 |
Phong cảnh đẹp tại vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Internet
|
Vịnh Bái Tử Long ở vùng biển Đông Bắc không chỉ đẹp như một bức tranh thủy mặc, mà còn có môi trường rất sạch sẽ, hoang sơ, dồi dào dinh dưỡng, có hệ thống đảo bao bọc che chắn gió bão nên cực kỳ thuận lợi cho nuôi trồng hải sản. Tận dụng lợi thế này, nhiều gia đình ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đầu tư nuôi các loại hải sản trên vịnh Bái Tử Long, như: Cá song, vẹm xanh, trai ngọc, sò huyết, bào ngư... Đặc biệt mấy năm gần đây, không ít gia đình đã trở nên giàu có nhờ nuôi tu hài.
Con tu hài có hình dạng giống con trai nước ngọt, sống ở vùng biển nông đến 5 mét nước, đáy bùn cát, môi trường sống có độ mặn 25-30‰ và tương đối ổn định. Cái hay của nuôi tu hài là không cần cho ăn (tu hài chỉ ăn phù du), ít bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, công chăm sóc không đáng kể (chỉ cần cấy tu hài giống vào các rọ đựng cát và thả xuống biển). Tu hài lại rất “thân thiện” với môi trường, không làm ô nhiễm nguồn nước.
Tu hài được coi là đặc sản bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, chế biến thành nhiều món ăn rất “khoái khẩu” nên được các nhà hàng, khách sạn thu mua với giá đắt (từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg tùy từng thời điểm, loại to - nhỏ). Một “chuyên gia tu hài” trên vịnh Bái Tử Long trình bày với tôi phép tính đơn giản: Đầu tư tất cả các khoản để nuôi 10 vạn con tu hài hết khoảng 40 triệu đồng. Sau một năm, 10 vạn con cho thu hoạch từ 4 đến 5 tấn (15 – 20 con/kg), giá tu hài tính bình quân xấp xỉ 200.000 đồng/kg. Như vậy, ngay vụ đầu đã lãi gấp đôi, vụ thứ hai trở đi sẽ lãi gấp 3 – 4 lần, vì không phải đầu tư gì khác ngoài con giống. Mỗi gia đình có thể nuôi vài chục vạn con. Hiện vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh đã có một số “tỉ phú tu hài” như ông Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Lục (đảo Trà Bản), bà Trần Thị Đào (đảo Ngọc Vừng), ông Đỗ Hữu Tờ (đảo Bánh Sữa)…
Nuôi tu hài mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không ô nhiễm môi trường biển, bảo đảm sự phát triển bền vững nên không riêng tỉnh Quảng Ninh đang mở rộng nuôi tu hài trên vịnh Bái Tử Long mà một số địa phương ven biển khác cũng đã triển khai nuôi tu hài ở những vùng biển có môi trường thuận lợi. Hiện đặc sản tu hài không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị.
MINH HẠ