Cách đây 60 năm, ngày 30-10-1949, thực hiện chủ trương tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của các lực lượng quân sự Việt Nam tại Lào, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam và Lào, đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp Lào.
 |
Đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHDCND Lào thăm Sư đoàn 31 tại Cánh Đồng Chum, tháng 12-1974. Ảnh tư liệu
|
Tình đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt-Lào là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trên cơ sở hoàn toàn nhất trí giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam-Lào, các đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam ở Lào đã sát cánh chiến đấu và công tác, giúp bạn xây dựng lực lượng chính trị, quân sự theo phương hướng để bạn tự đảm nhận được nhiệm vụ cách mạng của mình và giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách quân sự và đối ngoại của Đảng, bám sát thực tiễn cách mạng Lào, kiến nghị những vấn đề quan trọng, đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, xây dựng và chiến đấu của quân đội; phát động nhân dân đấu tranh, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, coi đó là nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Đó là tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu thủy chung, sắt son hiếm có được hai Đảng dày công vun đắp, là quá trình phát triển, một nhân tố quyết định của thắng lợi mỗi nước.
Phát biểu chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam ngày 16-12-1976, đồng chí Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn khẳng định: Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam có quyền tự hào vì những đóng góp máu xương vào thắng lợi của quân và dân Lào anh em trong suốt chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu và công tác trên đất nước Triệu Voi anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân trao phó.
Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Lào do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân cơ bản, quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh “Giúp Bạn là tự giúp mình”.
Nhằm tăng cường tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nắm vững đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất trong quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.
Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống vốn có trong lịch sử, Đảng ta xác định giúp cách mạng Lào một cách toàn diện và bằng nhiều phương thức, trong đó về quân sự có hai phương thức chủ yếu là Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự. Trong bối cảnh cách mạng Lào còn non yếu, nhất là phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mạnh gấp nhiều lần, thì Việt Nam giúp Lào về quân sự đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn. Nắm vững nguyên tắc đoàn kết, giúp đỡ nhau trong xây dựng và chiến đấu, Đảng ta đã thường xuyên giáo dục, quán triệt cho Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam phải nắm vững đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh để giúp bạn đúng đắn, hiệu quả. Tháng 3-1948, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam ra chỉ thị nêu rõ quan điểm: Chúng ta đứng trên lập trường giúp nhân dân Lào giải phóng khỏi ách thực dân Pháp, cho nên về chính trị, công việc vận động dân tộc Lào phải đi đến chỗ để cho anh em cán bộ Lào tự phụ trách. Về quân sự, nên đi đến chỗ thành lập đội quân Lào-Việt; cán bộ ta sẽ hết sức giúp đỡ đội quân ấy. Về chủ trương cũng như hành động, tuyệt đối không được có điều gì làm cho anh em Lào hiểu lầm sự giúp đỡ của quân và dân Việt Nam1.
Đến năm 1952, khi cục diện cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng như Lào có bước chuyển biến mạnh mẽ, đề cập tới nhiệm vụ sát cánh chiến đấu với quân và dân Lào anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sự thật thì chưa tìm ra chữ gì để thay chữ giúp, thực ra không phải là giúp mà là làm một nhiệm vụ quốc tế”2. Đây chính là quan điểm tư tưởng chỉ đạo về đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam, và là một trong những nhân tố hết sức quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân đội và nhân dân hai nước Việt-Lào giành thắng lợi.
Quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng và tư tưởng “Giúp Bạn là tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi hoạt động của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam ở Lào, từ xây dựng đến chiến đấu, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, đều thống nhất theo quan điểm, giúp Bạn tự đảm đương được sự nghiệp cách mạng, ra sức vươn lên tự làm chủ trong xây dựng, chiến đấu, công tác, không ngừng trưởng thành và giành thắng lợi. Để giúp bạn đạt được những mục tiêu cơ bản đó, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện sai trái, sớm đưa mọi hoạt động trong công tác giúp bạn theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng ta.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến, theo yêu cầu của Bạn, Việt Nam đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu và làm chuyên gia giúp cách mạng Lào. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự đã đồng cam cộng khổ cùng quân và dân Lào anh em, gắn bó máu thịt và không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của Lào, được nhân dân Lào tin yêu, đùm bọc, chở che, giúp đỡ như con em ruột thịt. Được như vậy là vì Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam luôn thấm nhuần quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu giúp cách mạng và nhân dân Lào giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi cuối cùng.
2. Đoàn kết đặc biệt Việt-Lào trong xây dựng và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Lào.
Mặc dù cùng chung nhiệm vụ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng do cách mạng mỗi nước phát triển không đều, nên việc vận dụng đường lối cũng như các quan điểm giúp bạn phải được nghiên cứu, bàn bạc thống nhất, phù hợp với tình hình của cách mạng Lào trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng và kháng chiến; đồng thời, phải không ngừng tăng cường đoàn kết ngày càng chặt chẽ, bền vững trong công cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Ngay sau khi Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la thành lập (12-10-1945), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước đầu tiên công nhận nền độc lập của Lào, sau đó hai nước ký “Hiệp ước hợp tác tương trợ Lào-Việt” (16-10-1945) và thỏa thuận tổ chức Liên quân Lào-Việt (30-10-1945). Đây là cơ sở pháp lý, đặt nền móng để xây dựng, củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Để phát triển tình đoàn kết, liên minh chiến đấu ngày càng bền chặt trong suốt quá trình kháng chiến, lãnh đạo hai nước rất coi trọng việc trao đổi để kịp thời thống nhất về những quan điểm, chủ trương, biện pháp trong xây dựng và chiến đấu, đặc biệt là ở những thời điểm phát triển quan trọng của sự nghiệp kháng chiến mỗi nước. Những năm 1946-1950, khi Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la sơ tán sang Thái Lan, ở Lào chưa thành lập được Chính phủ kháng chiến, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn duy trì sự liên hệ, trao đổi với các cán bộ lãnh đạo Lào ở Đông Lào, Tây Bắc Lào, Trung-Hạ Lào để nắm chắc tình hình, cùng thống nhất nhận thức và hành động.
Đặc biệt, khi Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la và Chính phủ kháng chiến Lào được thành lập (1950) do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Chủ tịch Mặt trận và Thủ tướng Chính phủ kháng chiến, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quan hệ đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt-Lào phát triển lên trình độ mới, vững chắc hơn. Mọi vấn đề đều được lãnh đạo hai nước bàn bạc đi đến thống nhất về đường lối, chủ trương, trên cơ sở đó tăng cường các biện pháp liên minh chiến đấu, đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Đến tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào và Miên (Cam-pu-chia) một Đảng cách mạng thích hợp; đã nhận được sự đồng tình thống nhất của cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Lào, phù hợp với nguyện vọng của những người yêu nước Lào; bởi nó phát huy được tinh thần độc lập tự chủ của mỗi nước, đồng thời tăng cường đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào, cũng như đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương cùng chống kẻ thù chung3.
Trong thực hiện nhiệm vụ giúp bạn, vấn đề quan trọng là cần nắm vững đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trên cơ sở đó thực hiện giúp bạn về quân sự, về xây dựng lực lượng và căn cứ địa kháng chiến. Lãnh đạo Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam luôn quan tâm giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ quan điểm: “Cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tự làm lấy. Việt Nam giúp Lào là tạo điều kiện để từng bước Bạn đảm nhận được sứ mệnh lịch sử của đất nước”, phải “thực sự tôn trọng quyền làm chủ” của Bạn, giúp Bạn theo phương châm: “Cơ bản, toàn diện, liên tục và hiệu quả”. Đó là việc giúp Bạn xây dựng và phát triển lực lượng, nhất là mở các chiến dịch Thượng Lào (1953), Trung Lào, Hạ Lào-đông bắc Cam-pu-chia (1954), góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp; tiếp đó là các chiến dịch Nậm Thà (1962), 128, 74.A (1964), Nậm Bạc (1968), Mường Sủi (1969), Toàn Thắng (1970), Đường 9-Nam Lào (1971), Cánh Đồng Chum-Mường Sủi, Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (1972)… tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi từng bước về quân sự, hỗ trợ cuộc đấu tranh chung của nhân dân cả nước Lào, đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh đặc biệt tăng cường”, tạo thế và tạo lực mới, đảm bảo cho Bạn thực hiện thắng lợi “ba đòn chiến lược” và mũi giáp công pháp lý, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở Lào.
Kế đó, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục giúp Quân đội và nhân dân Lào phát triển thực lực cách mạng, xây dựng quốc phòng-an ninh và thế trận phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Từ sau năm 1975, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam với tinh thần trách nhiệm cao, ý thức tôn trọng độc lập chủ quyền của Lào, đã cùng với Bạn xây dựng và chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược cách mạng do Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng ba nước Đông Dương.
3. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự giúp Lào.
Trên cơ sở nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ giúp Lào là phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong xây dựng, chiến đấu và công tác. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng về phát huy nội lực cách mạng Lào, ngay từ đầu, Quân tình nguyện đã xác định chức năng, nhiệm vụ là giúp Bạn chiến đấu, tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang. Những nhiệm vụ này luôn được Quân tình nguyện quán triệt sâu sắc trong suốt quá trình giúp cách mạng Lào.
Nhằm giúp Bạn đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 4 năm 1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào và Tây Lào thành 4 đoàn (80, 81, 82, 83) và thành lập Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào. Trong khi Đoàn 280 đứng chân ở Trung Lào; ở Hạ Lào có các tiểu đoàn Quân tình nguyện hoạt động. Việc chấn chỉnh, nâng quy mô tổ chức Quân tình nguyện đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phối hợp với Quân đội Lào Ít-xa-la mở các chiến dịch lớn thắng lợi, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào.
Trong những năm 1954-1959 quân và dân Lào đấu tranh vì hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc, phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào có phát triển so với trước. Trên cơ sở bàn bạc thống nhất với Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng ta chủ trương đặt chế độ cố vấn4, tách khỏi hệ thống Quân tình nguyện. Đoàn cố vấn quân sự 100 được cử sang giúp Bạn ở ba cấp (Bộ Quốc phòng, Trường quân chính và các đơn vị, địa phương). Trong những năm 1960-1968, khi đế quốc Mỹ thực hiện “chiến tranh đặc biệt” ở Lào, các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục được cử sang: Đoàn 959 giúp các cơ quan Trung ương, Tổng Quân ủy, các quân khu, tỉnh và đơn vị quân đội Pa-thét Lào; Đoàn 463 giúp Quân khu Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Đoàn 565 giúp các địa phương ở Nam Lào.
Cũng trong thời gian này, địch liên tục mở các cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng của cách mạng Lào, nhiệm vụ giúp Bạn giữ vững thành quả cách mạng càng trở nên cấp thiết. Theo yêu cầu của Bạn, Việt Nam lần lượt cử các đoàn Quân tình nguyện sang phối hợp với các đơn vị Quân giải phóng nhân dân Lào chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ các khu căn cứ, vùng giải phóng. Đó là Đoàn 335 ở Thượng Lào; Đoàn 766 ở Sầm Nưa; Đoàn 866 ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, Đoàn 763 và Đoàn 968 ở Nam Lào. Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, tháng 7 năm 1970, Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào được thành lập mang phiên hiệu Bộ tư lệnh 9595. Năm 1971, Bộ tư lệnh 95C được tách ra, thành Đoàn chuyên gia quân sự 959 và Bộ tư lệnh 31. Năm 1972, Sư đoàn 316 hợp nhất với Bộ tư lệnh Mặt trận 31 để trở thành Bộ tư lệnh Mặt trận 316. Đến năm 1973, một lần nữa, Sư đoàn 316 tách khỏi Bộ tư lệnh Mặt trận 31. Mặt trận 31, đến năm 1974 trở thành Sư đoàn 31.
Từ sau năm 1975, trước tình hình các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá cách mạng Lào và theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục cử đoàn Chuyên gia quân sự 576 và một số đơn vị quân đội giúp Bạn xây dựng thực lực cách mạng, xây dựng lực lượng võ trang, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
Có thể nói, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam thường xuyên quán triệt đường lối của Đảng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Với tinh thần quốc tế trong sáng, vô tư, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam luôn được quân và dân Lào thương yêu đùm bọc, che chở coi như anh em ruột thịt trong nhà; được Đảng và Nhà nước Lào đánh giá như một lực lượng của chính mình trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ nền tự do, độc lập của Lào.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trong những năm tháng chiến đấu và công tác trên đất nước Lào anh em, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tặng nhiều tập thể và cá nhân các phần thưởng cao quý; trong đó, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; 51 đơn vị, 35 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhiều tập thể và cá nhân Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam được Đảng và Nhà nước Lào dành tặng nhiều phần thưởng cao quý, do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng Lào.
Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, không ngừng phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Bạn. Tuy nhiên, quá trình giúp Bạn cũng có một số trường hợp cán bộ, chiến sĩ chưa quán triệt đầy đủ đường lối quan điểm của Đảng nên còn có hiện tượng áp đặt hoặc làm thay Bạn. Cũng do hầu hết bộ đội tình nguyện và Chuyên gia quân sự ta không biết tiếng Lào, nên ảnh hưởng nhiều đến kết quả trong quá trình công tác. Một số chiến sĩ còn vi phạm kỷ luật chiến trường, kỷ luật dân vận. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm đó, kiên quyết khắc phục hạn chế, thiếu sót, tạo được lòng tin, củng cố tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào ngày càng vững chắc.
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, chúng ta rất biết ơn công lao to lớn, sự hy sinh cao cả vì nhiệm vụ quốc tế của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự; luôn tưởng nhớ với lòng biết ơn, sự kính trọng sâu sắc nhất tới những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường Lào góp phần tô thắm truyền thống đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào anh em.
Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào đã và đang giành được nhiều thắng lợi rất quan trọng. Trong những thắng lợi đó, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế mà Đảng, nhân dân, quân đội giao phó. Đó là thắng lợi của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào; đồng thời là thắng lợi chung của nhân dân ba nước Đông Dương. Đó là một quy luật khách quan, một biểu tượng cao đẹp, mẫu mực của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước có độc lập, chủ quyền, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Ngày nay, cách mạng hai nước đã chuyển sang thời kỳ mới-thời kỳ độc lập và phát triển của mỗi quốc gia vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Sự lãnh đạo của hai Đảng và hai Nhà nước là yếu tố cơ bản đảm bảo cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước không ngừng tăng cường và phát triển. Truyền thống đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu và những bài học-kinh nghiệm là di sản vô cùng quý báu, phải được giữ gìn và tiếp tục phát huy, phát triển cao hơn, lớn hơn và rộng mạnh hơn trong điều kiện mới; vì mục tiêu Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Thượng tướng PHAN TRUNG KIÊN
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
(1) Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Ban tổng kết Bộ Tổng tham mưu xuất bản, 1991, tr.224-225.
(2) Dẫn theo Lịch sử Quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Lào (1945-1954), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.363.
(3) Từ ngày 22 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1955, Hội nghị đại biểu các chiến sĩ cộng sản Lào họp quyết định thành lập Đảng Nhân dân Lào, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn làm Bí thư Ban chỉ đạo Trung ương kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng chỉ huy Quân đội Pa-thét Lào.
(4) Từ năm 1959 đổi gọi là Chuyên gia quân sự.
(5) Đây là tổ chức tương đương cấp quân khu.