết sức nguy hiểm trong toàn bộ “chiến lược diễn biến hòa bình”.

Là thành viên của WTO, theo đúng cam kết, chúng ta đã mở cửa giao lưu, hội nhập với thế giới trên nhiều lĩnh vực, nên không bàn đến việc hạn chế hay đóng cửa Internet. Ngoài ra phải thấy rằng, lợi ích mà sự mở cửa đó cũng như lợi ích do phát triển Internet mang lại là không thể phủ nhận. Thông qua mạng Internet, chúng ta có cơ hội tiếp cận với kho tài nguyên trí tuệ của thế giới một cách tức thời, đồng nghĩa với việc thụ hưởng những thành tựu mới nhất mà thông tin toàn cầu mang lại. Chẳng hạn, thông qua mở cửa, chúng ta đã có thể tận dụng kỹ thuật tiên tiến của thế giới để tạo nên những bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, một trong số những nền tảng cơ bản của bất cứ quốc gia nào muốn tiếp tục phát triển. Các tầng lớp học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giáo sư... cần tư liệu trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu của mình; những người nông dân hằng ngày quen với đồng ruộng, ao chuồng cần tìm hiểu kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi; các doanh nghiệp cần ứng dụng tiến bộ khoa học cho sản xuất hay tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... đều dễ dàng tìm thấy những gì họ cần chỉ bằng một cú nhấp chuột. Điều đó không chỉ khiến công việc của họ dễ dàng hơn, nhanh chóng thành công hơn, mà còn giúp họ tự đánh giá mình khách quan hơn để tiến bộ.

Tuy nhiên, trên xa lộ thông tin toàn cầu không chỉ có cái hay, cái đẹp mà còn đầy rẫy thông tin và các sản phẩm văn hóa xấu độc, phản cảm, phản động... cố tình làm tha hóa nền tảng văn hóa lành mạnh, thuần phong mỹ tục của dân tộc; làm sai lệch nhận thức đúng đắn của người dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa, vào con đường, mục tiêu lý tưởng cách mạng mà nhân dân dân ta đã lựa chọn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có rất nhiều website được lập ra chuyên để “chế tác” và tán phát những tài liệu phản động, truyền bá tư tưởng và lối sống tư sản, trong đó có các loại văn hóa xấu độc, quảng bá lối sống sa đọa trong xã hội tư bản, kích động bạo lực và tình dục… Một số người thuộc tầng lớp trí thức đủ loại ngang nhiên lập trang web, blog, sử dụng các mạng xã hội truyền bá tư tưởng phản động, kích động lật đổ chính quyền, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng ( như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim trong vụ án đã xét xử tại phiên tòa hồi cuối tháng 12-2009).

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta đóng cửa Internet, chịu sự cách biệt với thế giới, từ bỏ nguồn tài nguyên khổng lồ về kiến thức, trí tuệ của nhân loại. Vì lợi ích phát triển của đất nước, chúng ta còn phải đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển Internet ở Việt Nam, sử dụng một cách hiệu quả nhất tài nguyên thông tin của thế giới. Chúng ta đã, đang và nhất định sẽ phải tiếp tục hành động.

Còn nhớ khi cách mạng Việt Nam đang trong giai đoạn “trứng nước”, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đang bị đe dọa hằng ngày, hằng giờ trước thù trong giặc ngoài, nhà cách mạng, nhà thơ Tố Hữu từng có những câu thơ nói về lòng tin son sắt của dân với Đảng, với Bác Hồ: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Ở thời điểm hiện nay, chúng ta cũng đang cần để mỗi người dân, đặc biệt là lớp trẻ tạo cho mình một thế đứng vững vàng của “kiềng ba chân” trong bản lĩnh chính trị, trong lòng tin và trong hành động. Mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ, những người thường xuyên sử dụng Internet cho học tập, nghiên cứu và làm việc, cần được trang bị và tự trang bị hai vấn đề: Một là khả năng nhận thức đúng bản chất thông tin và hiểu được xu hướng phát triển tất yếu của đất nước theo định hướng XHCN và xu hướng tất yếu của thời đại mà chúng ta đang sống; hai là khả năng tạo ra “kháng nguyên” về mặt chính trị, tư tưởng, văn hóa trước những xâm nhập dù là bất ngờ và tinh vi nhất của những thông tin mang ý đồ xuyên tạc, bôi nhọ, làm lung lạc niềm tin, phá vỡ sự đồng thuận xã hội.

Để đạt được những điều nói trên, cần không ngừng nâng cao lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh niên, thiếu niên…trước hết là nâng cao nhận thức về Đảng, về lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, giáo dục bản sắc văn hóa Việt Nam... Việc cung cấp, phổ biến những thông tin chính thống, đúng đắn, có tính định hướng cao cần thông qua nhiều kênh,với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Cần coi trọng kênh thông tin chính thống là hệ thống các báo mạng, các trang thông tin của các cơ quan báo chí, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp... Nếu các thế lực thù địch sử dụng Internet để phát tán thông tin xấu thì chúng ta hoàn toàn cũng có thể và cần thiết sử dụng mạng lưới lợi hại này để vô hiệu hóa chúng. Để làm được việc đó phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động trí tuệ của nhiều đối tượng. Hoàn toàn có thể huy động sức mạnh toàn dân vào công việc này như chúng ta đã tổ chức thắng lợi “thế trận chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân” để giành thắng lợi trong đấu tranh vũ trang, xây dựng và củng cố quốc phòng. Cụ thể, phải sử dụng có hiệu quả cả các báo mạng của các cơ quan trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương và các trang thông tin của các đoàn thể chính trị xã hội, xã hội, nghề nghiệp như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên, Nhi đồng; các tổ chức xã hội như Hội văn hóa nghệ thuật, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội cán bộ hưu trí, Hội doanh nghiệp các cấp; các nhóm sở thích như câu lạc bộ cây, cá cảnh, cờ vua, cờ tướng... Cần thiết tập hợp và sử dụng những cá nhân có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, có năng lực tổ chức diễn đàn, một hình thức thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Qua đó cung cấp, phổ biến luồng thông tin chính thống, bảo đảm tính chính xác của thông tin, tính phân tích, tính định hướng, dùng thông tin chính thống đè bẹp thứ thông tin xấu độc, kích động, phản động. Để làm được điều này, báo mạng, trang tin và diễn đàn chính thống cần được đầu tư để có chất lượng vượt trội, thu hút được sự quan tâm và sự tham gia của đông đảo công chúng mạng. Cần khuyến khích phát triển thông tin chính thống trên cơ sở giám sát hoạt động bằng nhiều hình thức, chứ không hạn chế thông tin. Hạn chế thông tin chính là tạo cơ hội để văn hóa xấu độc chiếm lĩnh mặt trận chính trị, văn hóa, tư tưởng.

Để có thể dùng thông tin chính thống đè bẹp thông tin “nghiêng ngả”, xấu độc, chúng ta phải kiến tạo và vận hành ổn định, có hiệu quả một mạng lưới thông tin chính thống dày đặc, hữu hiệu và có định hướng trên mạng Internet. Lúc đó, người dùng Internet chắc chắn sẽ bắt gặp phần nhiều là thông tin sạch, từ vô số nguồn đã được định hướng. Họ sẽ có đủ bản lĩnh để ứng xử khi đối mặt với “thông tin rác”. Một khi được thường xuyên tiếp cận những thông tin lành mạnh, chính thống, người đọc sẽ tự nâng tầm hiểu biết của mình lên và họ sẽ tự giác bác bỏ, từ chối tiếp nhận những thông tin xấu, có nội dung sai lệch. Tức là người tiếp cận thông tin đã được “miễn dịch”, họ sẽ vững vàng hơn, tỉnh táo hơn trong môi trường có lẫn những luồng thông tin phản động, độc hại.

Như vậy, khi cái thế “kiềng ba chân” trong bản lĩnh chính trị của mỗi người dân đã được củng cố vững chắc thì chiến thuật dùng thông tin “đen” để phá hoại lòng tin trong toàn bộ “chiến lược diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch sẽ hoàn toàn bị phá sản.

 Đại tá, thạc sĩ  Phạm Ngọc Hùng