QĐND - Trong bài trả lời phỏng vấn đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-ô (Charles Fourniaux), phóng viên Báo Nhân đạo (L’ Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp, ngày 15-7-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước mắt các dân tộc phương Đông, Lê-nin không phải chỉ là một lãnh tụ, một người chỉ huy. Đó cũng là một người thầy có sức hấp dẫn; tính coi thường sự xa hoa, lòng ham mê công việc, đời sống trong sạch, sự giản dị và tâm hồn cao thượng của Người làm cho trái tim chúng tôi hướng về Người, không gì ngăn cản nổi…”(2). Nếu so sánh thời điểm của bài trả lời phỏng vấn này với thời điểm Người hoàn thiện lần cuối cùng Bản Di chúc lịch sử thì bài này muộn hơn 2 tháng, và chỉ hơn một tháng sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Bởi vậy cũng có thể nói những tư tưởng, tình cảm mà Người dành cho Lê-nin trong bài trả lời phỏng vấn đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-ô như là một bổ sung, làm rõ tư tưởng, tình cảm của mình đối với Mác, Lê-nin mà Người đã nói tới trong Di chúc.

Lenin tại điện Smonui,25-12-1917. Ảnh internet.

Cuộc khủng hoảng và sự sụp đổ một bộ phận quan trọng của hệ thống xã hội XHCN vào cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước là một tổn thất nặng nề của CNXH. Lợi dụng cơ hội này, các thế lực thù địch CNXH và những kẻ phản bội, cơ hội đã xuyên tạc, phủ nhận, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, CNXH khoa học và cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười. Với khẩu hiệu “đánh đổ thần tượng”, chúng công kích Lê-nin nhằm làm mất lòng tin của các dân tộc trong Liên bang Xô-viết và nhân dân lao động trên toàn thế giới vào con đường XHCN. Rất tiếc, trong thời điểm diễn ra những biến động xã hội to lớn, một số người cộng sản do những nguyên nhân khác nhau, trước thực trạng suy thoái về chính trị-tư tưởng trong Đảng, đặc biệt là trước cuộc sống của “tầng lớp đặc quyền”(3) trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã không nhận thức đúng nguyên nhân cơ bản, chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của CNXH, đã đánh giá không công bằng đối với Lê-nin.

Lịch sử không thể thay đổi, người ta chỉ có thể thay đổi nhận thức về lịch sử. Thời gian càng lùi xa, khi cơn địa chấn chính trị của cải tổ đã lắng xuống, những cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu về tài chính tiền tệ (2007-2009), phong trào “Chiếm phố Wall” và vấn đề nợ công ở châu Âu hiện nay càng làm cho Cách mạng Tháng Mười, vai trò của CNXH được đánh giá cao, như là con đường tất yếu của nhân loại. Tương tự như vậy, Lê-nin, linh hồn của CNXH và phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX, đã và sẽ là một thần tượng không bao giờ có thể bị đánh đổ.   

Thử hỏi, nếu không có Lê-nin thì có thể có Đảng Cộng sản Liên Xô, có Cách mạng Tháng Mười, có thành quả xây dựng xã hội XHCN mà không có những thành quả đó liệu Hồng quân Liên Xô có đủ sức mạnh quân sự đánh thắng chủ nghĩa phát-xít được không? Và, nếu chủ nghĩa phát-xít vẫn tồn tại thì số phận của các dân tộc bị áp bức trên thế giới sẽ như thế nào?

Đối với dân tộc ta, nếu không có Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và ảnh hưởng của lý luận đó đối với Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), nếu không có Cách mạng Tháng Mười, không có chiến thắng phát-xít của Đồng minh trong đó Liên Xô đóng vai trò trụ cột thì cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng như các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược của nhân dân ta chắc không thể giành được thắng lợi trọn vẹn như ngày nay.

Vào giữa thập kỷ 80 thế kỷ XX, nhờ đổi mới tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn dựa trên các nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Việt Nam đã trụ vững trước cơn bão táp chính trị-cải tổ diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu. Không những thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành đổi mới mô hình xây dựng CNXH và đã giành được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, khó khăn, thách thức vẫn đang ở phía trước. Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng ta nhận định: “Nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn… Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng… Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp…”(4).

Lê-nin - người khởi xướng đổi mới tư duy lý luận XHCN. Ngày nay, nghiên cứu các trước tác của Lê-nin, nhất là những công trình Người viết vào 3 năm cuối đời, 1921-1923, chúng ta nhận thấy Lê-nin không chỉ là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng xã hội XHCN mà đồng thời Lê-nin cũng là người khởi xướng đổi mới tư duy lý luận về xã hội XHCN. Những tư tưởng đổi mới XHCN của Người đến nay vẫn còn tiềm năng to lớn mà chúng ta có thể vận dụng, phát triển phục vụ cho công tác lý luận và hoạt động thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân ta.     

Vào mùa xuân năm 1921, nghĩa là chỉ hơn 3 năm sau khi Cách mạng Tháng Mười giành được thắng lợi, trước những khó khăn của nước Nga Xô-viết sau khi đánh thắng cuộc chiến tranh can thiệp của chủ nghĩa đế quốc, Lê-nin đã sớm nhận thấy những sai lầm duy ý chí trong chính sách “Cộng sản thời chiến”, và Người đã quyết định phải thay đổi chiến lược cách mạng. Lê-nin nói: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là quan điểm của chúng ta về CNXH đã thay đổi căn bản. Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: Trước đây, chúng ta đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác vào đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền, v.v.. Ngày nay, trọng tâm công tác đã chuyển sang công tác hòa bình tổ chức văn hóa”(5).

Với Lê-nin, đổi mới xã hội XHCN, đổi mới lý luận-chính trị trước hết phải giữ vững tư tưởng cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác; phải đánh giá đúng những thành tựu và cả những sai lầm, tổn thất của cách mạng. Trên cơ sở đó, mạnh dạn đề ra chiến lược thích hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước.

Cách mạng XHCN và sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN ở những quốc gia phát triển trung bình và còn lạc hậu, là điều chưa từng có tiền lệ. Đó cũng không phải là một quá trình “lịch sử tự nhiên” như sự ra đời và phát triển của các xã hội người bóc lột người. Về vấn đề này, Lê-nin đã phê phán những kẻ tôn sùng quy luật lịch sử tự nhiên mà Mác đã nói đến chỉ là những kẻ “thông thái rởm“. Người chỉ ra rằng: “Cái quyết định trong Chủ nghĩa Mác chính là biện chứng cách mạng”(6). Bởi vậy, cách mạng XHCN và sự nghiệp xây dựng CNXH là một quá trình phát triển biện chứng mang tính chất cách mạng - nghĩa là phải dựa vào nhận thức và hành động tự giác, sáng tạo của đảng lãnh đạo - cầm quyền và của cả xã hội.        

Lịch sử cho thấy, không có cuộc cách mạng nào mà người lãnh đạo, đảng cầm quyền không ít nhiều phạm sai lầm, khuyết điểm, cũng như khó tránh khỏi tổn thất. Vấn đề là ở chỗ những người cách mạng có nhận thức được những sai lầm của mình để khắc phục, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên hay không. Là một nhà cách mạng đồng thời là một nhân cách lớn, Lê-nin luôn trăn trở về những gì mà cách mạng đã trải qua, những gì mà nhân dân đã phải gánh chịu, cũng như Đảng cầm quyền phải có trách nhiệm. Người đã đánh giá khách quan, trung thực những tổn thất của cách mạng, Người nói: “Trong những điều kiện của chúng ta từ trước đến nay, chúng ta đã không có thời giờ xem xét chúng ta đã đập vỡ cái gì quá đi không, chúng ta đã không có thì giờ xem xét có nhiều nạn nhân quá đi không…”(7). Với Lê-nin, Đảng Cộng sản cầm quyền không có lợi ích gì khác ngoài lợi ích của nhân dân. Điều này đòi hỏi trong hoạt động thực tiễn, Đảng phải biết “dùng quần chúng để kiểm nghiệm” đường lối, chính sách của Đảng”. Như cách nói của Người là phải biết “lắng nghe sự mách bảo của cuộc sống”(8).

Xây dựng nhà nước của dân, trong sạch, vững mạnh, có đội ngũ cán bộ công chức tận tâm với công việc và có kỹ năng quản lý tốt là điều Lê-nin đặc biệt quan tâm. Có thể nói, Người vô cùng bức xúc trước tình trạng “quan liêu”, tham nhũng tồn tại trong bộ máy “Xô-viết” và trong tổ chức Đảng lúc đó. Trong tác phẩm Thà ít mà tốt (1923), Lê-nin viết: “Tình hình bộ máy Nhà nước của chúng ta là đáng buồn, và cũng có thể là đáng kinh tởm,… Ở nước ta bọn quan liêu có không những trong các cơ quan Xô-viết, mà còn có cả trong những cơ quan Đảng nữa…”(9). Người đặt ra những nhiệm vụ phải xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, phải học hỏi kỹ năng quản lý ở những quốc gia phát triển lúc đó. Người còn nói: “Quy tắc của chúng ta là: Càng ít bầy vẽ các điều phiền phức càng tốt, càng ít bịa đặt ra những cái không cần thiết càng tốt”(10). Đọc những dòng này tưởng như Người đang nói về sự cấp bách của nhiệm vụ cải cách hành chính của chúng ta.

Thực hiện “Chính sách kinh tế mới”, khôi phục kinh tế thị trường là nội dung cơ bản đổi mới tư duy kinh tế của Lê-nin.Chính sách kinh tế mới trước hết là để giải quyết những khó khăn trước mắt của đất nước, như tình trạng thiếu lương thực, sự trì trệ của nền kinh tế nói chung. Nhưng nếu nhìn ở tầm tư duy lý luận thì đó là một bước vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận kinh tế cộng sản chủ nghĩa mà Mác và Ăng-ghen đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Lê-nin cho rằng chính sách “Cộng sản thời chiến”, dùng mệnh lệnh trực tiếp của nhà nước vô sản để tổ chức… và phân phối sản phẩm, theo kiểu cộng sản chủ nghĩa, không còn thích hợp nữa. Người cho rằng, cần phải thực hiện chính sách kinh tế mới mà nội dung cơ bản là khôi phục lại “chế độ kinh tế… tức là thương nghiệp, tiểu nông nghiệp, tiểu kinh doanh, chủ nghĩa tư bản… (và) bằng cách nhà nước điều tiết cái đó”(11). Nói như ngày nay, những biện pháp mà Lê-nin đề xuất là khôi phục và xây dựng nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với sự điều tiết của nhà nước XHCN. Lê-nin đã chỉ rõ bản chất xã hội của những biện pháp này “không phải bằng cách trực tiếp dựa vào tinh thần phấn khởi… mà dựa vào hứng thú cá nhân, dựa vào lợi ích cá nhân, bằng cách áp dụng nguyên tắc hạch toán kinh tế…” như là “bắc những chiếc cầu vững chắc… xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước để sang CNXH”(12). 

Lê-nin không chỉ là một nhà cách mạng mà còn là một trí thức lớn. Người sớm nhận thấy xã hội XHCN như Mác nói là xã hội “hậu tư bản”. Bởi vậy, với Người, xã hội đó phải kế thừa những thành tựu khoa học công nghệ của chủ nghĩa tư bản. Người nhiều lần nói: “Không có kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản lớn được xây dựng trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại, không có một sự tổ chức có kế hoạch của nhà nước… thì không thể có chủ nghĩa xã hội được”(13).

Khác với thời kỳ chính sách kinh tế mới của nước Nga Xô-viết, công cuộc đổi mới của chúng ta đã trải qua hơn 20 năm, ngày nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng, vấn đề đối với Việt Nam ngày nay không phải là sự lựa chọn kinh tế kế hoạch hóa kiểu cũ hay kinh tế thị trường nữa mà bảo đảm “định hướng XHCN” của nền kinh tế của chúng ta như thế nào? Chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng mà Hội nghị Trung ương lần thứ ba (khóa XI) đã đề ra phải dựa trên nguyên tắc gì để “không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay lợi ích nhóm chi phối”(14)…

Trên lĩnh vực khoa học-công nghệ và môi trường, vấn đề ngày nay không phải là thiếu công nghệ, thậm chí cũng không phải là thiếu vốn mà là lựa chọn công nghệ nào, làm sao bảo đảm được sự bền vững của môi trường, làm sao thông qua hợp tác-đầu tư để nâng cao được năng lực thật sự của nền kinh tế đất nước…

Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, những chỉ dẫn sắc sảo của Lê-nin, vẫn đang là nguồn cảm hứng lớn đối với chúng ta. Có thể nói, chưa có một lãnh tụ nào có sự hiểu biết sâu sắc và đánh giá đúng vai trò, vị trí của văn hóa đối với chế độ xã hội XHCN như Lê-nin. Khi nói về sự thay đổi quan điểm về CNXH, Người nói: “Ngày nay, trọng tâm ấy (công tác của Đảng) đã chuyển sang công tác hòa bình xây dựng văn hóa”… Người nhấn mạnh: “Nếu gác tình hình quốc tế ra, mà chỉ nói đến quan hệ kinh tế trong nước thì trọng tâm công tác hiện nay quả là xoay vào hoạt động văn hóa giáo dục”(15).

Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ rõ, giáo dục là chìa khóa cho sự phát triển của các quốc gia. Tính ưu việt của một chế độ xã hội, trước hết phải được thể hiện trong những chính sách xã hội cơ bản, trong đó có giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội. Với Lê-nin, những từ ngữ về chế độ xã hội không quan trọng bằng sự cảm nhận của họ với chế độ xã hội. Người nói một cách giản dị: “Hãy đưa CNXH vào cuộc sống”. Nói cách khác, hãy làm cho người dân cảm nhận chế độ xã hội đó thông qua lợi ích thiết thân của họ.

Lê-nin đã nhiều lần phê phán bệnh “kiêu ngạo cộng sản". Người nói: “Người ta sẽ mắc sai lầm khi nghĩ rằng mình “có thể trở thành người cộng sản mà không cần thấm nhuần tổng số những kiến thức do khoa học loài người đã tích lũy được”(16). Người cũng đã nhiều lần nói: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản sau khi đã làm giàu trí nhớ của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức của nhân loại đã tạo ra”(17). 

Lê-nin đã nói: Cách tốt nhất để kỷ niệm một cuộc cách mạng là tập trung sự chú ý vào những nhiệm vụ mà cuộc cách mạng đó chưa hoàn thành. Đối với chúng ta, để kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười - tiền đề cho mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -nhiệm vụ đó là đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo những nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đặc biệt là kế thừa và phát triển những tư tưởng đổi mới XHCN của Lê-nin hướng tới xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cao Đức Thái (1)

(1) - Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

(2) - Hồ Chí Minh Tuyển tập, T I, NXB CTQG, HN, 1980, tr 521, 522

(3) - Báo Nhân Dân điện tử -“Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô”

(4) - Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, năm 2011, tr 29.

(5) - V.I.Lê-nin Tuyển tập (1 tập), NXB Tiến bộ, Matxcơva, tr 809.

(6) - V.I.Lê-nin Tuyển tập, SDD, tr 811

(7) - V.I.Lê-nin Tuyển tập, SDD, tr 789

(8) - V.I.Lê-nin Tuyển tập, SDD, tr 759

(9) - V.I.Lê- nin Tuyển tập, SDD, tr 815, 823.

(10) - V.I.Lê- nin Tuyển tập, SDD, tr 806

(11,12,13) - V.I.Lê-nin Tuyển tập, SDD, tr 762, 759, 518

(14) - Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương ba, Báo Tiền Phong ngày 10-10-2011 (Theo TTXVN).

(15) - V.I.Lê-nin Tuyển tập, SDD, tr 809,810

(16), - V.I.Lê-nin Tuyển tập, SDD, tr 712

(17) - V.I.Lê-nin Tuyển tập, SDD, tr 713